Thứ Bảy Tuần 3 TN

 

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Bảy Tuần 3 TN

Bài đọc: Heb 11:1-2, 8-19; 2 Sam 12:1-7a, 10-17; Mk 4:35-41.

1/ Bài đọc I (năm lẻ): 1 Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. 2 Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám.

8 Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. 9 Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-sa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, 10 vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. 11 Nhờ đức tin, cả bà Sa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. 12 Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được. 13 Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. 14 Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. 15 Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. 16 Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài. 17 Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-sa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. 18 Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. 19 Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): 1 Đức Chúa sai ông Na-than đến với vua Đa-vít. Ông vào gặp vua và nói với vua: “Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. 2 Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. 3 Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái.

4 Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông.” 5 Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Na-than: “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết! 6 Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót.” 7 Ông Na-than nói với vua Đa-vít: “Kẻ đó chính là ngài! Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, phán thế này: 10 Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của U-ri-gia, người Khết, làm vợ ngươi. 11 “Đức Chúa phán thế này: Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây hoạ cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật. 12 Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Ít-ra-en và giữa thanh thiên bạch nhật.”

13 Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: “Tôi đắc tội với Đức Chúa.” Ông Na-than nói với vua Đa-vít: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết. 14 Thế nhưng vì trong việc này ngài đã cả gan khinh thị Đức Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết.” 15 Rồi ông Na-than trở về nhà. 16 Vua Đa-vít cầu khẩn Thiên Chúa cho đứa trẻ, vua ăn chay nhiệm nhặt, và khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất. 17 Các kỳ mục trong nhà của vua nài nỉ xin vua trỗi dậy, nhưng vua không chịu và cũng chẳng ăn chút gì với họ.

3/ Phúc Âm: 35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” 36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. 37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. 38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” 39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. 40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

——————————————————-

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúng ta phải tin những gì Thiên Chúa nói.

Tại sao chúng ta tin một điều là thật? Thông thường có 3 lý do: (1) vì đã thấy; (2) vì cảm thấy hậu quả dù không thấy; và (3), vì thế giá của người nói.

Các Bài Đọc hôm nay đều nhằm mục đích thuyết phục con người tin vào những gì Thiên Chúa nói. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái đưa ra một lý do đơn giản tại sao các tiền nhân tin: vì đó là lời của Thiên Chúa hứa. Ngài không bao giờ quên thực hiện những gì Ngài đã hứa. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, tiên-tri Nathan, một cách rất khéo léo, làm cho vua David nhận ra tội lỗi của ông; và Thiên Chúa bắt ông phải gánh lấy những hình phạt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trách các tông-đồ yếu lòng tin khi các ông đã có chính Ngài, Người có quyền trên sóng gió, cùng đồng hành.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Con người phải sống niềm tin của mình.

1.1/ Định nghĩa của đức tin: Theo tác giả: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” Định nghĩa này nhìn từ góc cạnh của những người đã có đức tin. Thực vậy, để đạt được điều con người hy vọng là cuộc sống đời đời, con người phải tin nơi Đức Kitô (Jn 6:39-40) và những gì Ngài mặc khải về Thiên Chúa. Tuy con người chưa thấy Thiên Chúa và chưa đạt tới cuộc sống đời đời, nhưng niềm tin của con người nơi Đức Kitô là một bằng chứng cho những thực tại này. Ví dụ, khi nhìn thấy đức tin của các nhân chứng tử đạo, con người biết lý do của những cái chết anh hùng này.

1.2/ Gương đức tin của các tiền nhân: Họ là những người tuyệt đối tin tưởng vào lời Thiên Chúa hứa dù chưa nhìn thấy hiệu quả, hay điều Thiên Chúa hứa không thể xảy ra theo cách thức của loài người. Tác-giả dẫn chứng 2 ví dụ:

(1) Tổ-phụ Abraham, cha của những người tin: “Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu.” Để có thể rời bỏ quê cha đất tổ đến sống nơi đất lạ quê người, con người phải được thúc đẩy bởi một lý do chính đáng; vì cuộc sống bấp bênh và nạn kỳ thị chủng tộc mà họ sẽ phải đương đầu với. Lý do Abraham rời bỏ Urs đơn giản là vì lời Thiên Chúa hứa, và ông đặt trọn niềm tin nơi Ngài.

Thiên Chúa không gọi Abraham từ Urs tới một nơi định cư cố định, nhưng lang thang khắp nơi cho tới khi Thiên Chúa cho ông một chỗ định cư vĩnh viễn không thuộc về thế giới này: “Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông Isaac và ông Jacob là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng.”

(2) Sarah, vợ của Abraham: cũng chứng tỏ đức tin của Bà nơi Thiên Chúa. Cả hai ông bà đều đã cao niên (90 tuổi) mà vẫn chưa có con nối dõi tông đường. Cái tuổi này không thể có con theo cách thức con người, nhưng Bà vẫn tin nơi Thiên Chúa, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Ngài có thể làm cho “một người kể như chết rồi mà một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được, được sinh ra.”

