Thứ Tư – Tuần 13 – TN2

 

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Tư – Tuần 13 – TN2

Bài đọc: Amo 5:14-15, 21-24; Mt 8:28-34.

1/ Bài đọc I: 14 Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ,
rồi các ngươi sẽ được sống,
và như vậy ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh
sẽ ở cùng các ngươi, như lời các ngươi nói.

15 Hãy ghét điều dữ và chuộng điều lành,
nơi cửa công, hãy thiết lập công lý;
biết đâu, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh,
sẽ dủ lòng thương số còn sót của Giu-se.

21 Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.

22 Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu. ..
những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.

23 Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi
Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.

24 Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,
cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.

2/ Phúc Âm: 28 Khi Đức Giê-su sang bờ bên kia, và đến miền Ga-đa-ra, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy.

29 Chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?”

30 Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn.

31 Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia.”

32 Người bảo: “Đi đi!” Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết.

33 Các người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám.

34 Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ.

Để làm điều lành và tránh điều dữ đòi con người phải biết rõ đâu là điều lành và đâu là điều dữ; nếu không, có người đang làm điều dữ mà cứ nghĩ đó là điều lành. Thứ đến, để thúc đẩy làm điều lành, con người cần biết rõ những lợi ích sẽ gặt hái được, và những tai hại phải lãnh nhận khi làm điều gian ác. Để biết những điều này, con người phải học hỏi; nhưng nhiều người nại lý do quá bận không học hỏi. Hậu quả là họ phải lãnh nhận bao thiệt hại vì không biết.

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta một số ví dụ để nhận ra đâu là điều lành và đâu là những sự gian ác. Trong bài đọc I, ngôn sứ Amos tuyên bố cho con cái Israel biết: Nếu họ muốn được Thiên Chúa đoái thương bảo vệ, họ phải sống công bằng và bác ái với tha nhân; nếu không, bao nhiêu lễ vật họ dâng tiến và các lễ nghi trong Đền Thờ họ làm, chỉ là những điều trái mắt và không làm đẹp lòng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, những người miền Gadarenes tuy nhận ra uy quyền trừ quỷ của Chúa Giêsu; nhưng lại không muốn Ngài ở với họ, vì họ sợ phải chịu thiệt hại nặng nề. Họ không nhìn ra những lợi ích khi Chúa Giêsu ở giữa họ. Họ coi trọng đàn heo hơn là sự lành mạnh linh hồn của hai người anh em họ, và họ không hiểu những tai hại khi sống với ma quỉ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy ghét điều dữ và chuộng điều lành.

1.1/ Sống công chính và làm điều lành là hai điều kiện để được Thiên Chúa bảo vệ.

Điều không đúng mà nhiều người lầm tưởng: Cứ là tín hữu, Thiên Chúa sẽ chúc lành và bảo vệ, mà không cần phải tuân giữ những gì Ngài truyền dạy. Con cái Israel nghĩ Thiên Chúa sẽ chúc lành và bảo vệ họ, vì họ là con cái của tổ phụ Giuse, người được Thiên Chúa bảo vệ và chúc lành. Họ quên đi họ phải ăn ở tốt lành như cha ông họ mới được Thiên Chúa đoái thương tới.

Giuse là cha của Ephraim và Manasseh. Hai chi tộc này chiếm phần lớn các đất đai và dân cư của vương quốc Israel; vì thế, không chỉ những người của hai chi tộc này tự nhận họ là “con cháu của Giuse,” hay thuộc “nhà Giuse,” mà ngay cả những người thuộc chi tộc khác trong vương quốc cũng nghĩ như thế.

“Nơi cửa công, hãy thiết lập công lý” ám chỉ nhiều bất công đã xảy ra trong các vụ xử kiện của người Do-thái, vua chúa và các quan án của Israel đã bị mua chuộc để xử bất công với những người nghèo. Một ví dụ dẫn chứng điều này là vụ xử kiện được bày mưu bởi bà hoàng hậu Jezebel để tố gian và ném đá chết ông Naboth, để tước đoạt vườn nho của ông này.

1.2/ Đạo không chỉ là những lễ nghi và lễ vật hy sinh bên ngoài.

Nhiều tín hữu và người Do-thái vẫn tin họ có thể làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng việc đi lễ và dâng lễ vật hy sinh, mà không cần phải sửa đổi cuộc sống. Họ nghĩ một khi Thiên Chúa thấy họ tham dự lễ nghi sốt sắng và bố thí chút tiền cho người nghèo, Ngài sẽ bỏ qua mọi tội lỗi cho họ. Đây là một lỗi lầm tai hại mà Thiên Chúa vạch ra hôm nay qua lời của ngôn sứ Amos: “Lễ lạc của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú… những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.”

