Thứ Sáu – Tuần 30 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Sáu – Tuần 30 – TN1 – Năm lẻ.

 

Bài đọc: Rom 9:1-5; Lk 14:1-6.

1/ Bài đọc I1 Có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng:

2 lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi.

3 Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng.

4 Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa;

5 họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.

2/ Phúc Âm1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.

2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng.

3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không? “

4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.

5 Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?”

6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết dùng trí khôn để nhận ra ai là người yêu mình thật sự.

Không có nỗi đau khổ nào lớn hơn nỗi đau khổ bị từ chối tình yêu, và cũng không có sự dại dột nào lớn hơn sự dại dột của kẻ từ chối tình yêu thực sự để chạy theo tình yêu giả trá và lừa lọc. Cha mẹ sẽ đau khổ chừng nào khi họ sẵn lòng chấp nhận mọi gian khổ để lo cho con có tiền ăn học; nhưng phát giác con mình dùng tiền đó để tiêu xài phung phí với chúng bạn! Người vợ sẽ đau khổ chừng nào khi người chồng dùng tất cả những gì bà đã dành dụm cho gia đình để đốt hết vào những canh bạc đỏ đen!

Các Bài Đọc hôm nay muốn con người hãy biết dùng trí khôn sáng suốt để nhận ra ai là người yêu mình thật sự. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, ngay cả việc chấp nhận bị xa lìa Đức Kitô; để người Do-thái nhận ra tình yêu thực sự mà Đức Kitô dành cho họ. Phaolô không thể hiểu tại sao người Do-thái khước từ tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ qua việc Ngài ban cho họ Đức Kitô để cứu chuộc họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sẵn sàng hy sinh và chấp nhận chống đối để chữa lành một người bị bệnh phù thũng trong ngày Sabbath, và sửa sai quan niệm của họ về ngày Sabbath; nhưng họ không nhận ra ý hướng và tình yêu của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Tâm tình của Phaolô dành cho dân tộc Do-thái

1.1/ Ước mong của Phaolô là cho toàn dân nhận ra và tin vào Đức Kitô: Trong ba chương kế tiếp, Phaolô phải vật lộn với chủ đề tại sao nhiều người Do-thái không tin vào Đức Kitô mặc dù họ có đủ mọi bằng chứng và đặc quyền để tin vào Ngài.

Ý hướng của Phaolô rất thành thật như ngài tâm sự: “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng.”

Yêu ai là mong muốn mọi điều tốt lành cho người ấy. Phaolô yêu dân tộc mình nên ông muốn cho mọi con cái Israel được nhận biết Đức Kitô để được cứu độ, cho dẫu ông phải trả giá là bị “nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô,” Đấng ông kính mến trên hết mọi sự. Phaolô, mặc dù được dành riêng để rao giảng cho Dân Ngoại; nhưng ông luôn tìm mọi dịp để tranh luận và rao giảng cho người Do-thái, Thư Rôma là một trường hợp điển hình. Lòng thành của Phaolô còn đáng khen ngợi hơn nữa vì nhiều người Do-thái luôn tìm dịp bắt bớ ông và tìm cách đạp đổ những gì ông đã xây dựng cho các cộng đoàn Dân Ngoại.

1.2/ Người Do-thái có đầy đủ những đặc quyền để tin vào Đức Kitô: Phaolô nhìn lại lịch sử và không khỏi ngạc nhiên về những đặc quyền Thiên Chúa ban cho dân tộc Do-thái:

– Họ là người Israel, dân tộc được Thiên Chúa chọn làm Dân Riêng của Ngài;

– Họ đã được Thiên Chúa nhận làm con;

– Họ đã được Người cho thấy vinh quang;

– Thiên Chúa đã ban tặng cho họ các giao ước: với Noah, với Abraham, với Moses… ;

– Họ đã được Thiên Chúa ban Lề Luật, phụng tự, và các lời hứa;

– Họ là con cháu các tổ phụ;

– Và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Phaolô rất ngạc nhiên, vì một dân tộc được Thiên Chúa ban mọi đặc quyền, nhất là đã được các ngôn sứ chuẩn bị một thời gian rất lâu để đón Đấng Thiên Sai ra đời; thế mà khi Đức Kitô xuất hiện, nhiều người Do-thái từ chối không tin vào Ngài. Ba chương kế tiếp Phaolô cố gắng tìm hiểu lý do của sự từ chối này.

2/ Phúc Âm: Có được phép chữa bệnh ngày Sabbath hay không?

2.1/ Xung đột giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu: Thánh Luca tường thuật 2 thái độ khác nhau:

(1) thái độ của ông Thủ Lãnh nhóm Pharisees: Ông mời Chúa Giêsu dùng bữa và xếp đặt sẵn một người bị bệnh phù thủng, để gài bẫy xem Ngài có chữa bệnh trong ngày Sabbath.

(2) thái độ của Chúa Giêsu: Mặc dù biết rõ ác ý của họ, nhưng Chúa Giêsu vẫn nhận lời mời dự tiệc, vì Chúa muốn cho họ có cơ hội nhìn thấy sự thật để thay đổi lối sống giả hình.

2.2/ Chúa Giêsu trình bày sự thật và chữa lành người bệnh: Không chút do dự, Chúa Giêsu chủ động tiến trình hòa giải bằng việc đặt câu hỏi với các Kinh-sư và những người Biệt-phái: “Có được phép chữa bệnh ngày Sabbath hay không?” Nhưng họ làm thinh không trả lời. Làm thinh có thể vì:

(1) không biết trả lời;

(2) giả vờ như chuyện ấy không liên quan gì tới mình. Các Kinh-sư và Biệt-phái có lẽ đang ở trong tình trạng này.

Không một chút sợ hãi, Chúa Giêsu đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi, và cho về. Rồi Người chất vấn họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sabbath?” Giếng lộ thiên rất thường xuyên gặp trên đất Palestine và là nguyên nhân các tai nạn cho con người cũng như súc vật (x/c Exo 21:33). Khi tai nạn té xuống giếng xảy ra, không ai thắc mắc có được kéo người hay súc vật dưới đó nên không; vì đó là việc phải làm. Việc Chúa chữa bệnh trong ngày Sabbath cũng vậy, đó là việc cứu người cần làm. Tại sao họ lại đặt thành vấn đề?

2.3/ Lối sống hai mặt của các Kinh-sư và những người Biệt-phái: Chúa mời gọi họ đối thọai để tìm ra sự thật phải theo nhưng họ làm thinh. Chúa chất vấn họ về lối sống hai tiêu chuẩn: một tiêu chuẩn cho những người thân cận hay cho tài sản của họ, và một tiêu chuẩn cho những người dân vô tội; nhưng họ không thể đáp lại những lời chất vấn của Chúa. Thánh Luca không tường thuật phản ứng sau cùng của những người Pharisêu này; nhưng hầu hết sau những lần chất vấn của Chúa, họ trở nên tức giận hơn và tìm cách để bắt bớ Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải biết dùng trí khôn để suy xét, cân nhắc, và nhận ra ai là người yêu thương chúng ta thật sự và ai là người chỉ lợi dụng chúng ta. Một khi đã nhận ra tình yêu đích thật, chúng ta hãy có can đảm để đáp lại tình yêu bằng cách tuân theo sự thật và đáp trả tình yêu cách xứng đáng.

– Nếu cứ mù quáng chạy theo những tình yêu ảo ảnh và sai trái, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ phải trả giá đắt cho sự mù quáng này.

Skip to content