Thứ Sáu – Tuần 12 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

leper1 

Thứ Sáu – Tuần 12 – TN2 – Năm Chẵn

Bài đọc: 2 Kgs 25:1-12; Mt 8:1-4.

1/ Bài đọc I: 1 Ngày mồng mười tháng mười, năm thứ chín triều Xít-ki-gia-hu, Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon, cùng toàn thể đạo quân tiến đánh Giê-ru-sa-lem. Vua đóng trại và đắp chiến luỹ chung quanh để đánh thành.

2 Thành bị vây hãm cho đến năm thứ mười một triều vua Xít-ki-gia-hu.

3 Vào mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, và không có bánh cho dân trong xứ.

4 Thành bị chọc thủng một lỗ. Đang đêm, tất cả các binh lính đi ra theo con đường cửa giữa hai bức tường, gần vườn của vua, -bấy giờ quân Can-đê đang bao vây thành-, rồi họ đi theo con đường hướng tới A-ra-va.

5 Đạo quân Can-đê rượt theo và đuổi kịp vua trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô; toàn thể đạo quân của vua bỏ vua chạy tán loạn.

6 Chúng bắt vua và đem lên Ríp-la gặp vua Ba-by-lon, chúng tuyên án kết tội vua.

7 Chúng cắt cổ những người con của vua Xít-ki-gia-hu trước mắt vua cha. Rồi vua Ba-by-lon đâm mù mắt vua Xít-ki-gia-hu, lấy hai dây xích đồng xiềng vua lại và điệu về Ba-by-lon.

8 Ngày mồng bảy tháng năm, -đó là năm thứ mười chín triều Na-bu-cô-đô-nô-xo, vua Ba-by-lon-, quan chỉ huy thị vệ Nơ-vu-dác-a-đan, thuộc hạ của vua Ba-by-lon, vào Giê-ru-sa-lem.

9 Ông đốt Nhà ĐỨC CHÚA, đền vua và mọi nhà cửa ở Giê-ru-sa-lem; ông còn phóng hoả đốt mọi dinh thự các nhà quyền quý.

10 Toàn thể đạo quân Can-đê, dưới quyền quan chỉ huy thị vệ, phá huỷ các tường thành chung quanh Giê-ru-sa-lem.

11 Quan chỉ huy thị vệ Nơ-vu-dác-a-đan bắt những người dân còn sót lại trong thành, những người đã đào ngũ theo vua Ba-by-lon, và những người thợ thủ công còn sót lại phải đi đày.

12 Nhưng quan chỉ huy thị vệ chừa lại một phần dân cùng đinh trong xứ để trồng nho và canh tác.

2/ Phúc Âm: 1 Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người.

2 Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.

4 Rồi Đức Giê-su bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa luôn thi hành những gì Ngài đã nói.

Lịch sử Cựu Ước là một chứng minh uy quyền của Thiên Chúa và sự bất trung của con người. Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân bao lâu họ chịu lắng nghe và tuân giữ những gì Ngài dạy; nhưng nếu họ không vâng lời, Thiên Chúa chẳng cần phải ra tay sửa phạt, Ngài chỉ không bảo vệ họ nữa, là bàn tay quân thù chung quanh sẽ đè nặng và tiêu diệt dân tộc Israel. Trước khi để quân thù sửa phạt, Thiên Chúa luôn gởi các ngôn sứ đến để cảnh cáo và kêu gọi trở lại với tình yêu đích thật.

Các bài đọc hôm nay đưa ra cho chúng ta hai tấm gương của những người bất trung và trung thành với Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Đức Chúa để cho vua Babylon san phẳng thành Jerusalem với các dinh thự và Đền Thờ, đúng như lời Ngài đã cảnh cáo qua miệng các ngôn sứ. Vua quan, các nhà quí tộc, và hầu hết dân thành bị đem đi lưu đày tại Babylon. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tỏ tình yêu thương và chữa lành cho một người cùi bằng cách động đến anh. Chúa truyền cho anh đi trình diện các tư tế và dâng lễ vật như Luật truyền.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Jerusalem bị hoàn toàn phá hủy.

1.1/ Vua Zedekiah chống cự lại đế quốc Babylon.

Tuy đã chứng kiến lần thất bại thứ nhất và cảnh vua Jehoiachin cùng cả hoàng tộc cũng như quân quốc bị đày sang Babylon lần thứ nhất, vua Zedekiah vẫn không chịu ăn năn sám hối và tin tưởng nơi Đức Chúa. Nhà vua gởi sứ giả sang Ai-cập cầu viện để có sức mạnh quân sự chống lại đế quốc Babylon (Eze 17:11-21). Chuyện này đến tai vua Babylon.

“Ngày mồng mười tháng mười, năm thứ chín triều Zedekiah (588 BC), Nebuchadnezzar, vua Babylon, cùng toàn thể đạo quân tiến đánh Jerusalem. Vua đóng trại và đắp chiến luỹ chung quanh để đánh thành. Thành bị vây hãm cho đến năm thứ mười một triều vua Zedekiah. Vào mồng chín tháng tư, nạn đói hoành hành trong thành, và không có bánh cho dân trong xứ.”

Tuy Jerusalem là một thành trì rất kiên cố; nhưng nếu bị bao vây trong hai năm trời, toàn thể nguồn lương thực sẽ bị tiêu tan. Để thoát thân, vua Zedekiah chọc thủng một lỗ. Đây có lẽ tác giả muốn nói tới kênh đào Siloam, chỗ cung cấp nước cho cả thành Jerusalem, nằm gần thành David (Neh 3:15). Từ đó, người ta có thể đi xuống thung lũng Kidron và đi về Jericho trước khi xuôi Nam xuống vùng Arab.

