Thứ Sáu – Tuần 33 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Sáu – Tuần 33 – TN1 – Năm lẻ

Bài đọc: I Mac 4:36-37, 52-59; Lk 19:45-48.

1/ Bài đọc I: 36 Bấy giờ ông Giu-đa và các anh em nói : “Này, kẻ thù của chúng ta đã bị đập tan, chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh.”

37 Tất cả đoàn quân tập hợp lại và lên núi Xi-on.

52 Ngày hai mươi lăm tháng chín -tức là tháng Kít-lêu- năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm

53 và theo như Luật truyền, họ dâng lễ tế trên bàn thờ dâng lễ toàn thiêu họ vừa mới xây.

54 Họ đã cử hành lễ cung hiến bàn thờ giữa tiếng đàn tiếng hát, tiếng hạc cầm và tiếng não bạt, vào đúng lúc đúng ngày trước đây dân ngoại đã làm cho ra ô uế.

55 Toàn dân sấp mặt xuống thờ lạy và chúc tụng Trời, Đấng đã giúp họ thành công.

56 Họ cử hành lễ cung hiến bàn thờ trong tám ngày liên tục, hoan hỷ dâng lễ toàn thiêu, hy lễ hiệp thông và tạ ơn.

57 Họ lấy các triều thiên bằng vàng và những tấm biển mà trang trí mặt tiền Đền Thờ, đồng thời cũng sửa sang các lối ra vào, các phòng ốc và làm lại các cửa phòng.

58 Dân chúng vui mừng khôn kể xiết và quên hẳn nỗi nhục nhằn dân ngoại đã gây ra.

59 Ông Giu-đa cùng với anh em và toàn thể đại hội Ít-ra-en quyết định là hằng năm, trong thời gian tám ngày từ hai mươi lăm tháng Kít-lêu, phải cử hành lễ cung hiến bàn thờ thật tưng bừng rộn rã.

2/ Phúc Âm: 45 Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán

46 và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”

47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy.

48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thanh tẩy Đền Thờ

Những cám dỗ của thế gian và sự bận rộn của cuộc sống làm con người nhiều khi không còn nhận ra được đâu là sự thật, sự thánh thiêng, và ý nghĩa của cuộc đời. Hậu quả xảy ra là thay vì con người phải chủ động điều khiển cuộc đời mình, con người lại để cho cuộc đời điều khiển. Ví dụ: để cho giới con buôn hướng dẫn tòan bộ cuộc đời: mua nhà đắt tiền, xe cộ phải như thế nào mới xứng đáng, khi đi ăn phải ở nhà hàng nào mới sang trọng, uống rượu phải rượu XO nào mới sang trọng mà không cần biết chai rượu đó đã trị giá cả ngày lương lao động của mình. Vì quen xài sang nên phải kiếm ra nhiều tiền để xài, chẳng cần xét xem cách kiếm tiền có chính đáng hay không? Bác sĩ khám bệnh nhân nghèo qua loa 5-10 phút rồi chém đẹp bằng những giá cả bằng cả tuần lương của họ. Ngày Chủ Nhật cần để nghỉ ngơi và thờ phượng Chúa, nhiều người cũng dùng luôn để kiếm tiền tiêu xài, mà không cần biết đến những thiệt hại cho sức khỏe và cho đời sống tâm linh của mình.

Các Bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn sâu vào đền thờ tâm hồn để nhận ra những bụt thần cần được quét sạch và nhu cầu cần thánh hóa để trở nên đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Trong Bài đọc I, Judah và các anh em con ông Mattathias kêu gọi dân chúng tiến lên thanh tẩy Đền Thờ khỏi mọi ô uế của Dân Ngoại đã làm cho nhơ nhớp, để xứng đáng làm nơi ngự trị cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vào Đền Thờ xua đuổi những kẻ đã biến Nhà Cầu Nguyện của Cha Ngài thành hang trộm cướp.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh.

