Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
{audio}LCHN/audio/Thu Hai Tuan 11 TN.mp3{/audio}
Thứ Hai, Tuần 11 TN, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 6:1-10; Mt 5:38-42.
1/ Bài đọc I:
1 Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu.2 Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.3 Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi.4 Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu,5 đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng.6 Chúng tôi còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối,7 bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ,8 khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành;9 bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết;10 coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.
2/ Phúc Âm:
38 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô
Làm môn đệ ai là mong muốn được trở nên giống người đó. Làm môn đệ của Đức Kitô là chúng ta phải cố gắng học hỏi cuộc đời của Ngài, và diễn tả cách sống động bằng chính cuộc đời của chúng ta, để những người khác cũng muốn trở thành môn đệ của Ngài. Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những lời dạy dỗ và cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của người môn đệ Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu đừng để các ân huệ Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu, họ phải biết cách dùng nó cho việc phục vụ Tin Mừng như ông đã từng làm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ của Ngài không chỉ giữ Luật công bằng như người xưa; nhưng còn phải sống luật yêu thương, để chứng tỏ cho người ta biết các ông là môn đệ Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chịu đựng đau khổ cho Nước Chúa trị đến.
1.1/ Đừng để ân huệ của Thiên Chúa ban trở nên vô hiệu:
(1) Các tín hữu phải biết sinh lời cho Chúa: Ân huệ Chúa ban cho con người không phải giữ lại để hưởng thụ, nhưng để cho việc phục vụ và loan báo Tin Mừng. Thánh Phaolô nhận thức rõ được điều này, nên ông khuyên các tín hữu: ”Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.”
(2) Noi gương Phaolô: Nhìn lại công cuộc rao giảng Tin Mừng của mình, Phaolô tâm sự với các tín hữu, mục đích không phải để đánh bóng cá nhân, nhưng để các tín hữu bắt chước ông như ông đã bắt chước Đức Kitô: “Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi. Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa.” Trong khi phục vụ Tin Mừng, Phaolô đã phải chịu khó khăn đến từ mọi phía, Phaolô liệt kê những áp lực này như sau:
+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên trong: căng thẳng, sợ hãi, lo âu.
+ Phải chịu đựng những áp lực đến từ bên ngoài: đòn vọt, tù đày, chống đối.
+ Phải hy sinh chịu đựng khi rao giảng: lao nhọc, mất ngủ, mất ăn.
Khi phải đương đầu với những áp lực khó khăn này, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng (u`pomonh/|). Chúa Giêsu cũng đã báo trước cho các môn đệ biết những khó khăn mà các ông phải đương đầu với; nhưng Ngài hứa với các ông: Đừng sợ! vì Thầy ở cùng anh em.
1.2/ Người rao giảng phải được trang bị đầy đủ để sẵn sàng đối phó với nghịch cảnh: Thánh Phaolô chắc đã quá quen với binh giáp của người chiến sĩ Rôma, nên khi mô tả hình ảnh nhà rao giảng, ông dựa trên những binh giáp này. Hai khí cụ chính người chiến sĩ cần có là khiên thuẫn để bảo vệ thân mình và gươm giáo để tấn công địch thù. Tương tự, nhà rao giảng cũng cần có 4 đức tính để bảo vệ mình và 4 vũ khí để giao chiến.
(1) Những đức tính và vũ khí người môn đệ phải có:
– 4 đức tính phải sở hữu để tự vệ như thuẫn đỡ khiên che: trong sạch để không bị lôi cuốn vào lối sống của thế gian, khôn khéo để biết cách đương đầu với con người và thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau, nhẫn nhục để chịu đựng mọi gian khổ và xỉ nhục, và có lòng nhân hậu để thông cảm và tha thứ.
– 4 vũ khí cần thiết để tấn công như gươm giáo:
+ một tinh thần thánh thiện để thánh hóa đời, chứ không để đời lôi cuốn.
+ một tình thương không giả dối: để yêu thương và cho đi cách vô vị lợi.
+ lời chân lý: thông hiểu và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.
+ sức mạnh của Thiên Chúa: người môn đệ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, chứ không cậy dựa vào sức mình. Nói như thánh Phaolô: “Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu.”
(2) Những thái độ tự tin người môn đệ phải có: Bên cạnh các vũ khí được trang bị, người chiến sĩ cần có một thái độ tự tin khi giao chiến. Nếu không có thái độ tự tin, người chiến sĩ sẽ dễ đầu hàng trước nghịch cảnh. Một cách tương tự, nhà rao giảng cũng phải có thái độ vững tin nơi Thiên Chúa và nơi mình. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, thánh Phaolô liệt kê một số những thái độ tự tin nhà rao giảng cần có:
– bị coi là giả hiệu (impostor), nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành;
– bị coi là vô danh, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến;
– bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống;
– bị coi như trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết;
– bị coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ;
– bị coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có;
– bị coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.
2/ Phúc Âm: Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
2.1/ Đòi hỏi tối thiểu của Luật công bằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.” Đây là Luật Talionis xưa nhất trên thế giới, được tìm thấy trong Bộ Luật Hammurabi, khỏang 2250 BC. Luật này cũng được tìm thấy trong Cựu Ước ít là 3 lần (Exo 21:23-25, Lev 24:19-20, Deut 19:21). Mấy điều quan trọng về Luật này cần lưu ý: (1) Nó ngăn cấm việc gia tăng báo thù; (2) Nó được thi hành bởi quan án và ngăn cấm việc báo thù cá nhân; (3) Nó không được thi hành theo nghĩa đen, nhưng được tính bằng tiền bồi thường; và (4) nó không phải là tất cả Luật của Cựu Ước, vì vẫn còn những luật yêu thương và tha thứ (Lev 19:18, Pro 25:21, Lam 3:30).
2.2/ Sự hoàn thiện của Luật Yêu Thương: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa; nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài; nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” Chúa Giêsu không bảo chúng ta hiểu theo nghĩa đen, nhưng Ngài muốn dạy chúng ta 3 nguyên tắc chính yếu của luân lý Kitô Giáo: (1) Người môn đệ không bao giờ được khinh bỉ hay tìm cách báo thù người đã gây thiệt hại cho họ; (2) Người môn đệ không bao giờ được đòi hỏi quyền mình phải được hưởng; (3) Người môn đệ không bao giờ được vịn vào quyền và tự do để làm những gì mình thích, nhưng phải luôn nghĩ tới bổn phận phải làm để giúp tha nhân và xây dựng Nước Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô; vì thế, chúng ta phải cố gắng học hỏi và minh họa đời sống của Đức Kitô trong chính bản thân mình cho người khác nhận ra và tin vào Ngài.
– Chúng ta không thể bằng lòng với việc giữ cẩn thận Thập Giới, vì đó chỉ là nhưng điều kiện tối thiểu; nhưng phải đáp ứng đòi hỏi của giới luật yêu thương để chinh phục con người về cho Thiên Chúa.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}