Chủ Nhật 7 – Năm C – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Chủ Nhật 7 – Năm C – Thường Niên 

Dove2 

Bài đọc: 1 Sam 26:2, 7-9, 12-13, 22-23; 1 Cor 15:45-49; Lk 6:27-38.

1/ Bài đọc I:2 Vua Sa-un lên đường và xuống sa mạc Díp, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Ít-ra-en, để tìm bắt ông Đa-vít trong sa mạc Díp.

7 Đang đêm, ông Đa-vít và ông A-vi-sai đến chỗ quân binh. Vua Sa-un đang nằm ngủ trong trại binh, cây giáo của vua cắm xuống đất, ở phía đầu vua, còn ông Áp-ne và quân binh thì nằm chung quanh. 8 Ông A-vi-sai nói với ông Đa-vít: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai.” 9 Ông Đa-vít nói với ông A-vi-sai: “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?”

12 Ông Đa-vít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu vua Sa-un, rồi cả hai người ra đi. Không ai thấy, không ai hay, không ai thức dậy. Họ đều ngủ cả, vì ĐỨC CHÚA đã cho một giấc ngủ mê ập xuống trên họ. 13 Ông Đa-vít đi sang phía bên kia và đứng trên đỉnh núi, ở đàng xa; có một khoảng cách lớn giữa họ.

22 Ông Đa-vít trả lời: “Cây giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy.”

23 Xin ĐỨC CHÚA thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ: hôm nay ĐỨC CHÚA đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong.

2/ Bài đọc II:45 Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống.

46 Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó. 47 Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. 48 Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. 49 Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.

3/ Phúc Âm:27 “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.

31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.

32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. 36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.

            Một lần, sau khi đã giảng bài Phúc Âm hôm nay cho đám trẻ, và nhấn mạnh đến những lời dạy dỗ của Đức Kitô, tôi muốn thử đám trẻ xem coi chúng sống Lời Chúa như thế nào. Tôi bảo đứa em là Anjali (7 tuổi) thử tát anh là Raj (9 tuổi) xem coi anh mình phản ứng thế nào. Anjali quay lại, lấy hết sức bình sinh tát anh một cái như trời giáng. Raj túm lấy em đánh túi bụi ngay khi đang tham dự thánh lễ trước sự chứng kiến của cha mẹ và nhiều người. Cha mẹ phải can hai anh em. Tôi không ngờ Anjali tát anh mình một cái tát mạnh như thế, có lẽ là tích tụ của bao năm bị anh bắt nạt! Tôi hỏi Raj: “Tại sao cha mới dạy em về cách hành xử theo Đức Kitô dạy là hễ ai tát má này, hãy đưa má khác cho người ta, mà con đã không đưa má khác thì chớ, lại còn đánh em túi bụi?” Raj trả lời: “Tại vì nó tát con đau quá. Nếu nó chỉ tát nhẹ thôi, con sẽ đưa má khác cho nó!”

            Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến cách hành xử của Đức Kitô và của những người con Thiên Chúa. Trong bài đọc I, vua Saul tiếp tục truy lùng để tìm giết David cho dẫu David không ngừng làm những điều tốt lành cho nhà vua. Khi cơ hội ngàn năm một thuở đến để David có thể trả thù, David từ chối hành xử theo kiểu của thế gian, ông lấy cây Phủ Việt và bình nước của nhà vua khi vua đang say ngủ, đi ra mộtquãng xa, và gọi vua sai binh lính sang lấy về. Vua Saul rất ngạc nhiên về cách cư xử của David, và nhà vua thay đổi lòng dạ với David. Trong bài đọc II, Đức Kitô tuy không có tội chi cả, nhưng sẵn sàng chấp nhận làm người để chết thay cho nhân loại. Chính hành động dũng cảm này đã xóa tội cho nhân loại và ban Thần Khí của Thiên Chúa cho mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách hành xử của người Kitô hữu đối với kẻ thù. Ngài cũng cho những lý do tại sao họ phải làm như thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Phải có kiên nhẫn để thay đổi lòng dạ của kẻ thù.

           

1.1/ Mối thù hận của vua Saul đối với David: Vua Saul ghen tị với David vì David được mọi người khen ngợi (1 Sam 18:7). Khi được biết Thiên Chúa đã truất phế mình, và ngôn sứ Samuel đã xức dầu phong vương cho David; Saul nhất định tìm cách để tiêu diệt David. Vua Saul lên đường và xuống sa mạc Ziph, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Israel, để tìm bắt ông David trong sa mạc Ziph.