 

1.1/ Phải nhận ra sự ô uế và các hậu quả của nó: Trong Bài Đọc I hôm qua, cha của Judah và các anh em ông là Mattathias đã tức giận vì các quan chức đã dâng lễ tế thần và cúng thịt heo trên bàn thờ dùng để dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Ông đã không cầm được lòng nhiệt thành khi thấy một người Do-thái tiến lên dâng hương cho các thần, nên đã giết anh ta cùng viên quan chức, sau đó đã đưa gia đình và các người nhiệt thành vào sống trong sa mạc để chuẩn bị kháng chiến.

Sau một thời gian, lực lượng của ông đủ mạnh, và với sự phù trợ của Thiên Chúa, ông và các con đã chiến thắng quân đội của vua Antiochus. Ông đã qua đời và trao lực lượng quân đội vào tay Judah và các anh em của ông. Khi đã giải phóng Jerusalem, điều đầu tiên Judah và các anh muốn làm là tổ chức thanh tẩy Đền Thờ, nơi đã bị các Dân Ngoại làm cho ra ô uế: “Này, kẻ thù của chúng ta đã bị đập tan, chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh.” Tất cả đoàn quân tập hợp lại và lên núi Sion. Họ cử hành lễ cung hiến bàn thờ trong tám ngày liên tục, hoan hỷ dâng lễ toàn thiêu, hy lễ hiệp thông và tạ ơn. Họ lấy các triều thiên bằng vàng và những tấm biển mà trang trí mặt tiền Đền Thờ, đồng thời cũng sửa sang các lối ra vào, các phòng ốc và làm lại các cửa phòng.

 

1.2/ Phải thường xuyên thanh tẩy và thánh hóa Đền Thờ: Dân chúng vui mừng không kể xiết và quên hẳn nỗi nhục nhằn dân ngoại đã gây ra. Ông Judah cùng với anh em và toàn thể đại hội Israel quyết định là hằng năm, trong thời gian tám ngày từ hai mươi lăm tháng Chislev, phải cử hành lễ cung hiến bàn thờ thật tưng bừng rộn rã. Đây là nguồn gốc của ngày lễ Hannukah, mà người Do-thái vẫn cử hành vào tháng 12 mỗi năm.

Điều này phải làm cho các đền thờ dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng còn cần hơn nữa cho việc thanh tẩy đền thờ trong tâm hồn mỗi người. Lý do Thiên Chúa là Đấng rất thánh thiện: nơi nào Ngài hiện diện là không có sự hiện diện của ma quỉ và sự phá hoại của chúng; ngược lại, nơi nào không có sự hiện diện của Thiên Chúa, ma quỉ sẽ tác oai tác quái, và bắt con người làm nô lệ cho chúng.

2/ Phúc Âm: Thanh tẩy Đền Thờ

 

2.1/ Đừng biến Đền Thờ thành sào huyệt của bọn cướp: Đền Thờ là Nhà Cầu Nguyện. Các thượng tế và tư tế là những người chịu trách nhiệm gìn giữ vẻ thánh thiêng cho Đền Thờ, nhưng họ đã để lợi lộc vật chất lên trên việc thờ phượng Chúa. Họ lợi dụng Đền Thờ để làm giầu, lợi dụng lòng tin để cướp của dân chúng. Có 2 cách họ có thể lợi dụng để kiếm lời:

(1) Đổi tiền: Jerusalem là nơi giao lưu của nhiều quốc gia: Do Thái, Hy-Lạp, Rôma, Syria. Họ lập những quầy đổi tiền và tính phân lời trên số tiền muốn đổi. Những quầy đổi tiền như thế vẫn còn gặp thấy nhiều trong Thành Jerusalem ngày nay.

