Thứ Năm Tuần 5 TN

 

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Năm Tuần V TN

Bài đọc: Gen 2:18-25; I Kgs 11:4-13; Mk 7:24-30.

1/ Bài đọc I (năm lẻ): 18 Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.

19 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế.

20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.

21 Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào.

22 Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. 23 Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”

24 Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.

25 Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): 4 Quả vậy, khi vua Sa-lô-môn về già, các bà vợ của vua đã làm cho lòng vua ngả theo các thần ngoại; lòng vua không còn chung thủy với Đức Chúa Thiên Chúa của vua, như lòng phụ vương Đa-vít nữa. 5 Vua Sa-lô-môn đi theo nữ thần Át-tô-rét của dân Xi-đôn, theo thần Min-côm ghê tởm của dân Am-mon. 6 Như thế, vua Sa-lô-môn làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, chứ không theo Đức Chúa trọn vẹn như phụ vương Đa-vít.

7 Bấy giờ vua Sa-lô-môn xây trên núi đối diện với Giê-ru-sa-lem một nơi cao cho thần Cơ-mốt ghê tởm của dân Mô-áp, cho thần Mô-léc ghê tởm của con cái Am-mon.

8 Vua làm như thế với tất cả các bà vợ ngoại đạo của vua; họ đốt hương và sát tế kính các thần của họ. 9 Đức Chúa nổi giận với vua Sa-lô-môn, vì lòng vua rời xa Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Đấng đã hiện ra với vua hai lần, 10 và truyền cho vua là đừng đi theo các thần ngoại, nhưng vua không giữ điều Đức Chúa đã truyền. 11 Đức Chúa phán với vua Sa-lô-môn: “Vì ngươi đã như vậy và đã không giữ giao ước cũng như các giới răn Ta truyền cho ngươi, thì chắc chắn Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi. 12 Tuy nhiên, vì thân phụ ngươi, Ta sẽ không làm điều đó trong đời ngươi, nhưng sẽ giựt vương quốc khỏi tay con của ngươi. 13 Hơn nữa, vì nể Đa-vít tôi tớ Ta, và vì Giê-ru-sa-lem, thành đô Ta đã chọn, Ta sẽ không giựt lấy cả vương quốc, nhưng sẽ để lại cho con của ngươi một chi tộc.”

3/ Phúc Âm: 24 Đức Giê-su đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được.

25 Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.

26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.

27 Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.”

28 Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.”

29 Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.”

30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phẩm giá của phụ nữ

Người tị nạn Việt-Nam bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu: nên theo kiểu Âu Tây, mà 5 thứ tự liên hệ được sắp xếp ưu tiên như sau: “đàn bà trước tiên, con nít, chó, cỏ, đàn ông;” hay theo kiểu Việt-Nam: “chồng chúa vợ tôi?” Điều quan trọng không phải việc phải đòi cho được sự ngang hàng, nhưng làm sao cho cuộc đời cả hai và gia đình được hạnh phúc. Cả hai kiểu mẫu trên đều dẫn tới những xáo trộn trong cuộc sống gia đình: Theo kiểu Âu Tây, đàn ông được xếp hạng sau cả con nít, chó, và cỏ, hỏi còn tư cách gì để hướng dẫn gia đình; và điều này hoàn toàn trái ngược với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Theo kiểu Việt-Nam, người vợ chỉ được coi như người tớ nữ của chồng, và hậu quả là người vợ bị quên lãng và đối xử rất tàn tệ; điều này cũng đi ngược lại với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Êphêsô đã đưa ra một kiểu mẫu Thánh Kinh: “Người vợ hãy vâng lời chồng như Giáo-Hội vâng lời Đức Kitô; và người chồng hãy yêu thương vợ như chính bản thân mình, và như Đức Kitô đã yêu thương và hy sinh mạng sống mình cho Giáo-Hội.”

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong vai trò người phụ nữ. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Sách Sáng Thế Ký trình bày việc tạo dựng người nữ và ý định của Thiên Chúa từ ban đầu là cho Bà trở nên người trợ giúp bất khả phân ly của người nam. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, vua Solomon bị các bà vợ mê hoặc để phản bội Thiên Chúa khi về già, mặc dù Thiên Chúa đã hiện ra để cảnh cáo hai lần. Sau cùng, Thiên Chúa buộc phải phạt bằng cách chia cắt vương quốc của nhà vua, chỉ để cho giòng dõi của vua một phần. Trong Phúc Âm, người phụ nữ xứ Phoenician kiên nhẫn vượt qua bức tường Dân Ngoại và tự ái, để xin Chúa Giêsu chữa lành con gái mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Thiên Chúa tạo dựng người nữ.

