Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Năm – Tuần 2 – TN2
Bài đọc: Heb 7:25-8:6; I Sam 18:6-9, 19:1-7; Mk 3:7-12.
1/ Bài đọc I (năm lẻ): 25 Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ.
26 Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.
27 Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. 28 Vì Luật Mô-sê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.
1 Điểm chủ yếu trong những điều đang nói ở đây là điểm này: chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời. 2 Vị đó lo việc tế tự trong cung thánh, trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên. 3 Quả vậy, bất cứ ai được phong làm thượng tế cũng là để dâng lễ vật và tế phẩm; vì thế, vị này cũng cần phải có cái gì để dâng. 4 Vậy, giả như Đức Giê-su ở dưới thế, thì Người chẳng phải là tư tế, bởi vì đã có những người dâng lễ vật như Luật truyền. 5 Những người này lo việc phụng tự trong một thánh điện, mà thánh điện này chỉ là hình ảnh lu mờ mô phỏng thánh điện trên trời. Quả vậy, khi ông Mô-sê sắp dựng lều trại, thì ông được Thiên Chúa phán dạy rằng: Hãy nhìn xem và làm tất cả theo mẫu đã chỉ cho ngươi trên núi. 6 Nhưng hiện nay, Đức Giê-su được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): 6 Lúc quân dân đến, khi ông Đa-vít hạ được tên Phi-li-tinh trở về, thì phụ nữ từ hết mọi thành của Ít-ra-en kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. 7 Phụ nữ vui đùa ca hát rằng: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn,
ông Đa-vít hàng vạn.” 8 Vua Sa-un giận lắm, và bực mình vì lời ấy. Vua nói: “Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi!” 9 Từ ngày đó về sau, vua Sa-un nhìn Đa-vít với con mắt ghen tị.
1 Vua Sa-un nói với ông Giô-na-than, con vua, và với toàn thể triều thần về ý định giết ông Đa-vít. Nhưng ông Giô-na-than, con vua Sa-un, lại rất có cảm tình với ông Đa-vít. 2 Ông Giô-na-than báo cho ông Đa-vít rằng: “Vua Sa-un, cha tôi, đang tìm cách giết anh. Vậy sáng mai anh hãy coi chừng, hãy ở nơi kín đáo và ẩn mình đi. 3 Phần tôi, tôi sẽ đi ra, sẽ đứng cạnh cha tôi trong cánh đồng, nơi anh đang trốn, tôi sẽ nói với cha tôi về anh. Thấy thế nào, tôi sẽ báo cho anh.” 4 Ông Giô-na-than nói tốt cho ông Đa-vít với vua Sa-un, cha mình; ông nói với vua: “Xin đức vua đừng phạm tội hại tôi tớ ngài là Đa-vít, vì anh ấy đã không phạm tội hại ngài, và các hành động của anh là điều rất lợi cho ngài. 5 Anh đã liều mạng và hạ được tên Phi-li-tinh, và Đức Chúa đã thắng lớn để bảo vệ toàn thể Ít-ra-en. Ngài đã thấy và đã vui mừng. Vậy sao ngài lại phạm tội đổ máu vô tội, mà vô cớ giết Đa-vít?” 6 Vua Sa-un nghe theo lời ông Giô-na-than, và vua Sa-un thề rằng: “Có Đức Chúa hằng sống, ta thề: nó sẽ không bị giết.” 7 Ông Giô-na-than gọi ông Đa-vít đến và ông Giô-na-than thuật lại tất cả những điều ấy; rồi ông Giô-na-than dẫn ông Đa-vít đến với vua Sa-un, và ông Đa-vít lại phục vụ vua như trước.
3/ Phúc Âm: 7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.
9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. 10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. 11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” 12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
——————————————————
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là sự toàn hảo của Thiên Chúa.
Trong cuộc sống, con người phải trải qua nhiều giai đọan thử thách và vấp ngã, trước khi đạt tới chỗ toàn hảo. Tục ngữ Việt Nam cũng nói lên điều này trong câu: “Thất bại là mẹ thành công.” Tác giả Thư Do-Thái đề cập đến quan niệm này ngay từ đầu Thư: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” Khi cái hoàn hảo tới thì cái tạm thời qua đi. Điều quan trọng là con người cần nhận ra cái hoàn thiện và tin theo, chứ không ngoan cố giữ lại cái cũ.
Các Bài Đọc hôm nay nói lên vai trò quan trọng của Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái nhấn mạnh đến 3 yếu tố quan trọng trong việc Chúa Giêsu hiến mình làm của lễ đền tội cho con người: Ngài vừa là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek, vừa là của lễ toàn hảo, và nơi Ngài dâng của lễ lên Thiên Chúa là ngai vàng nơi Thiên Chúa ngự trên trời. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua Saul ghen tị và muốn giết David, vì David được dân chúng ca ngợi nhiều hơn ông; nhưng Jonathan con ông ngăn cản ông đừng làm chuyện đó. Trong Phúc Âm, khi nghe những gì Chúa Giêsu đã làm, dân chúng từ khắp nơi kéo đến để được nghe giảng và chữa lành bởi Chúa Giêsu; ngay cả các thần ô uế cũng khiếp sợ Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế thập toàn, vừa là của lễ hy sinh toàn hảo.
