Chủ Nhật 10 – Năm B – Thường Niên

Chủ Nhật 10 – Năm B – Thường Niên

Temptation1

 

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Bài đọc: Gen 3:915; II Cor 4:135:1; Mk 3:2035.

1/ Bài đọc I:9 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”

10 Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.”

11 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”

12 Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.”

13 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.”

14 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. 15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”

2/ Bài đọc II:13 Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. 14 Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giê-su trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giê-su, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. 15 Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người. 16 Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. 17 Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời.

18 Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn. 1 Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.

3/ Phúc Âm:20 Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. 22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 24 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

28 “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.” 31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. 32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” 33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:c chước cám dỗ của ba thù

            Cuộc đời là một bãi chiến trường với 3 kẻ thù vô cùng nguy hiểm: ma quỉ, thế gian và xác thịt. Các tín hữu cần tỉnh thức đề phòng, luyệntập nhân đức, cầu nguyện không ngừng, và năng chịu các bí tích để lấy sức mạnh của ơn thánh thì mới mong chống lại 3 kẻ thù vô cùng nguy hiểm này. Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận diện 3 kẻ thù với các cám dỗ tinh vi của chúng.

            Trong bài đọc I, tổ tiên loài người đã sa chước cám dỗ của con rắn, hình ảnh của Satan; vì bà Evà muốn được giống như Thiên Chúa. Bà đã bất tuân Thiên Chúa và ăn trái cây Ngài cấm, để tự mình có khôn ngoan biết lành biết dữ mà không cần sự chỉ bảo của Ngài. Trong bài đọc II, trái với quan niệm của người Hy-lạp khinh thường thân xác, để rồi tự do phạm tội; thánh Phaolô nhận ra giá trị cứu độ của thân xác. Thiên Chúa muốn con người dùng thân xác Ngài ban để làm việc, để hy sinh chịu đựng gian khổ, cho việc loan báo Tin Mừng Cứu Độ tới mọi người. Trong Phúc Âm, những người thế gian không hiểu nổi sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu, nên đã coi Ngài như người bị mất trí, như người bị tướng quỉ Beelzebul ám.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cám dỗ của ma quỉ

           

1.1/ Ông Adam và bà Evà sa vào chước cám dỗ của ma quỉ: Khi con người vâng lời Thiên Chúa, mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân đều tốt đẹp; nhưng khi con người bất tuân Thiên Chúa, nhưng mối liên hệ trở nên căng thẳng, tránh né, và tố cáo nhau.

            Ngay sau khi ăn quả trái cấm, ông bà tìm các lẩn trốn Thiên Chúa bằng cách ẩn mình trong các bụi cây vì họ thấy mình trần truồng; chứ không dám tự do đi lại với Thiên Chúa như trước. Hậu quả khốc hại đầu tiên của tội lỗi là làm cho con người xa cách Thiên Chúa và tiến gần tới ma quỉ. Hậu quả thứ hai là mối liên hệ giữa hai ông bà không còn tốt đẹp như xưa. Ông có tự do để từ chối không ăn; nhưng để chạy tội, ông đổ tội cho bà Evà đã cám dỗ mình, và đổ tội cho Thiên Chúa, vì đã tạo nên bà cho ông. Bà Evà nhận ra nguyên nhân của tội là chước cám dỗ của ma quỉ dưới hình con rắn tinh khôn đã lừa dối bà.

           

1.2/ Hình phạt của tội: Đã làm tội là phải lãnh nhận hậu quả: Con rắn phải lãnh nhận hậu quả nặng nề nhất. Nó là loài “đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.”

            Hai ông bà cũng phải chịu hậu quả của tội bất tuân; nhưng vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã có một Kế Hoạch để cứu chuộc con người qua việc hy sinh Đức Kitô, Người Con Một của Ngài: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”

           

2/ Bài đọc II: Cám dỗ của xác thịt

           

2.1/ Quan niệm đúng đắn về thân xác: Người Hy-lạp cho thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn con người; vì thế, họ phải tìm đủ mọi cách để giải thoát linh hồn bất tử ra khỏi thân xác con người. Nhiều người Hy-lạp còn cho phép lạm dụng thân xác để tha hồ phạm tội, vì thân xác chẳng đem lợi lộc gì cho con người.

