Thứ Sáu – Tuần 15 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Sáu – Tuần 15 – TN1 – Năm lẻ

 

Bài đọc: Exo 11:10-12:14; Mt 12:1-8.

1/ Bài đọc I: 10 Ông Mô-sê và ông A-ha-ron làm mọi phép lạ đó trước mặt Pha-ra-ô; nhưng ĐỨC CHÚA làm cho lòng Pha-ra-ô ra chai đá, và vua không thả con cái Ít-ra-en ra khỏi đất ấy.

1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập:

2 “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm.

3 Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con.

4 Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên.

5 Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được.

6 Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều,

7 lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên.

8 Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng.

9 Các ngươi không được ăn sống hay luộc, nhưng chỉ được ăn nướng, với cả đầu, chân và lòng.

10 Không được để lại gì đến sáng; cái gì còn lại đến sáng, phải đốt đi.

11 Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA.

12 Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là ĐỨC CHÚA.

13 Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập.

14 Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng ĐỨC CHÚA. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.

2/ Phúc Âm: 1 Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn.

2 Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!”

3 Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng?

4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.

5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao?

6 Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa.

7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lề Luật làm ra là để bảo vệ sự sống.

Con người rất dễ bị lạc đường, lý do có thể vì không biết hay vì ngoan cố trong sự cứng lòng của mình. Ví dụ: Lề Luật làm ra là để bảo vệ sự sống; con người không bao giờ được phép nhân danh Lề Luật để tiêu diệt sự sống. Thực tế chứng minh ngược lại, rất nhiều lần con người lạm dụng Lề Luật để đàn áp, để đối xử bất công, và ngay cả để tiêu diệt sự sống.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những trường hợp con người đi lạc đường vì không biết hay vì ngoan cố trong sự cứng lòng của mình. Trong Bài Đọc I, mục đích của Lễ Vượt Qua là để tưởng niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân ra khỏi cảnh làm nô lệ cho người Ai-cập để dẫn đưa dân vào Đất Hứa; chứ không phải là để giữ những luật lệ chi tiết liên quan đến việc cử hành Lễ Vượt Qua. Trong Phúc Âm, các người Pharisees tố cáo các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm luật ngày Sabbath khi các ông bứt các bông lúa miến để ăn cho đỡ đói. Chúa Giêsu bảo vệ các môn đệ bằng cách dẫn chứng những ví dụ cụ thể các người làm việc trong ngày Sabbath mà vẫn không vi phạm Lề Luật.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lễ Vượt Qua của người Do-thái

1.1/ Ý nghĩa của Lễ Vượt Qua: Thiên Chúa là Đấng quan tâm đến những đau khổ của dân chúng. Ngài đã nghe tiếng kêu than của dân Israel khi họ phải sống kiếp nô lệ bên Ai-cập. Ngài đã gọi ông Moses để cứu dân của Ngài thoát khỏi bàn tay khát máu của vua Ai-cập. Ngài muốn ông Moses và các kỳ-mục vào xin phép vua Ai-cập phóng thích cho dân ra đi để thờ phượng Thiên Chúa. Vì nhà vua không chịu phóng thích dân, mà càng ngày càng ra tay đàn áp dân Israel nặng nề hơn, nên Thiên Chúa phải tỏ uy quyền của Ngài. Trình thuật hôm nay là thiên tai cuối cùng xảy đến cho người Ai-cập trước biến cố Vượt Qua Biển Đỏ của dân Israel. Những sự kiện và ý nghĩa quan trọng của biến cố Vượt Qua:

+ Máu của Chiên Vượt Qua: cần thiết để phân biệt con đầu lòng của Israel khỏi con đầu lòng của người Ai-cập. Khi thấy máu chiên trên cửa, thiên thần sẽ đi qua mà không vào tiêu diệt.

+ Bánh không men và rau đắng: để kỷ niệm những đắng cay khổ cực của kiếp làm nô lệ cho người Ai-cập.

+ Phải sẵn sàng và ăn nhanh chóng để thoát khỏi nơi người ta muốn tiêu diệt sự sống: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa.”

