Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
{audio}LCHN/audio/Thu Nam tuan 32 TN.mp3{/audio}
Thứ Năm, Tuần XXXII TN, Năm Chẵn
Bài đọc: Phm 7-20; Lk 17:20-25.
1/ Bài đọc I:
7 Thật thế, tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì, thưa anh, anh đã làm cho lòng trí các người trong dân thánh được phấn khởi.8 Vì thế, mặc dầu nhờ kết hợp với Đức Ki-tô, tôi có đủ mạnh dạn để truyền cho anh làm điều anh phải làm.9 Nhưng tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó. Tôi, Phao-lô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su,10 tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ô-nê-xi-mô,11 kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi,12 tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi.
13 Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng.
14 Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện.
15 Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn,
16 không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.
17 Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.
18 Nếu nó đã làm thiệt hại anh hoặc mắc nợ anh điều gì, thì xin để tôi nhận cả.
19 Chính tôi, Phao-lô, tự tay viết điều này: tôi sẽ hoàn trả lại. Tôi khỏi cần nói với anh là anh còn mắc nợ tôi: món nợ đó là chính anh.
20 Phải, thưa anh, xin anh cho tôi được hưởng niềm vui đó trong Chúa. Anh hãy làm cho lòng trí tôi được phấn khởi trong Đức Ki-tô.
2/ Phúc Âm:
20 Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.
21 Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này! hay Ở kia kìa! vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”
22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.
23 Người ta sẽ bảo anh em: “Người ở kia kìa! hay “Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.
24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.
25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những dấu chỉ để nhận ra Triều Đại của Thiên Chúa trong tâm hồn.
Con người thường phán xét theo những gì họ xem thấy bên ngòai. Họ muốn dùng những tiêu chuẩn bên ngòai để xác định khi nào Đấng Thiên Sai và khi nào Ngày Phán Xét tới. Khác với con người, Thiên Chúa phán xét theo những gì Ngài thấy bên trong. Ngài mời gọi con người nhìn sâu vào tâm hồn bên trong, để nhận ra những tiêu chuẩn của Nước Trời. Trong Bài đọc I, Thánh Phaolô cố gắng thuyết phục Philemon nhận lại người nô lệ của ông đã lỡ dại trốn đi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cho biết để nhận ra triều đại của Thiên Chúa đến hay chưa, con người không thể dựa vào những sự kiện bên ngòai, nhưng phải dựa vào những thay đổi trong tâm hồn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải lấy tình bác ái mà đối xử với nhau.
Thư Thánh Phaolô gởi cho Philemon, cộng sự viên của ngài, chỉ vỏn vẹn trong hai trang và liên quan chỉ một vấn đề chính: Ngài xin ông nhận lại người nô lệ, Oneximo, đã trót dại bỏ trốn qua Roma tìm tự do. Nhiều người đã so sánh việc Phaolô bầu cử cho Oneximo như việc Chúa Giêsu bầu cử cho con người trước tòa Thiên Chúa. Đức bác ái của Kitô Giáo được nhấn mạnh trong tòan thể thư này:
(1) Thánh Phaolô khen đức bác ái của Philemon: Ngay từ đầu thư, Phaolô đã đề cao đức bác ái của Philemon: “Thật thế, tôi rất vui mừng và lấy làm an ủi, khi thấy đức bác ái của anh, bởi vì, thưa anh, anh đã làm cho lòng trí các người trong dân thánh được phấn khởi.”
(2) Ngài nhân danh đức bác ái xin Philemon làm cho Ngài một chuyện: nhận lại Oneximo. Theo luật của Roma thời đó, người chủ có tòan quyền trên nô lệ của mình. Nếu người nô lệ trốn đi và bị chủ bắt lại, anh có thể bị chủ giết chết. Thánh Phaolô rất hiểu tâm lý: Con người không thích bị bắt buộc phải làm, nhưng muốn có tự do để quyết định, nên Ngài nói với Philemon: “Mặc dầu nhờ kết hợp với Đức Kitô, tôi có đủ mạnh dạn để truyền cho anh làm điều anh phải làm; nhưng tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó. Tôi, Phaolô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Kitô Giêsu.”
(3) Thánh Phaolô đối xử bác ái với Oneximo: Ngài không coi anh như một người nô lệ nhưng như một người con ruột thịt. Ngài nói với Philemon: “Tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Oneximo, kẻ xưa kia đối với anh là vô dụng, thì nay đã thành người hữu ích cho cả anh lẫn tôi, tôi xin gửi nó về cho anh; xin anh hãy đón nhận nó như người ruột thịt của tôi.”
