Thứ Hai – Tuần 2 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Hai – Tuần 2 – TN2

Bài đọc: Heb 5:1-10; I Sam 15:16-23; Mk 2:18-22.

1/ Bài đọc I (năm lẻ): 1 Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.

2 Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; 3 mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. 4 Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông A-ha-ron đã được gọi.

5 Cũng vậy, không phải Đức Ki-tô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, 6 như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

7 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; 9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, 10 vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): 16 Ông Sa-mu-en nói với vua Sa-un: “Thôi! Tôi sẽ báo cho ngài biết điều Đức Chúa đã phán với tôi đêm qua.” Vua Sa-un bảo: “Xin ông cứ nói.”

17 Ông Sa-mu-en nói: “Dù ngài tự coi mình là nhỏ bé, ngài chẳng phải là đầu của các chi tộc Ít-ra-en sao? Đức Chúa đã xức dầu phong ngài làm vua cai trị Ít-ra-en.

18 Đức Chúa đã sai ngài lên đường và phán: “Hãy đi, ngươi phải tru hiến quân tội lỗi là bọn A-ma-lếch ấy, và phải giao chiến với chúng cho đến khi tận diệt chúng. 19 Tại sao ngài đã không nghe theo tiếng Đức Chúa? Tại sao ngài đã xông vào lấy chiến lợi phẩm và làm điều dữ trái mắt Đức Chúa?” 20 Vua Sa-un nói với ông Sa-mu-en: “Tôi đã nghe theo tiếng Đức Chúa. Tôi đã đi theo con đường Đức Chúa sai tôi đi. Tôi đã đưa A-gác, vua A-ma-lếch, về và đã tru hiến A-ma-lếch. 21 Trong số chiến lợi phẩm là chiên dê và bò, trong số những vật bị tru hiến, dân đã lấy những con tốt nhất để làm hy lễ dâng Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, tại Ghin-gan.”

22 Ông Sa-mu-en nói: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu. 23 Phản nghịch cũng có tội như bói toán, ngoan cố là tội ác giống như thờ ngẫu tượng. Bởi vì ngài đã gạt bỏ lời của Đức Chúa, nên Người đã gạt bỏ ngài, không cho làm vua nữa.”

3/ Phúc Âm: 18 Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”

19 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.

22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa.

Xung đột giữa tư tưởng và ý thức hệ cũ và mới thường xảy ra ở mọi nơi và mọi thời như các chính thể, trong tôn giáo, cách cư xử. Ví dụ: Phong trào canh tân của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn vào đầu thế kỷ 20, điển hình trong tác phẩm Đoạn Tuyệt của Khái Hưng. Chúa Giêsu và các môn đệ cũng phải đương đầu với người Do-thái khi Ngài mang những mặc khải mới của Thiên Chúa đến cho con người. Câu hỏi được đặt ra: Phải tuân theo điều nào?

Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh sự xung đột giữa Thiên Chúa và con người, giữa cái cũ và cái mới. Trong mọi trường hợp, con người phải luôn vâng phục Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác giả Thư Do-thái dùng tiêu chuẩn cũ để chứng minh Đức Kitô là Thượng Tế mới có khả năng đem Thiên Chúa đến cho con người và đem con người về cho Thiên Chúa; vì Ngài vừa có kinh nghiệm của Thiên Chúa, vừa có kinh nghiệm của con người. Chính vì sự vâng phục tuyệt đối của Ngài vào Thiên Chúa, Ngài đã trở nên nguồn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Ngài.

Trong Bài Đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa sai Samuel đến để truất phế ngôi vua của Saul, vì nhà vua đã không tuân phục Thiên Chúa để tru diệt toàn bộ quân Amalek. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng câu hỏi của những người thuộc thời đại cũ để giúp họ nhận ra thời đại mới đã bắt đầu; họ cần có tâm hồn mới để lãnh nhận giáo lý mới của Ngài mang đến.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Chúa Giêsu là Thượng Tế thập toàn vì Ngài vâng phục Thiên Chúa.

