Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Tư Tuần 4 TN
Bài đọc: Heb 12:4-7, 11-15; II Sam 24:2, 9-17; Mk 6:1-6.
1/ Bài đọc I (năm lẻ): 4 Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu. Thiên Chúa lấy tình cha mà giáo dục. 5 Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. 6 Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. 7 Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?
11 Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.
12 Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ.
13 Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.
14 Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa.
15 Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): 2 Vua bảo ông Giô-áp, tướng chỉ huy quân lực, đang ở với vua: “Hãy rảo khắp các chi tộc Ít-ra-en, từ Đan tới Bơ-e Se-va, và điều tra nhân khẩu để ta biết dân số.”
9 Ông Giô-áp nộp cho vua con số của cuộc điều tra dân số: Ít-ra-en có tám trăm ngàn chiến binh biết tuốt gươm, và Giu-đa có năm trăm ngàn. 10 Vua Đa-vít áy náy trong lòng sau khi đã kiểm tra dân số như vậy. Vua Đa-vít thưa cùng ĐỨC CHÚA: “Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn.”
11 Sáng hôm sau, khi vua Đa-vít dậy, đã có lời ĐỨC CHÚA phán với ngôn sứ Gát, thầy chiêm của vua Đa-vít, rằng: 12 “Hãy đi nói với Đa-vít: ĐỨC CHÚA phán thế này: “Ta đưa ra cho ngươi ba điều. Ngươi hãy chọn lấy một trong ba, và Ta sẽ thực hiện cho ngươi.”
13 Vậy ông Gát đến gặp vua Đa-vít, báo cho vua và nói: “Ngài muốn điều gì xảy ra: hoặc bảy năm đói trong toàn nước ngài, hoặc ba tháng chạy trốn trước mặt kẻ thù đuổi theo ngài, hoặc ba ngày ôn dịch? Bây giờ xin ngài suy nghĩ xem tôi phải trả lời thế nào cho Đấng đã sai tôi.”
14 Vua Đa-vít nói với ông Gát: “Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay ĐỨC CHÚA còn hơn, vì lòng thương của Người bao la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào tay người phàm!” 15 ĐỨC CHÚA giáng ôn dịch xuống Ít-ra-en từ sáng hôm đó cho đến lúc đã định, và từ Đan tới Bơ-e Se-va, có bảy mươi ngàn người trong dân đã chết.
16 Thiên sứ đưa tay về phía Giê-ru-sa-lem để tàn phá thành, nhưng ĐỨC CHÚA hối tiếc vì tai hoạ đó, và Người bảo thiên sứ có nhiệm vụ tiêu diệt dân: “Đủ rồi! Bây giờ rút tay lại.” Thiên sứ của ĐỨC CHÚA đang ở gần sân lúa của ông A-rau-na, người Giơ-vút. 17 Vua Đa-vít thưa với ĐỨC CHÚA, khi thấy thiên sứ có nhiệm vụ đánh phạt dân, ông nói: “Ngài coi, chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con!”
3/ Phúc Âm: 1 Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.
2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?
3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Joses, Judah và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. 4 Đức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”
5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.
———————————————-
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải có tình yêu với những người thân cận của mình.
Con người thường bị chi phối bởi ba tật xấu: tính ngoan cố, tính kiêu ngạo, và tính ghen tị.
Tính ngoan cố làm con người từ chối nhận ra sự thật và sự sửa dạy. Tính kiêu ngạo làm mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân bị thiệt hại. Tính ghen tị làm con người không còn sáng suốt để nhận ra những điều hay lẽ phải của người khác.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những mối tương quan của con người và nêu bật sự quan trọng của tình yêu. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái ví mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người như mối liên hệ giữa cha và con. Như người cha phải sửa phạt con cái, Thiên Chúa cũng phải sửa phạt con người. Mục đích của việc sửa phạt không phải vì ghét bỏ nhưng vì yêu thương; để giúp con người có đủ bản lãnh đương đầu với những thử thách của cuộc đời. Trong Bài đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa phải sửa phạt vua David vì tính kiêu ngạo của nhà vua, Vua đã cho kiểm kê dân số để xem tài năng của mình đã làm cho đất nước được hùng mạnh thế nào; vua quên đi người làm cho vương quốc được hùng mạnh chính là Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Thánh Marcô tường thuật thái độ khinh thường và ghen tị của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Họ đã không vượt qua được những thành kiến về nghề nghiệp và gia đình, để tin vào sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu báo trước cho các ngôn sứ 3 nơi mà họ bị khinh thường: gia đình, họ hàng, và quê hương.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Dạy dỗ và sửa phạt vì lo lắng cho tương lai của con.
