Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Sáu – Tuần 23 – TN1
Bài đọc: I Tim 1:1-2, 12-14; Lk 6:39-42.
1/ Bài đọc I: 1 Tôi là Phao-lô, Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su theo lệnh Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh Đức Ki-tô Giê-su, niềm hy vọng của chúng ta,
2 gửi anh Ti-mô-thê, người con tôi đã sinh ra trong đức tin. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, ban cho anh ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.
12 Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người.
13 Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.
14 Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người.
2/ Phúc Âm: 39 Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?
40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.
41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?
42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy học biết Thiên Chúa và biết chính mình.
Hoàng đế Napoléon, khi được hỏi đâu là bí quyết giúp ông chinh phục thế giới, đã để lại một lời khuyên khôn ngoan cho những ai muốn thành công trong cuộc đời: “biết mình, biết người; trăm trận, trăm thắng.” Nhiều người thất bại vì không chịu biết mình, biết người; để rồi mang “châu chấu ra đá voi,” hay “mang trứng ra chọi đá.”
Các Bài Đọc hôm nay răn dạy con người phải “biết mình và biết người.” Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô dạy môn đệ của Ngài là Timothy phải biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra những hoàn cảnh cụ thể để dạy các môn đệ phải biết mình trong mối tương quan với tha nhân: họ không thể dắt đường cho người khác nếu họ cũng bị đui mù; họ không thể chỉ trích phê bình người khác khi bản thân còn mang những tội lỗi lớn lao hơn của tha nhân. Vì thế, cần phải sửa mình, trước khi đủ thanh sạch để sửa sai cho người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy học biết Thiên Chúa.
1.1/ Lời của Phaolô cho Timothy, người môn đệ yêu quí: “Tôi là Phaolô, Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô theo lệnh Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, và theo lệnh Đức Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, gửi anh Timothy, người con tôi đã sinh ra trong đức tin. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.”
Qua hai câu chào đầu thư này, thánh Phaolô muốn cho Timothy nhận ra 2 điểm:
(1) Sứ vụ làm tông-đồ của Phaolô đến từ Thiên Chúa và từ Đức Kitô, chứ không phải do con người trao hay tự ý ngài muốn. Khi nói lên điều này, Phaolô muốn chuẩn bị cho Timothy hiểu biết về sứ vụ sẽ được trao cho sau khi được huấn luyện.
(2) Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi ơn lành mà Ngài ban xuống cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Ba hồng ân quan trọng mà người môn đệ cần, đó là: ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.
1.2/ Phaolô dẫn chứng bằng chính cuộc đời mình: Biến cố trở lại của Phaolô trên đường đi Damascus luôn là điểm khởi hành mà Phaolô hướng về trong mọi việc: suy tư thần học, áp dụng trong cuộc sống, và hôm nay, dùng để dạy dỗ và làm gương cho Timothy.
(1) Tất cả là hồng ân: Nhìn lại cuộc đời, Phaolô thấy rõ ông đã không tình nguyện để phục vụ Đức Kitô; nhưng chính Đức Kitô đã tin tưởng và trao cho ông sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phaolô viết: “Tôi tạ ơn Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người.” Đức Kitô chọn Phaolô không phải vì thấy ông tài giỏi để thi hành sứ vụ; nhưng chính Đức Kitô ban mọi ơn cần thiết để ông chu toàn sứ vụ: “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người.”
(2) Thiên Chúa ban ơn khi con người vẫn còn là tội nhân: Phaolô đã ý thức rất rõ về điều này khi ông thú nhận: “Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin.” Chúa tỏ lòng thương xót khi con người vẫn còn là tội nhân. Chúa chọn con người không phải vì con người xứng đáng, nhưng chỉ vì tình yêu Ngài dành cho con người. Ngay cả đức tin cũng được ban cho con người, khi con người còn đang lầm đường lạc lối. Nói tóm, tất cả là hồng ân Thiên Chúa; con người chỉ cần nhận ra và đáp trả cân xứng để sinh lợi ích cho con người.
2/ Phúc Âm: Hãy học biết chính mình.
