Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Năm, Tuần 30 TN, Năm lẻ.
Bài đọc: Rom 8:31b-39; Lk 13:31-35.
1/ Bài đọc I:
31 Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?
32 Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?
33 Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính?
34 Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?
35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?
36 Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.
37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.
38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,
39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
2/ Phúc Âm:
31 Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!”
32 Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.
33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.
34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.
35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu mạnh hơn sự chết.
Tình yêu có sức mạnh làm cho con người sẵn sàng hy sinh vì người mình yêu. Con người dễ xúc động trước cảnh bà mẹ rạch ngực lấy máu cho con bú vì không kiệt lực còn sữa để nuôi con; hay những chuyện tình của đôi trái gái trong chuyện phim Titanic hay Romeo và Juliette. Khi được thúc đẩy bởi tình yêu, con người có thể làm những chuyện phi thường như thế.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và con người đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô xác tín nếu Thiên Chúa đã yêu thương con người đến độ sẵn sàng hy sinh Người Con Một chết thay cho con người; thì không điều gì có thể ban mà Ngài không ban cho con người. Để đáp trả lại tình yêu vô biên này, con người cần vượt qua tất cả đau khổ: đói khát, tù đày, gươm giáo, và ngay cả cái chết để trung thành với tình yêu Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khi được một số Pharisees báo cho Chúa Giêsu biết bạo vương Herode đang tìm cách giết Ngài để Ngài trốn đi, Chúa Giêsu đã không sợ hãi, lại còn nhờ người nhắn lại với bạo vương là Ngài sẽ tiếp tục làm việc để chu toàn kế hoạch mà Cha Ngài đã trao phó; đồng thời Ngài đã sẵn sàng chấp nhận cái chết tại Jerusalem.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.
1.1/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người: Con người chưa thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng khi nhìn thấy Đức Kitô chết đau khổ trên Thập Giá, con người phải cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình. Thánh Phaolô xác tín: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”
Thánh Phaolô cũng như thánh Gioan không quan tâm đến việc xét xử của Thiên Chúa cho bằng quan tâm đến tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thánh Phaolô nói: “Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” Thánh Gioan nói Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một của mình. Thiên Chúa chẳng quan tâm đến việc xét xử; nhưng con người xét xử chính mình bằng việc tiếp nhận hay từ chối tình yêu Thiên Chúa qua Đức Kitô (x/c Jn 3:16-21).
1.2/ Tình yêu con người dành cho Thiên Chúa: Một khi con người đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa, con người phải tìm mọi cách để đap trả tình yêu này. Một số những trở ngại có thể ngăn cản con người không đáp lại tình yêu Thiên Chúa.
(1) Gian nan đau khổ: Tình yêu thực sự đòi con người phải chấp nhận gian khổ và vượt qua mọi thử thách. Thánh Phaolô thách đố các tín hữu: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.” Tự sức con người không thể vượt qua những gian khổ; nhưng con người có khả năng vượt qua mọi thử thách nhờ tình yêu và sức mạnh Thiên Chúa ban.
(2) Ham sống và sợ chết: Bản năng con người là ham sống và sợ chết; nhưng sau khi đã được Thánh Thần hướng dẫn, con người có thể phải chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật. Cái chết về phần xác không hết; nhưng giúp con người bắt đầu một cuộc sống mới và hạnh phúc bên Thiên Chúa và Đức Kitô.
(3) Thời gian chờ đợi: “Xa mặt cách lòng” hay “chầu lâu gối mỏi.” Khi con người phải chờ đợi hay phải chịu đau khổ trong một thời gian lâu dài, con người có khuynh hướng mất kiên nhẫn và rơi vào bẫy của ma quỉ và đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa. Để tránh tình trạng này, con người cần củng cố ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến hằng ngày qua việc cầu nguyện và lãnh nhận các bí-tích cách thường xuyên.
Nói tóm, tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho Đức Kitô phải đủ mạnh để có thể thốt lên như Phaolô: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”
2/ Phúc Âm: Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.
Chúa Giêsu rất ít khi gọi ai bằng danh xưng loài vật; nhưng trong trình thuật của Luca hôm nay, Ngài gọi Herode là con cáo để chỉ sự gian manh, khinh thường sự thật của ông. Trình thuật hôm nay diễn tả hai phản ứng của Ngài dành cho bạo vương Herode và cho dân thành Jerusalem.
2.1/ Với bạo vương Hêrôde Antipas của miền Galilê: Ông đã giết Gioan Tẩy Giả vì dám nói sự thật và giờ đây lại tìm cách để giết Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi được báo bởi mấy người Pharisêu, Chúa Giêsu chẳng những không sợ hãi mà còn bảo những người đưa tin: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành
2.2/ Với sự khước từ tình yêu của dân thành
Không nỗi đau khổ nào lớn hơn nỗi đau khổ bị khước từ tình yêu. Tuy vậy, Chúa vẫn trung thành yêu thương đến cùng, với hy vọng một ngày dân Thành sẽ nhận ra và chấp nhận tình yêu của Chúa và đáp lại. Lời tiên tri dân thành sẽ được thấy Chúa và tung hô “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” được ứng nghiệm khi Chúa Giêsu long trọng vào Thành trước Cuộc Thương Khó của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là chúng ta phải cảm nhận được tình thương Thiên Chúa dành cho chúng ta. Điều này có thể làm được bằng nhiều cách: học hỏi về Thiên Chúa qua Kinh Thánh, suy niệm về những gì Thiên Chúa làm cho bản thân, cho gia đình, và cho loài người.
– Một khi đã cảm nhận tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải hiên ngang như Chúa Giêsu và thánh Phaolô: sẵn sàng đương đầu với mọi quyền lực của thế gian để chu tòan sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, nhất là trung thành yêu thương tha nhân đến cùng cho dẫu bị khước từ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}