Thứ Bảy, Tuần II TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Bảy, Tuần II TN2

 

Bài đọc: Heb 9:2-3, 11-14; II Sam 1:1-4, 11-12, 19, 23-27; Mk 3:20-21.

 

1/ Bài đọc I (năm lẻ): 2 Quả thật, một cái lều, cái lều thứ nhất, đã được dựng lên; lều này được gọi là Nơi Thánh, có cây đèn bảy ngọn, có bàn và bánh dâng tiến.

3 Đằng sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh.

11 Nhưng Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này.

12 Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.

13 Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch,

14 thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.

 

2/ Bài đọc I (năm chẵn): 1 Sau khi vua Sa-un chết, ông Đa-vít đánh thắng người A-ma-lếch trở về, và ở lại Xích-lắc hai ngày. 2 Sang ngày thứ ba, có một người từ trại, từ bên vua Sa-un đến, áo quần xé rách, đầu thì rắc đất. Khi đến gần ông Đa-vít, anh ta sấp mình xuống đất và sụp lạy.

3 Ông Đa-vít hỏi anh: “Anh từ đâu đến?” Anh trả lời ông: “Tôi đã chạy thoát từ trại Ít-ra-en.”

4 Ông Đa-vít nói với anh: “Chuyện gì đã xảy ra? Kể lại cho tôi đi!” Anh nói: “Dân đã bỏ chiến trường mà chạy trốn; nhiều người trong dân tử trận, cả vua Sa-un và con vua là ông Giô-na-than cũng đã chết.”

11 Ông Đa-vít nắm lấy áo mình mà xé ra, tất cả những người ở với ông cũng vậy.

12 Họ cử hành tang lễ, khóc lóc và ăn chay cho đến chiều để tỏ lòng thương tiếc vua Sa-un và ông Giô-na-than, con vua, thương tiếc dân Đức Chúa và nhà Ít-ra-en, vì những người này đã ngã gục dưới lưỡi gươm.

19 “Hỡi Ít-ra-en, trên các đồi của ngươi, những người con ưu tú đã bỏ mình. Than ôi! Anh hùng nay ngã gục! 23 Sa-un và Giô-na-than, ôi những con người dễ thương, dễ mến,

sống chẳng xa nhau, chết cũng chẳng rời, nhanh hơn chim bằng, mạnh hơn sư tử!

24 Thiếu nữ Ít-ra-en hỡi, hãy khóc Sa-un, người đã mặc cho các cô vải điều lộng lẫy,
đính trên áo các cô đồ trang sức bằng vàng.

25 Than ôi! Các anh hùng đã ngã gục giữa lúc giao tranh!
Trên các đồi của ngươi, Giô-na-than đã bỏ mình!

26 Giô-na-than, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết mấy!
Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ.

27 Than ôi! Anh hùng nay ngã gục, võ khí đã tan tành!”

 

3/ Phúc Âm: 20 Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.


 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải nhận ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa và của tha nhân.

 

Khi yêu, con người làm những việc bị người khác coi là điên khùng; chẳng hạn, đứng chờ người yêu dưới mưa, hay sẵn sàng chết vì người mình yêu. Nhưng đối với những người đang yêu, họ được thúc đẩy phải biểu lộ để chứng tỏ tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã từng rửa chân cho các tông-đồ và căn dặn các ông cũng phải rửa chân cho nhau. Ngài cũng đã nói với các ông: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình của người chết vì yêu.” Ngài không chỉ nói, nhưng đã vác Thập Giá lên đồi Golgotha để chết cho con người, để chứng tỏ tình yêu của Ngài.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc phải nhận ra những biểu lộ tình yêu qua những hy sinh của Chúa Giêsu và của tha nhân. Trong Bài Đọc I, tác-giả Thư Do-thái so sánh máu của Chúa Giêsu đổ ra để xóa tội cho con người với máu của chiên bò rảy trên con người của Cựu Ước. Nếu máu chiên bò có thể cất đi tội cho con người, huống hồ là máu của Con Thiên Chúa! Trong Bài Đọc I, năm chẵn, David và toàn dân khóc thương vua Saul, con vua là Jonathan, và những người đã tử trận. Tất cả nhớ lại những gì hai cha con và binh lính đã hy sinh xương máu để bảo vệ dân chúng trong suốt cuộc đời. Trong Phúc Âm, vì quá yêu thương dân chúng, Chúa Giêsu và các môn đệ làm việc không ngơi nghỉ đến nỗi không có thời giờ để ăn uống. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Máu của Đức Kitô đổ ra có sức thanh tẩy hiệu quả hơn máu của chiên bò.