2.1/ Nhà lãnh đạo phải sáng suốt: Đây là một thực tế trong cuộc đời; nhưng không mấy người nhìn ra nhu cầu cần phải sáng suốt. Cha mẹ phải hướng dẫn con mình; nhưng cha mẹ có sáng suốt đủ để hướng dẫn con cái? Người mục tử phải hướng dẫn đoàn chiên; nhưng liệu người mục tử có sáng suốt đủ để hướng dẫn đoàn chiên mình? Ngay cả có nhận ra ai là chiên của mình đang cần sự hướng dẫn? Đức Giêsu nêu ra cho các môn đệ một hình ảnh: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” Làm sao để trở thành nhà lãnh đạo sáng suốt?
(1) Phải học hỏi để biết: Để có kiến thức cần phải học, vì không ai có thể cho người khác điều mình không có! Hành nghề gì cũng đòi phải học hỏi và qua kỳ thi để có bằng cấp; nhưng nghề làm cha mẹ quan trọng như thế thì ít người chịu học hỏi và chẳng ai cấp bằng để hướng dẫn con cái; phần lớn đều trở nên cha mẹ cách bất đắc dĩ: có con là đương nhiên trở thành cha mẹ!
(2) Phải lắng nghe và học hỏi với Đức Kitô: Nguồn khôn ngoan quan trọng nhất là Kinh Thánh và những mặc khải của Đức Kitô. Đây phải là nguồn đầu tiên chúng ta phải học hỏi vì không ai có sự khôn ngoan bằng Thiên Chúa. Tại sao chúng ta không chịu học với Đức Kitô trước, mà lại đi học với Dear Abby, Dear Ann Lander, hay với Dr. Ruth? Chúng ta không phủ nhận kinh nghiệm khôn ngoan của con người; nhưng nó chỉ là nguồn phụ thuộc mà thôi. Nếu không có thời giờ, người khôn ngoan là người biết tìm tới nguồn chính yếu để học hỏi sự thật, trước khi có thể nhận ra sự sai trái từ những nguồn phụ thuộc, nếu có.
(3) Phải có cái nhìn tổng quan về cuộc đời để nhận ra đâu là điều chính yếu từ bao điều phụ thuộc; nếu không sẽ dễ dàng chú trọng vào cái phụ thuộc và bỏ qua mục đích của cuộc đời.
2.2/ Hãy khử trừ thói quen phê bình người khác: Hầu hết các thánh nhân và các bậc thánh hiền đều khuyên con người “hãy biết mình trước.” Khi nào thấy mình thập toàn rồi, mới dám nghĩ tới việc sửa lỗi người khác, để tránh tình trạng “chân mình còn lấm bê bê; mà cầm bó đuốc mà rê chân người.”
Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ: “Sao anh thấy cái vỏ trấu trong con mắt của người anh em, mà cái thanh gỗ trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái vỏ trấu trong con mắt anh ra!” trong khi chính mình lại không thấy cái thanh gỗ trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái thanh gỗ ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái vỏ trấu trong con mắt người anh em!”
Khi một người năng xét mình, họ sẽ nhận ra họ cũng có bao tội lỗi và khuyết điểm cần phải sửa, nhiều khi còn to lớn và xấu xa hơn tội của tha nhân gấp bội; nên họ cảm thấy xấu hổ khi phải phê bình người khác. Ngược lại, người không năng xét mình hay xét mình không kỹ, họ cảm thấy mình tốt lành; và vì thế, họ năng xét tội và phê bình tha nhân.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải học hỏi để biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta có được là hoàn toàn từ Thiên Chúa. Đừng bao giờ đánh cắp hồng ân Thiên Chúa làm thành công trạng của chúng ta.
– Chúng ta học hỏi để biết mình trong mối tương quan với tha nhân. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh việc chỉ trích và phê bình tha nhân; nhất là những người chúng ta không có trách nhiệm. Năng xét mình cẩn thận sẽ giúp chúng ta chừa được tật xấu này.