Thứ Hai – Tuần 29 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Hai – Tuần 29 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: Rom 4:20-25; Lk 12:13-21.

1/ Bài đọc I: 20 Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa,

21 vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện.

22 Bởi thế, ông được kể là người công chính.

23 Nhưng khi viết ông được kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông,

24 mà còn nói về cả chúng ta nữa: chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giê-su, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết;

25 Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính.

2/ Phúc Âm: 13 Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.”

14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? “

15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,

17 mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!

18 Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.

19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!

20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?

21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa hay nơi sức mình?

Đối với nhiều người thời nay, câu trả lời sẽ là nơi mình; vì ngoài mình ra, chẳng có ai lo cho mình cả. Đối với các tín hữu, Thiên Chúa muốn họ đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài; vì Ngài nắm giữ mạng sống và quan phòng mọi sự trong cuộc đời của họ.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong đòi hỏi con người phải hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tổ-phụ Abraham đặt trọn vẹn tin tưởng vào Lời Chúa hứa là sẽ ban cho ông một giòng dõi đông như sao trên trời và như cát dưới bể; mặc dù chỉ có vỏn vẹn một con là Isaac trong lúc tuổi già. Đối với người đời, đó là một lời chọc ghẹo; nhưng đối với tổ-phụ Abraham, ông tin nếu Thiên Chúa đã hứa, Ngài sẽ có cách để hoàn thành. Thực tế đã chứng minh niềm tin của Abraham vào Thiên Chúa; ngay lúc này đây, ba tôn giáo lớn với số tín hữu hơn một nửa dân số của địa cầu tuyên nhận Abraham là tổ phụ của họ: Do-thái giáo, Kitô giáo, và Hồi-giáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh cáo những người chỉ biết cậy dựa vào sức mình, mà không cần tin tưởng nơi Thiên Chúa: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Điều gì Thiên Chúa đã hứa, Người cũng có đủ quyền năng thực hiện.

1.1/ Đức tin của tổ phụ Abraham: ”Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa.”

Thiên Chúa hứa hai điều với tổ-phụ Abraham: sẽ ban cho ông Đất Hứa và một giòng dõi đông như sao trên trời và như cát ngoài biển. Lời hứa ban Đất Hứa được thực hiện khi Joshua dẫn dân Do-thái vào đất Canaan; tuy nhiên, đây chỉ là hình bóng của Đất Hứa thực sự là Thiên Đàng đời sau. Lời hứa ban một giòng dõi đông đúc là điều phải làm cho Abraham trăn trở: Làm sao có thể trở thành tổ phụ một giòng dõi đông đúc như thế, khi ông một trăm tuổi mới có người con đầu lòng là Isaac? Tuy nhiên, “vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện.” Abraham được kể là người công chính không phải do những việc ông làm; nhưng là niềm tin tưởng ông đặt hoàn toàn nơi Thiên Chúa.

1.2/ Đức tin của chúng ta: Thánh Phaolô suy diễn thêm về Lời Hứa này như sau: ”Nhưng khi viết ông được kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông, mà còn nói về cả chúng ta nữa: chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết; Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính.”

Khi chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta trở nên con cháu của tổ-phụ Abraham, vì Đức Kitô được sinh ra trong giòng dõi của tổ-phụ Abraham. Nói cách khác, một người trở nên con cháu của tổ phụ Abraham nhờ niềm tin vào Đức Kitô; chứ không do liên hệ ruột thịt. Khi chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng tin vào Thiên Chúa là Người đã sai Đức Kitô đến để hoàn thành Lời Hứa. Chính do bởi niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta được trở nên công chính, và được thừa hưởng Đất Hứa mà Thiên Chúa đã hứa với tổ-phụ Abraham.

2/ Phúc Âm: Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.

2.1/ Tranh chấp giữa anh em vì gia tài: Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Hai nguyên lý con người cần học hỏi để biết cách xử dụng của cải vật chất:

(1) Của cải Thiên Chúa ban là cho mọi người cùng hưởng: Của cải đã có sẵn trong trần gian khi con người bắt đầu xuất hiện. Con người không mang theo được gì vào thế giới, và cũng không mang ra được gì khi từ giã cuộc đời. Vì thế, đừng ai cậy sức để vơ vét và tich trữ của cải để làm của riêng; nhưng phải biết chia sẻ cho mọi người cùng hưởng. Một người có thể làm nhiều hơn hay cố gắng hơn; nhưng chẳng có ai tài đến nỗi tập trung trong tay của cải có thể nuôi hàng triệu người. Lý do xảy ra tranh chấp vì tính tham lam của con người, muốn cất giữ làm của riêng để tiêu xài phung phí hay để dành đến mãn đời cho con cháu.

(2) Phải đặt tình nghĩa lên trên của cải vật chất: Ai cũng biết điều này, nhưng khi phải áp dụng trong cuộc sống; rất ít người sống như thế. Trong xã hội hiện nay, chúng ta thấy muôn vàn trường hợp cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng tranh chấp nhau vì gia tài. Hậu quả của việc đặt tiền bạc lên trên tình nghĩa là kiện cáo, chia rẽ, và gia đình ly tán.

2.2/ Khôn ngoan của con người và uy quyền của Thiên Chúa

(1) Khôn ngoan của con người: Sau đó Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn cho mọi người phải suy nghĩ: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”

Biết bao nhiêu con người ngày nay có thái độ giống như nhà phú hộ này; một số các hình thức dẫn chứng lòng tham vô đáy của con người như thị trường chứng khoán, nhà cửa đất đai, vàng bạc… Biết bao người đã phải táng gia bại sản vì lòng tham vô đáy này. Con người cứ việc ngông cuồng tích trữ; đến khi Thiên Chúa muốn lấy ra cho người khác, con người không thể cản lại.

(2) Mạng sống con người nằm trong tay Thiên Chúa: Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?

Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

Con người biết mình không có quyền trên mạng sống dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi. Khi đến giờ đã định, con người phải từ giã cuộc trần. Nếu biết thế, tại sao phải lo lắng vất vả tích trữ của cải? Họ biết mình không mang theo được; con cháu chưa chắc đã cần, và nếu cần chưa chắc đã tốt cho chúng, ví dụ: sự phân chia gia tài trên; lại còn biết bao thiệt hại về đàng tinh thần, trí tuệ, hao mòn thân xác… Người khôn ngoan là người biết sống theo đường lối Thiên Chúa, dùng của cải chỉ như phương tiện để đạt được đích điểm là cuộc sống đời đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta sống nhờ niềm tin vào Thiên Chúa. Hãy tin tưởng nơi Ngài trong bất cứ trạng huống nào của cuộc đời, vì không có gì là không thể đối với Thiên Chúa.

– Máu tham lam đưa con người tới tranh chấp và bất hòa, chúng ta cần diệt trừ mọi thứ tham lam trong con người như uy quyền, danh vọng, và của cải vật chất.

– Hãy biết dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban để mưu cầu ơn cứu độ cho chúng ta và cho mọi người. Chạy theo tất cả những điều khác là rơi vào bẫy của ma quỉ.

Save

Save

Skip to content