Thứ Tư, Tuần 14 TN

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Thu Tu Tuan 14 TN.mp3{/audio}

 

Thứ Tư, Tuần 14 TN, Năm lẻ 

Bài đọc: Gen 41:55-57, 42:5-7, 17-24; Mt 10:1-7. 

1/ Bài đọc I: 

55 Rồi toàn xứ Ai-cập bị đói và dân chúng kêu lên Pharao xin bánh ăn. Pharao nói với mọi người Ai-cập: “Cứ đến với ông Giuse; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo.”56 Khắp nơi trong xứ bị đói kém. Ông Giuse mở hết các kho lúa mì và bán cho người Ai-cập. Nạn đói hoành hành trong đất Ai-cập.57 Từ mọi xứ, người ta đến Ai-cập để mua lúa mì của ông Giuse, vì nạn đói hoành hành trên khắp mặt đất.”5 Giữa đám người đến mua lúa, cũng có mặt các con ông Israel, vì đất Canaan bị đói kém.6 Ông Giuse bấy giờ có toàn quyền trong xứ, và ông bán lúa cho toàn dân trong xứ. Các anh ông Giuse đến và cúi sấp mặt xuống đất lạy ông.7 Vừa nhìn thấy các anh mình, ông Giuse nhận ra họ, nhưng làm như người xa lạ đối với họ, và nói với họ cách cứng cỏi. Ông hỏi họ: “Các người từ đâu đến?” Họ đáp: “Thưa từ đất Canaan, để mua lương thực.”17 Rồi ông giam giữ họ ba ngày.

18 Đến ngày thứ ba, ông Giuse bảo họ: “Các người muốn sống thì hãy làm thế này, vì ta kính sợ Thiên Chúa. Nếu các người là những kẻ lương thiện, thì một anh em cứ phải chịu giam trong nhà tù này, còn các người khác thì hãy ra đi, đem lúa về cho gia đình khỏi đói. Rồi các người hãy đem đứa em út đến cho ta. Bấy giờ sẽ rõ là các người nói đúng, và các người sẽ không phải chết.” Họ đã làm như vậy.

21 Họ bảo nhau: “Than ôi! Chúng ta có lỗi với em chúng ta: chúng ta đã thấy nó phải ngặt nghèo. Nó đã năn nỉ chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nghe. Chính vì thế mà chúng ta gặp cảnh ngặt nghèo này.”

22 Ông Reuben trả lời họ rằng: “Tôi đã chẳng bảo các chú thế này sao: “Đừng phạm tội hại đến thằng bé!” nhưng các chú đã không chịu nghe. Bây giờ thì phải đền nợ máu nó!”

23 Họ không biết rằng ông Giuse hiểu được, vì giữa ông và họ có người phiên dịch.

24 Bấy giờ ông lánh ra chỗ khác mà khóc, sau đó mới trở lại nói chuyện với họ. Trong số họ, ông bắt ông Simeon và cho trói trước mặt họ.

 

2/ Phúc Âm:

                         

1 Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông;

3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô;

4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người.

5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:

6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.

7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.

 


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa.

             

            Biến cố 30 tháng tư năm 1975 đã thay đổi cuộc đời của rất nhiều cá nhân, gia đình, cộng đoàn, quốc gia Việt-nam cũng như các quốc gia đón nhận người tị nạn. Khi biến cố này xảy ra, đa số cho là một biến cố tủi nhục, kinh hoàng, và gây ra biết bao đau khổ cho con dân Việt-nam; nhưng gần 40 năm sau nhìn lại, chúng ta nhận ra nhiều điều tốt đẹp đến từ biến cố này: (1) Mỗi năm, việt kiều trên khắp năm châu gởi về Việt-nam cả hàng tỷ bạc để giúp người thân bên quê nhà có phương tiện sinh sống. (2) Rất nhiều Việt-kiều có cơ hội tiếp xúc với và đón nhận tinh hoa của các nền văn minh của thế giới; mà nếu không có biến cố 1975, họ chỉ quanh quẩn bên lũy tre xanh và con trâu của làng quê. (3) Nhiều linh mục và tu sĩ Việt-nam đang truyền giáo và làm việc tông đồ cho các dân tộc đã từng truyền giáo và làm việc tông đồ bên Việt-nam; để đáp ứng sự khan hiếm linh mục và tu sĩ đang xảy ra trong Giáo Hội… Nhìn lại lịch sử của biến cố 30 tháng tư, chúng ta phải chấp nhận bàn tay của Thiên Chúa làm việc qua biến cố này.