1.3/ Đức tin được tinh luyện trong thử thách đau thương:

(1) Vững tin dù đến chết vẫn chưa thấy kết quả: Lời Thiên Chúa hứa sẽ ban đất làm gia sản và giòng dõi vô số đã chưa được thực hiện khi Abraham còn sống ở đời này; nhưng ông vẫn một dạ vững tin nơi Thiên Chúa. Lý do, ông coi mình “là khách ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất, và mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài.”

(2) Vững mạnh trong thử thách: Ngay cả khi đã được một người con nối dõi tông đường là Isaac, ông Abraham vẫn sẵn sàng sát tế Isaac theo những gì Thiên Chúa dạy bảo, để chứng tỏ niềm tin của ông nơi Ngài. Sở dĩ ông làm như thế vì ông tin Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Sau cùng, Thiên Chúa đã nhìn thấy niềm tin tưởng tuyệt đối của ông, và Ngài đã ban cho ông người con ấy như là một biểu tượng của những gì sẽ xảy ra nơi Đức Kitô.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Vua David thú nhận: “Tôi đắc tội với Đức Chúa.”

2.1/ Cách sửa lỗi khéo léo của Nathan: Sửa lỗi người khác là chuyện rất khó làm; sửa lỗi nhà vua còn khó khăn hơn gấp bội. Nếu không khéo, người sửa lỗi sẽ gánh những hậu quả tai hại cho mình. Đức Chúa sai ông Nathan đến với vua David. Nathan dựng nên một câu truyện thoạt nghe không liên quan gì đến tội lỗi của nhà vua: “Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái. Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông.”

Nghe đến đó, vua David bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Nathan: “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót.” Lúc đó, ông Nathan mới nói và chỉ vào vua David: “Kẻ đó chính là ngài!”

2.2/ Hình phạt Đức Chúa sẽ đổ xuống trên David: Như sấm sét giáng trên đầu, vua David bấy giờ mới buồn bã ngồi xuống và nói với ông Nathan: “Tôi đắc tội với Đức Chúa.” Ông Nathan nói với vua David: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết; nhưng nhà vua phải lãnh nhận mọi hình phạt cách tương xứng.

– Chết chóc sẽ xảy ra trong gia đình: “Gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của Uriah, người Hittite, làm vợ ngươi.”

– Hãm hiếp sẽ xảy đến cho các người vợ của David: “Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây hoạ cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật. Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Israel và giữa thanh thiên bạch nhật.”

– Đứa con của David đang cưu mang sẽ phải chết: “vì trong việc này ngài đã cả gan khinh thị Đức Chúa, nên đứa trẻ ngài sinh được, chắc chắn sẽ phải chết.” Vua David cầu khẩn Thiên Chúa cho đứa trẻ, vua ăn chay nhiệm nhặt, và khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất.

Tất cả những gì Thiên Chúa phán đều tuần tự xảy ra cho nhà David. Vua David biết tội của mình nên không bao giờ dám mở miệng kêu trách Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: “Sao nhát thế? Tại sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Trình thuật của Marcô kể: “Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.” Đứng trước sóng gió, chúng ta thấy có hai thái độ khác nhau:

3.1/ Thái độ nhát sợ của các tông-đồ: Phản ứng của con người là sợ chết; vì thế các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúng ta không biết Chúa Giêsu đã làm bao nhiêu phép lạ trước mặt các ông, nhưng một điều chắc chắn là chưa đủ để các ông đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Ngài. Sau này, trong chương 6, sau khi đã làm phép lạ nuôi 5000 người, Chúa Giêsu lại đi trên mặt nước đến với các ông khi bị sóng gió, các ông vẫn sợ và tưởng Người là ma. Khi Chúa Giêsu đã truyền cho gió biển phải im lặng, các ông vẫn hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

3.2/ Thái độ của Chúa Giêsu: hoàn toàn đối nghịch hẳn với thái độ của các môn đệ. Trong khi các môn đệ đang vất vả chống chọi với sóng gió, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ không hiểu nổi làm sao một người có thể ngủ khi sóng biển gào thét như thế! Khi các ông nói lớn đánh thức, Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.” Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Tại sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

Qua trình thuật hôm nay, các môn đệ và chúng ta phải học được bài học trong cuộc đời: một khi đã có đức tin, không một sóng gió nào trong cuộc đời có thể làm lay chuyển đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Khi phải đương đầu với chúng, đó là lúc chúng ta sống niềm tin đó.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

– Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Đức tin phải biểu tỏ bằng hành động qua việc chúng ta làm những gì Chúa dạy.

– Đức tin phải được tinh luyện trong thử thách và đau khổ. Người có đức tin sẽ không hoảng hốt và đau khổ khi phải đương đầu với thử thách.

Skip to content