1.1/ Hai kiểu mẫu giáo dục: Người tị nạn Việt-Nam chắc chắn đã nhiều lần bị giằng co giữa 2 kiểu mẫu giáo dục con:
(1) Kiểu giáo dục Âu-Mỹ: Không được dùng bạo lực với con nít như: mắng chửi, đe dọa, và đánh đòn. Phải dùng những cách để trẻ con nhận ra lỗi lầm của nó như đứng ra một nơi riêng và tạm thời không cho tham gia vào những sinh họat chung. Phải chăng những cách thức này hiệu quả cho tất cả mọi trẻ?
(2) Kiểu giáo dục Kinh Thánh và Việt-Nam: Tác-giả Thư Do-Thái khuyên: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” Động từ Hy-Lạp dùng ở đọan này là “mastigo,w = đánh đòn; kỷ luật; trừng phạt.” Một người có thể cho cả 3 nghĩa đều thích hợp ở đây. Nhưng trong các Sách Khôn Ngoan và Sách Tiên Tri, các hình phạt của Thiên Chúa dành cho những người không tuân theo lệnh của Ngài, không phải chỉ đơn thuần là các cách thức giúp con người nhận ra lầm lỗi; nhiều lần các tác giả đã nói đến cây roi (Pro 10:13, 13:24, Isa 9:4), đổ máu, và ngay cả cái chết. Truyền thống Việt-Nam cũng theo truyền thống Kinh-Thánh khi nói: “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi.”
Người cha vô trách nhiệm là người cha không huấn luyện và sửa dạy con mình, và để mặc cho chúng muốn làm gì thì làm. Một đứa trẻ vô kỷ luật sẽ không thể thành công trên đường đời. Tương tự, cái đau khổ nhất của con người là khi Thiên Chúa để mặc họ muốn làm gì thì làm. Một khi Thiên Chúa để mặc, ma quỉ sẽ vào và thao túng người đó; họ sẽ trở thành nô lệ cho ma quỉ.
1.2/ Tâm lý của người bị sửa dạy: Đa số con người đều không muốn cho ai nói động đến, sửa dạy, và sửa phạt mình. Tác giả Thư Do-thái cũng nói lên điều này: “Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.” Mục đích của việc sửa dạy là nhắm tới lợi ích tương lai của đương sự. Chẳng hạn, khẩu hiệu huấn luyện các binh lính: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.” Tương tự trong việc huấn luyện đức tin: “Bởi vậy, hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ. Hãy sửa đường cho thẳng mà đi, để người què khỏi trật bước và hơn nữa, còn được chữa lành.” Để con người có thể vượt qua mọi đau khổ của cuộc đời, đức tin con người cần được thử luyện như vàng thử lửa.
Hơn nữa, việc sửa dạy không phải chỉ nhắm tới cá nhân đương sự mà thôi, nhưng còn nhắm tới lợi ích của cộng đoàn, và những người đương sự sẽ có trách nhiệm nữa: “Anh em phải cố ăn ở hoà thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa. Anh em phải coi chừng, kẻo có ai lừng khừng mà mất ân sủng của Thiên Chúa, kẻo có ai trở nên rễ đắng nảy mầm, gây xáo trộn và do đó làm hư hỏng nhiều người.”
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Lạy Đức Chúa, con đã hành động rất ngu xuẩn!
2.1/ Vua David hối hận vì đã cho kiểm tra dân số: Việc kiểm tra dân số tự nó không có gì là xấu; nhưng ý hướng của David là nguyên do làm cho việc kiểm tra thành xấu trước nhan Thiên Chúa. Vua David nghĩ ông là nguyên do của sự phát triển phồn thịnh của Israel. Chính vua David đã cảm thấy áy náy trong lòng sau khi đã kiểm tra dân số như vậy. Vua David thưa cùng Đức Chúa: “Con đã phạm tội nặng khi làm như thế. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin bỏ qua lỗi lầm của tôi tớ Ngài, vì con đã hành động rất ngu xuẩn.”
Đã phạm tội, cần phải được sửa phạt. Thiên Chúa cho David chọn hình phạt: “hoặc bảy năm đói trong toàn nước ngài, hoặc ba tháng chạy trốn trước mặt kẻ thù đuổi theo ngài, hoặc ba ngày ôn dịch.” Vua David không biết chọn điều nào, nên nói với ông Gath, người của Thiên Chúa: “Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay Đức Chúa còn hơn, vì lòng thương của Người bao la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào tay người phàm!”
