Thứ Năm – Tuần 18 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Năm – Tuần 18 – TN1

Peter Satan 

Bài đọc: Num 20:1-13; Mt 16:1323.

 

1/ Bài đọc I: 1 Toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en đến sa mạc Xin vào tháng giêng, và dân ở lại Ca-đê. Bà Mi-ri-am đã qua đời và được chôn cất tại đây.

2 Cộng đồng không có nước, họ bèn tụ tập phản đối ông Mô-sê và ông A-ha-ron.

3 Dân gây chuyện với ông Mô-sê, họ nói: “Phải chi lúc anh em chúng tôi tắt thở trước mặt ĐỨC CHÚA, thì chúng tôi cũng tắt thở luôn cho rồi. 4 Hai ông đưa đại hội của ĐỨC CHÚA vào sa mạc này để làm gì? Có phải để chúng tôi và súc vật của chúng tôi chết ở đây hay không? 5 Hai ông đưa chúng tôi từ Ai-cập lên để làm gì? Có phải để đưa chúng tôi vào chốn độc địa này chăng? Đây không phải là nơi để gieo vãi, không vả, không nho, không lựu, không cả nước uống.”

6 Ông Mô-sê và ông A-ha-ron rời đại hội đến cửa Lều Hội Ngộ, các ông sấp mặt xuống đất. Bấy giờ vinh quang ĐỨC CHÚA hiện ra với các ông.

7 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: 8 “Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với A-ha-ron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước; từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và súc vật của chúng uống.” 9 Ông Mô-sê cầm lấy cây gậy ở trước nhan ĐỨC CHÚA, như Người đã truyền cho ông. 10 Ông Mô-sê và ông A-ha-ron triệu tập đại hội trước tảng đá; ông Mô-sê nói với họ: “Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này, chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không?” 11 Ông Mô-sê giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống. 12 Bấy giờ ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron: “Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Ít-ra-en, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng.”

13 Đó là mạch nước Mơ-ri-va -nghĩa là gây chuyện- nơi con cái Ít-ra-en đã gây chuyện với ĐỨC CHÚA, và Người đã biểu dương sự thánh thiện của Người giữa họ.

2/ Phúc Âm: 13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”

14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”

15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “

16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

21 Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”

23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

——————————————————————————————————————————————————————————————————–

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhà lãnh đạo cũng yếu đuối vấp phạm.

             

            Trong Cựu Ước, không một nhà lãnh đạo nào sáng giá hơn ông Moses. Chính Thiên Chúa cũng công nhận điều này, vì ông đã được nhìn thấy, nghe tiếng, và đàm đạo với Ngài. Trong Tân Ước, không một nhà lãnh đạo nào sáng giá hơn Phêrô. Chính Chúa Giêsu đã chọn ông để lãnh đạo Giáo Hội của Ngài, vì ông đã biết căn tính và nhìn thấy sự biến đổi vinh quang của Ngài.

            Tuy vậy, cả hai nhà lãnh đạo đều xúc phạm đến Thiên Chúa trong hai trình thuật hôm nay. Trong bài đọc I, ông Moses đã không vâng lời Thiên Chúa nên ông đã không được diễm phúc đưa dân vào Đất Hứa. Theo Sách Dân Số, Thiên Chúa truyền cho ông nói với tảng đá để nó cho toàn dân nước uống; nhưng ông Moses đã dùng gậy đập trên tảng đá hai lần. Trong Phúc Âm, Phêrô đã can ngăn Chúa Giêsu lên Jerusalem để đừng phải trải qua cuộc Thương Khó và Tử Nạn. Chúa Giêsu mắng ông một câu rất nặng: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng.”

            Đây là lần thứ hai con cái Israel phản đối ông Moses và ông Aaron vì không có nước uống. Lần đầu tại Rephidim (Exo 17:1-7), Thiên Chúa truyền cho ông Moses đi cùng với các kỳ mục và dùng cây gậy đập vào tảng đá tại núi Horeb, và nước đã vọt ra cho dân chúng uống. Lần này tại Kadesh. Có hai địa danh mang tên Kadesh: một tại Edom và một tại gần biên giới của Canaan. Khó lòng có thể xác định địa danh nào, nhưng một điều chắc chắn là khác với Rephidim, lần thứ nhất.

            1.1/ Đức Chúa phán với ông Moses: “Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với Aaron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước; từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và súc vật của chúng uống.” Đọc cẩn thận trình thuật, chúng ta thấy lệnh truyền của Thiên Chúa khác với lần thứ nhất. Ngài truyền cho ông cũng cầm lấy cây gậy, nhưng không đập, mà chỉ nói với tảng đá ở Kadesh là nó sẽ cho nước uống.

            1.2/ Ông Moses giơ tay, lấy gậy, đập vào tảng đá hai lần: Ông Moses cầm lấy cây gậy ở trước nhan Đức Chúa, như Người đã truyền cho ông. “Ông Moses giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống.” Thiên Chúa không hài lòng với sự bất tuân của hai ông. Ngài phán với ông Moses và ông Aaron: “Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Israel, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng.” Có người cho Thiên Chúa bắt bẻ hai ông cách chi li; nhưng đó là lệnh truyền của Thiên Chúa và hai ông buộc phải làm như thế. Người khác cho có thể hai ông không nghe rõ lệnh truyền của Thiên Chúa, nên cứ tưởng làm như lần thứ nhất. Điều này phải làm gương cho các nhà lãnh đạo. Họ phải học biết rõ ràng mệnh lệnh của Thiên Chúa trước khi thi hành. Kết quả là ông Aaron đã qua đời trên núi Ho (Num 20:27-29), và ông Moses đã qua đời trên núi Nebo sau khi đã được nhìn thấy Đất Hứa (Deut 32:52).