            Các Bài Đọc hôm nay cho chúng ta nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa qua các biến cố lịch sử. Trong Bài Đọc I, vì ghen tị, các anh em ông Giuse đã bán ông cho các lái buôn người Ai-cập, và nói dối cha em mình bị thú dữ ăn thịt. Cha ông và các anh em tưởng sẽ không bao giờ còn gặp lại Giuse nữa; nhưng Chúa quan phòng đã định liệu cách khác. Các anh em ông bị đói và phải lặn lội qua Ai-cập để mua thức ăn, và họ đã gặp lại Giuse. Trong Phúc Âm, có ai ngờ một nhóm môn đệ Chúa Giêsu thiết lập: quê mùa, thất học, yếu đuối, sợ hãi… lại có thể đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và làm nền tảng cho một tôn giáo gần một nửa dân số địa cầu?

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Cứ đến với ông Giuse; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo.

 

            1.1/ Thiên Chúa chuẩn bị cho cuộc đời ông Giuse: Để hiểu trình thuật hôm nay, chúng ta phải trở về với biến cố các anh em bán Giuse cho các lái buôn Ai-cập tại Dothan. Giuse là một trong 12 người con của tổ-phụ Jacob, và là anh em cùng mẹ với em út là Benjamin. Vì Jacob có Giuse trong lúc tuổi già, nên ông thương Giuse hơn mọi anh em khác. Giuse được Thiên Chúa ban cho có biệt tài giải thích các điềm chiêm bao. Vì những điều này mà anh em ghét và tìm cách triệt hạ ông. Và cơ hội tới khi Jacob sai Giuse mang thức ăn ra đồng cho các anh em. Thoạt đầu họ muốn thủ tiêu Giuse; nhưng nhờ sự can thiệp của anh cả Reuben, họ đồng ý ném Giuse xuống một cái giếng khô và để đó cho chết đói. Họ lại đổi ý khi đang ngồi ăn, vì anh Judah đề nghị bán em mình cho các lái buôn; và họ đồng ý bán em với giá 20 đồng bạc. Những người này đưa Giuse về Ai-cập. Cuộc đời Giuse ba chìm bảy nổi kể từ đó, nhưng nhờ có biệt tài giải thích điềm chiêm bao, Giuse đã được triệu tập vào cung điện để giải thích điềm chiêm bao cho vua Pharao, và được thăng chức Tể Tướng trong triều đình chỉ thua vua Pharao (x/c Gen 37-50).

 

            1.2/ Cuộc gặp gỡ giữa Giuse và các anh em ông: Thiên Chúa làm cho xảy ra một nạn đói lớn trên toàn xứ sở. Khắp nơi trong xứ bị đói kém. Toàn xứ Ai-cập bị đói và dân chúng kêu lên Pharao xin bánh ăn. Pharao nói với mọi người Ai-cập: “Cứ đến với ông Giuse; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo.” Nạn đói không những chỉ hoành hành trong Ai-cập mà lan tràn ra khắp nơi. Từ mọi xứ, người ta đến Ai-cập để mua lúa mì của ông Giuse. Giữa đám người đến mua lúa, cũng có mặt các con ông Israel, vì đất Canaan bị đói kém.

            (1) Phản ứng của Giuse: Ông Giuse bấy giờ có toàn quyền trong xứ, và ông bán lúa cho toàn dân trong xứ. Các anh ông Giuse đến và cúi sấp mặt xuống đất lạy ông. Vừa nhìn thấy các anh mình, ông Giuse nhận ra họ, nhưng làm như người xa lạ đối với họ, và nói với họ cách cứng cỏi. Ông hỏi họ: “Các người từ đâu đến?” Họ đáp: “Thưa từ đất Canaan, để mua lương thực.” Ông giam giữ họ ba ngày. Đến ngày thứ ba, ông Giuse bảo họ: “Các người muốn sống thì hãy làm thế này, vì ta kính sợ Thiên Chúa. Nếu các người là những kẻ lương thiện, thì một anh em cứ phải chịu giam trong nhà tù này, còn các người khác thì hãy ra đi, đem lúa về cho gia đình khỏi đói. Rồi các người hãy đem đứa em út đến cho ta. Bấy giờ sẽ rõ là các người nói đúng, và các người sẽ không phải chết.” Họ đã làm như vậy.

