Thứ Sáu Tuần 19 TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Sáu Tuần 19 TN2, Năm Chẵn

 

Bài đọc: Eze 16:1-15, 60, 63 (hay Eze 16:59-63); Mt 19:3-12

 

1/ Bài đọc I: 1 Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: 2 Hỡi con người, hãy cho Giê-ru-sa-lem biết các điều ghê tởm của nó. 3 Ngươi sẽ nói: ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này với Giê-ru-sa-lem: Gốc gác ngươi, dòng họ ngươi phát xuất từ đất Ca-na-an; cha ngươi là người E-mô-ri, mẹ ngươi là người Khết. 4 Lúc chào đời, ngày mới sinh ra, ngươi không được ai cắt rốn cũng không ai lấy nước tắm rửa cho sạch, chẳng được ai xát muối và lấy tã bọc cho. 5 Không người nào ái ngại đưa mắt nhìn ngươi mà làm cho ngươi chỉ một trong những điều ấy vì xót thương ngươi. Ngày mới sinh ra, ngươi bị quẳng ra giữa đồng vì ai cũng ghê tởm ngươi. 6 Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi giẫy giụa trong máu. Thấy ngươi mình đầy máu me, Ta đã phán với ngươi: “Cứ việc sống!” 7 Ta làm cho ngươi nẩy nở như hoa ngoài đồng. Ngươi đã nẩy nở, lớn lên và thành cô thiếu nữ với bộ ngực nở nang, mái tóc mượt mà, nhưng ngươi vẫn trần truồng, không mảnh vải che thân. 8 Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi. Này ngươi đã đến tuổi, tuổi yêu đương. Ta đã lấy vạt áo của Ta phủ lên để che thân thể loã lồ của ngươi. Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng – và ngươi thuộc về Ta.

9 Ta đã lấy nước tắm rửa, gột sạch máu me, rồi xức dầu thơm cho ngươi. 10 Ta đã cho ngươi mặc đồ gấm vóc, đi giày da mềm, thắt khăn vải gai mịn và khoác toàn tơ lụa. 11 Ta đã lấy đồ trang sức tô điểm cho ngươi: đeo xuyến vào tay, đeo kiềng vào cổ. 12 Ta đã lấy khuyên xỏ vào mũi ngươi, đeo hoa tai cho ngươi và lấy triều thiên rực rỡ đội lên đầu ngươi. 13 Đồ trang sức của ngươi đều là vàng bạc, y phục của ngươi là vải gai mịn, tơ lụa và gấm vóc. Ngươi được nuôi bằng tinh bột lúa miến, mật ong và dầu. Ngươi đã nên xinh đẹp tuyệt trần và xứng ngôi hoàng hậu. 14 Giữa muôn dân nước, ngươi được nổi tiếng vì nhan sắc của ngươi; nhan sắc đó tuyệt vời nhờ ánh huy hoàng của Ta chiếu toả trên ngươi, – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng.

15 Thế mà ngươi đã cậy có nhan sắc, ỷ vào danh tiếng của ngươi để đàng điếm và hoang dâm với mọi khách qua đường: ngươi thuộc về chúng.

60 Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu. 63 để ngươi nhớ lại mà lấy làm xấu hổ và, trong lúc phải tủi nhục, ngươi sẽ không còn mở miệng nói gì được nữa, khi Ta tha thứ cho ngươi tất cả những việc ngươi đã làm – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng.

 

2/ Phúc Âm: 3 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” 4 Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”, 5 và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” 6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 7 Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” 8 Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. 9 Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.” 10 Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” 11 Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. 12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu và ly dị.