Bản văn chúng ta nghiên cứu hôm nay, Heb 5:1-10, được tác giả sắp xếp theo cấu trúc hình nón, với chóp đỉnh là thượng tế Aaron của Cựu Ước. Mục đích của tác giả là chứng minh Chúa Giêsu là Thượng Tế thập toàn của Tân Ước. Để làm điều này, tác giả dùng một tam đoạn luận: trước tiên, tác giả liệt kê 3 đặc tính của chức thượng tế; sau đó, tác giả chứng minh Chúa Giêsu hội đủ 3 điều kiện này; cuối cùng, tác giả kết luận: “Thiên Chúa tôn xưng Chúa Giêsu là Thượng Tế theo phẩm trật Melkisedek.”

1.1/ Ba đặc tính của Thượng Tế:

(1) Thượng Tế đại diện cho con người: “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.”

(2) Thượng Tế phải cảm thông với con người: “Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.”

(3) Thượng Tế phải được Thiên Chúa gọi: “Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aaron đã được gọi.”

1.2/ Chúa Giêsu là Thượng Tế:

(3) Chúa Giêsu được chọn làm Thượng Tế: “Cũng vậy, không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, như lời Đấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Melkisedek.”

(2) Chúa Giêsu cảm thông với con người: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.”

(1) Chúa Giêsu đại diện cho con người: “và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Melkisedek.”

1.3/ Đức Kitô vâng phục Thiên Chúa Cha cho đến chết: Để hiểu tầm quan trọng của việc vâng phục Thiên Chúa, chúng ta phải trở lại tội nguyên tổ. Chính vì sự bất tuân của ông Adong và bà Evà, nhân loại phải chịu mọi đau khổ và phải chết. Để cứu con người thoát khỏi những cực hình này, Đức Kitô hoàn toàn vâng phục và làm mọi sự theo thánh ý Thiên Chúa Cha. Có kinh nghiệm của Thiên Chúa, Ngài biết sự vâng phục Thiên Chúa quan trọng như thế nào. Con người không có kinh nghiệm này, nên họ đã khinh thường và bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Để được lãnh nhận ơn cứu độ, con người cũng phải tùng phục Đức Kitô, như Ngài đã vâng phục Thiên Chúa Cha.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu.

2.1/ Saul không vâng lời Thiên Chúa: Samuel được Đức Chúa sai tới để truyền lệnh cho vua Saul phải lên đường giao chiến với vua và quân đội của người Amalek. Lý do là vì cách họ đã đối xử và chặn đường con cái Israel khi từ Ai-cập đi lên; những gì Đức Chúa đã phán, Ngài sẽ thi hành. Lời của Đức Chúa truyền cho Saul qua ngôn-sứ Samuel rất rõ ràng: “Các ngươi phải tru hiến tất cả những gì thuộc về nó. Ngươi không được tha chết cho nó. Ngươi phải giết từ đàn ông đến đàn bà, từ nhi đồng đến trẻ con đang bú, từ bò đến chiên dê, từ lạc đà đến lừa” (I Sam 15:3).

Sau khi giao chiến và thắng trận, Saul đã không thực thi trọn vẹn lời Đức Chúa truyền, hai điều Saul đã bất tuân Thiên Chúa: (1) ông đã không tru diệt Agag, vua Amalek; và (2) ông đã để cho quân lính giữ lại những thú vật béo tốt. Việc làm của Saul không qua mặt được Đức Chúa; Ngài sai Samuel tới để hạch tội bất tuân của Saul: “Tại sao ngài đã không nghe theo tiếng Đức Chúa? Tại sao ngài đã xông vào lấy chiến lợi phẩm và làm điều dữ trái mắt Đức Chúa?”

Vua Saul nói với ông Samuel: “Tôi đã nghe theo tiếng Đức Chúa. Tôi đã đi theo con đường Đức Chúa sai tôi đi. Tôi đã đưa Agag, vua Amalek về và đã tru hiến Amalek. Trong số chiến lợi phẩm là chiên dê và bò, trong số những vật bị tru hiến, dân đã lấy những con tốt nhất để làm hy lễ dâng Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, tại Gilgal.” Vua Saul nghĩ mình làm như thế là đẹp lòng Thiên Chúa!

2.2/ Vâng lời Thiên Chúa trọng hơn mọi hy lễ: Ông Samuel nói: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu.” Đây là điều quan trọng mà tác giả Sách Thánh Vịnh cũng như các ngôn sứ đã không ngừng lập đi lập lại để răn bảo dân chúng (x/c Psa 40:6, 51:16; Isa 1:10-17; Mic 6:5-8; Amo 5:21-24; Hos 6:6). Bất tuân lệnh Thiên Chúa được đồng hóa với những tội nặng như tội như bói toán và thờ ngẫu tượng.