            Thánh Phaolô phản đối quan niệm này. Ngài tin thân xác của con người được Thiên Chúa tạo dựng là cho một mục đích. Chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã nhập thể, dùng thân xác hy sinh chịu đau khổ và chịu chết, để chuộc tội cho loài người. Thánh Phaolô cũng theo gương Đức Kitô, dùng thân xác để hy sinh chịu mọi gian khổ, để đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho muôn người. Hơn nữa, thân xác con người còn được dùng như khí cụ để gia tăng niềm tin yêu vào Thiên Chúa. Ngài cắt nghĩa: “Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới.” Nói tóm, con người không được dùng thân xác để phạm tội; nhưng phải dùng thân xác hy sinh chịu gian khổ để mang lại sự sống cho mình và cho tha nhân.

           

2.2/ Thân xác con người sẽ được thăng hoa như thân thể Phục Sinh của Đức Kitô: Đối với thánh Phaolô, thân xác con người không chỉ có giá trị đời này, mà còn có giá trị đời sau. Tuy nhiên, hai cấu trúc của thân xác khác nhau: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.” Chỗ khác Ngài giải thích rõ ràng hơn về trạng thái vinh quang của thân xác con người ở đời sau: “Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí. Như có lời đã chép: con người đầu tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật, còn Adam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1 Cor 15:42-45). Và thánh Phaolô kết luận: chúng ta sẽ trở nên sáng láng như thân thể Phục Sinh của Đức Kitô.

           

3/ Phúc Âm: Cám dỗ của thế gian

           

3.1/ Lòng yêu thương của Chúa Giêsu dành cho con người: “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.” Những việc này xảy ra là vì Chúa Giêsu và các môn đệ quá thương dân chúng. Nếu Chúa Giêsu không muốn những điều này xảy ra, Ngài chỉ cần đình chỉ việc chữa lành hay lánh đi một nơi hẻo lánh, là giải quyết được vấn đề. Chỉ có tình yêu cho dân chúng mới thúc đẩy Chúa Giêsu và các môn đệ lâm vào hoàn cảnh này; tuy vậy, các ngài vẫn vui vẻ phục vụ.

            Thân nhân không thể hiểu nổi những gì Chúa Giêsu làm. Theo thói thường, người không yêu không thể hiểu nổi lý lẽ của tình yêu. Các thân nhân của Chúa Giêsu không thể nào hiểu nổi tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha và cho con người. Theo họ, cuộc sống như Chúa Giêsu đang sống là một điên khùng và thất bại, vì Ngài phải:

            (1) Lang thang khắp nơi, nay đây mai đó, không có nghề nghiệp gì nhất định; trong khi theo họ, con người phải có mái nhà an toàn và nghề nghiệp vững chắc để sinh sống.

            (2) Kết bạn với những người nghèo khổ và thất học; trong khi theo họ, phải có kiến thức và địa vị cao trọng trong xã hội.

            (3) Dám đương đầu với quyền lực của giới cai trị tôn giáo như Biệt-phái, Kinh-sư, Cao-niên. Theo họ, làm như thế là tự mang án tử cho mình.

           

3.2/ Người bị quỷ vương Beelzebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Chúa Giêsu trả lời 2 tố cáo của họ:

            (1) Bị quỷ vương Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch của chữ Do-thái Baalzebub. Trong Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng quỉ, Satan. Từ này được dùng ở đây và trong Mt 10:25, nhưng không thông dụng bằng từ Satan.Chúa Giêsu dùng lý luận triệt tam: “một vật không thể vừa có vừa không một lúc;” điều này ám chỉ Satan không thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa Giêsu không thể bị đồng hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi chúng. Ngài đến để tiêu diệt chúng và giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.