 

Nhiều đôi tân hôn trong ngày cưới đã yêu nhau và hạnh phúc đến độ mọi người nhìn vào đã phải thốt lên họ thật “xứng đôi vừa lứa.” Vài năm sau gặp lại hỏi anh chồng: “Vẫn hạnh phúc chứ?” Anh buồn bã quay đi và trả lời: “Ly dị rồi!” Làm sao hai người đã yêu nhau đến thế và đã thề trước nhan thánh Chúa là sẽ yêu thương nhau trọn đời lại có thể “đường ai nấy đi” trong vòng mới chỉ hai hay ba năm? Thực ra, ly dị là vấn đề của mọi thời đại và mọi nơi. Trong xã hội chúng ta đang sống, ly dị trở thành phổ thông đến độ cứ hai cặp kết hôn thì một cặp ly dị. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Có được phép ly dị vì bất kỳ lý do nào không? Nếu được, trong hoàn cảnh nào được phép ly dị?

Các bài đọc hôm nay tập trung trong hai chủ đề tình yêu và ly dị. Trong bài đọc I, ngôn sứ Ezekiel dùng hình ảnh một cô gái để nói lên tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa dành cho nhà Israel. Ngài yêu họ khi họ chưa là một quốc gia, khi họ vẫn còn bị đối xử tàn nhẫn như nô lệ bên Ai-cập. Ngài đã giải thoát họ khỏi đất nô lệ và đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc. Ngài đuổi dân bản xứ đi và cho họ vào sở hữu một vùng đất chảy sữa và mật… Nhưng khi họ đã trở thành một dân tộc, họ đã bội nghĩa quên thề để chạy theo thờ phượng các thần của ngoại bang. Ngài có thể bỏ mặc họ cho quân thù giày xéo, nhưng Ngài chọn con đường yêu thương họ đến cùng. Trong Phúc Âm, một số người Pharisees đến thách thức và hỏi Chúa Giêsu: “Người ta có được ly dị vợ mình vì bất kỳ lý do gì không?” Chúa Giêsu cho họ nguyên lý của Thiên Chúa từ thuở ban đầu: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Sự trung thành của Thiên Chúa dành cho nhà Israel: Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

 

1.1/ Thiên Chúa yêu Israel dù họ chẳng có gì đáng yêu: Để hiểu tội lỗi của Israel đã xúc phạm đến Thiên Chúa nặng đến chừng nào, Thiên Chúa đã trở về nguồn gốc quá khứ để cho họ thấy Ngài đã yêu họ như nào. Ngài dùng hình ảnh một trẻ gái mới sinh để mô tả nguồn gốc của Israel, họ không phải là một quốc gia từ đầu, chẳng có đất đai hay của cải để sinh sống, chẳng ai thèm quan tâm đến nhu cầu của họ, làm nô lệ và bị đối xử tàn nhẫn bên Ai-Cập. Chúa đã nghe tiếng khóc than của họ nên Ngài đã dùng Moses đưa họ vượt Biển Đỏ vào Đất Hứa.

Khi đã vượt Biển Đỏ vào sa mạc, Chúa đã đồng hành để dạy dỗ và thanh tẩy họ, nhưng lúc ấy họ vẫn chưa có một tấc đất để ở (không mảnh vải che thân). Vì yêu thương nên Chúa đã thề nguyền và lập giao ước với họ (giao ước Sinai), Ngài trở thành Vua của họ, và họ trở thành dân riêng của Ngài. Thiên Chúa đã cho họ đánh thắng quân thù để chiếm Vùng Đất Hứa đầy sữa và mật mà Ngài đã hứa ban. Họ phát triển mạnh mẽ và trở thành một dân tộc nổi tiếng trên địa cầu vì Chúa ở với họ. Nhưng một khi đã trở nên mạnh mẽ và nổi tiếng, họ đã khinh dể lời thề mà huỷ bỏ giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, họ đã quay lưng phản bội Ngài để chạy theo các thần ngọai bang và thờ phượng chúng.

 

1.2/ Thiên Chúa vẫn trung thành yêu thương: Mặc dù bị Israel phản bội, Thiên Chúa vẫn trung thành với giao ước mà Ngài đã thiết lập với họ từ thời họ còn thanh xuân. Ngài sẽ phải đánh phạt họ để thanh tẩy trước khi ký kết với họ một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu. Tất cả quá khứ của Israel đã được các tiên tri phơi bày trước mắt họ để họ phải xấu hổ vì đã bội ước quên thề, và trong lúc phải tủi nhục, họ sẽ không dám mở miệng nói gì được nữa, khi Chúa tha thứ cho họ tất cả những việc họ đã làm.

