Thứ Sáu – Tuần 11 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Sáu – Tuần 11 – TN1 – Năm lẻ

 

Bài đọc: 2 Cor 11:18, 21-30; Mt 6:19-23.

1/ Bài đọc I: 18 Vì có lắm kẻ tự hào theo tính xác thịt, thì tôi đây, tôi cũng tự hào.

21 Tôi nói thế, thật là nhục nhã, như thể chúng tôi đã tỏ ra nhu nhược. ..

22 Họ là người Híp-ri ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Ít-ra-en ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Áp-ra-ham ư? Tôi cũng vậy!

23 Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết.

24 Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một;

25 ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi!

26 Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em.

27 Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng.

28 Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!

29 Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?

30 Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi.

2/ Phúc Âm: 19 “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi.

20 Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.

21 Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

22 “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng.

23 Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải có mắt sáng và trí tuệ khôn ngoan để nhận ra sự thật.

Mắt dùng để nhìn hay để quan sát người hay các sự việc xảy ra chung quanh; nhưng nếu chỉ dùng mắt để quan sát rồi đưa đến kết luận ngay, con người sẽ lầm to, vì có những điều ẩn giấu bên trong con người hay sự vật mà một người không thể nhìn thấy. Để có kết luận khôn ngoan, con người cần dùng trí tuệ để suy xét cẩn thận về những điều đã nhìn thấy. Không phải ai có mắt cũng nhìn thấy; không phải ai có trí khôn cũng biết lựa chọn cách khôn ngoan. Nhiều người rất tự hào là họ khôn ngoan và sáng suốt, nhưng lại bị người khác đánh lừa để lấy đi tất cả những gì họ có. Nhiều cha mẹ tự hào là khôn ngoan, nhưng khi phải chọn vợ chồng cho con lại chọn những người chẳng mang lại hạnh phúc cho cuộc đời con của họ.

Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến hai việc phải quan sát kỹ để nhìn thấy tất cả, và phải có sự khôn ngoan để lựa chọn những giá trị vĩnh cửu thay vì những giá trị hào nhoáng bên ngoài. Trong bài đọc I, thánh Phaolô phải dùng đến cách ngài không muốn, đó là tự hào kể công, để giúp các tín hữu Corintô nhận ra ai là người thương yêu và lo lắng cho họ thật lòng; chứ đừng vội theo những “tông đồ giả hiệu.” Họ có thể dùng cách ăn nói khôn ngoan và ngọt ngào của họ như của con cáo già, để mê hoặc các tín hữu non nớt ra khỏi tay của Phaolô và nhất là của Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng khuyên các môn đệ phải dùng mắt sáng và trí khôn ngoan để nhận ra đâu là những giá trị vĩnh cửu nên theo đuổi, và đâu là những giá trị hào nhoáng cần phải gạt đi.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi.

 

1.1/ Có lắm kẻ tự hào theo tính xác thịt, thì tôi đây, tôi cũng tự hào: Sở dĩ có trình thuật hôm nay là vì có một số những người Do-thái, ngay cả các tín hữu Do-thái, luôn theo sau để phá đổ những công trình của Phaolô. Mỗi khi Phaolô đến một thành phố nào để rao giảng Tin Mừng, để thiết lập giáo hội địa phương, và rời bỏ nơi đó qua thành khác, là những người này theo sau để phá hoại công việc của Phaolô, bằng cách dèm pha, nói xấu đủ điều, và lạm dụng lòng tin của các tín hữu để tìm lợi nhuận cho riêng họ.

Các tín hữu Corintô còn non nớt trong đức tin, nên đã không nhận ra những thủ đoạn của hạng người này, và một số người đã rơi vào bẫy của họ. Phaolô không muốn tự hào hay kể công, nhưng vì để kéo các tín hữu Corintô về với sự thật mà ông buộc lòng phải biện minh. Ông cảm thấy khó chịu và nhục nhã khi phải làm những điều này. Chúng ta có thể tóm tắt những gì Phaolô cắt nghĩa vào 3 lãnh vực chính:

(1) Nguồn gốc dân tộc Israel: “Họ là người Do-thái ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Israel ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Abraham ư? Tôi cũng vậy!” Có lẽ địch thù của Phaolô cho ông sinh ra và lớn lên tại Tarsus, Asia Minor, nên không phải là người Do-thái chính hiệu ở Israel.

(2) Gian khổ phải chịu trên đường rao giảng Tin Mừng: “Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng.”

