Thứ Tư – Tuần 21 – TN2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Tư – Tuần 21 – TN2 – Năm Chẵn

 

Bài đọc: 2 Thes 3:6-10, 16-18; Mt 23:27-32.

1/ Bài đọc I: 6 Thưa anh em, nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi.

7 Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật.

8 Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em.

9 Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước.

10 Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!

16 Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện. Xin Chúa ở cùng tất cả anh em.

17 Chính tôi, Phao-lô, tự tay viết lời chào này. Đó là chữ ký trong tất cả các thư của tôi. Tôi viết như thế đó. Chúc tất cả anh em được đầy ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

2/ Phúc Âm: 27 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.

28 Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!

29 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính.

30 Các người nói: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.”

31 Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ.

32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi! 


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm việc với ý hướng tốt lành.

Cùng một việc làm, nhưng ý hướng tại sao làm rất khác nhau, và kết quả thu nhận được đều tùy thuộc vào ý hướng làm. Ví dụ việc đi lễ mỗi tuần: có người đi vì lòng kính mến Chúa, có người đi để giữ luật cho khỏi phạm tội, có người đi để làm vui lòng người khác, có người đi để khoe thân thể hay quần áo. Chỉ có người đi lễ vì lòng kính mến Chúa thực sự mới được Ngài ban mọi ơn thánh cần thiết cho cuộc sống.

Các bài đọc hôm nay đưa ra các mẫu người làm việc vì các ý hướng khác nhau. Trong bài đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu bắt chước ngài trong việc sống kỷ luật và làm việc để có của ăn; đừng bắt chước những người vô kỷ luật và lười biếng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phơi bày những ý định xấu xa, tội lỗi của các Biệt-phái và Kinh-sư. Ngài tố cáo họ là những người giả hình, vì “bên ngoài có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đời sống kỷ luật

1.1/ Sự cần thiết của đời sống kỷ luật: Thành công hay thất bại cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đều tùy thuộc vào đời sống kỷ luật, thái độ luôn biết làm chủ con người mình trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống. Người kỷ luật không bao giờ để cho người khác hay khó khăn chi phối họ; trái lại, họ tìm mọi cách để khắc phục các trở ngại gặp phải. Thánh Phaolô là mẫu người kỷ luật, nhưng ngài cũng biết ảnh hưởng của những người vô kỷ luật trên các tín hữu của ngài, nên ngài nhắc nhở họ: “Thưa anh em, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi. Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật.”

1.2/ Sự cần thiết của làm việc: Con người sống cần có của ăn, và để có của ăn con người phải làm việc. Những tư tế của Chúa, vì phải làm việc trong Đền Thờ nên không có giờ để làm việc kiếm của ăn như những người khác, Chúa ban cho họ được quyền hưởng của ăn do giáo dân cung cấp. Điều này công bằng vì họ cũng làm việc để lo lắng phần hồn cho giáo dân; chỉ bất công khi họ không chu tòan trách vụ của mình. Thánh Phaolô được quyền hưởng những gì dành cho các tư tế, nhưng ngài cố gắng hy sinh làm việc để nêu gương sáng cho giáo dân. Ngài nói: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước.”

Ngài ra chỉ thị cho họ: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” Điều này thật công bằng cho những người có khả năng làm việc. Nhưng nhiều người lười biếng lý luận “không làm mà cũng có ăn thì tốt hơn” hay “làm ít ăn nhiều thì mới là người khôn ngoan.” Chẳng những đã không làm, họ còn dùng thời giờ rảnh rỗi để phạm tội: nói xấu, xen vào việc của người khác, hưởng thụ những thú vui bất chính… Đúng như lời một thánh nhân đã cảnh cáo: “Ở không là mẹ của các tật xấu.”

1.3/ Phản ứng của những người siêng năng làm việc: Khi thấy những người khác không làm mà được hưởng, đôi khi còn được hưởng trọn mọi cố gắng của người khác, những người siêng năng làm việc sẽ khó chịu tức tối vì bất công. Một số phản ứng sau đây sẽ xảy ra:

(1) Phản ứng thông thường là sẽ tìm cách cho những người ấy một bài học hay phơi bày họ ra ánh sáng. Phản ứng này sẽ làm con người bất an nếu gặp chống cự và kết quả không theo ý mình muốn.

(2) Một phản ứng khác là sờn lòng nản chí rồi bỏ không tiếp tục làm điều đúng nữa. Phản ứng này không nên làm vì đã để người khác chi phối cuộc đời mình.

(3) Phản ứng của Thánh Phaolô: Hãy khuyên bảo họ; nếu cách đó không kết quả thì hãy tìm sự bình an nơi Chúa vì: “Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện.” Hơn nữa, chúng ta không lo việc bất công vì chính Ngài sẽ phán xét họ, vì không có gì giấu kín mà không bị tỏ lộ ra. Họ có thể đóng kịch qua mặt hết mọi người nhưng không bao giờ qua mặt được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn họ.

2/ Phúc Âm: Lối sống giả hình của các Kinh-sư và Biệt-phái.

Cũng giống như những người lười biếng không chịu làm việc, các Kinh-sư và Biệt-phái cũng bị Chúa tố cáo về lối sống giả hình của họ. Thay vì chu tòan bổn phận hướng dẫn dân chúng sống theo sự thật, theo lề luật Chúa dạy, họ làm dân chúng xa lánh Chúa vì lối sống đầy gương mù của họ: “Khốn cho các người, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!”

Họ che mắt dân chúng để khỏi nhìn thấy những tính tóan dơ bẩn bên trong bằng việc làm những công trình to lớn bên ngoài như xây cất mồ cho các tiên tri và tô mả cho những người công chính. Chúa Giêsu vạch trần những tính tóan của họ: “Các ngươi nói: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.” Như vậy, các ngươi tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!” Những mồ mả họ xây là những bằng chứng tố cáo việc đổ máu người vô tội của họ. Cha ông họ đã làm những việc này trong quá khứ, họ đang làm những việc ấy trong hiện tại, và họ sẽ còn làm trong tương lai khi họ đổ máu người vô tội quan trọng nhất là Chúa Giêsu.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Đời sống kỷ luật không thể thiếu nếu chúng ta muốn thành công trong tất cả các công việc tinh thần cũng như vật chất.

– Bao lâu còn khả năng làm việc, con người cần làm để nuôi sống bản thân và góp phần vào các công cuộc phát triển trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

– Chúng ta cần phải thành thật trong khi làm việc. Chúng ta chỉ có thể che mắt con người, nhưng không thể đánh lừa Thiên Chúa. 

Skip to content