Thứ Tư – Tuần 31 – TN1

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Thứ Tư – Tuần 31 – TN1 – Năm lẻ.

 

Bài đọc: Rom 13:8-10; Lk 14:25-33.

1/ Bài đọc I8 Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.

9 Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.

10 Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.

2/ Phúc Âm25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ:

26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.

27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?

29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:

30 “Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.

31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?

32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.

33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa là điều quan trọng hơn tất cả mọi sự.

Thoạt đọc hai Bài Đọc hôm nay, một người khó có thể tìm thấy sự dung hòa giữa tư tưởng của Phaolô và những đòi hỏi của Chúa Giêsu, vì trong khi Phaolô đặt sự quan trọng tuyệt đối cho tình yêu; Chúa Giêsu lại đòi người môn đệ phải ghét gia đình và ghét chính bản thân để làm môn đệ của Ngài.

Với chút ít suy tư, chúng ta thấy cả hai tư tưởng không có gì trái ngược nhau. Cả Chúa Giêsu và Phaolô đều đặt sự quan trọng tuyệt đối cho tình yêu Thiên Chúa; trong khi Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải đặt tình yêu Thiên Chúa lên trên tình yêu gia đình và yêu thương bản thân của mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.

1.1/ Tình yêu Thiên Chúa là điều quan trọng trên hết mọi sự: Sau khi đã tranh luận về vai trò quan trọng của đức tin trên Lề Luật trong việc làm cho con người trở nên công chính, Phaolô tiếp tục tranh luận về vai trò quan trọng của đức mến trên Lề Luật. Phaolô khuyên các tín hữu: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”

Thánh Thomas Aquinas đồng ý với quan điểm của Phaolô: Khi con người được thúc đẩy bởi tình yêu, con người không thể làm hại tha nhân trong bất cứ điều gì; nhưng luôn mong muốn cho tha nhân được điều tốt lành, và giúp đỡ tha nhân khi có dịp. Thomas Aquinas còn đẩy xa hơn khi so sánh sự quan trọng của tình yêu và Lề Luật: Tình yêu mang tính cách tích cực, vì nó không những điều khiển trí óc bên trong không cho con người làm hại tha nhân; trong khi Lề Luật mang tính tiêu cực, nó chỉ có thể giới hạn hai bàn tay con người mà thôi. Ví dụ, Lề Luật có thể ngăn cản con người không vi phạm điều răn thứ sáu; nhưng không thể làm con người đừng vi phạm điều răn thứ chín.

1.2/ Khi đã yêu thương là chu toàn Lề Luật: Phaolô kết luận: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.”

Chúa Giêsu cũng dạy vai trò quan trọng của tình yêu trên Lề Luật như Phaolô và Thomas Aquinas, khi Ngài sửa sai các kinh sư và biệt phái: Họ quá chú trọng đến việc thanh tẩy chân tay hay việc đóng thuế thập phân mà quên đi những điều quan trọng lớn lao như sự công chính và tình yêu. Ngài đòi hỏi họ phải nhìn sâu trong tâm hồn để thanh tẩy tất cả các điều nhơ nhớp phát xuất từ đó, như: ngoại tình, trộm cướp, giết người, tham lam, bỏ vạ, cáo gian, và biết bao tật xấu khác nữa.

Nói tóm, cả ba: Chúa Giêsu, Phaolô, và Thomas Aquinas đều nhận ra vai trò khẩn thiết của tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự; một khi con người đã có tình yêu Thiên Chúa, Lề Luật không còn chỗ đứng nữa. Tình yêu sẽ giúp con người vượt quá giới hạn của Lề Luật để tự do bay bổng, và đạt những kết quả kỳ diệu mà Lề Luật không thể nào đạt tới.

Điều chúng ta cần nhắc lại ở đây là cả ba đều dùng danh từ tình yêu (agapê) trong khuôn khổ chỉ có trong Kitô Giáo. Đây là một trong ba nhân đức đối thần: nó có nguồn gốc từ Thiên Chúa, được ban cho con người khi chịu bí-tích Rửa Tội; nhưng con người cần làm cho đức ái phát triển qua việc cầu nguyện, thường xuyên lãnh nhận các bí-tích, và thực hành đức ái trong cuộc sống thường ngày.

2/ Phúc Âm: Những đòi hỏi của tình yêu Thiên Chúa.