1.1/ Ý định ban đầu của Thiên Chúa: Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.” Theo trình thuật này: (1) Chúa không muốn cho người nam ở một mình; (2) không có tạo vật nào dưới quyền con người có thể trở nên “trợ tá tương xứng cho người nam.” Điều này nói lên phẩm giá của người nữ: Bà, tuy là trợ tá, nhưng tương xứng với người nam; và không dưới quyền của người nam như những thú vật.

1.2/ Thiên Chúa tạo dựng người nữ từ người nam: “Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.”

Khác với các ngôn ngữ khác, trong tiếng Do-Thái, đàn ông (ish) và đàn bà (ishah), chỉ sự liên hệ đơn nhất về bản tính giữa hai giống. Đó là lý do tại sao người nam thốt lên “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”

Hôn nhân nam nữ nằm trong kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” Hôn nhân ban đầu cũng đòi hỏi một chồng một vợ, vì cả hai trở nên một xương một thịt.

Trước khi sa ngã, con người không có mặc cảm tội lỗi: “Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau.” Đây không phải là sự bất bình thường về tình dục, nhưng vì cả hai hoàn toàn tin tưởng nhau và không có gì phải giấu diếm, che đậy.

2/ Bài đọc I (năm chẵn): Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi.

2.1/ Vua Solomon phản bội Thiên Chúa: Trong lịch sử thế giới, xưa cũng như nay, biết bao nhiêu anh hùng đã bị tiêu tan sự nghiệp vì mỹ nhân. Lịch sử của Do-thái cũng đầy dẫy những câu truyện tương tự: Tuần trước, chúng ta được biết vua David đã bị Thiên Chúa để cho biết bao tai ương xảy ra cho nhà vua, cho gia đình, và cho quốc gia; sau khi David phạm tội ngoại tình với bà Bathsheba và tội thủ tiêu Uriah chồng bà để phi tang. Tuy nhiên, vì David hết lòng ăn năn trở lại, Thiên Chúa đã xót thương và chúc lành cho Solomon, con kế vị của David.

Trong mấy ngày qua, chúng ta được nghe sự khôn ngoan và vinh quang tuyệt đỉnh của vua Solomon; nhưng rồi lại một lần nữa, anh hùng bị tiêu tan cơ nghiệp vì các mỹ nhân. Nhà Vua phản bội Thiên Chúa bằng cách xây dựng đền thờ cho tất cả các thần của những bà vợ. Theo truyền thuyết, Solomon có tới 700 vợ và 300 cung phi; chắc là ông không xây cả 100 bàn thờ. Trình thuật chỉ liệt kê 4 bàn thờ chính: nữ thần Ashtoreth của dân Sidon, thần Milcom ghê tởm của dân Ammon, thần Chemosh ghê tởm của dân Moab, và thần Molech ghê tởm của con cái Ammon. Một người có thể tự hỏi tại sao một người khôn ngoan như Solomon, đã biết nguồn gốc và mục đích của mọi sự việc, lại phản bội Thiên Chúa? Trình thuật đưa ra hai lý do:

(1) Lú lẫn của tuổi già: Trí khôn và cơ thể con người chắc chắn bị suy sụp theo thời gian. Khi về già, vua Solomon chắc không còn tinh anh để phán xét sự việc cách khôn ngoan như khi còn trẻ. Điều này phải là bài học cho những người đi sau để đừng quá tự tin vào sự khôn ngoan của mình; nhưng phải cậy nhờ vào ơn thánh Chúa qua cuộc sống cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.

(2) Áp lực của những mỹ nhân: Các ông chồng có tuổi thường dễ bị lung lay vì sắc đẹp của những người vợ trẻ, nhất là khi các nàng biết dùng vũ khí nguy hiểm là đổ những giọt lệ. Người đi sau có thể học nơi vua Solomon và đừng quá tham lam đèo bồng. Thân trai hai vợ đã bị xẻ làm hai rồi, vua Solomon khổ thế nào khi bị xẻ thành ngàn mảnh!

2.2/ Hậu quả của việc nghe lời các vợ: Đức Chúa nổi giận với vua Solomon, vì lòng vua rời xa Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, Đấng đã hiện ra với vua hai lần, và truyền cho vua là đừng đi theo các thần ngoại, nhưng vua không giữ điều Đức Chúa đã truyền. Đức Chúa phán với vua Solomon: “Vì ngươi đã như vậy và đã không giữ giao ước cũng như các giới răn Ta truyền cho ngươi, thì chắc chắn Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi.”