(2) Bán những vật hy sinh: Bất cứ người Do-Thái nào vào Đền Thờ cũng phải dâng lễ vật hy sinh để đền tội. Họ có thể mua những con vật bên ngòai với giá rẻ hơn nhiều; nhưng họ phải qua sự kiểm sóat của các tư tế, để những người này xác nhận nếu vật hy sinh hội đủ điều kiện như Luật qui định. Để chắc chắn có vật hy sinh hội đủ điều kiện, đa số dân chúng phải bấm bụng mua những con vật này bên trong Thành (của các tư tế hay người nhà của họ) với giá cắt cổ.

Lý do chính Chúa Giêsu tức giận vì họ đã lợi dụng tôn giáo để bắt chẹt dân nghèo, nên Ngài vào Đền Thờ, bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là Nhà Cầu Nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”

 

2.2/ Sự cay đắng của Lời Chúa: Chúa Giêsu rất can đảm khi làm công việc này vì nó động đến quyền lợi của các nhà lãnh đạo. Vì không muốn mất uy quyền, danh vọng, và lợi lộc vật chất; các thượng-tế, kinh-sư, và các nhà lãnh đạo đã quay lưng với sự thật, và họ tìm cách giết Người.

– Đền Thờ được nói tới đây không chỉ thuần túy là Đền Thờ tại Jerusalem, nhưng được mở rộng tới tất cả Đền Thờ tại các nơi trên thế giới, tới cả Đền Thờ của gia đình và của mỗi cá nhân, vì như lời Thánh Phaolô, “thân xác anh em là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.”

– Thanh tẩy Đền Thờ có nghĩa trả lại vị thế ưu việt cho Thiên Chúa trong Đền Thờ: đừng để bất cứ một người nào hay một điều gì lên trên Ngài, vì con người phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thanh tẩy Đền Thờ cũng có nghĩa là sống công bằng bác ái với tha nhân, đừng lợi dụng bất cứ lý do gì để bóc lột và làm giầu trên mồ hôi nước mắt của tha nhân.

– Cách thanh tẩy Đền Thờ hữu hiệu nhất là hãy trực diện với Lời Chúa, hay như các thượng-tế và kinh-sư trước những Lời của Chúa Giêsu thách thức họ trong Phúc Âm. Mặc dầu cay đắng vì “sự thật luôn mất lòng;” nhưng đồng thời chỉ có “sự thật mới giải thóat.” Như trình thuật hôm nay kể: “Vẫn còn những người nhìn ra sự thật. Tòan dân say mê nghe Người.”

– Từ chối không chịu để cho Lời Chúa thanh tẩy, hay tệ hại hơn như các thượng-tế và kinh-sư hôm nay muốn bóp nghẹt hay tìm cách tiêu diệt sự thật là khai tử chính mình; là muốn sống theo sự giả trá và ở trong bóng tối của thế gian. Một đền thờ như thế, như lời Chúa nói từ đầu, không còn là Đền Thờ của Thiên Chúa, nhưng là một sào huyệt của bọn cướp.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

– Chúng ta cần phải thường xuyên thanh tẩy tâm hồn để luôn xứng đáng là Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự. Chúng ta cần xét lại những động lực thúc đẩy chúng ta làm việc thờ phượng: Có phải vì lòng kính mến Chúa hay vì danh dự, uy quyền, và các mối lợi vật chất?

– Lời Chúa là khí cụ tốt nhất cho việc thanh tẩy tâm hồn. Đọc và suy gẫm Lời Chúa đêm ngày sẽ soi sáng trí lòng chúng ta để nhận ra những bụt thần và tội lỗi trong tâm hồn trước khi có thể thanh tẩy chúng.

– Chúng ta phải chấp nhận sự cay đắng của Lời Chúa mới có thể thanh tẩy tâm hồn được. Quay lưng lại Lời Chúa hay tìm cách bóp nghẹt Sự Thật là làm cho Đền Thờ trở thành nơi ở của Satan và tội lỗi.

Skip to content