Thứ Năm – Tuần 31 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Năm – Tuần 31 – TN2

Bài đọc: Phil 3:3-8; Lk 15:1-10.

1/ Bài đọc I3 Vì chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần Khí của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Ki-tô Giê-su, chứ không cậy vào xác thịt,

4 mặc dầu tôi đây, tôi có lý do để cậy vào xác thịt. Nếu ai khác có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn:

5 tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu;

6 nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi.

7 Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi.

8 Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô.

2/ Phúc Âm: 3 dụ ngôn về lòng thương xót Chúa

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.

2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”

3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

Dụ ngôn con chiên bị mất (Mt 18: 12 -14 )

4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?

5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.

6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.

7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất

8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?

9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.

10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của Thiên Chúa

Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng tự hào về lịch sử huy hòang của mình: giòng họ phú quí, bằng cấp, chức quyền …, nhưng rất nhiều khi những điều họ tự hào này chẳng giúp ích gì mà còn làm hại chúng ta nữa. Vì thế, chúng ta cần cẩn thận suy xét để tìm ra những gì thực sự giúp ích cho cuộc đời mình. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô nhận ra cái “lịch sử huy hòang” mà ngài đã từng tự hào, làm ngài súyt chết trong biến cố ngã ngựa trên đường đi Damascus; nhưng lòng thương xót của Người mà các Kitô hữu tin tưởng, mới thực sự là Người sinh ích cho cuộc đời của ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mở mắt cho các Kinh-sư và Biệt-phái nhìn thấy lòng thương xót của Thiên Chúa là lý do tại sao con người được cứu độ, chứ không phải thái độ “tự cho mình là công chính” của họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cậy vào “xác thịt”hay cậy trông nơi Thiên Chúa?

1.1/ Phaolô xét mình: Phaolô nhìn lại cái “lịch sử huy hòang” mà ông đã từng tự hào về nó: “Nếu ai có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn: tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, giòng họ Bengiamin, là người Do-Thái, con của người Do-Thái; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật thì chẳng ai trách được tôi.”

Nhưng những gì xảy ra từ khi biến cố ngã ngựa trên đường đi Damascus đã làm ông xét lại niềm tự hào này: Nếu việc ngược đãi những Kitô hữu đẹp lòng Thiên Chúa thì ông đã không bị té ngựa. Thiên Chúa có thể giết chết ông nhưng Ngài vẫn để cho sống. Thiên Chúa có thể để cho ông mù lòa nhưng Ngài đã chữa cho sáng mắt. Thiên Chúa có thể để ông lầm lạc trong niềm tự hào về lịch sử huy hòang của ông, nhưng Ngài đã mặc khải cho ông hiểu đâu là Sự Thật. Thiên Chúa có thể để ông sống như bao tín hữu, nhưng Ngài trao ban cho ông sứ vụ Rao Giảng Tin Mừng.

1.2/ Phaolô được soi sáng và nhận ra lòng thương xót Chúa: Sau khi Thánh Phaolô so sánh cái “lịch sử huy hòang” của mình với tất cả những “ơn thánh” nhận được từ biến cố Damascus đến giờ, Thánh Phaolô khiêm nhường thú nhận: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi.”

– Cái lợi đầu tiên và quan trọng nhất là biết sự thật, và Sự Thật trên hết mọi sư thật là chính Đức Kitô. Thánh Phaolô xác nhận: “Mối lợi tuyệt vời nhất là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi.” Kinh nghiệm quá khứ mở mắt cho người nhìn thấy tai hại to lớn của việc không biết Sự Thật.

– Cái lợi thứ hai như chúng ta đã thấy trong đạo lý của ngài trước đây: con người không thể nên công chính bằng việc giữ cẩn thận Lề Luật, nhưng bằng niềm tin vào Đức Kitô. Vì Thiên Chúa thương xót con người, nên đã cho Đức Kitô xuống trần để gánh tội thay cho con người. Chính vì Đức Kitô, con người có thể nên công chính trước Thiên Chúa.