1.2/ Máu của người Ai-cập đổ ra để cứu dân tộc Israel: Có nhiều người trách Thiên Chúa bất công: Tại sao Ngài lại đổ máu của người Ai-cập để cứu sống dân tộc Israel? Trong sự quan phòng khôn ngoan, Thiên Chúa luôn tìm cách để bảo vệ sự sống trước khi tiêu diệt. Trình thuật Xuất Hành nói rõ lý do vua Ai-cập muốn tiêu diệt người Do-thái, vì sợ họ sẽ nổi lên chống lại mình khi có chiến tranh. Nếu nhà vua thực sự sợ điều ấy thì khi Moses và các kỳ mục Do-thái vâng lệnh Thiên Chúa, vào cung điện để xin phép nhà vua phóng thích cho dân vào sa mạc gặp Thiên Chúa, vua hãy phóng thích cho dân Do-thái đi. Khi vua Pharao không chịu phóng thích, Thiên Chúa mới tỏ uy quyền của Ngài. Thiên Chúa không chỉ giáng xuống một thiên tai, mà tới 10 lần, mà nhà vua vẫn không chịu đổi ý. Thiên tai xảy ra trong trình thuật hôm nay là thiên tai cuối cùng.

Điều này dẫn chứng Thiên Chúa cho con người rất nhiều cơ hội để ăn năn trở lại trước khi Ngài tiêu diệt họ. Tất cả mọi dân tộc đều là con cái của Thiên Chúa, Ngài chẳng vui gì khi tiêu diệt họ. Ngài không thể để cho những kẻ khát máu tiêu diệt sự sống của các dân tộc khác.

2/ Phúc Âm: Lề Luật làm ra là để bảo vệ mạng sống con người.

2.1/ Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các kinh-sư về Luật ngày Sabbath: “Hôm ấy, vào ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn.”

(1) Phản ứng của các kinh-sư: Họ nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày Sabbath!” Các kinh-sư quan niệm: Phải tuyệt đối tôn trọng Lề Luật cho dù có phải hy sinh mạng sống! Đây chỉ là điều lý tưởng khi mạng sống phải hy sinh là của người khác, chứ không phải là của họ hay những gì liên quan tới họ. Chúa Giêsu đã từng vạch trần lối sống hai tiêu chuẩn của họ: “Ai trong các ông có con chiên bị té xuống giếng trong ngày Sabbath, lại chẳng kéo nó lên sao?” Bảo vệ mạng sống con người còn quan trọng hơn nữa!

(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông David đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.” Chúa Giêsu quan niệm: Lề Luật làm ra để bảo vệ con người, luật ngày Sabbath tốt đẹp vì nó giúp con người có thời gian nghỉ ngơi và lắng cho phần linh hồn của mình. Tuy nhiên, khi đói, con người phải ăn, ngay cả những thứ không được phép ăn để bảo vệ sự sống, cho dù phải vi phạm Lề Luật.

2.2/ Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế: Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận: “Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày Sabbath, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật Sabbath mà không mắc tội đó sao?”

Trước tiên, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh luật ngày Sabbath không áp dụng cho tất cả mọi người; ví dụ, hàng tư tế; vì sự tốt lành cho dân chúng, hàng tư tế phải làm việc trong ngày Sabbath để chu toàn nghĩa vụ tư tế của mình.

Thứ đến, luật ngày Sabbath không áp dụng cho chính bản thân của Chúa Giêsu; đó là lý do Chúa nói với họ: “Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa.”

Sau cùng, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh lòng thương xót còn quan trọng hơn lễ tế và Lề Luật: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.” Các kinh-sư và luật-sĩ không chỉ tranh luận với Chúa Giêsu trong việc các môn đệ làm việc xác hôm nay, họ còn rất khó chịu khi chứng kiến Chúa chữa bệnh trong ngày Sabbath. Như đã nói ở trên, nếu con vật còn được cứu thoát trong ngày Sabbath, con người còn cần được cứu hơn nữa. Vì thế, mặc cho họ chống đối, Chúa vẫn chữa lành bệnh nhân trong ngày Sabbath, như Ngài nói với họ: ”Con Người làm chủ ngày Sabbath.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chỉ có Thiên Chúa có quyền trên sự sống. Ngài trao cho con người sự sống để bảo vệ.

– Trong sự quan phòng khôn ngoan, Thiên Chúa dạy dỗ và ngăm đe nhiều lần trước khi tiêu diệt. Chúng ta hãy tỉnh thức và nhận ra những dấu hiệu này của Thiên Chúa.

– Lề Luật làm ra để bảo vệ sự sống. Chúng ta không bao giờ được phép nhân danh Lề Luật để tiêu diệt sự sống. 

Skip to content