Để có thể thực hiện lẽ phải, con người trước tiên cần phải biết học hỏi để biết lẽ phải. Lẽ phải ở đây là sự thật được mặc khải từ Thiên Chúa trong Sách Thánh; chứ không phải những tư tưởng hay cách sống của thời đại. Thứ đến, Thiên Chúa đòi con người không chỉ biết lẽ phải, mà còn phải thực hiện lẽ phải; nghĩa là, phải thực thi tất cả những gì Ngài dạy.

2/ Phúc Âm: Cả thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

2.1/ Chúa Giêsu đương đầu với quyền lực ma quỉ: Trình thuật Matthew kể: “Khi Đức Giêsu sang bờ bên kia của Biển Hồ đến miền Gadaranes, có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Gặp Chúa Giêsu, chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?” Chúng ta cần chú ý hai điểm quan trọng sau:

(1) Thiên Chúa và ma quỉ không thể ở chung: chỗ nào có sự hiện diện của Thiên Chúa, là không có sự hiện diện của ma quỉ và ngược lại. Ma quỉ biết Thiên Chúa sẽ tiêu diệt chúng vĩnh viễn trong Ngày Phán Xét. Thời gian trước ngày đó, chúng được quyền cám dỗ con người. Đó là lý do chúng nhắc khéo Chúa Giêsu là “chưa tới lúc” để Ngài tiêu diệt chúng.

(2) Kế hoạch của ma quỉ: Nhiều người thắc mắc tại sao ma quỉ xin nhập vào đàn heo và tại sao chúng lại lao xuống biển? Câu trả lời là chúng ta biết ma quỉ rất khôn ngoan, chúng đã có sẵn kế hoạch để dân làng “mời” Chúa Giêsu đi khỏi!

2.2/ Sợ hãi mất lợi tức làm dân thành quyết định thiếu khôn ngoan:

Trình thuật của Matthew không cho biết số lượng của bầy heo lao xuống biển; trình thuật của Marcô cho biết số lượng khoảng 2,000 con. Nhiều tác giả thắc mắc lý do tại sao Chúa Giêsu cho quỉ nhập vào đàn heo để gây thiệt hại cho dân làng như vậy. Chúng ta cần công bằng khi phán xét: Chúa Giêsu không phải là lý do chính gây ra việc đàn heo lao xuống biển; ma quỉ là nguyên nhân chính và chúng có uy quyền để gây ra thiệt hại cho đàn heo. Hơn nữa, mục đích của chúng khi gây thiệt hại là để dân làng mời Chúa Giêsu đi khỏi, để chúng có dịp tác hại dân làng.

Đây chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ dẫn chứng con người hành xử thiếu khôn ngoan và không theo thứ tự ưu tiên của cuộc đời.

(1) Mời Đức Kitô ra khỏi thành của họ: Mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người phải là mối liên hệ được ưu tiên hàng đầu; thế mà vì lợi nhuận vật chất, dân làng mời Chúa Giêsu ra khỏi làng của họ, để họ tiếp tục sống dưới ảnh hưởng của quỉ thần. Chúng biết con người chỉ ham thích những lợi lộc thấp hèn và sẽ dễ dàng sa vào bẫy của chúng. Một khi chúng đẩy được Thiên Chúa ra khỏi con người, họ sẽ thuộc về chúng và làm theo những gì chúng muốn.

(2) Coi linh hồn và sự an sinh của con người thua kém một bầy heo: Mối liên hệ giữa con người với con người phải được đặt trên những lợi lộc vật chất; thế mà dân làng không vui mừng vì hai con người được chữa lành khỏi quỉ từ nay không gây thiệt hại cho dân làng nữa, nhưng buồn giận vì đàn heo bị thiệt hại!

Hai điều này cho thấy dân làng đã hành xử thiếu khôn ngoan vì họ sợ bị thiệt hại vật chất nếu Chúa Giêsu hiện diện. Họ không nhận ra những ơn lành sẽ đến với họ qua việc Chúa Giêsu trục xuất quỉ thần.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân thành thật đòi chúng ta phải thể hiện trong cuộc sống, chứ không phải chỉ đơn thuần biểu lộ qua những lễ nghi bên ngoài.

– Chúng ta phải quí trọng linh hồn của tha nhân hơn là những lợi lộc vật chất, vì mọi của cải thế gian sẽ qua đi trong khi chỉ có linh hồn tồn tại mãi mãi.  

Skip to content