1.3/ Phaolô rút ra kết luận cho tương lai: Ngài đưa ra 2 ví dụ cụ thể hôm nay:

(1) Cắt bì theo xác thịt mà đối phương đòi các tín hữu phải làm không có gía trị vì “phép cắt bì chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không phải theo chữ viết của Lề Luật” (Rom 2:29). Ngài củng cố các tín hữu: “Chúng ta mới thật là những người được cắt bì, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thánh Thần của Người, những người hiên ngang hãnh diện vì Đức Kitô Giêsu, chứ không cậy vào xác thịt.”

(2) Từ bỏ mọi sự để chiếm hữu Đức Kitô: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.”

2/ Phúc Âm: Lòng thương xót của Thiên Chúa

2.1/ Xét đóan tha nhân thay vì xét mình cẩn thận: Một trong những xung đột chính giữa Chúa Giêsu với các Kinh-sư và Biệt-phái là lối sống giả hình. Họ luôn tìm cách bắt bẻ Chúa về việc không giữ luật lệ bên ngòai: rửa tay trước khi ăn, chữa bệnh trong ngày Sabbath; và hôm nay, ăn uống với tội nhân. Trong trình thuật của Luca hôm nay, các người Biệt-phái và các Kinh-sư xét đóan:

– tha nhân: các người thu thuế và gái điếm là những người tội lỗi trước mắt họ; và họ tin những hạng người này không bao giờ được chung hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa.

– Chúa Giêsu: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Giao tiếp với những hạng người như thế làm cho con người ra nhơ bẩn tội lỗi.

Trong những trình thuật khác, Chúa Giêsu đã trách mắng họ là những mồ mả tô vôi: bên ngòai có vẻ đẹp đẽ, nhưng bên trong đầy những giòi bọ rúc rỉa. Hãy xét mình và làm cho sạch bên trong trước rồi mới có đủ sáng suốt để xét đóan tha nhân. Trong trình thuật hôm nay, Chúa hướng lòng họ về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân.

2.2/ Chúa dạy con người 2 ví dụ về lòng thương xót của Thiên Chúa:

(1) Tìm được con chiên lạc: Con chiên đi lạc là vì lỗi của nó, đã không chịu nghe theo chủ; nhưng ông chủ chẳng những không xét lỗi nó, mà còn đi tìm cho kỳ được. Ông đi tìm vì nó là của ông, cho dẫu vẫn còn 99 chiên khác. Khi tìm thấy, ông không kết tội, không đánh đập, nhưng mừng rỡ vác chiên trên vai trở về và mở tiệc ăn mừng!

(2) Đồng tiền bị mất: Đồng tiền bị mất là vì chẳng may, cũng như bao con người sa ngã vì hòan cảnh chẳng may đưa tới. Người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được vì nó là của bà, cho dẫu bà vẫn còn 9 quan khác. Khi tìm thấy Bà mở tiệc ăn mừng! Có người đặt câu hỏi Bà có thể phải dùng cả 9 đồng kia để mua thức ăn đãi khách để ăn mừng đồng tiền kiếm thấy!

Cả 2 ví dụ đều kết thúc bằng câu kết luận của Chúa Giêsu: “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải năng xét mình cẩn thận để nhận ra chúng ta và mọi người đều là tội nhân trước Thiên Chúa.

– Thiên Chúa yêu thương tội nhân và sẵn sàng đi tìm họ như Đức Kitô đi tìm Phaolô trên đường đi Damascus, như người mục tử đi tìm con chiên lạc, và như người đàn bà đi tìm đồng bạc đánh mất.

– Vì Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ cho chúng ta, chúng ta không được quyền kết tội tha nhân như các Kinh-sư và Biệt-phái, nhưng phải sẵn sàng tha thứ cho họ. 

Skip to content