Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
{audio}LCHN/audio/Thu Sau Tuan 25 TN.mp3{/audio}
Thứ Sáu, Tuần 25 TN, Năm lẻ.
Bài đọc: Hag 2:1-9; Lk 9:18-22
1/ Bài đọc I:
1 Tháng bảy ngày hai mươi mốt, có lời ĐỨC CHÚA phán qua trung gian ngôn sứ Khác-gai rằng:2 “Ngươi hãy nói với tổng đốc xứ Giu-đa là Dơ-rúp-ba-ven, con ông San-ti-ên, nói với thượng tế Giê-su-a, con ông Giơ-hô-xa-đắc và nói với những người còn sót lại trong dân rằng:
3 Ai trong các ngươi trong số người còn sót lại đã từng được chứng kiến cảnh rực rỡ vinh quang của Đền Thờ ban sơ? Và bây giờ các ngươi thấy Đền Thờ như thế nào? Trước mắt các ngươi, nó chẳng còn là gì nữa đó sao?
4 Vậy bây giờ, hỡi Dơ-rúp-ba-ven, hãy mạnh bạo lên! Này thượng tế Giê-su-a, con ông Giơ-hô-xa-đắc, mạnh bạo lên nào! Toàn dân trong xứ hãy mạnh bạo lên! Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Hãy bắt tay vào việc, vì chính Ta ở với các ngươi. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh.
5 Chiếu theo lời Ta kết ước với các ngươi lúc các ngươi ra khỏi Ai-cập, thần khí Ta ở giữa các ngươi; các ngươi đừng sợ.
6 Quả thật, ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, Ta sẽ làm rung chuyển trời đất, biển khơi và đất liền.
7 Ta sẽ làm cho tất cả các dân tộc phải chấn động và các kho tàng của các dân tộc sẽ đổ về, rồi Ta sẽ làm cho Đền Thờ này rực rỡ vinh quang. ĐỨC CHÚA các đạo binh phán.
8 Bạc là của Ta, vàng là của Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh.
9 Vinh quang của Đền Thờ lúc này sẽ rạng ngời hơn khi trước, ĐỨC CHÚA các đạo binh phán; tại nơi này Ta sẽ ban tặng bình an – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh.”
2/ Phúc Âm:
18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”
19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”
20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”
21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Xây dựng kết quả lâu dài hơn là những chấp vá tạm thời.
Khi phải đương đầu với những thách đố của cuộc sống, nhiều người thích những giải quyết dễ dãi, nhanh chóng, và tạm thời; nhưng những giải quyết như thế không đem lại cho con người những kết quả tốt đẹp và lâu bền. Rốt cuộc, họ lại phải bắt đầu lại từ đầu. Ví dụ, việc học sinh ngữ: thay vì phải bắt đầu với việc học văn phạm và nhớ từ ngữ, nhiều người lại bắt đầu ngay với việc nhớ các câu thông dụng. Vì thế, khi phải nói những “câu có sẵn,” họ trả lời được; nhưng khi phải làm câu mới, họ không biết phải xếp đặt làm sao! Để đạt được kết quả lâu bền, con người cần tìm ra căn nguyên thật sự của vấn đề, và kiên nhẫn tìm cách thức thích hợp để giải quyết, cho dù phải tốn nhiều thời gian và phải chấp nhận gian khổ.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra hai ví dụ để giúp con người biết giải quyết tận gốc vấn đề. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Haggai khuyên tất cả những người có trách nhiệm và dân chúng chú trọng đặc biệt đến việc xây dựng Đền Thờ, hơn là cố gắng ổn định đời sống; vì Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ở với con người để dạy dỗ và ban ơn. Việc xây dựng Đền Thờ sau Thời Lưu Đày chắc chắn sẽ gặp khó khăn, nhưng họ phải cố gắng khắc phục hoàn cảnh, vì Đền Thờ sẽ mang lại nhiều lợi ích đến cho con cái Israel. Trong Phúc Âm, sau khi Phêrô tuyên xưng căn tính của Chúa Giêsu, Ngài báo trước Cuộc Thương Khó lần thứ nhất để các tông-đồ chuẩn bị đương đầu với đau khổ khi nó xảy đến; đồng thời, Ngài cũng báo trước Ngài sẽ sống lại vinh quang sau ba ngày trong huyệt mộ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Diễn từ thứ hai của tiên-tri Haggai
1.1/ Tiên-tri Haggai đốc thúc dân xây cất Đền Thờ Thiên Chúa.
(1) Lý do Đền Thờ bị phá hủy: Đền Thờ Jerusalem do vua Solomon xây dựng bị phá hủy là vì con cái Israel đã bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại và đối xử bất công với đồng loại của mình. Sau hơn 50 năm lưu đày, giờ đây họ được hồi hương trở về để tái thiết xứ sở. Phản ứng đầu tiên của dân chúng là chỉ biết nghĩ đến cá nhân và gia đình của họ; để tìm cách ổn định đời sống cách nhanh chóng hết sức có thể. Tiên-tri Haggai không suy nghĩ như dân chúng. Ông biết căn nguyên của vấn đề là phải sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Việc xây dựng Đền Thờ cần thiết để qui tụ và dạy dỗ dân chúng; nếu không, họ sẽ mạnh ai nấy sống, và việc phải lưu đày lần nữa chắc chắn sẽ xảy ra.