 

1.1/ Lều Hội Ngộ và Lều của Đức Kitô: Sau khi đã so sánh phẩm trật thượng tế và lễ vật hy sinh, tác giả Thư Do-thái muốn so sánh nơi chốn mà thượng tế dâng lễ vật. Lều Hội Ngộ, nơi mà các thượng tế dâng lễ hy sinh trong Ngày Đền Tội mỗi năm, được dựng nên bởi con người theo kiểu mẫu Thiên Chúa mặc khải cho Moses. Lều này chỉ là hình bóng của một thực tại, một cái Lều lớn hơn và hoàn hảo hơn; không do bàn tay con người xây dựng và không thuộc về thế giới này, nhưng do chính Thiên Chúa tạo dựng.

(1) Lều Hội Ngộ: Trong Cựu-Ước, Lều này được cấu trúc theo mô hình mà Thiên Chúa đã mặc khải cho Moses. Tác giả mô tả vắn tắt như sau: “Lều này được gọi là Nơi Thánh, có cây đèn bảy ngọn, có bàn và bánh dâng tiến. Đằng sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh.” Các tư tế có thể vào Nơi Thánh để dâng lễ vật hàng tuần; nhưng chỉ có thượng tế mới được vào Nơi Cực Thánh, mỗi năm một lần, để dâng lễ vật cho mình và cho dân.

(2) Lều lớn và hoàn hảo hơn: “Nhưng Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này.” Có học-giả cho rằng, Lều này chính là thân xác Chúa Giêsu, nhưng thân xác Chúa Giêsu được cưu mang và thành hình bởi Đức Mẹ, một con người. Lối giải thích hợp lý hơn cho Lều này chính là con người Chúa Giêsu, kết hợp bởi cả thiên tính và nhân tính, như Thánh Ambrosio nói: “Bàn thờ tượng trưng thân thể Chúa Kitô, và thân thể của Chúa Kitô ở trên bàn thờ” (GLCG trưng Ambrosio, Sacer. 4, 7). Hiểu như thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là Lễ Hy Sinh, vừa là Bàn Thờ.

 

1.2/ Máu của Đức Kitô và máu của chiên bò: Tác giả đã so sánh lễ hy sinh của Cựu Ước với Lễ Hy Sinh của Thượng Tế Giêsu; giờ đây, tác giả so sánh về hiệu quả của máu đổ ra của hai lễ hy sinh này. Trong Cựu Ước, máu đổ ra là máu của chiên, dê, bò; trong Tân Ước, máu đổ ra là chính máu của Thượng Tế Giêsu, Người Con của Thiên Chúa. Máu của Đức Kitô đem lại cho con người những hiệu quả sau:

(1) Sự vững bền: Máu súc vật phải đổ mỗi lần con người phạm tội. Máu Đức Kitô đổ một lần là đủ: “Người chỉ đổ máu một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.”

(2) Hiệu quả: Theo truyền thống Do-thái, máu súc vật chỉ có thể lấy đi những tội phạm vì vô tình; những tội cố ý phạm, không máu súc vật nào có thể lấy đi được. Máu của Đức Kitô vì là máu của tự nguyện, của yêu thương, của Con Thiên Chúa, có thể tha thứ tất cả các tội: “Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.”

 

2/ Bài đọc I (năm chẵn): “Hỡi Israel, trên các đồi của ngươi, những người con ưu tú đã bỏ mình.”

 

2.1/ Phải biết tri ân những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ quốc gia:

(1) Nhà lãnh đạo biết đặt lợi ích quốc gia lên trên những xung đột cá nhân: Thông thường, nhiều người sẽ vui mừng khi thấy đối phương của mình không còn nữa, không còn phải lo đề phòng tai hại, và nhất là ngày mình được làm vua sẽ thành tựu. Điều này không đúng trong trường hợp của David, vì ông tôn trọng vua Saul, người đã được Đức Chúa xức dầu phong vương; và yêu mến Jonathan, con vua, vì tình bằng hữu và ơn cứu tử đã dành cho David. Hơn nữa, David còn đau buồn vì tình đồng bào và nghĩa anh em của những người dân trong cùng một nước; vì thế ông đau đớn khi nghe tường thuật hung tin bởi một binh lính thoát chết trở về: “Dân đã bỏ chiến trường mà chạy trốn; nhiều người trong dân tử trận, cả vua Saul và con vua là ông Jonathan cũng đã chết.”

(2) Nhà lãnh đạo phải có lòng biết ơn đối với những người đi trước: Tiền đồ của dân tộc được xây dựng trên công lao và hy sinh xương máu của những thế hệ đi trước; vì thế, bổn phận của những người đi sau là phải biết ơn, cầu nguyện, và cố gắng bảo vệ gia sản của tiền nhân để lại. Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn, David nắm lấy áo mình mà xé ra, và tất cả những người ở với ông cũng làm như vậy. “Họ cử hành tang lễ, khóc lóc và ăn chay cho đến chiều để tỏ lòng thương tiếc vua Saul và ông Jonathan, con vua, thương tiếc dân Đức Chúa và nhà Israel, vì những người này đã ngã gục dưới lưỡi gươm.” Tất cả những việc làm như: xé áo, bỏ đất lên đầu, khóc lóc, và ăn chay là theo truyền thống khóc thương thân nhân của con cái Israel.

