Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Sáu – Tuần 22 – TN1
Bài đọc: Col 1:15-20; Lc 5:33-39.
1/ Bài đọc I: 15 Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
16 vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.
17 Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.
18 Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh;
Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.
19 Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người,
20 cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.
2/ Phúc Âm: 33 Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!”
34 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?
35 Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.”
36 Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.
37 “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư.
38 Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.
39 Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon hơn.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần biết trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của mình.
Tin như nào sẽ sống như vậy. Ví dụ, nếu một người chỉ tin vào truyền thống của cha ông, họ sẽ chống lại tất cả những học thuyết mới lạ, vì chúng có thể đe dọa đức tin của họ. Tuy nhiên, các tín hữu cần tìm hiểu sự thật của những gì mình tin, để họ có thể trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của họ. Khi không trả lời được những câu hỏi do các lạc thuyết đề ra, nhiều người có đức tin yếu kém sẽ dễ chạy theo những lạc thuyết đó.
Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh vào sự hiểu biết của niềm tin. Trong Bài Đọc I, tác giả nhắc nhở các tín hữu phải nắm vững đức tin của mình vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô, để có thể tránh được những ngụy thuyết chung quanh luôn đe dọa con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sửa sai quan niệm của các kinh-sư và biệt-phái về quan niệm ăn chay và cầu nguyện của họ. Mục đích của việc ăn chay cầu nguyện là để con người sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và thương yêu tha nhân, chứ không phải để được khen ngợi, để chu toàn Lề Luật, hay vì bất kỳ lý do nào khác. Nếu các môn đệ đang có Thiên Chúa ở bên cạnh, họ không cần phải ăn chay. Họ sẽ ăn chay cầu nguyện khi Đức Kitô bị cất đi khỏi họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.
1.1/ Thiên Chúa tạo dựng qua Ngôi Lời: Col 1:9-14 là một Bài Thánh Ca cổ, được hát trong lúc hội họp hay thờ phượng trong những cộng đoàn tiên khởi để ca tụng Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Có học giả cho nguồn gốc của Bài Thánh Ca là để chống lại chủ thuyết Thuần Tri Thức (Gnosticism) rất thịnh hành thời đó trong quốc gia Hy-lạp. Một sự so sánh giữa những gì Giáo Hội dạy cho thấy sự đối nghịch hoàn toàn với chủ thuyết Thuần Tri Thức.
(1) Đức Kitô là Thánh Tử, là Ngôi Lời (Logos), là hình ảnh (eikon) của Thiên Chúa vô hình: thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa (Jn 14:9). Chủ thuyết Thuần Tri Thức cho Đức Kitô tuy cao hơn các tạo vật, nhưng không phải là Thiên Chúa vì mang trong mình chất liệu của con người; chỉ có Thiên Chúa là hoàn toàn không lệ thuộc vật chất.
(2) Đức Kitô là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo: Ngài là Lời, là sự không ngoan của Thiên Chúa. Trong trình thuật về tạo dựng của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng bằng cách phán: “Hãy có!” tức thì mọi vật liền có. Do Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành, và không có Ngài, chẳng có vật gì được tạo thành (Jn 1:3). Thuyết Thuần Tri Thức không cho Thiên Chúa tạo dựng thế giới, mà thế giới được tạo thành bởi một vị thần ác, đối nghịch với Thiên Chúa.
(3) Thiên Chúa quan phòng mọi sự qua Đức Kitô vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Tất cả đều tồn tại trong Người.” Thuyết Thuần Tri Thức cho vũ trụ tồn tại nhờ chính nó.
1.2/ Thiên Chúa cứu chuộc và hòa giải qua Ngôi Lời.
(1) Đức Kitô cứu chuộc con người: bằng cách đổ máu để thanh tẩy tội lỗi, làm cho con người khỏi chết, và cho con người được sống đời đời với Thiên Chúa bằng sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Thuyết Thuần Tri Thức cho con người được giải thoát khỏi nô lệ cho vật chất và đoàn tụ với Thiên Chúa nhờ kiến thức đặc biệt và bí mật mà chỉ có họ mới có thể cung cấp cho con người.
