Thứ Bảy – Tuần 33 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Bảy – Tuần 33 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: I Mac 6:1-13; Lk 20:27-40.

1/ Bài đọc I: 1 Còn vua An-ti-ô-khô thì rảo khắp các miền thượng du. Vua nghe tin ở Ba-tư có thành Ê-ly-mai, một thành nổi tiếng vì nhiều của cải vàng bạc.

2 Đền thờ trong thành cũng có nhiều báu vật, có cả những mảnh giáp trụ bằng vàng, có áo giáp và vũ khí mà con vua Phi-líp-phê là A-lê-xan-đê đã để lại ; ông này là vua miền Ma-kê-đô-ni-a và là người đầu tiên cai trị nước Hy-lạp. 3 Vậy vua An-ti-ô-khô đã tới đó, tìm cách đánh chiếm và cướp phá thành, nhưng không thành công, vì dân trong thành đã hay tin trước.

4 Họ đứng lên giao chiến chống lại vua khiến vua phải bỏ chạy về Ba-by-lon, lòng buồn não ruột.

5 Bấy giờ vua đang ở Ba-tư. Có người đến báo cho vua biết là các đoàn quân sang đất Giu-đa đã bị thảm bại: 6 Tướng Ly-xi-a chỉ huy đoàn quân tinh nhuệ nhất đã bị người Do-thái đẩy lui. Những người này càng thêm mạnh nhờ vũ khí, quân nhu và và nhiều chiến lợi phẩm thu được của những đoàn quân đã bị họ đánh tan tành. 7 Họ đã triệt hạ Đồ ghê tởm do vua xây ở trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu tại Giê-ru-sa-lem, rồi xây tường luỹ cao chung quanh Thánh Điện giống như ngày xưa. Cả thành Bết Xua của vua, họ cũng xây như vậy.

8 Nghe tin ấy, vua rất đỗi kinh hoàng. Vua lâm bệnh liệt giường vì phiền não, lại cũng vì sự việc không diễn ra như lòng mong ước.

9 Vua nằm liệt như thế đã lâu, nỗi buồn cứ ngày đêm ray rứt. Tưởng như ngày chết đã gần kề,

10 vua cho vời bạn hữu đến và nói : “Tôi không thể chợp mắt, vì nỗi âu lo canh cánh bên lòng.

11 Tôi tự nhủ : Tại sao giờ đây tôi phải điêu đứng khổ sở như thế này ? Trước kia, khi đang cầm quyền, tôi hạnh phúc và được yêu mến biết bao !

12 Nhưng bây giờ, nhớ lại thời ở Giê-ru-sa-lem, tôi đã lấy mọi vật dụng bằng bạc bằng vàng, đã sai người đi tiêu diệt dân cư ở miền Giu-đa mà không có lý do chính đáng. Hồi tưởng lại những hành vi tàn bạo đó, 13 tôi biết chắc rằng chính vì thế mà tôi gặp phải bao nhiêu tai biến, và giờ đây sắp phải chết nơi đất khách quê người vì buồn phiền vô hạn.

2/ Phúc Âm: 27 Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.

29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.

30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết.

33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”

34 Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.

36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” 39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40 Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự sống lại và cuộc sống đời đời

Có thể nói câu hỏi: “Có sự sống lại và cuộc sống đời đời không?” là câu hỏi then chốt và quan trọng nhất của cuộc đời; vì niềm tin này sẽ hướng dẫn con người trong cuộc sống ở đời này. Nếu con người tin có sự sống lại và cuộc sống vĩnh cửu mai sau, con người sẽ biết sống ở đời này làm sao để đạt được cuộc sống vĩnh cửu mai sau; nếu không tin có sự sống lại và cuộc sống đời sau, con người sẽ tập trung mọi cố gắng để làm sao cho cuộc sống đời này được hạnh phúc và hưởng thụ tối đa, mà không cần quan tâm đến việc thưởng phạt ở đời sau. Niềm tin vào sự sống lại, tuy đã được đề cập đến trong Cựu-Ước, nhưng chưa được cắt nghĩa rõ ràng; đa số người thời đó tin hạnh phúc chỉ ở đời này: sống lâu trăm tuổi, con đàn cháu đống, được Thiên Chúa ban muôn phúc lành. Quan niệm về sự bất tử của linh hồn được cắt nghĩa rõ ràng hơn trong Sách Khôn Ngoan (khỏang ~100 BC), và sự sống lại trong Sách Maccabees (~150 BC). Khi Đức Kitô nhập thể, Ngài đã mặc khải rõ ràng cho con người những điều này và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa trong các Sách Tin Mừng.

Các Bài đọc hôm nay tập trung vào việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi quan trọng này. Trong Bài đọc I, vua Antiochus hối hận về những việc làm gian ác đã gây ra cho người Do-thái trong những ngày cuối đời, khi nhà vua phải đương đầu với những thất bại liên tiếp, bệnh tật, và sự chết. Trong Phúc Âm, những người Sadducees muốn chứng minh không có sự sống lại nên dựng nên một câu truyện giả sử để hỏi thử Chúa. Ngài trả lời Nhóm Sadducees về sự sống lại và sửa sai niềm tin của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tôi biết chắc rằng chính vì thế mà tôi gặp phải bao nhiêu tai biến.