Hậu quả của tội bất tuân là Saul bị Thiên Chúa truất quyền làm vua: “Bởi vì ngài đã gạt bỏ lời của Đức Chúa, nên Người đã gạt bỏ ngài, không cho làm vua nữa.”

Tuân theo mệnh lệnh của cấp trên là điều tối quan trọng trong quân đội để bảo vệ an ninh và trật tự. Nếu một người lãnh đạo không tuân theo luật lệ, họ sẽ không thể làm gương cho cấp dưới và không thể điều khiển binh lính dưới quyền mình. Hơn nữa, cấp dưới không luôn biết những nguy hiểm sẽ xảy ra; vì thế, họ cần tuyệt đối vâng theo lệnh của cấp trên. Nếu điều này đúng cho quân đội, nó càng khẩn thiết hơn cho mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bảo vệ môn đệ của mình.

3.1/ Tại sao môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay? “Bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisees đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pharisees ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”

Giao thời giữa Cựu và Tân Ước là thời gian người Do-thái gia tăng việc chay tịnh và khổ chế, không những chỉ có trong những giáo phái, mà còn phổ thông trong dân như các việc đạo đức. Chay tịnh, cùng với cầu nguyện và làm phúc, được coi là ba trụ chính của đời sống đạo đức (Tob 12:8). Sách Judith coi chay tịnh là cách để xin ơn lành từ Thiên Chúa (Jdt 4:9). Lối sống chay tịnh và khổ chế của Gioan Tẩy Giả trong sa mạc là muốn đề cao lối sống đơn giản và sự tùy thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa.

3.2/ Câu trả lời của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến 2 điểm chính:

(1) Lý do ăn chay: Ăn chay phải có mục đích rõ ràng. Chúa cho biết lý do tại sao các môn đệ của Ngài chưa ăn chay: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được.” Chúa Giêsu nhận Ngài chính là chàng rể, và khách dự tiệc cưới, bạn hữu của chàng rể là các môn đệ.

(2) Thời gian ăn chay: Chay tịnh có lúc của nó, không phải lúc nào cũng ăn chay. Chúa Giêsu cho biết khi nào các môn đệ của Ngài sẽ ăn chay: “Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó.”

3.3/ Phải có tâm hồn mới để lãnh nhận đạo lý mới: Chúa Giêsu là mốc thời gian để phân biệt giữa cái cũ và mới. Những người Pharisees và môn đệ của Gioan đại diện cho lớp người cũ, các môn đệ của Chúa Giêsu đại diện cho lớp người mới. Để có thể lãnh nhận những đạo lý mới được giảng dạy bởi Đức Kitô, một người cần có tâm hồn mới: rộng đủ để nhận ra những bất toàn của đạo lý cũ; đồng thời biết đón nhận những đạo lý mới để làm cho con người ngày càng toàn hảo hơn. Nếu không có tâm hồn mới, con người sẽ ngoan cố thủ cựu những điều cũ; đồng thời họ sẽ khước từ những giáo lý mới của Đức Kitô.

Để giúp họ nhận ra sự quan trong của một tâm hồn mới, Chúa Giêsu dùng 2 ví dụ rất quen thuộc với khán giả:

(1) Áo và miếng vá: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm.”

(2) Rượu và bầu da: “Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đức Kitô là Thượng Tế mới của giao ước mới hoàn hảo hơn. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để học hỏi những mặc khải mới của Thiên Chúa; và mời Ngài đồng hành với chúng ta.

– Vâng lời làm theo những lời dạy dỗ của Thiên Chúa và của Đức Kitô là điều tối quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta đừng bao giờ bất tuân những mệnh lệnh của Thiên Chúa.

– Dĩ nhiên chúng ta không đón nhận tất cả các cái mới và lọai bỏ các cái cũ; nhưng biết dùng trí khôn để thích ứng với hoàn cảnh: giữ lại những gì tốt, thâu nhận những gì mới, và cải tiến để làm cho tốt hơn.

Skip to content