(2) Phải biết nhìn lại quá khứ và suy xét: Tiên-tri Haggai mời gọi dân chúng nhìn lại Đền Thờ quá khứ: “Ai trong các ngươi trong số người còn sót lại đã từng được chứng kiến cảnh rực rỡ vinh quang của Đền Thờ ban sơ? Và bây giờ các ngươi thấy Đền Thờ như thế nào? Trước mắt các ngươi, nó chẳng còn là gì nữa đó sao?” Dĩ nhiên, Haggai không chỉ giới hạn việc xây dựng Đền Thờ bên ngoài; nhưng còn chú trọng đến việc xây dựng đền thờ trong tâm hồn, là biết sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, và với anh chị em đồng loại.
1.2/ Vinh quang có được sau này là hậu quả của cố gắng khắc phục khó khăn bây giờ.
(1) Phải can đảm khắc phục hoàn cảnh khó khăn: Con cái Israel phải đương đầu với rất nhiều khó khăn khi hồi hương: công ăn, việc làm, nhà ở, chính quyền địa phương, kẻ thù chung quanh… Haggai biết tất cả những điều đó; nhưng ông nhìn thấy những lợi ích của Đền Thờ: sự hiện diện của Thiên Chúa, lòng đạo đức của dân chúng, và sự an toàn quốc gia. Vì thế, ông khuyên tất cả phải khắc phục khó khăn, để dốc toàn lực vào việc xây dựng Đền Thờ trước hết, các sự khác không quan trọng bằng Đền Thờ, và Thiên Chúa sẽ chúc lành cho họ sau. Ông nói: “Vậy bây giờ, hỡi Zerubbabel, hãy mạnh bạo lên! Này thượng tế Joshua, con ông Jehozadak, mạnh bạo lên nào! Toàn dân trong xứ hãy mạnh bạo lên! Sấm ngôn của Đức Chúa. Hãy bắt tay vào việc, vì chính Ta ở với các ngươi. Sấm ngôn của Đức Chúa các đạo binh.”
(2) Vinh quang sẽ xảy đến trong tương lai: “Quả thật, Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, Ta sẽ làm rung chuyển trời đất, biển khơi và đất liền. Ta sẽ làm cho tất cả các dân tộc phải chấn động và các kho tàng của các dân tộc sẽ đổ về, rồi Ta sẽ làm cho Đền Thờ này rực rỡ vinh quang. Đức Chúa các đạo binh phán. Bạc là của Ta, vàng là của Ta.”
Lời sấm này không chú trọng đến của cải vật chất cho bằng tài sản tinh thần. Hai điều quan trọng và có liên quan Haggai muốn chú trọng ở đây là (1) Đấng Thiên Sai sẽ đến; và (2) Niềm tin vào Thiên Chúa của các dân tộc trên địa cầu. Niềm tin vào Thiên Chúa không chỉ còn giới hạn trong vòng con cái Israel; nhưng sẽ được mở rộng đến tất cả các quốc gia trên địa cầu, và Đền Thờ Jerusalem sẽ là trung tâm cho các dân tộc hướng về (Isaiah).
2/ Phúc Âm: Con Người phải chịu đau khổ nhiều… và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.
2.1/ Cần nhận ra căn tính của Đấng Thiên Sai: Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”
(1) Dân chúng không nhận ra căn tính của Chúa Giêsu: Có người cho Chúa Giêsu là
– Gioan Tẩy Giả, như tiểu vương Herode: vì Chúa dám nói thật và thẳng tay sửa sai.
– Có kẻ khác bảo là ông Elijah: vì lời Chúa có uy lực và Ngài làm nhiều phép lạ.
– Kẻ khác nữa lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.
(2) Ông Phêrô tuyên xưng căn tính của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, hay mối liên hệ giữa người môn đệ với Đức Kitô là một mối liên hệ cá nhân. Người khác có thể nói cho chúng ta biết về Thiên Chúa. Họ có thể chỉ đường và tạo cơ hội cho chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa; nhưng để sống mối liên hệ với Ngài, chúng ta cần bỏ thời gian để học hỏi, cầu nguyện, và sống mối liên hệ với Ngài.
2.2/ Cần nhận ra con đường cứu độ của Đấng Thiên Sai: Truyền thống Do-thái đang mong một Đấng Thiên Sai sẽ dùng uy quyền và sức mạnh để dẹp tan quân thù, lên ngôi cai trị, và phục hồi danh dự và uy quyền cho con cái Israel. Điều này không phải là ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn Đấng Thiên Sai phải chấp nhận gian khổ và cái chết để cứu chuộc con người khỏi tội, và cho con người được sống muôn đời.
(1) Con người sẽ phải chịu đau khổ và bị giết chết: Chúa Giêsu báo trước Cuộc Thương Khó lần thứ nhất: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
(2) Con Người sẽ sống lại hiển vinh ngày thứ ba: Đau khổ của Chúa Giêsu chỉ tạm thời; nhưng Ngài sẽ phục sinh vinh hiển vào ngày thứ ba.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần đương đầu với sự thật của mọi vấn đề, với căn nguyên của chiến tranh và đau khổ; trước khi có thể giải quyết vấn đề, và xây dựng một cuộc đời tốt đẹp hơn.
– Để đạt được thắng lợi vinh quang, chúng ta cần có can đảm để chấp nhận đau khổ tạm thời. Nếu không chấp nhận đau khổ, làm sao có vinh quang?
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}