Theo trình thuật của Luca, Chúa Giêsu đang trên đường đi lên Jerusalem. Nhiều người hy vọng Ngài sẽ dùng sức mạnh chống lại đế quốc Rôma và khôi phục lại vương quốc của Thiên Chúa, lên đi theo để ủng hộ. Chúa Giêsu biết những gì họ suy nghĩ, đồng thời cũng biết những gì sắp xảy ra cho Ngài tại Jerusalem, nên Ngài quay lại và đưa ra 3 điều kiện cho họ:

2.1/ Điều kiện đi theo Chúa: Có thể nói 3 điều kiện này bao gồm tất cả những gì con người sở hữu:

(1) Phải từ bỏ người thân: “Ai đến với tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Động từ Hy-Lạp dùng ở đây là “mise,w” cónghĩa là ghét, khinh thường, không quan tâm, hay không để ý tới. Trình thuật của Matthêu dùng chữ cẩn thận hơn: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:37). Chắc chắn Chúa Giêsu không dạy chúng ta phải ghét người thân như ghét kẻ thù, mà còn dạy chúng ta phải yêu thương họ nữa. Thánh Luca rất chú trọng đến tình yêu vì ngài là một y sĩ, và “lương y như từ mẫu;” nhưng có lẽ Ngài hiểu ở đây giống như Matthêu: Người môn đệ không được đặt các người thân lên trên Thiên Chúa; và khi phải chọn giữa họ và Thiên Chúa, con người phải chọn Thiên Chúa.

(2) Phải từ bỏ mạng sống mình: Như Chúa Kitô đã sẵn hy sinh mạng sống cho con người, các môn đệ cũng đòi hỏi phải có sự hy sinh như thế. Khi một người yêu bản thân hơn yêu Thiên Chúa, họ sẽ từ chối việc hy sinh cho vinh quang Nước Chúa; nhưng sẽ tìm mọi cách để tìm vinh quang cho mình. Nhiều người cho đây có lẽ là thách đố to lớn nhất, vì nó đòi con người phải từ bỏ “chính con người mình;” nhưng chỉ khi nào một người đạt được điều này, họ mới dám hy sinh tất cả để theo Chúa. Thánh Phaolô cảm nhận được điều này khi ngài nói: “kể từ nay tối sống; nhưng không còn là tôi, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi.”

(3) Phải vác thập giá mình: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” Thập giá Chúa nói tới ở đây là tất cả trái ý, gian khổ, bất công … mà người môn đệ sẽ phải đương đầu với khi rao giảng Tin Mừng.

2.2/ Để dẫn chứng sự cần thiết của việc phải suy xét cẩn thận trước khi quyết định đi theo Chúa, ngài dùng hai ví dụ cụ thể:

(1) Việc xây tháp: Tiền là yếu tố quyết định cho các công trình xây dựng, và phải có đủ hay dư tiền trước khi bắt đầu xây. Nếu đang xây nửa chừng mà hết tiền, nhà thầu sẽ không tiếp tục làm việc nữa; và dự án bị bỏ dở nửa chừng, và mọi người nhìn vào sẽ chê cười.

(2) Việc giao chiến: Thăng bằng lực lượng là một trong những yếu tố quyết định cho việc giao chiến; vì thế, các nhà lãnh đạo thường gởi thám tử đi quan sát đối phương trước để lượng định tình hình, và so sánh với lực lượng mình có. Nếu thấy có cơ hội thắng thế thì mời giao chiến; nếu không sẽ phải gọi quân tiếp viện hoặc cầu hòa.

Cũng vậy, Chúa Giêsu đòi các người đi theo phải suy xét cẩn thận 3 điều kiện của Chúa, và lượng định sức mình xem có thể đáp ứng được không. Nếu một người không đáp ứng được đòi của 3 điều kiện trên, anh không thể làm môn đệ của Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Tình yêu Thiên Chúa là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời Kitô hữu. Chúng ta phải làm mọi cách để tình yêu này tăng trưởng tối đa trong tâm hồn.

– Chúng ta phải cẩn thận suy xét ba điều kiện Chúa đòi hỏi và tự vấn sức mình xem có theo được không. Một khi đã quyết định, chúng ta nhất quyết theo Ngài tới cùng.

Save

Save

Skip to content