Thứ Hai – Tuần 24 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Hai – Tuần 24 – TN1

Bài đọc: 1 Tim 2:1-8; Lk 7:1-10.

1/ Bài đọc I: 1 Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người,

2 cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.

3 Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta,

4 Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.

5 Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su,

6 Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.
Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi.

7 Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ -tôi nói thật chứ không nói dối- nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý.

8 Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.

2/ Phúc Âm: Đức Giê-su chữa người nô lệ của một đại đội trưởng (Mt 8:5-13)

Sau khi đã nói hết những lời ấy cho dân chúng nghe, Đức Giê-su vào thành Capernaum. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm.

Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.

Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại, chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.”

Đức Giê-su liền đi với họ.

Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi.

Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.

Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: Đi! là nó đi; bảo người kia: Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: Làm cái này! là nó làm.”

Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”

Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận phải cầu nguyện cho những nhà cầm quyền trị nước.

Bổn phận của người tín hữu trong cuộc đời không phải chỉ lo cho bản thân, cho gia đình, hay cho các tín hữu khác được cứu độ; nhưng còn là lo cho tất cả mọi người được hưởng ơn cứu độ. Cách thức hiệu quả giúp cho mọi người được hưởng ơn cứu độ là bằng lời cầu nguyện, rao giảng Tin Mừng, và làm gương sáng cho mọi người noi theo.

Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật bổn phận phổ quát này. Trong bài đọc I, thánh Phaolô nhấn mạnh tới bổn phận cầu nguyện cho những người cầm quyền trị nước, vì sự khôn ngoan và tốt lành của họ ảnh hưởng trực tiếp tới sự an cư lạc nghiệp của chúng ta. Hơn nữa, mọi quyền hành trong trời đất đều đến từ Đức Kitô, Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người. Lời cầu nguyện của các tín hữu có hiệu lực để Đức Kitô thay đổi những người cầm quyền trị nước thành những nhà lãnh đạo biết thương yêu và mang cơm no áo ấm cho dân chúng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khen Viên Đại Đội Trưởng về lòng thương yêu dân chúng và cách ông chân thành biểu lộ niềm tin trong việc xin Chúa chữa người đầy tớ thân yêu của ông. Ngài cũng cảnh cáo những người đã biết Chúa, theo Chúa; nhưng cách sống và cách biểu lộ niềm tin không bằng một phần của viên Đại Đội Trưởng Dân Ngoại này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ai nấy phải dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người.

1.1/ Người Kitô hữu có bổn phận cầu nguyện cho mọi người: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu một điều rất khôn ngoan mà chúng ta rất ít khi làm là cầu nguyện cho tất cả mọi người, cách riêng cho tất cả những người cầm quyền trị nước. Thông thường, khi con người muốn thay đổi một chế độ, họ thường nghĩ đến việc biểu tình để lật đổ, hay dùng sức mạnh để tiêu diệt những nhà lãnh đạo đang cầm quyền trị nước; ít ai nghĩ đến việc phải cầu xin để Thiên Chúa giúp những nhà lãnh đạo có khôn ngoan để nhận ra những điều phải làm. Tại sao? Có lẽ nhiều người chúng ta giả sử những nhà lãnh đạo này không thay đổi được nữa! Chúng ta quên đi một trường hợp đã xảy ra trong lịch sử là ông M. Gorbachev, Bí Thư Đảng Cộng Sản của Liên Bang Sô Viết đã chấm dứt chế độ cộng sản tại quốc gia này năm 1991, và là nguyên nhân sự sụp đổ của bức tường Berlin, ngăn cách Đông và Tây Đức. Đối với các tín hữu, biến cố này xảy ra là vì họ đã vâng lời Đức Mẹ siêng năng lần hạt Mân Côi và cầu nguyện cho Sô Viết trở lại, hầu có thể tránh được thảm họa chiến tranh nguyên tử và tiêu diệt toàn thể nhân loại.

Tại sao các tín hữu phải cầu nguyện cho họ? Lý do đơn giản là vì sự lãnh đạo tốt đẹp của họ ảnh hưởng đến cuộc đời chúng ta, như thánh Phaolô nói: “để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh.” Lý do sâu xa hơn vì: “Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” Ngài không muốn cho kẻ lầm đường lạc lối phải chết; nhưng muốn cho họ ăn năn sám hối và được sống.

