Thứ Năm – Tuần 26 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

baby jesus3 

Thứ Năm – Tuần 26 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: Job 19:21-27; Lk 10:1-12.

1/ Bài đọc I: Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn, vì chính tay Thiên Chúa đã đánh tôi! Tại sao các anh bắt chước Thiên Chúa mà đi săn đuổi tôi, và vẫn không thoả mãn?

Ôi, những lời tôi nói đây, phải chi có người chép lại, phải chi có người ghi vào sách, có người đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá cho đến muôn đời!

Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.

Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ.

2/ Phúc Âm: Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.

Người bảo các ông: Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! ” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Sôđôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tất cả sự việc xảy ra trên đời đều có lý do; nhưng con người không luôn luôn hiểu được lý do đó. Con người thường dùng suy luận của mình để tìm ra lý do, và sau đó thay Chúa xét đóan tha nhân dựa trên những gì mình suy nghĩ (Ví dụ, biến cố 9/11 và tội lỗi của người Mỹ). Khi các môn đệ nhìn thấy người mù từ lúc mới sinh, các ông hỏi Chúa vì tội của anh ta hay của cha mẹ. Chúa trả lời chẳng phải tội của ai nhưng để cho Danh Chúa được cả sáng. Trong Phúc Âm, khi Chúa sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa truyền cho các ông đừng mang theo bị gậy dọc đường. Có thể nhiều người sẽ hỏi: Rồi lấy gì để sinh sống? Nhưng Chúa muốn các ông sống nhờ sự đáp trả của những người đón nhận Tin Mừng, và sự đáp trả này nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Niềm tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa của ông Gióp.

1.1/ Niềm tin vào lòng thương xót Chúa thay vì lên án và xét xử tha nhân: Các bạn của ông Gióp nghĩ hình phạt là do tội gây nên; nên khi họ thấy ông phải chịu nhiều đau khổ, họ kết luận ông đã phạm tội. Nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa không đơn giản như thế, chịu đau khổ không nhất thiết là vì đã phạm tội. Độc giả của Sách Gióp đã biết ngay từ đầu lý do tại sao ông Gióp phải chịu đau khổ trong khi ông Gióp và các bạn ông không hề hay biết: Đó là để chứng minh cho Satan biết Gióp yêu Thiên Chúa không phải vì được Chúa chúc lành trên con cái và tài sản. Satan cũng là một ví dụ của sự suy bụng ta ra bụng người, lấy những gì mình suy nghĩ và đem áp dụng cho Gióp. Khi thấy các bạn mình cứ chửi bới và buộc tội, ông Gióp nài xin lòng thương của các bạn nếu không hiểu và thông cảm được thì hãy để ông yên: “Xin thương tôi, xin thương xót tôi, hỡi các anh là những người bè bạn, vì chính tay Thiên Chúa đã đánh tôi! Tại sao các anh bắt chước Thiên Chúa mà đi săn đuổi tôi, và vẫn không thoả mãn?”

1.2/ Niềm tin tưởng vững mạnh vào Thiên Chúa của ông Gióp: Mặc dù phải chịu mất hết tài sản đã gầy dựng và mất hết tất cả các con cái, đồng thời phải chịu tất cả các bệnh tật phần xác và đau khổ tinh thần do các bạn thân mang tới; ông Gióp đã không bao giờ dám than phiền hay chửi Thiên Chúa như Satan chờ đợi. Trái lại, ông vẫn một mực tin tưởng nơi lòng thương xót Chúa: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.

Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ.”

2/ Phúc Âm: Niềm tin của người rao giảng Tin Mừng.

2.1/ Chúa Giêsu sai 70 môn đệ đi rao giảng Tin Mừng: Chúa Giêsu đã có kế họach cho việc rao giảng Tin Mừng. Theo kế họach này, ngòai Nhóm Mười Hai Tông Đồ, Chúa còn sai đi Nhóm Bảy Mươi như Luca tường thuật hôm nay vì “Muøa gaët thì nhiều, song thợ gaët thì ít. Vaäy, các con haõy xin Chuû muøa gaët sai thợ gaët ñeán trong muøa cuûa mình.” Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, các Tông Đồ và các môn đệ tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu. Các ông không chỉ rao giảng nhưng còn tiếp tục đào tạo thợ trong số những người nghe để rồi tiếp tục sai đi mãi. Cũng trong sự quan phòng của Thiên Chúa, thợ rao giảng Tin Mừng sẽ được thưởng công từ người nghe để có phương tiện sinh sống.

2.2/ Những đặc tính cần có của người rao giảng:

(1) Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Sống khó nghèo vì Tin Mừng và trông cậy hòan tòan vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu người rao giảng có quá nhiều hành lý, ông không muốn và cũng không thể đi xa.

(2) Chú trọng đến sứ vụ trước mặt: “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.” Đây không phải là lời khuyên các môn đệ khinh thường tha nhân, nhưng lời khuyên các ông không nên để những việc nhỏ nhặt làm chia trí sứ vụ quan trọng trước mặt (2 Kgs 4:29).

(3) Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia: Việc cần thiết nhất là rao giảng chứ không phải tìm lợi nhuận và an tòan cá nhân.

2.3/ Bổn phận cần đáp trả của người nghe:

(1) Tiếp đón người rao giảng: Người rao giảng mang Tin Mừng và sự bình an của Thiên Chúa đến cho chủ nhà, và chủ nhà cần mở rộng lòng đón tiếp những sứ giả mang Tin Mừng bằng cách cung cấp cho họ những gì cần thiết. Chúa Giêsu mong muốn có sự đáp trả nơi người lãnh nhận Tin Mừng cho các môn đệ của Ngài khi Ngài căn dặn các môn đệ: “Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.”

(2) Hình phạt nếu từ chối không đón tiếp: Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Khi Tin Mừng được rao giảng, nhiệm vụ phải đáp trả được áp đặt trên người nghe. Nếu không đáp trả thích ứng, người nghe sẽ phải chịu trách nhiệm hòan tòan trong Ngày Phán Xét như Chúa đã báo trước: “Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Sôđôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Mọi việc xảy ra trong vũ trụ đều có lý do; nhưng con người không luôn luôn hiểu những lý do này trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta đừng lấy những gì mình suy nghĩ làm tiêu chuẩn để xét xử và lên án tha nhân. Trong mọi trường hợp, chúng ta cần vững vàng tin tưởng vào lòng thương xót Chúa và lấy lòng nhân ái mà đối xử với tha nhân.

– Bổn phận của người rao giảng là sống khó nghèo cho sứ vụ rao giảng và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ ban cho của ăn qua những người lãnh nhận Tin Mừng.

– Bổn phận của những người nghe là phải tiếp đón tử tế các sứ giả mang Tin Mừng; nếu không sẽ phải chịu hình phạt trong Ngày Phán Xét.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content