“Đang đêm, tất cả các binh lính đi ra theo con đường cửa giữa hai bức tường, gần vườn của vua, rồi họ đi theo con đường hướng tới Arabah… Đạo quân Chaldeans rượt theo và đuổi kịp vua trong vùng thảo nguyên Jericho; toàn thể đạo quân của vua bỏ vua chạy tán loạn. Chúng bắt vua và đem lên Riplah gặp vua Babylon, chúng tuyên án kết tội vua. Chúng cắt cổ những người con của vua Zedekiah trước mắt vua cha. Rồi vua Babylon đâm mù mắt vua Zedekiah, lấy hai dây xích đồng xiềng vua lại và điệu về Babylon.”

1.2/ Jerusalem bị phá hủy bình địa.

“Ngày mồng bảy tháng năm, đó là năm thứ mười chín triều Nebuchadnezzar, vua Babylon, quan chỉ huy thị vệ Nebuzaradan, thuộc hạ của vua Babylon, vào Jerusalem. Ông đốt Nhà Đức Chúa, đền vua và mọi nhà cửa ở Jerusalem; ông còn phóng hoả đốt mọi dinh thự các nhà quyền quý. Toàn thể đạo quân Chaldeans, dưới quyền quan chỉ huy thị vệ, phá huỷ các tường thành chung quanh Jerusalem. Quan chỉ huy thị vệ Nebuzaradan bắt những người dân còn sót lại trong thành, những người đã đào ngũ theo vua Babylon, và những người thợ thủ công còn sót lại phải đi đày. Nhưng quan chỉ huy thị vệ chừa lại một phần dân cùng đinh trong xứ để trồng nho và canh tác.”

2/ Phúc Âm: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”

2.1/ Phép lạ Chúa chữa người phong hủi:

(1) Người phong hủi biết cách xin: Ông tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chỉ với câu một ngắn ngủi, ông đã lột tả được hai điều quan trọng:

+ Ông luôn sẵn sàng vâng theo thánh ý Thiên Chúa: Khi nói “nếu Ngài muốn,” ông cũng biết điều đối ngược có thể xảy ra là Thiên Chúa có thể không muốn, và ông sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa để chịu bệnh. Con người không biết chuyện tương lai nên không biết cách xin làm sao cho đúng; vì thế, điều khôn ngoan là cứ việc xin, nhưng phải khôn ngoan cho thêm câu như người phong hủi hôm nay “nếu Ngài muốn.” Lý do: có thể những điều con người muốn sẽ đưa họ đến chỗ thiệt hại hơn; chẳng hạn, nguy hiểm cho phần linh hồn. Thiên Chúa biết những gì ích lợi cho con cái, Ngài sẽ ban điều tốt nhất cho những ai tin tưởng tuyệt đối vào Ngài.

+ Ông tin Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự: Khi nói “Ngài có thể làm cho tôi được sạch,” người phong hủi không một chút nghi ngờ quyền năng của Chúa Giêsu. Đây là điều kiện tiên quyết để được lành bệnh, như Chúa Giêsu vẫn thường đòi hỏi nơi bệnh nhân.

(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Thấy cách biểu lộ niềm tin và lối sống của người phong hủi, Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.

Đây là hành động rất can đảm và biểu lộ lòng thương xót của Chúa Giêsu, vì Lề Luật ngăn cấm không cho sự tiếp xúc giữa người lành mạnh và người bị phong hủi. Khi Chúa Giêsu giơ tay đụng anh, Ngài đã làm cho mình trở nên không thanh sạch. Người không thanh sạch bị ngăn cấm không được vào Đền Thờ; nhưng lòng thương xót của Chúa Giêsu dành cho anh đã thắng vượt tất cả những ràng buộc của Lề Luật. Tiên tri Isaiah diễn tả rất hay về lòng thương xót như sau: ”Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Isa 53:4a).

2.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu:

(1) “Coi chừng, đừng nói với ai cả:” Thông thường, nhiều người sẽ không hiểu tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm anh không được tiết lộ; lẽ ra phải để anh rao truyền quyền năng của Chúa Giêsu để giúp nhiều người tin vào Ngài. Lý do Chúa Giêsu ngăn cấm anh vì Chúa không muốn dân chúng tin Ngài như một Đấng Thiên Sai uy quyền như truyền thống vẫn tin; nhưng là một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu độ con người.

(2) ”Hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Ngày xưa, xã hội không có bác sĩ như bây giờ; các tư tế có bổn phận khám xét những người bị bệnh phong, để tuyên bố một người có bệnh hay được lành bệnh. Bệnh phong không những nghiêm trọng về thể lý vì tính hay lây; nhưng còn nghiêm trọng hơn trong việc tế lễ. Lề Luật không cho phép người bị bệnh phong vào Đền Thờ dâng của lễ, vì họ được xếp vào hạng người không sạch. Khi tư tế tuyên bố người mắc bệnh đã lành, anh phải dâng của lễ tạ ơn như Lề Luật truyền (Lev 14:4-5).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần có một niềm tin vững mạnh nơi Thiên Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời, vì mọi sự đều có thể xảy ra dưới bàn tay uy quyền của Ngài.

– Không phải những điều chúng ta xin đều đẹp ý Ngài; vì thế, hãy mở lòng để đón nhận lời từ chối của Thiên Chúa, và can đảm vâng theo thánh ý Ngài.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content