 

2.2/ David khóc thương Saul và Jonathan:

(1) Vua Saul và Jonathan đã hy sinh xương máu để lo lắng và bảo vệ dân: Con người rất dễ quên công ơn của các tiền nhân; nhất là những người mà họ có vấn đề với. Điều này đã không xảy ra cho David, ông nhận ra những công ơn mà cha con của vua Saul đã làm cho quốc gia. Sự hy sinh của họ là lý do đất nước được hưng thịnh và bảo vệ. David khuyên các phụ nữ hãy khóc thương vua Saul và con ông vì những gì hai cha con đã mang lại cho họ: “Thiếu nữ Israel hỡi, hãy khóc Saul, người đã mặc cho các cô vải điều lộng lẫy, đính trên áo các cô đồ trang sức bằng vàng. Than ôi! Các anh hùng đã ngã gục giữa lúc giao tranh! Trên các đồi của ngươi, Jonathan đã bỏ mình!”

(2) David trân quí tình bằng hữu và ơn cứu tử của Jonathan: Tình bằng hữu giữa David và Jonathan bắt đầu bằng việc tôn trọng sự thật. Jonathan nhận thấy cha mình đã không cư xử đúng đắn với tình yêu của David dành cho vua, lý do chỉ vì ghen tị những thành công mà David đã gặt hái được qua việc giết tên khổng lồ Philistine. Jonathan quyết định ngăn cản vua cha về việc đối xử bất công với David, bằng cách cho David biết tất cả ý đồ của nhà vua (I Sam 19-20). Khi nghe tin Jonathan bỏ mình trên chiến trường, David trân quí tình bằng hữu và ơn cứu tử của Jonathan dành cho mình nên khóc thương ông như sau: “Jonathan, anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết mấy! Tình anh đối với tôi thật diệu kỳ hơn cả tình nhi nữ. Than ôi! Anh hùng nay ngã gục, võ khí đã tan tành!”

 

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu và các môn đệ quên mình để lo cho dân chúng.

 

3.1/ Lòng yêu thương của Chúa Giêsu dành cho con người: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.” Những việc này xảy ra là vì Chúa Giêsu và các môn đệ quá thương dân chúng. Nếu Chúa Giêsu không muốn những điều này xảy ra, Ngài chỉ cần đình chỉ việc chữa lành hay lánh đi một nơi hẻo lánh, là giải quyết được vấn đề. Chỉ có tình yêu cho dân chúng mới thúc đẩy Chúa Giêsu và các môn đệ lâm vào hoàn cảnh này; tuy vậy, các ngài vẫn vui vẻ phục vụ.

 

3.2/ Thân nhân không thể hiểu nổi những gì Chúa Giêsu làm: “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” Theo thói thường, người không yêu không thể hiểu nổi lý lẽ của tình yêu. Các thân nhân của Chúa Giêsu không thể nào hiểu nổi tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và cho con người. Theo họ, cuộc sống như Chúa Giêsu đang sống là một điên khùng và thất bại, vì Ngài phải:

(1) Lang thang khắp nơi, nay đây mai đó, không có nghề nghiệp gì nhất định; trong khi theo họ, con người phải có mái nhà an toàn và nghề nghiệp vững chắc để sinh sống.

(2) Kết bạn với những người nghèo khổ và thất học; trong khi theo họ, phải có kiến thức và địa vị cao trọng trong xã hội.

(3) Dám đương đầu với quyền lực của giới cai trị tôn giáo như Biệt-phái, Kinh-sư, Cao-niên. Theo họ, làm như thế là tự mang án tử cho mình.

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

– Nhìn vào những gì Chúa Giêsu đã, đang, và sẽ làm cho con người, chúng ta cảm nhận được tình yêu thâm sâu của Ngài dành cho chúng ta. “Không ai dám hy sinh tính mạng cho người khác; họa chăng có người dám chết vì người công chính. Đức Kitô đã chết cho chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.”

– Chúng ta cần loại bỏ tính ích kỷ, kẻ thù của tình yêu và là mối đe dọa cho lợi ích chung; để biết nhận ra và tri ân những hy sinh cao quí của mọi người đã làm ơn cho chúng ta trong đời.

– Vì Đức Kitô đã yêu thương và hy sinh tất cả cho chúng ta, chúng ta không được ích kỷ để chỉ biết sống cho mình; nhưng phải yêu thương và hy sinh cho người khác như Đức Kitô đã dạy chúng ta.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content