1.1/ Của lễ của Thượng Tế Giêsu dâng thánh thiện và vẹn toàn hơn của lễ của Cựu Ước: Để chứng minh điều này, tác giả Thư Do-thái đề cao những đặc tính của Chúa Giêsu: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.”
(1) Chỉ dâng hy lễ một lần là đủ: “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.” Để hiểu ý tác giả, chúng ta cần so sánh vai trò của Chúa Giêsu là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek với vai trò của thượng tế theo phẩm trật Aaron:
– Các thượng-tế: có vai trò nổi bật trong Ngày Xá Tội, mỗi năm một lần. Trong ngày này, ông được quyền vào trong nơi Cực Thánh để dâng lễ đền tội cho dân. Trước khi có thể dâng lễ đền tội cho dân chúng, ông phải dâng lễ đền tội cho ông trước bằng lễ vật của chính ông. Sau đó, ông dâng lễ vật của dân để đền tội cho họ. Ngày Xá Tội cứ tiếp diễn mỗi năm như thế.
– Thượng Tế Giêsu: Vì Ngài thánh thiện vẹn toàn, nên Ngài không cần dâng của lễ đền tội cho mình. Để đền tội cho dân, Ngài dâng chính thân mình làm của lễ đền tội. Đây là lễ vật hy sinh thánh thiện và tinh tuyền nhất, không một của lễ nào có thể so sánh được. Chính vì vậy, Ngài chỉ cần dâng một lần là đủ. Vì thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế, vừa là lễ vật hy sinh; và vì Ngài sống mãi, nên biến cố hy sinh của Ngài trên đồi Golgotha thay thế của lễ đền tội trong Ngày Xá Tội. Con người không cần lễ vật hy sinh của theo Luật Cựu Ước nữa.
(2) Chúa Giêsu là Thượng Tế của Thiên Chúa và của con người: Tác giả kết luận: “Vì Luật Moses thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.” Nói cách khác, Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế toàn hảo, và của lễ Ngài dâng để đền tội cho dân cũng toàn hảo vì là chính bản thân của Ngài.
1.2/ Thánh Điện để dâng của lễ là ngai vàng Thiên Chúa trên trời: Sau khi đã đề cập tới chức vụ Thượng Tế, và của lễ hy sinh đề tội, tác giả tiến đến chỗ dâng của lễ. Trong Cựu Ước, chỗ dâng của lễ là nơi Cực Thánh trong Đền Thờ. Trong Tân Ước, chỗ dâng của lễ là chính ngai vàng Thiên Chúa ngự: “Điểm chủ yếu trong những điều đang nói ở đây là điểm này: chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời.”
(1) Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ dưới đất: là nơi Thiên Chúa hiện diện với con người. Nơi này được xây cất bởi con người theo một kiểu mẫu mà Thiên Chúa đã chỉ dạy cho Moses trên núi, nhưng nơi này “chỉ là hình ảnh lu mờ mô phỏng thánh điện trên trời.”
(2) Ngai Thiên Chúa trong Thánh Điện trên trời: Khi Chúa Giêsu dâng lễ vật hy sinh, Ngài dâng “trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên.”
Nói tóm, “Đức Giêsu được một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.”
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Sao ngài lại muốn phạm tội đổ máu người vô tội, mà vô cớ giết David?
2.1/ Vua Saul ghen tị với David: Trình thuật hôm nay tiếp theo biến cố David chiến đấu với tên khổng lồ người Philistine và đã chặt đầu hắn mang về. Khi nghe tin David chiến thắng trở về, các phụ nữ của Israel vui đùa ca hát rằng: “Vua Saul hạ được hàng ngàn, ông David hàng vạn.” Khi vua Saul nghe những lời ca tụng ấy, vua giận lắm và nói: “Người ta cho David hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi!” Từ ngày đó, vua Saul nhìn David với con mắt ghen tị.
Con người khi quen sống trong cảnh giàu sang, danh vọng, và uy quyền, thường dễ quên đi quá khứ và lý do mình được hưởng những điều kiện đó. Trường hợp của Saul cũng thế, ông thuộc chi tộc Benjamin, một trong chi tộc nhỏ bé nhất của 12 chi tộc Israel; nhưng chỉ vì Đức Chúa đoái thương nhìn tới, mà ông được xức dầu phong vương. Một sự thật nữa ông cần khiêm nhường nhìn nhận là Đức Chúa đã cho ông cơ hội và ban ơn để ông thi hành sứ vụ; nhưng ông đã không vâng lời Đức Chúa, nên bị thất sủng trước mặt Đức Chúa.
