Thứ Hai – Tuần IV – MC

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Hai – Tuần IV – MC

Bài đọc: Isa 65:17-21; Jn 4:43-54.

1/ Bài đọc I: 17 Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới,
không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa.

18 Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo.
Phải, này đây Ta sẽ tạo Jerusalem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng.

19 Vì Jerusalem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng.
Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la.

20 Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn;
vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa.

21 Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái.

2/ Phúc Âm: 43 Sau hai ngày, Đức Giêsu bỏ nơi đó đi Galilee.

44 Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình.

45 Khi Người đến Galilee, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Jerusalem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.

46 Vậy Đức Giêsu trở lại Cana miền Galilee, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Capernaum.

47 Khi nghe tin Đức Giêsu từ Judah đến Galilee, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết.

48 Đức Giêsu nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!”

49 Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!”

50 Đức Giêsu bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về.

51 Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi.

52 Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.”

53 Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: “Con ông sống,” nên ông và cả nhà đều tin.

54 Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giêsu đã làm, khi Người từ miền Judah đến miền Galilee.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin vào Thiên Chúa có thể làm được mọi sự.

Có một sự khác biệt to lớn giữa người có và không có niềm tin: Người có niềm tin luôn lạc quan hy vọng, ngay cả trong những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, như khi phải sống trong đau khổ, bệnh tật, hay phải đối diện với thần chết. Người không có niềm tin sống mà không biết hướng về đâu. Họ không có nghị lực để đương đầu với đau khổ, bệnh tật, và đứng trước cái chết, họ không dễ dàng chấp nhận. Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự khác biệt của những con người đặt niềm tin nơi Thiên Chúa.

Trong Bài Đọc I, tuy sống cực khổ trong nơi lưu đày, tiên-tri Isaiah tin tưởng Chúa sẽ xóa sạch mọi tang thương quá khứ, để sáng tạo một trời mới đất mới. Như Ngài đã xóa sạch tội lỗi nhân lọai trong trận Lụt Hồng Thủy, Ngài sẽ xóa sạch tội lỗi và cho dân hồi hương để tái thiết quốc gia và xây dựng lại Đền Thờ. Hơn nữa, tiên-tri Isaiah cũng nhìn thấy trước ngày Đấng Thiên Sai sẽ tới và gánh tội cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành người con trai của viên sĩ quan Dân Ngọai, không bằng việc đặt tay, nhưng bằng đức tin của người cha. Viên sĩ quan năn nỉ Chúa Giêsu về nhà chữa trị cho con ông, Chúa Giêsu bảo: “Ông về đi, và con ông sống!” Ông tin tưởng trở về; và đang khi còn trên đường, đầy tớ của ông chạy ra báo tin con ông đã khỏi bệnh vào đúng thời gian mà Chúa Giêsu hứa với ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới.

1.1/ Thiên Chúa sẽ sáng tạo mọi sự mới: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo.” Cụm từ “trời mới đất mới” được dùng nhiều trong các Sách Ngọai Thư và Tân Ước (x/c 2 Edr 6:16, 7:30, 2 Bar 32:16, I Enoch 91:16, 2 Cor 5:17, 2 Pet 3:10-13, Rev 21:1). Nghĩa của cụm từ thay đổi: Trong Thư Corintô, Thánh Phaolô muốn nói trong Chúa Kitô, con người trở thành một tạo vật mới, con người cũ cùng với tính hư nết xấu đã qua đi, con người mới cùng với các nhân đức xuất hiện nhờ ân sủng của Đức Kitô. Trong Thư Phêrô II và Sách Khải Huyền, “trời mới đất mới” chỉ những gì sẽ xảy ra sau Ngày Cánh Chung, nơi công lý của Thiên Chúa ngự trị. Theo tiên-tri Isaiah, “trời mới đất mới” chỉ cả hai: những gì mới được tái tạo sau Thời Lưu Đày và những gì mới do Đấng Thiên Sai mang lại.

Jerusalem sẽ trở nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng: Đền Thờ sẽ được tái thiết và dân Chúa sẽ lại có cơ hội thờ phượng Thiên Chúa. Jerusalem cũng là nơi Dân Ngọai sẽ qui tụ về để cùng hợp với dân Do-Thái làm thành dân của Thiên Chúa. Như một người Cha, Thiên Chúa sẽ hoan hỷ vì Jerusalem, khi nhìn thấy con cái Ngài được qui tụ thành một mối.