(4) Thánh Phaolô quan tâm đến người khác nhiều hơn mình: Mặc dù ngài muốn giữ Oneximo ở lại để giúp đỡ ngài trong lúc già yếu và tù đày, nhưng Oneximo thuộc về Philemon; vì thế chỉ Philemon mới có quyền quyết định: “Phần tôi, tôi cũng muốn giữ nó ở lại với tôi, để nó thay anh mà phục vụ tôi trong khi tôi bị xiềng xích vì Tin Mừng. Nhưng tôi chẳng muốn làm gì mà không có sự chấp thuận của anh, kẻo việc nghĩa anh làm có vẻ miễn cưỡng, chứ không phải tự nguyện.”
(5) Thánh Phaolô khuyên Philemon nên đối xử tốt với Oneximo: không phải như một người nô lệ nữa, mà như một người anh em trong gia đình và trong Chúa: “Nó đã xa anh một thời gian, có lẽ chính là để anh được lại nó vĩnh viễn, không phải được lại một người nô lệ, nhưng thay vì một người nô lệ, thì được một người anh em rất thân mến; đối với tôi đã vậy, phương chi đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa.”
(6) Thánh Phaolô coi việc tiếp nhận Oneximo là tiếp nhận chính ngài: “Vậy, nếu anh coi tôi là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.” Và Ngài xin Philemon cho ngài được hưởng ân huệ này nhờ Đức Kitô: “Xin anh cho tôi được hưởng niềm vui đó trong Chúa. Anh hãy làm cho lòng trí tôi được phấn khởi trong Đức Kitô.”
2/ Phúc Âm: Triều Đại của Thiên Chúa đang ở giữa các ông.
2.1/ Khi nào triều đại của Thiên Chúa đến? Các động từ chính liên quan đến “triều đại của Thiên Chúa” trong câu 21 và 22 đều được dùng ở thời hiện tại. Điều này chứng tỏ Thánh Luca muốn phân biệt triều đại của Thiên Chúa đến trong trần gian với Ngày Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai trong 4 câu kế tiếp. Triều đại của Thiên Chúa đã đến trong trần gian, nhưng để nhận ra con người không thể:
– dựa vào những dấu chỉ bên ngòai như lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: Ở đây này! hay Ở kia kìa!” nhưng phải nhận ra nhờ những dấu chỉ bên trong như đức tin vào Thiên Chúa, sống bác ái với mọi người.
– triều đại của Thiên Chúa đang ở giữa (hiện tại) các ông: Chúa Kitô là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Nhận ra Đức Kitô và tin vào Ngài là dấu hiệu Triều Đại của Thiên Chúa đã đến trong lòng mỗi tín hữu.
2.2/ Khi nào Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai? Các động từ chính của cả 3 câu 22, 23, 24 đều được dùng ở thời tương lai. Câu 25 là lời tiên tri: Chúa Giêsu báo trước những gì sắp xảy ra cho Ngài trong tương lai gần. Về Ngày Chúa Giêsu sẽ đến lần thứ hai:
– Không ai biết được thời gian: “Vì thế, khi người ta sẽ bảo anh em: Người ở kia kìa! hay Người ở đây này! Anh em đừng đi, đừng chạy theo.”
– Không ai biết được nơi chốn: “Vì như ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong Ngày của Người.”
– Các môn đệ biết những gì sắp xảy ra cho Chúa Giêsu trong tương lai gần: “Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.” Khi chứng kiến những sự kiện này, các môn đệ sẽ biết triều đại của Thiên Chúa đã đến trong thế gian. Sau đó, Chúa Giêsu sẽ được cất đi khỏi các ông. Lúc đó, các ông sẽ mong sống lại những ngày với Chúa Giêsu, nhưng không còn nữa: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta có thể nhận ra Triều Đại của Thiên Chúa đã đến với chúng ta bằng niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô, biểu lộ qua việc bác ái chúng ta đối xử với những người chung quanh, nhất là những người kém may mắn, như Phaolô khuyên Philemon đối xử với Onesimo, người nô lệ.
– Triều đại của Thiên Chúa đến không từ bên ngòai để chúng ta có thể nhận ra như những vương quốc của trần gian; nhưng chúng ta có thể nhận ra triều đại của Thiên Chúa đã đến trong tâm hồn nhờ vào những dấu chỉ bên trong như ăn năn xám hối, tin vào Đức Kitô, và sống bác ái với mọi người.
– Về Ngày Chúa đến lần hai, Chúa Giêsu đã nói rõ: Chắc chắn Ngày đó sẽ xảy ra, nhưng không ai biết được thời gian và nơi chốn. Vì thế, đừng tiên đóan hay tin ai cho biết về Ngày đó. Tốt hơn, chúng ta nên chuẩn bị và sẵn sàng chờ đợi.