Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Hai Tuần 23 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Cor 5:1-8; Lk 6:6-11.
1/ Bài đọc I: 1 Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!
2 Thế mà anh em lại còn kiêu ngạo! Lẽ ra anh em đã phải than khóc và loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn của anh em!
3 Phần tôi, tuy vắng mặt về thân xác, nhưng về tinh thần vẫn có mặt, tôi đã lên án kẻ có hành vi đó như thể tôi có mặt tại chỗ.
4 Trong một buổi họp của anh em, ở đó có tôi hiện diện bằng tinh thần, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và với quyền năng của Người,
5 chúng ta phải nộp con người đó cho Xa-tan, để phần xác nó bị huỷ diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa.
6 Lý do khiến anh em vênh vang chẳng đẹp đẽ gì! Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao?
7 Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta.
8 Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ.
2/ Phúc Âm: 6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải.
7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người.
8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây! ” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó.
9 Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt? “
10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra! ” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.
11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải thẳng thắn sửa chữa gương mù.
Corintô là thành phố rất giầu có và tội lỗi. Rất khó cho các tín hữu của cộng đòan mới được thành lập bởi thánh Phaolô tránh khỏi những tội lỗi mà họ đã quá quen thuộc. Trong lãnh vực tình dục, Dân Ngọai không hiểu được ý nghĩa của nhân đức trong sạch, họ xem tình dục là chuyện bình thường. Nhưng thánh Phaolô cảnh cáo các tín hữu Corintô trong Bài đọc I: một khi đã gia nhập Dân Thánh, họ phải có can đảm thay đổi những thói quen của đời sống quá khứ, để mặc lấy tấm lòng tinh tuyền và chân thật của đời sống mới theo đòi hỏi của Tin Mừng. Trong Phúc Âm, Chúa cũng thẳng thắn sửa chữa các Kinh-sư và Biệt-phái về lối sống giả hình của họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Phaolô kết án người làm chuyện lọan luân và cộng đòan Corintô.
Mặc dầu Dân Ngọai là những người có đời sống tình dục phóng khóang, họ cũng kết án chuyện làm tình giữa con cái với cha mẹ; thế mà chuyện này lại xảy ra trong cộng đòan tín hữu Corintô: “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi Dân Ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!”
Thánh Phaolô không những lên án người vi phạm chuyện lọan luân mà còn trách móc cả cộng đòan về thái độ im lặng của họ; vì đúng ra họ đã phải sửa chữa và loại trừ kẻ làm điều ấy ra khỏi cộng đoàn. Thái độ im lặng của họ chẳng những là cớ cho người vi phạm không nhận ra tội lỗi mà còn gây gương mù trong cộng đòan. Ngài tỏ rõ lập trường của ngài: “Phần tôi, tuy vắng mặt về thân xác, nhưng về tinh thần vẫn có mặt, tôi đã lên án kẻ có hành vi đó như thể tôi có mặt tại chỗ.”
Vì thế, chuyện phải thẳng thắn sửa phạt người đã vi phạm là chuyện phải làm, và ngài đề nghị một giải pháp: “Trong một buổi họp của anh em, ở đó có tôi hiện diện bằng tinh thần, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và với quyền năng của Người, chúng ta phải nộp con người đó cho Satan, để phần xác nó bị huỷ diệt, còn phần hồn được cứu thoát trong Ngày của Chúa.” Nộp người vi phạm cho Satan là khai trừ người đó ra khỏi cộng đòan. Tuy nhiên, vì tình thương nên cộng đòan vẫn để cho kẻ vi phạm có cơ hội biết ăn năn hối cải để linh hồn được cứu rỗi.
Để cắt nghĩa sự nguy hiểm của gương mù trong cộng đòan, thánh Phaolô dùng hai hình ảnh men và bột, mà không một người Do-Thái nào xa lạ với hai hình ảnh này. Mỗi năm để chuẩn bị ăn mừng Lễ Vượt Qua, người Do-Thái thường thu dọn nhà cửa sạch sẽ, nhất là nhà bếp nơi chứa đựng men và bột. Lý do tại sao phải làm như thế là vì chỉ cần một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên; và nếu khối bột đã dậy lên còn vương vãi trong nhà thì men cũ trong đó vẫn còn.
Cũng vậy về phương diện luân lý, nếu không chịu cắt bỏ hòan tòan với các thói quen và con người cũ, chúng sẽ dần dần lan ra trong cộng đòan tín hữu và làm hoen ố đời sống thánh thiện của các tín hữu khác. Ngài so sánh men cũ với lòng gian tà và độc ác, và bánh không men với lòng tinh tuyền và chân thật. Để chuẩn bị mừng Lễ Vượt Qua Mới mà Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua, cộng đòan phải rửa sạch lòng gian tà và độc ác; đồng thời phải mặc lấy lòng tinh tuyền và chân thật.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu kết án các Kinh-sư và Biệt-phái.
Thường thường, những người có bệnh hay thân nhân của họ theo Chúa Giêsu và xin Ngài chữa lành, nhưng biến cố trong Phúc Âm hôm nay có sự khác lạ. Người bệnh đã có mặt trước khi Chúa đến và được xử dụng như một cái bẫy chờ Chúa Giêsu rơi vào để kết tội Ngài như Phúc Âm tường thuật: “Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các Kinh-sư và những người Biệt-phái rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày Sabbath không, để tìm được cớ tố cáo Người.”
Nhưng đã quá khinh thường sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu. Ngài không những có uy quyền để chữa bệnh mà còn đọc được những tính tóan nhơ bẩn mà họ đang suy nghĩ. Để dạy họ một bài học, Chúa bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Ngài hỏi các Kinh-sư và Biệt-phái: “Tôi xin hỏi các ông: ngày Sabbath, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?”
Những người muốn truy tố Ngài lú này trở thành những bị cáo. Chắc chắn tinh thần của ngày Sabbath đòi họ phải làm điều lành, thế mà họ lại tìm cách để có cớ tố cáo người lương thiện như Chúa. Ngày Sabbath đòi phải quí và bảo vệ mạng sống mà họ lại kết án việc chữa lành của Chúa. Như tên trộm bị bắt quả tang phạm tội, Chúa Giêsu đã phơi bày những ý định độc ác của họ trước mặt tòa án, và họ thinh lặng không dám trả lời.
Chúa có thể chữa lành người khô bại trong nơi kín hay nơi khác, nhưng để dạy cho tất cả một bài học về việc phải thẳng thắn lọai trừ các gương mù về lối sống giả hình. Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Thánh Luca kết luận: “Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không.” Đã bị lột trần mọi ác ý nham hiểm, thay vì ăn năn trở lại, lại còn kiêu ngạo điên hơn nữa để có thể giết hại người làm lành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ai trong chúng ta cũng biết câu truyện mẹ của Thầy Mạnh-Tử phải thay đổi chỗ ở 3 lần cho tới khi tìm được chỗ ở tốt lành cho con. Ngày nay nhiều người nại lý do nhà cửa, công ăn việc làm, nên đành chịu ở trong những môi trường với đầy dẫy những gương mù nguy hiểm. Làm như thế họ đã hy sinh tương lai gia đình mình cho của cải vật chất và chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa nếu các phần tử trong gia đình cũng đi vào đàng tội lỗi với những người chung quanh họ. Các Bài đọc hôm nay, thay vì chú trọng đến việc thay đổi chỗ ở, chú trọng đến việc sửa chữa và khai trừ những hành vi xấu, để mọi người được sống trong bầu khí đạo đức hơn.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}