1.1/ Những thất bại liên tiếp của vua Antiochus:

(1) Lòng tham vô đáy: Những người tham lam không bao giờ bằng lòng với những gì họ đang có, lòng họ luôn mong muốn có nhiều của cải hơn. Khi con người say men chiến thắng, họ nghĩ họ có thể làm mọi sự, và không ai có thể ngăn cản họ. Đó là lý do mà khi vua Antiochus ”nghe tin ở Ba-tư có thành Elymais, một thành nổi tiếng vì nhiều của cải vàng bạc. Đền thờ trong thành cũng có nhiều báu vật, có cả những mảnh giáp trụ bằng vàng, có áo giáp và vũ khí mà con vua Philíp là Alexandre đã để lại;” nhà vua đã tới đó, tìm cách đánh chiếm và cướp phá thành.

Nhưng lần này không thành công, vì dân trong thành đã hay tin trước. Họ đứng lên giao chiến chống lại vua khiến vua phải bỏ chạy về Babylon mà lòng buồn não ruột.

(2) Thất bại trong việc quản trị đất Judah: Việc gian ác và cai trị bất chính sẽ không tồn tại lâu dài vì “trời cao có mắt.” Hơn nữa, khi con người bị dồn vào chân tường, họ sẽ phản ứng lại để bảo vệ sự sống còn của họ. Đang khi vua ở Ba-tư, có người đến báo cho vua biết là các đoàn quân bên đất Judah đã bị thảm bại: ”Tướng Lysias chỉ huy đoàn quân tinh nhuệ nhất đã bị người Do-thái đẩy lui. Những người này càng thêm mạnh nhờ vũ khí, quân nhu và và nhiều chiến lợi phẩm thu được của những đoàn quân đã bị họ đánh tan tành. Họ đã triệt hạ Đồ ghê tởm do vua xây ở trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu tại Jerusalem, rồi xây tường luỹ cao chung quanh Thánh Điện giống như ngày xưa. Cả thành Bethzur của vua, họ cũng xây như vậy.” Nghe tin ấy, vua rất đỗi kinh hoàng. Vua lâm bệnh liệt giường vì phiền não, lại cũng vì sự việc không diễn ra như lòng mong ước.

1.2/ Gieo gió sẽ gặt bão: Khi đối diện với thất bại, bệnh tật, và sự chết, con người mới biết suy nghĩ lại những việc gian ác họ đã làm. Vua Antiochus nhận ra tất cả của cải ông đã vơ vét được cách bất chính không đem lại hạnh phúc cho ông. Máu của những người vô tội đổ ra vì tham vọng ngông cuồng của ông giờ đây trở lại ám ảnh ông ngày đêm. Vua Antiochus nhận ra sự liên quan giữa bệnh tật ông đang chịu với những hành vi gian ác ông đã làm. Vua nói với các bạn hữu: “Hồi tưởng lại những hành vi tàn bạo đó, tôi biết chắc rằng chính vì thế mà tôi gặp phải bao nhiêu tai biến, và giờ đây sắp phải chết nơi đất khách quê người vì buồn phiền vô hạn.”

Những suy xét của vua Antiochus phải là bài học cho những người ngông cuồng không chịu tuân theo luật tự nhiên của Đấng Tạo Hóa. Họ phải biết một luật luân lý hết sức nền tảng của con người họ phải tuân theo là “làm lành tránh dữ.” Theo nguyên lý nhân quả, con người phải hứng chịu mọi hậu quả về các hành động họ làm khi còn sống trên dương gian này. Nếu làm những điều tốt lành, họ sẽ được thưởng công xứng đáng; nếu làm những sự gian ác, họ sẽ phải đền trả cách cân xứng. Hầu hết các tôn giáo lớn trên địa cầu đều chịu ảnh hưởng của nguyên lý này, cho dù mỗi tôn giáo một niềm tin khác nhau.

2/ Phúc Âm: Có sự sống lại hay không?

2.1/ Câu hỏi khó của Nhóm Sadducees nhằm chứng minh không có sự sống lại: Nhóm này chỉ tin vào Sách Luật Moses và không tin có sự sống lại. Đó là lý do tại sao họ đến và hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ông Moses có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình (Deut 25:5). Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” Câu hỏi của họ tuy dựa trên Lề Luật, nhưng không thực sự xảy ra trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu có sự sống lại, nàng sẽ thuộc về ai trong 7 người anh em?

2.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu tách rời 2 vấn đề của họ: chuyện vợ chồng và sự sống lại; đồng thời Ngài sửa sai niềm tin của họ:

(1) Chuyện vợ chồng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.” Vợ chồng chỉ xảy ra khi còn ở dương gian; tất cả là anh chị em trong cuộc sống mai sau. Con người không có nhu cầu để cưới vợ lấy chồng trên Thiên Đàng như Hồi-Giáo tin.

(2) Cuộc sống trường sinh: “Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.”

(3) Chúa dùng Luật họ tin để bắt bẻ sự tin sai của họ: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Moses cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai (Exo 3:1-6), khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên Chúa của tổ phụ Jacob. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.” Nếu họ tin “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống,” họ phải tin các tổ phụ Abraham, Isaac, và Jacob vẫn đang sống; nói cách khác, họ phải tin có sự sống lại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình khi còn sống trên dương gian; vì thế, chúng ta phải luôn hành động theo Luật Chúa dạy và luật tự nhiên.

– Căn bản của niềm tin vào sự sống lại là chính Chúa Giêsu. Chúng ta phải để niềm tin này nuôi dưỡng và soi sáng mọi công việc chúng ta làm, và phải biết sống làm sao ở đời này để xứng đáng thừa hưởng cuộc sống mai sau.

Save

Save

Skip to content