(2) Đức Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau: Ngài hòa giải con người bằng việc chấp nhận cái chết trên Thập Giá. Nhờ sự hòa giải này, con người có được sự bình an.
Thuyết Thuần Tri Thức không tin vào tội lỗi và vào sự hòa giải, vì Thiên Chúa không thay đổi và con người luôn xấu xa vì bị giam cầm trong thân xác.
2/ Phúc Âm: Tại sao môn đệ ông không ăn chay, cầu nguyện?
2.1/ Họ trách môn đệ Chúa Giêsu không năng ăn chay cầu nguyện. Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisees cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!”
Đức Giêsu trả lời họ: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.” Qua câu trả lời, Người muốn nhắn nhủ họ làm việc gì cũng phải có lý do, thời gian, và nơi chốn. Ăn chay, cầu nguyện là để con người sống gần gũi với Thiên Chúa, và bớt lệ thuộc vào vật chất. Các môn đệ của Ngài không cần phải ăn chay lúc này, vì họ đang có Thiên Chúa là chính Ngài. Khi nào Ngài xa lìa họ, bấy giờ họ mới ăn chay. Ăn chay, cầu nguyện phải bày tỏ tâm hồn thống hối bên trong, chứ không phải những việc làm bên ngoài để lấy tiếng khen, hay lấy làm tiêu chuẩn để phán xét người khác có đạo đức thành thật hay không!
2.2/ Phải có tinh thần mới để đón nhận mặc khải mới của Đức Kitô: Những người biệt-phái và kinh-sư khó có thể chấp nhận những giảng dạy của Đức Kitô, vì trí óc của họ đã quá quen với Lề Luật và lối sống vụ hình thức bên ngoài. Để có thể tiếp nhận những giảng dạy mới lạ của Đức Kitô, họ cần thay đổi cách nhìn về việc giữ đạo. Để họ nhận ra sự quan trọng của việc cần có một tinh thần cởi mở để lãnh nhận giảng dạy mới của Thiên Chúa, Đức Giêsu còn kể cho họ nghe một số các dụ ngôn:
(1) “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Không ai dại dột đến độ không chịu mặc áo mới, mà lại xé ra lấy vải để vá vào áo cũ. Nếu làm như vậy, người đó sẽ là người không bình thường, và miếng vá sẽ càng ngày càng tệ hơn sau mỗi lần giặt.
(2) “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.” Rượu mới có nồng độ mạnh hơn nên dễ làm căng thẳng bầu da cũ; vì thế, để tránh việc nứt bầu da và phí rượu, rượu mới phải được đổ vào bầu da mới.
(3) Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon hơn.” Các kinh-sư và biệt-phái là những người cố gắng bảo thủ các truyền thống của cha ông. Họ bị Chúa Giêsu ví là những người thích uống rượu cũ vì cho rượu cũ ngon hơn. Có một phần sự thực trong đó; nhưng đồng thời họ cũng phải biết mở lòng đón nhận những điều hay của các mặc khải và dạy dỗ mới đến từ Chúa Giêsu. Để có thể tiếp nhận những dạy dỗ của Ngài, họ phải thay đổi thái độ “truyền thống quá khích,” họ mới có thể hiểu được những gì Chúa muốn nói.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết niềm tin của mình; nếu không đức tin của chúng ta dễ bị lung lay bởi các lạc thuyết hay khi người khác chất vấn niềm tin của chúng ta.
– Biết cắt nghĩa niềm tin rất quan trọng trong việc giáo dục đức tin cho những người chúng ta có trách nhiệm. Nếu không được giải thích thỏa đáng, con người dễ đánh mất niềm tin.
– Chúng ta phải biết gìn giữ các tinh hoa của truyền thống, nhưng cũng cần biết mở lòng đón nhận những cái mới của thời đại và hoàn cảnh.