            (2) Phản ứng của các anh em ông: Họ không nhận ra Giuse trong y phục của triều đình; nhưng họ ăn năn hối hận vì đã gây thiệt hại cho ông. Họ bảo nhau: “Than ôi! Chúng ta có lỗi với em chúng ta: chúng ta đã thấy nó phải ngặt nghèo. Nó đã năn nỉ chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nghe. Chính vì thế mà chúng ta gặp cảnh ngặt nghèo này.”

            Họ biết đã vay, phải đền trả. Người anh cả Reuben nhắc nhở các anh em truyện quá khứ: “Tôi đã chẳng bảo các chú thế này sao: “Đừng phạm tội hại đến thằng bé!” nhưng các chú đã không chịu nghe. Bây giờ thì phải đền nợ máu nó!”

            Họ không biết rằng ông Giuse hiểu được ngôn ngữ họ đang nói. Bấy giờ ông lánh ra chỗ khác mà khóc, sau đó mới trở lại nói chuyện với họ. Trong số họ, ông bắt ông Simeon và cho trói trước mặt họ. Còn các anh em khác, sau khi bán lúa mì, ông phóng thích cho họ về nhà. 

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu huấn luyện các Tông-đồ và sai đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng.

            2.1/ Chúa ban cho các Tông-đồ mọi quyền năng để phân phát cho dân chúng: Trong sự quan phòng rất khôn ngoan, Chúa Giêsu không làm việc một mình; nhưng Ngài chọn các Tông-đồ để huấn luyện, ban quyền năng, và ủy thác cho sứ vụ tiếp tục loan truyền Tin Mừng đến mọi người. Noi gương Chúa Giêsu, Giáo Hội trải qua bao thế hệ vẫn tiếp tục sứ vụ này: một mặt không ngừng rao giảng Tin Mừng đến mọi dân tộc, một mặt lo đào tạo hàng giáo sĩ, ban quyền năng, và sai đi, để họ có thể tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho thế hệ tương lai. Nhìn lại lịch sử của Giáo Hội, chúng ta không còn gì nghi ngờ về sự hiện diện luôn của Đức Kitô trong Giáo Hội.

            2.2/ Tập hợp của các môn đệ Chúa Giêsu: “Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Zebedee và ông Gioan, em của ông; ông Philíp và ông Bartholomeo; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Alphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Iscariot, là chính kẻ nộp Người.”

            – Nhìn vào danh sách các Tông-đồ, điều đầu tiên chúng ta nhận ra là những con người tầm thường, chẳng có gì nổi bật so với tiêu chuẩn của thế gian, đấy là chưa kể đến yếu đuối, tội lỗi. Điều này chứng minh: sức mạnh và uy quyền hoàn toàn của Thiên Chúa. Ngài giúp con người tầm thường làm những việc phi thường.

             – Con người thường hay chọn những người cùng một sở thích hay tính tình giống nhau. Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ có tính tình khác nhau, nhiều khi đến chỗ xung khắc: một Phêrô nhanh nhẩu nói năng phải ở với Gioan thâm trầm, ít nói; một Simon nhiệt thành chống lại uy quyền ngoại bang phải ở với Matthew, người thu thuế cho ngoại bang; một Thomas từ chối không tin tất cả lời chứng Chúa đã sống lại và hiện ra của tất cả Tông-đồ khác. Thế mà Thiên Chúa có thể làm cho các ông dẹp khác biệt cá nhân, để sống chung và cùng nhau thi hành sứ vụ Ngài trao.           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi biến cố xảy ra trong vũ trụ này, chứ không có một thần nào khác. Chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng nơi quyền năng của Ngài.

            – Chúng ta đừng vội trách Chúa, trách người, khi các biến cố xảy ra; nhưng hãy tìm đâu là ý Thiên Chúa, và cố gắng hết sức thi hành để sinh ích cho cá nhân, gia đình, và cộng đoàn.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content