1.2/ Thiên Chúa sẽ xóa sạch tất cả đau thương của quá khứ: Dân chúng khóc than vì chết chóc trong thời chiến tranh và khổ cực trong Thời Lưu Đày; nhưng Thiên Chúa sẽ xóa sạch tất cả. Ngài hứa với dân 3 điều sau đây:
– Họ sẽ không còn phải chịu đau khổ của kiếp lưu đày;

– Họ sẽ không còn sợ chết vì chiến tranh;

– Họ sẽ được hưởng cuộc sống an tòan: “Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái.”

2/ Phúc Âm: “Ông cứ về đi, con ông sống.”

Khỏang cách từ Capernaum tới Cana khỏang 20 dặm, một khỏang cách dài cho người đi bộ. Đi và trở về ngay phải mất khỏang 20 tiếng. Có một trình thuật tương tự trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 8:5-13, Lk 7:1-10). Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa 2 trình thuật: Trong Tin Mừng Nhất Lãm, viên sĩ quan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” Trong trình thuật của Gioan, Chúa bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Chúng ta có thể học được nhiều điều qua thái độ của viên sĩ quan này:

(1) Khiêm nhường: Viên sĩ quan, tiếng Hy-lạp dùng chữ “basilikos” có nghĩa là “ông vua nhỏ.” Có nhiều bức tường ngăn cách giữa Chúa Giêsu và viên sĩ quan này:

– Bức tường ngăn cách xã hội: Ông là người có địa vị cao trong hòang gia, khiêm nhường đi bộ đến cầu xin với Chúa Giêsu, một người không có địa vị trong xã hội.

– Bức tường ngăn cách giữa người Do-thái và Dân Ngọai: Người Do-thái không muốn có bất kỳ liên hệ gì với Dân Ngọai. Ông biết ông có thể bị mất mặt nếu Chúa Giêsu từ chối.

Tuy nhiên, lòng thương con đã thắng vượt tất cả, ông sẵn sàng hy sinh mọi sự để có thể cứu vãn sự sống của con ông.

(2) Vượt qua thử thách: Đức Giêsu nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” Ngài dùng số nhiều “các ông,” có lẽ muốn nói với ông và những người chung quanh. Chúa Giêsu muốn nói lên một thực tại của người Do-thái: họ sẽ không tin khi không nhìn thấy dấu lạ. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng muốn cho những người Do-thái xem niềm tin không dựa trên việc chứng kiến phép lạ của viên sĩ quan Dân Ngọai. Khi viên sĩ quan năn nỉ van xin Chúa Giêsu xuống Capernaum chữa bệnh cho con ông, Chúa thử đức tin của ông, Ngài không đi với ông, nhưng bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Người Do-thái chắc phải ngạc nhiên vì niềm tin của ông khi thấy: “Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về.” Trong trình thuật của Matthêu, Chúa Giêsu khen viên sĩ quan: “Tôi bảo thật các ông: Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế.”

(3) Đức tin được kiện tòan bởi lý trí: Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Đối với một người vô tâm, họ sẽ vui mừng khi biết con còn sống và quên hết mọi sự khác; nhưng viên sĩ quan còn đang sống trong tiến trình của đức tin, nên ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.”

Ông nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: “Con ông sống.” Đức tin của ông vào Chúa Giêsu được kiện tòan. Ngài hứa với ông và lời hứa đã thành sự thực, ông tin vào Ngài.

(4) Ông và cả nhà đều tin: Không dễ cho một viên sĩ quan công khai thú nhận niềm tin vào Chúa Giêsu vì sợ ảnh hưởng của dư luận. Nhưng viên sĩ quan này đã có một niềm tin được sự trợ giúp của lý trí. Ông muốn không những chỉ có ông, nhưng còn cả nhà tin vào Chúa Giêsu. Điều này thông thường đối với dân thời đó: Gia trưởng có quyền quyết định mọi chuyện trong nhà. Khi nhận ra điều gì tốt, người gia trưởng có quyền bắt tất cả người trong nhà phải làm theo. Ví dụ, Tổ-phụ Abraham bắt mọi người trong nhà phải cắt bì.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Thiên Chúa không muốn nhớ tới dĩ vãng tội lỗi và đau thương của con người. Ngài luôn mời gọi chúng ta nhìn về tương lai và hy vọng bước tới. Như một người Cha, Ngài mừng vui khi thấy con cái được vui vẻ, hạnh phúc.

– Thiên Chúa muốn con người luôn tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài, ngay cả những lúc chưa nhìn thấy kết quả, hay những đêm tăm tối của cuộc đời; vì những gì Thiên Chúa đã hứa, Ngài sẽ thực hiện.

Skip to content