2.2/ Jonathan lập mưu cứu David khỏi kế hoạch của cha mình: Từ chỗ ghen tị với David, vua Saul đi tới ý định muốn giết David. Vua Saul nói với ông Jonathan, con vua, và với toàn thể triều thần về ý định giết ông David. Nhưng ông Jonathan, con vua Saul, lại rất có cảm tình với ông David. Ông Jonathan báo cho ông David rằng: “Vua Saul, cha tôi, đang tìm cách giết anh. Vậy sáng mai anh hãy coi chừng, hãy ở nơi kín đáo và ẩn mình đi. Phần tôi, tôi sẽ đi ra, sẽ đứng cạnh cha tôi trong cánh đồng, nơi anh đang trốn, tôi sẽ nói với cha tôi về anh. Thấy thế nào, tôi sẽ báo cho anh.”
Jonathan nhìn ra sự thật mà vua Saul, cha mình không nhìn thấy; ông nói với vua: “Xin đức vua đừng phạm tội hại tôi tớ ngài là David, vì anh ấy đã không phạm tội hại ngài, và các hành động của anh là điều rất lợi cho ngài. Anh đã liều mạng và hạ được tên Philistine, và Đức Chúa đã thắng lớn để bảo vệ toàn thể Israel. Ngài đã thấy và đã vui mừng. Vậy sao ngài lại phạm tội đổ máu vô tội, mà vô cớ giết David?” Con người cần biết dẹp bỏ tính tự ái và ích kỷ để hy sinh cho lợi ích chung. David đã can đảm chiến đấu để giết được tên Philistine, là mối đe dọa cho nền an ninh của quốc gia, mà vua Saul không làm được. Ngoài ra, vua Saul phải sáng suốt nhìn nhận, nhà vua không thể làm mọi sự; mỗi thời Đức Chúa gởi tới một người để lo cho lợi ích chung. Khi mình đã chu toàn sứ vụ, hãy can đảm để thế hệ trẻ tiếp nối sứ vụ của mình. Người đau khổ, bất an, là người không biết thời mình đã hết; nhưng cứ ngoan cố bảo vệ và hãnh diện về những gì mình đã bỏ công xây dựng.
Vua Saul nghe theo lời ông Jonathan, và vua Saul thề rằng: “Có Đức Chúa hằng sống, ta thề: nó sẽ không bị giết.” Ông Jonathan gọi ông David đến và ông Jonathan thuật lại tất cả những điều ấy; rồi ông Jonathan dẫn ông David đến với vua Saul, và ông David lại phục vụ vua như trước.
3/ Phúc Âm: Mọi người từ khắp nơi kéo đến với Chúa Giêsu.
Bước đầu trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu thành công tốt đẹp: phần vì những lời giảng dạy của Ngài, phần vì những phép lạ Ngài làm cho dân chúng. Tiếng lành đồn xa, nên như trình thuật hôm nay kể, mọi người trong khắp vùng Cận Đông tuôn đến với Chúa Giêsu: “Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Galilee, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Judah, từ Jerusalem, từ xứ Idumea, từ vùng bên kia sông Jordan và vùng phụ cận hai thành Tyre và Sidon, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.”
(1) Chúa Giêsu chữa con người khỏi mọi bệnh họan tật nguyền: Điều có sức hấp dẫn con người nhất là được chữa lành khỏi mọi bệnh họan tật nguyền. Dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu để được chữa bệnh. Ngài có năng lực của Thiên Chúa đến nỗi “ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.” Nếu cứ để họ chen lấn xô đẩy nhau để được đến gần và sờ vào Chúa, không khéo sẽ có nhiều tai nạn không may xảy ra. Hơn nữa, Chúa đến không phải chỉ để chữa bệnh, mà còn giảng dạy và mặc khải về Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã khôn ngoan “bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ.”
(2) Các thần ô uế biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa: Danh xưng “con Thiên Chúa” không nhất thiết chỉ bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu, vì danh xưng này được dùng để chỉ nhiều người như: các thiên thần (Gen 6:2), dân Do-thái là con Thiên Chúa (Hos 11:1), vua của Do-thái là con Thiên Chúa (II Sam 7:14), người công chính là con Thiên Chúa (Sir 4:10)… Các thần ô uế có thể nhận thấy một thứ quyền lực thánh thiện từ Chúa Giêsu đối chọi với sự ô uế của chúng, làm cho chúng không thể tồn tại, nên hỏang sợ kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúa Giêsu là sự toàn hảo của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng và học hỏi nơi Ngài để biết về Thiên Chúa.
– Vì chúng ta không có thời gian nhiều để học hỏi mọi điều hay trong vũ trụ; điều quan trọng và cần thiết nhất chúng ta phải học là kiến thức về Thiên Chúa.
– Chỉ một người duy nhất có thể mang đến cho chúng ta Ơn Cứu Độ là Chúa Giêsu qua hiến lễ hy sinh của Ngài trên Thập Giá.