            (2) Dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Trong một nước, người có quyền hành nhất là vua, người cai trị dân chúng. Nếu một người nước khác tới bắt nạt dân chúng, người đó phải đương đầu với quyền lực của nhà vua. Chúa Giêsu cũng đưa một ví dụ tương tự: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” Tương tự, quỉ vương hay Satan, là người lãnh đạo các quỉ. Nếu Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động đến chính Satan. Chúa Giêsu có quyền lực mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ ngay cả chính Satan, huống hồ gì là các tay sai của nó. Vì thế, các tố cáo của các kinh-sư không có lý do vững chắc.

           

3.3/ Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự: Thoạt đọc trình thuật hôm nay, một người không tránh khỏi bất mãn với Chúa Giêsu vì đã khinh thường Đức Mẹ và anh em của Ngài, và Ngài đã không giữ giới răn thứ bốn. Nhưng Chúa Giêsu có vi phạm những điều này không? Một trong những sứ vụ của Chúa Giêsu là dạy dỗ và sửa chữa những hiểu biết sai lầm. Trong bài học hôm nay, Chúa Giêsu không đi ra ngoài 2 giới răn quan trọng nhất: trước tiên, mến Chúa; sau đó, yêu người. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thứ tự ưu tiên của hai giới răn, mà con người rất nhiều lần đã đảo lộn thứ tự ưu tiên của nó. Việc Chúa Giêsu đang rao giảng Tin Mừng là Ngài đang làm theo thánh ý Thiên Chúa; và Ngài phải đặt nó lên trên tất cả các việc khác. Ngài không thể hy sinh việc rao giảng để tiếp chuyện với thân nhân. Tuy nhiên, khi nào không làm việc Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương và săn sóc Đức Mẹ; như khi Chúa Giêsu trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan chăm sóc dưới chân Thập Giá.

            Yêu mến Thiên Chúa là làm theo thánh ý Ngài: Bài học thứ hai Chúa Giêsu muốn dạy con người hôm nay: tình yêu phải biểu tỏ cụ thể bằng hành động. Con người thường nghĩ mình có thể yêu Thiên Chúa bằng lời nói, hay bằng những hành động bên ngoài như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh, cầu nguyện. Những điều này tốt, nhưng không quan trọng bằng việc tìm ra và làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Cuộc đời Chúa Giêsu là một mẫu mực cho con người học thế nào là yêu thương Thiên Chúa: Ngài muốn nhập thể để thi hành Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong những năm ở trần gian, thánh ý Thiên Chúa là động lực sống của Ngài đến nỗi Ngài thốt lên những câu phải là châm ngôn cho chúng ta (Jn 4:34; 5:30; 6:40; Mt 26:42).

            Người nhà của Chúa Giêsu là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa: Chúa Giêsu loại bỏ tất cả những lý do khác con người có thể dựa vào để nhận họ là người nhà của Chúa; nhưng chỉ còn giữ lại điều kiện duy nhất là nghe và thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Mẹ Maria và các môn đệ là người nhà của Chúa vì họ luôn thực thi ý muốn của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            Ba kẻ thù ma quỉ, thế gian và xác thịt là những kẻ thù thực sự và vô cùng nguy hiểm. Chúng ta cần phải cẩn thận đề phòng và dùng những lời chỉ dạy và ơn thánh của Chúa ban để chống lại chúng.

            – Kẻ thù thân xác vô cùng nguy hiểm vì nó luôn ở với và trong chúng ta. Để chống lại kẻ thù thân xác, chúng ta cần phải hiểu rõ cấu trúc của thân xác và sự liên hệ cùa thân xác với trí tuệ, ý chí và linh hồn. Thần học luân lý của thánh Thomas Aquinas rất quan trọng giúp chúng ta hiểu giá trị của thân xác trong việc tránh tội và tập luyện nhân đức.

            – Thi hành thánh ý Thiên Chúa không phải chỉ bằng làm những công việc vĩ đại; nhưng bằng chu toàn các bổn phận Ngài đã trao phó cho trong cuộc sống hàng ngày. Nói cách rõ hơn, bổn phận của người môn đệ là phải: từ bỏ ý riêng mình, vác thập giá của mình hàng ngày, và theo Chúa.

Skip to content