Tuy thế, vì tình nghĩa và những gì Thiên Chúa đã hứa với vua cha David, Thiên Chúa đã không làm điều đó trong đời vua Solomon; nhưng sẽ chờ tới thời con của Solomon. Dòng dõi của Solomon chỉ còn giữ lại được một chi tộc và sẽ trở thành vương quốc Judah, với thủ đô đặt tại Jerusalem.

Nhìn lại cuộc đời của các vua Saul, David, Solomon, trong lịch sử Israel; một người có thể học được bài học phải biết đặt mối liên hệ với Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Khi họ trung thành với Thiên Chúa, họ được Thiên Chúa ban ơn, bảo vệ, và chúc lành; nhưng khi họ bất tuân và phản bội Ngài, họ phải lãnh nhận biết bao đau khổ xảy đến, không chỉ trên cá nhân, nhưng còn trên gia đình và quốc gia nữa. Sự phản bội chỉ xảy ra về phía con người; về phía Thiên Chúa, tất cả những gì Ngài hứa, Ngài đã thi hành.

3/ Phúc Âm: Người phụ nữ Phoenician vượt qua xấu hổ để cầu xin cho con gái.

Trong 3 năm rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài rất ít khi đi ra ngoài lãnh thổ của Do-thái. Lý do không phải vì Ngài không muốn Tin Mừng của Ngài được lan rộng đến Dân Ngoại; nhưng vì Ngài đã có kế hoạch rõ ràng. Bổn phận của Ngài là loan báo Tin Mừng cho các chiên lạc của nhà Israel. Các Tông-đồ, nhất là Phaolô và Barbara, sẽ loan truyền Tin Mừng đến cho Dân Ngoại. Đó là lý do tại sao trình thuật kể: “Đức Giêsu đứng dậy, rời nơi đó, đến địa hạt Tyre. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người.” Tuy không có ý định loan báo Tin Mừng và chữa bệnh cho Dân Ngoại, nhưng đứng trước cách biểu lộ niềm tin và sự kiên trì của Bà, Chúa Giêsu đã chữa lành cho con gái của Bà.

3.1/ Bà vượt qua bức tường ngăn cách Dân Ngoại: Thánh Marcô nói rõ về lai lịch của người phụ nữ: “Bà là người Hy-lạp, gốc Phoenician thuộc xứ Syria. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.” Bà biết rõ Chúa Giêsu là người Do-thái, và theo truyền thống, Bà không có lý do gì để cầu xin Chúa Giêsu, vì người Do-thái không muốn làm một điều gì với Dân Ngoại. Nhưng vì lòng thương con, Bà đã đạp đổ bức tường kỳ thị giữa hai dân tộc, để đến và cầu xin với Chúa.

3.2/ Bà vượt qua bức tường tự ái: Vượt qua được bức tường kỳ thị chủng tộc, Bà phải đương đầu với một bức tường khác khó khăn để vượt qua hơn: tính tự ái. Chúa Giêsu nói với Bà:

“Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Chúa Giêsu so sánh con của Bà với chó con, và như thế, Bà cũng bị so sánh như loài chó. Khi một người bị so sánh như thế, thử hỏi bao nhiêu người có can đảm ở lại để tiếp tục nài xin như Bà: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Đứng trước một người Dân Ngoại, thấy cách biểu lộ niềm tin và tình thương của Bà cho con như thế, Chúa Giêsu nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Các Bài Đọc hôm nay đòi hỏi chúng ta phải suy xét lại mối liên hệ giữa nam nữ, và liên hệ vợ chồng; và biết cách đối xử sao cho phù hợp với ý định của Thiên Chúa ban đầu.

– Chúng ta đừng dễ dàng chạy theo những trào lưu hiện hành của xã hội: “trọng nữ khinh nam” của Âu Tây, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” của Trung-hoa, hay “chồng chúa vợ tôi” của Việt-nam; vì cả hai giới đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Tất cả các trào lưu này đều dẫn tới tình trạng mất quân bình trong đời sống gia đình.

– Cả hai giới đều cần nhau và có những quà tặng bổ xung cho nhau. Thánh Phaolô khuyên vợ phải vâng lời chồng, không phải như người nô lệ phải vâng lời chủ, nhưng ai cũng biết một gia đình không thể có 2 người lãnh đạo. Đồng thời, Ngài cũng khuyên chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân mình. Điều này loại trừ tất cả những ích kỷ, hành hung, và bất trung với vợ mình. Chỉ có thế, gia đình chúng ta mới có thể tiến mạnh, hoà hợp yêu thương, và sống theo đường lối Thiên Chúa đã vạch định từ ban đầu.

Skip to content