2/ Phúc Âm: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy.”

            2.1/ Người ta bảo Thầy là ai? Caesar Philippi là trung tâm của nhiều tôn giáo vì tính rất linh thiêng của nó: Thánh Vịnh 42:6 và 133:3 nhắc nhở cho mọi người Do-thái phải nhớ đến Chúa khi đến đây, vì sông Jordan là huyết mạch không thể thiếu trong đời sông của người dân. Nó là phúc lành và sức sống Chúa ban cho dân. Nơi đây cũng có khỏang 14 đền thờ của người Syria vì họ đã từng cư ngụ nơi này. Lại là nơi thờ thần Pan, thần mục tử của người Hy-lạp khi họ đô hộ nơi này. Nơi thờ thần Pan là một cái động khổng lồ: đỉnh là một ngọn núi, chân là một vực thẳm rất sâu chứa đầy nước. Nơi đây, Philip cũng cho xây một đền thờ khổng lồ bằng đá cẩm thạch trắng trên núi để thờ hòang đế Caesar.

            Đứng trước một trung tâm huyền bí và qui tụ rất nhiều các thần như nơi này, con người không khỏi lẫn lộn khi đặt cho mình một câu hỏi: Đâu là sự thật? Thần nào là thần phải thờ? Chúa Giêsu có ý định đặt câu hỏi để bắt các môn đệ phải tìm ra câu trả lời. Hơn nữa, hai sứ vụ chính của Ngài khi xuống thế là (1) mặc khải cho con người biết tất cả những gì Thiên Chúa muốn, và (2) huấn luyện các môn đệ để tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian. Đây là giờ phút quan trọng vì Ngài sắp sửa lên Jerusalem để chịu chết và hoàn thành sứ vụ của Ngài trên trần gian, nên Ngài cần phải biết chắc chắn những môn đệ của Ngài có hiểu sứ vụ của Ngài, nhất là biết rõ Ngài là ai trước khi có thể tiếp tục sứ vụ khi Ngài đã về trời.

            Vì thế, Ngài bắt đầu bằng câu hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” Tiểu vương Herode Antipas đã gọi Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết (Mt 14:2). Khi gọi Chúa là Elijah, họ đã nhận ra phần nào sự quan trọng và uy quyền của Chúa vì người Do Thái tin tiên tri Elijah chưa chết và sẽ trở lại trước thời Đấng Messiah sẽ tới (Mal 4:5). Họ vẫn để một ghế trống trong hội đường cho tiên tri khi họ cử hành Lễ Vượt Qua. Cũng vậy, khi gọi Chúa là Jeremiah vì họ cũng tin ông sẽ tới trước thời Đấng Messiah. Truyền thống tin là Jeremiah đã vào Đền thờ Jerusalem trước khi đi lưu đày bên Babylon để lấy Hòm Bia và hương án đem giấu trên núi Nebo và sẽ trở lại để “đúc lại” hai thứ này để Thiên Chúa tiếp tục hiện diện với Dân Người (2 Mac 2:1-12). Như thế, khi gọi Chúa Giêsu là Elijah hay Jeremiah, họ không tin Chúa Giêsu là Đấng Messiah, mà chỉ là tiên tri đến dọn đường trước khi Đấng Messiah đến. Nếu các môn đệ cũng tin như thế thì Chúa Giêsu sẽ thất bại!

            2.2/ Các con bảo Thầy là ai? Đấng Kitô, Christ (tiếng Hy-lạp) chính là Đấng Messiah (tiếng Do-thái), có nghĩa là Đấng được xức dầu để làm vua mà toàn dân Do-thái đang mong đợi. Đây là câu trả lời Chúa Giêsu mong muốn, nhưng Chúa muốn cho Phêrô biết lý do tại sao ông biết điều mà người khác không biết: vì ông đã được mặc khải bởi Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Lý do này cũng được tuyên bố bởi Phaolô: Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa mà không do Thánh Thần (1 Cor 12:3). Vì Phêrô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng con người đích thực của Chúa Giêsu, nên Ngài có thể an tâm sẽ có người kế vị để tiếp tục công việc Ngài đã khởi sự. Và Chúa Giêsu thiết lập giao ước mới với Phêrô.

            Từ lúc đó, Chúa Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Jerusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Điều trên xảy ra cho Phêrô, chúng ta có thể hiệu được theo tính loài người: vì tuy Phêrô đã biết căn tính của Chúa là Đấng Thiên Sai phải đến, nhưng cũng như bao người Do-thái đương thời, ông nghĩ Chúa sẽ dùng uy quyền Thiên Chúa để thống trị các dân tộc. Vì thế, một Thiên Chúa phải cứu độ qua con đường đau khổ của Thập Giá là chuyện ông không thể tưởng tượng có thể xảy ra.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Là những nhà lãnh đạo trong gia đình cũng như cộng đoàn, chúng ta phải tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa. Đừng làm sai một mệnh lệnh nào.

            – Khi chưa hiểu rõ lệnh truyền của Thiên Chúa, chúng ta có thể cầu nguyện, học hỏi, và thưa lại; nhưng không được làm liều hay giả sử nó có thể làm như vậy.

Skip to content