2.2/ Vua David xin Đức Chúa phạt mình thay vì toàn dân: Đức Chúa giáng ôn dịch xuống Israel từ sáng hôm đó cho đến lúc đã định, và từ Dan tới Beer Sheba, có bảy mươi ngàn người trong dân đã chết. Khi thấy sự việc xảy ra, vua David thưa với Đức Chúa: “Chính con đã phạm tội, chính con có lỗi; nhưng đàn chiên đó đã làm gì? Xin tay Ngài cứ đè trên con và nhà cha con!”
Nhiều người sẽ đồng ý với David, vì tội ai làm người ấy chịu; chứ tại sao Thiên Chúa bắt người vô tội cũng phải chịu hình phạt. Điều con người dễ quên là cả tội và phúc đều mang tính cộng đoàn. Nếu mọi người đều phải chịu hình phạt do tội nguyên tổ, mọi người cùng được hưởng phúc do công nghiệp của Đức Kitô. Tội kiêu ngạo không chỉ gây thiệt hại cho đương sự, nhưng còn ảnh hưởng đến sự đoàn kết của gia đình, cộng đoàn, và xã hội. Thiên Chúa muốn cho vua David và mọi người chúng ta nhận thức rõ điều này; để biết nghĩ đến sự thiệt hại cho tha nhân khi chúng ta cố tình trong tính kiêu ngạo của mình.
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu bị khinh thị tại quê quán của Ngài.
3.1/ Họ nhận ra sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa Giêsu: Khi họ nghe những lời giảng dạy của Chúa trong hội đường, và chứng kiến các phép lạ Ngài làm, một cách khách quan họ đã phải thốt lên: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” Thay vì truy tầm căn nguyên của những điều lạ lùng này, họ để thành kiến ảnh hưởng đến sự phê phán và cách đối xử của họ với Chúa Giêsu. Lý do sâu xa hơn là vì kiêu ngạo, con người không muốn ai hơn mình; nhất là những người ở địa vị thấp kém hơn mình về tuổi tác, gia thế, và hoàn cảnh xã hội.
3.2/ Họ khinh thường Chúa Giêsu vì 2 lý do:
(1) Nghề nghiệp: của Chúa Giêsu là thợ mộc. Cũng như nghề nghiệp đánh cá của các tông-đồ, nghề thợ mộc được coi như nghề lao động tay chân và ít học thức. Giảng dạy khôn ngoan không thể đến từ những người làm những việc này. Nói theo kiểu Việt-nam, “con vua thì lại làm vua, con bác xã chùa lại quét lá đa.”
(2) Gia tộc tầm thường: “Ông ta không phải con bà Maria, và là anh em của các ông James, Joses, Judah và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Có lẽ Thánh Giuse đã qua đời lâu trước khi biến cố này xảy ra, nên không thấy họ nhắc tới Thánh Giuse, mà chỉ đề cập đến Đức Mẹ. Những tên được đề cập tới có lẽ là các anh chị em họ của Chúa. Họ có ý muốn nói: một người sinh ra từ một gia tộc tầm thường như thế, không thể nào làm được những công việc như Chúa Giêsu đã làm.
3.3/ Ba nơi ngôn sứ bị coi thường: Lẽ ra, “một người làm quan cả họ được nhờ;” nhưng khi cả họ không được nhờ, không phải vì cá nhân người làm quan, nhưng vì sự khinh thường của những người trong họ hàng. Chúa Giêsu trở về quê quán là để giảng dạy và giúp đỡ những người thân thuộc lối xóm; nhưng đứng trước thái độ khinh thường của họ, “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.” Chúa Giêsu để lại cho các ngôn sứ một bài học thực tế, họ sẽ bị khinh thường tại 3 nơi: (1) chính quê hương mình; (2) giữa đám bà con thân thuộc; và (3) trong gia đình mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Để có thể thành công trong cuộc đời, chúng ta cần phải được sửa dạy và chịu hình phạt. Tương tự, để đức tin của chúng ta có thể vượt qua những thử thách trong cuộc đời, Thiên Chúa cần sửa phạt những khi chúng ta lầm lỗi.
– Kiêu ngạo là tội được liệt kê đầu tiên trong “Bảy Mối Tội Đầu.” Chúng ta phải khiêm nhường nhận ra và tận diệt mọi mầm mống kiêu ngạo nếu có trong bản thân. Kiêu ngạo không chỉ hành hạ cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến gia đình, cộng đoàn, và xã hội.
– Ghen tị làm chúng ta mù quáng và đối xử bất công với người khác. Để bảo toàn sự công bằng, chúng ta cần loại bỏ ghen tị và vui mừng với những gì người khác đã làm hay đạt được. Chúng ta cần có thái độ này nhất là với những người trong gia đình và cộng đoàn.