 

2/ Phúc Âm: Vấn đề ly dị.

 

2.1/ Tại sao không được ly dị? Khi những người Biệt-phái và Luật-sĩ đến hỏi Chúa Giêsu có được phép ly dị vì bất cứ lý do nào không? Thay vì trả lời có hoặc không, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc từ thuở ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng con người: “Ngài đã làm ra con người có nam có nữ, và Ngài đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Gen 2:23-24). Thiên Chúa thiết lập nguyên tắc chứ không thiết lập luật, và dựa trên nguyên tắc này thì hôn nhân bất khả phân ly.

 

2.2/ Tại sao Moses cho phép ly dị? Khi họ thưa với Người: “Thế sao ông Moses lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá (schlerokardía = khó dạy), nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu.” Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu kêu gọi họ trở lại thuở ban đầu khi mọi sự Chúa dựng nên đều tốt lành, ly dị chỉ xảy ra sau khi con người đã sa ngã và Moses đã cho phép. Tuy nhiên, điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây đó là luật của con người làm ra vì sự cứng lòng của con người, chứ không phải luật của Thiên Chúa ban cho. Nếu con người muốn trở lại thuở ban đầu tốt lành thì không bao giờ được ly dị.

Có sự khác biệt giữa các Phúc Âm Nhất Lãm trong câu kế tiếp: Marcô và Luca không liệt kê ra bất cứ trường hợp nào được phép ly dị, nhưng Matthew liệt kê một trường hợp có thể được ly dị khi Chúa nói: “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp gian dâm (pornéia), ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 18:9). Các nhà chú giải tranh luận về nghĩa của pornéia vì nó có quá nhiều nghĩa. Theo Friberg lexicon, “pornéia” có nghĩa gian dâm, rộng hơn “moikéia”= ngọai tình. Pornéia có thể bao gồm bất cứ lọai gian dâm nào như giao hợp giữa hai người chưa kết hôn, đĩ điếm, hay các loại giao hợp bất bình thường.

 

2.3/ Tại sao có những người không kết hôn? Các môn đệ thưa Người: Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn. Nhưng Người nói với các ông: Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Rồi Chúa liệt kê 3 hạng người không kết hôn: (1) Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng: Đây gồm những người thiếu các yếu tố sinh lý cần thiết để có thể giao hợp. (2) Có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn: Đây gồm những họan quan làm việc trong triều đình để tránh việc họ có thể giao hợp với các cung phi của nhà vua. (3) Có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời: Đây gồm các linh mục, tu sĩ nam, nữ, giáo dân, những người tự ý không kết hôn để họ có thể dành tất cả cuộc đời cho việc mở mang Nước Chúa.

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Ly dị không thể chấp nhận vì 2 lý do chính: (1) Đó là nguyên tắc căn bản từ ban đầu: Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không thể phân ly, và (2) Thiên Chúa đã làm gương cho con người về sự trung thành: Ngài đã tha thứ hết mọi tội cho con người dẫu con người đã phản bội Ngài. Chúa Giêsu đã chết cho con người khi con người vẫn còn là tội nhân.

– Hậu quả của ly dị: tan nát gia đình, để lại vết thương lòng cho mọi người trong gia đình, và con cái là thành phần phải chịu thiệt hại nhiều nhất.

– Đau khổ trong đời sống gia đình không thể nào tránh được, nhưng có thể vượt qua với ơn thánh của Chúa ban qua các bí-tích, nhất là bí-tích Hòa Giải và Thánh Thể. Hai vợ chồng cần năng lãnh nhận hai bí-tích này thì mới mong có thể trung thành với nhau suốt cuộc đời.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}
 

Skip to content