1.2/ Thiên Chúa là Đấng thay đổi lòng dạ con người: Chúng ta quên đi một điều rất quan trọng là mọi quyền hành trong trời đất đều đến từ Thiên Chúa. Ngài có thể trao ban quyền hành và lấy đi dù con người có biết hay không. Trong Cựu Ước, các Đế-quốc liên tục thay đổi, từ Assyria đến Babylon, từ Babylon đến Persia, từ Persia đến Hy-lạp, từ Hy-lạp đến Roma, dẫn chứng uy quyền quan phòng của Thiên Chúa. Ngài có thể thay đổi lòng dạ vua Cyrus của Ba-tư, một vua Dân Ngoại chưa từng biết Thiên Chúa, đồng ý để phóng thích dân Do-thái, cho họ trở về quê hương để xây dựng lại Đền Thờ, như ta sẽ thấy ngày mai. Trong Tân Ước, thánh Phaolô nhấn mạnh: “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi.” Người tín hữu phải tin chắc: không một uy quyền nào trong trời đất có thể thắng vượt uy quyền của Đức Kitô. Ngài sẽ chinh phục mọi quyền hành thế gian, và đặt mọi sự làm bệ dưới chân Người, trước khi trao Vương Quốc của Ngài lại cho Thiên Chúa. Vì thế, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu: “Tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.”

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khen ngợi cách đón tiếp Chúa của Viên Đại Đội Trưởng.

2.1/ Đời sống tốt lành của viên Đại Đội Trưởng: Ông là người rất nhạy cảm trước những nhu cầu của tha nhân: của người đầy tớ, của người Do-thái, và của Chúa Giêsu. Có bao nhiêu chủ nhân nhận ra bệnh tình của đầy tớ? Có bao nhiêu sĩ quan muốn biết và giúp đỡ nhu cầu tâm linh của dân bị đô hộ? Có bao nhiêu Dân Ngọai quan tâm đến việc người Do-thái không được vào nhà Dân Ngọai?

Nhiều người cũng nhạy cảm nhận ra nhu cầu của tha nhân nhưng nhiều khi chỉ là những xúc cảm nhất thời, họ đã không hành động để đáp ứng nhu cầu. Viên Đại Đội Trưởng không những nhạy cảm nhận ra nhu cầu mà còn yêu thương tìm cách giúp đỡ tận tình: Ông kiếm Thầy giỏi nhất để chữa bệnh cho đầy tớ vì ông yêu quý anh ta lắm. Ông giúp người Do-thái vì ông quý mến họ và chính ông đã xây cất hội đường cho họ. Ông tìm cách tránh cho Chúa để khỏi phải vào nhà ông bằng cách sai bạn hữu đi ra khỏi nhà để gặp Chúa, và họ xin Chúa chỉ cần “phán một lời.”

2.2/ Cách thức biểu lộ niềm tin của viên Đại Đội Trưởng: Ông không những khiêm hạ biết mình mà còn biết tôn kính Chúa khi ông chân thành thổ lộ niềm tin vào Chúa cách công khai qua bạn hữu ông: “Tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài, nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: Đi! là nó đi; bảo người kia: Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: Làm cái này! là nó làm.”

Biết mình không xứng đáng đến gặp Chúa, ông đã lịch sự và lễ độ gởi phái đòan người Do-thái đến thưa chuyện cùng Chúa và gởi bạn hữu ra đón tiếp Ngài. Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Và chính nhờ đức tin của ông mà Chúa đã chữa lành người nô lệ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Được giáo dục và lớn lên trong đức tin, chúng ta giả sử phải biết cách biểu tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa và yêu tha nhân hơn những người chưa tin vào Chúa; nhưng thực tế cho thấy những người ngọai nhiều khi tin và biểu lộ sự cung kính của họ vào Chúa, và yêu tha nhân hơn chúng ta.

– Chúng ta có bổn phận cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người cầm quyền trị nước, để họ biết cách lãnh đạo dân chúng trong công bằng và yêu thương. Người tín hữu đừng bắt chước lề thói của thế gian để kết tội, chỉ trích, và tìm cách tiêu diệt những người không chịu theo quan điểm của mình.

Skip to content