(3) Mối lo lắng cho Hội Thánh mỗi ngày thêm tăng trưởng: “Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!” Không chỉ việc giúp niềm tin cho các giáo hội địa phương, Phaolô còn lo cho Hội Thánh được bành trướng khắp nơi, đến tận Rôma và Âu-châu. Điều này đối phương của Phaolô không thể so sánh.

 

1.2/ Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi: Phaolô muốn cho các tín hữu biết lý do tại sao ông phải nói lên những điều này: thứ nhất là để họ nhận ra tình thương thật của ông dành cho họ; thứ hai là ông có thể vượt qua tất cả gian khổ không bằng sức mạnh của ông, nhưng bằng sức mạnh của Đức Kitô và của Thánh Thần đang hoạt động trong ông; sau cùng như một lời khích lệ tinh thần, nếu họ để cho Đức Kitô làm việc, họ cũng có sức mạnh để vượt qua những yếu đuối và giới hạn của con người.

2/ Phúc Âm: Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

 

2.1/ Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời: Con người có thói quen tích trữ; nhưng phải biết khôn ngoan để tích trữ những gì không hư hoại và vào nơi tích trữ an toàn không ai có thể động tới được. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ so sánh về kho tàng dưới đất với kho tàng trên trời.

(1) Kho tàng dưới đất: Nhiều người nghĩ tiền là tiện nhất và nhẹ nhàng, nên họ cẩn thận bao bọc tiền có được đem chôn dưới đất. Ít lâu sau cần tiền họ đào đất mang lên, tiền đã mục nát và trở thành vô giá trị. Người khác lại cho chẳng gì bằng của ăn như: gạo, bột mì, khoai sắn; nên họ xây những vựa to để chứa thực phẩm. Vài năm sau ra thăm, họ thấy vựa đã bị chuột cắn phá, gạo và lúa mì bị tràn đầy mối mọt. Người khác rút kinh nghiệm và kết luận: chẳng gì bằng vàng bạc, vừa không mất giá, vừa không bị mối mọt, và họ yên trí cất giấu. Nhưng cất đâu cũng chẳng khỏi “tai vách, mặt rừng.” Họ bị kẻ trộm đến khoét vách lấy đi vàng bạc, và những đồ quí giá.

(2) Kho tàng trên trời: Những gì con người có thể làm và tích trữ trong kho tàng trên trời. Trước tiên là những việc lành phúc đức được thu tóm trong 7 mối thương phần xác và 7 mối thương phần linh hồn. Thứ đến, là những hiểu biết về Thiên Chúa và tình yêu dành cho Ngài. Hai điều này không thể tách rời vì chúng ta không thể yêu người ta không biết. Kiến thức về Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta yêu Ngài mỗi ngày một hơn. Sau cùng, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài, và Ngài mời gọi chúng ta trở nên hoàn thiện giống như Ngài. Tiến trình nên hoàn thiện không phải chỉ dứt bỏ tội lỗi mà thôi; nhưng còn phải tập luyện các nhân đức nữa.

2.2/ Nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng: Chúa Giêsu dạy: “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” Mắt sáng mới thấy đường. Mắt mù, loạn thị và loạn sắc sẽ ảnh hưởng trên tầm nhìn của con người. Người mù lòa sẽ khổ vô cùng vì cả vũ trụ đối với anh là một màu đen. Đi đâu anh cũng phải có người hướng dẫn, nếu không anh sẽ bị té ngã vì những đồ vật trước mặt.

Như mắt sáng cần cho thân thể thế nào, sự khôn ngoan cũng cần cho đời sống tinh thần như vậy. Ít người chịu để ý đến sự mù lòa của trí khôn và tâm hồn; nhưng ảnh hưởng của nó trên con người còn lớn hơn là sự mù lòa trên cơ thể. Trình thuật Chúa chữa người mù trong chương 9 của Gioan giúp chúng ta nhận ra có những người mù mà mắt vẫn sáng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

– Chúng ta phải biết dùng con mắt để quan sát cẩn thận những việc xảy ra trong trời đất. Một sự quan sát cẩu thả sẽ dẫn tới việc không đủ chất liệu để làm một kết luận khôn ngoan.

– Chúng ta phải dùng trí tuệ, nhất là việc học hỏi Kinh Thánh, để biết phân biệt sự thật từ những sự gian tà, giá trị vĩnh cửu từ những giá trị tạm thời, người yêu mình thật từ những người chỉ biết lợi dụng để tìm kiếm lông chiên hay thịt chiên.

Skip to content