            Khi cơ hội để David có thể tiêu diệt Saul và sống an lành tới, người cháu Abishai thuyết phục David để ông giết vua Saul, cho David khỏi vấy máu nhà vua: “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai.” David từ chối vì ông là người biết kính sợ Thiên Chúa: “Đừng giết vua! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu?”

           

1.2/ Cách hành xử cao đẹp của David: David lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu vua Saul, rồi cả hai người ra đi. David đi sang phía bên kia và đứng trên đỉnh núi, ở đàng xa; có một khoảng cách lớn giữa họ. Rồi David la to: “Cây giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy. Xin Đức Chúa thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ: hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.”

            Bằng hành động cao thượng này, David đã cải hóa được tâm hồn vua Saul. Từ đó, ông nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa, và không còn tìm giết David nữa. Ông phải thú nhận David những lời này: “Cha thật đắc tội! David con cha, trở về đi! Cha sẽ không hại con nữa, bởi vì ngày hôm nay con đã coi mạng sống của cha là quý. Phải, cha đã hành động ngu xuẩn, cha đã sai lỗi nặng nề!” (1 Sam 26:21).

2/ Bài đọc II: Chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.

           

2.1/ Sự giống nhau và khác biệt giữa Adam và Đức Kitô: Thánh Phaolô nhìn ra sự liên hệ giữa Adam và Đức Kitô trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Hai nhân vật quan trọng này có những điểm tương đồng và dị biệt.

            (1) Giống nhau: Cả hai cùng mang bản tính con người. Cả hai cùng phải chịu đau khổ; nhưng đau khổ của Adam phải chịu là do tội của ông gây ra. Đức Kitô không có tội, Ngài chịu đau khổ để xóa mọi tội cho con người.

            (2) Khác biệt: Đức Kitô có nguồn gốc từ trời, trong khi Adam bởi đất mà ra. Ngoài bản tính con người, Đức Kitô còn mang bản tính Thiên Chúa. Đức Kitô có Thần Khí của Thiên Chúa.

Người bởi đất phải chết, Người có Thần Khí của Thiên Chúa sẽ sống muôn đời.

           

2.2/ Chúng ta cũng được mang hình ảnh của Adam và của Đức Kitô: Con người chúng ta được mang cả hai hình ảnh của Adam và của Đức Kitô. Chúng ta giống Adam vì chúng ta bởi đất mà ra. Chúng ta giống Đức Kitô vì chúng ta đã được rửa sạch và Ngài đã ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng phải chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.

           

3.1/ Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy: Thoạt mới nghe qua những lời Chúa dạy, chúng ta thấy chúng rất giống những lời khôn ngoan hay đạo lý của các tôn giáo khác, chẳng hạn lời của Khổng-Tử mà thường được gọi là Luật Vàng hay Luật Hỗ-Tương: “Đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Nhưng nếu cẩn thận nghiên cứu, chúng ta sẽ thấy chúng khác xa và vượt lên trên tất cả các đạo lý từ trước tới nay. Luật của Chúa dạy là luật tích cực: “Làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình;” trong khi Luật Vàng là luật tiêu cực: “Đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Luật tích cực khó thực hiện hơn luật tiêu cực, và nó đòi con người phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa mới có thể làm được.

           

3.2/ Làm thế nào có thể yêu kẻ thù? Một sự phân biệt về từ ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ những đòi hỏi của Chúa Giêsu. Trong tiếng Hy-Lạp, có 3 động từ để diễn tả hành động “yêu”:

            (1) Để diễn tả tình yêu lãng mạn giữa trai gái, họ dùng động từ “eran.

            (2) Để diễn tả tình yêu giữa những người thân trong gia đình hay tình bằng hữu, họ dùng động từ “filein.”

            (3) Để diễn tả tình yêu giữa những người tin vào Chúa Kitô như được dùng hôm nay, các Thánh Ký dùng động từ “agapan.” Động từ này chỉ dùng trong khuôn khổ của Kitô giáo.

            Con người không thể yêu kẻ thù với nghĩa “eran,” vì họ không thể yêu kẻ thù bằng tiếng sét ái tình. Họ cũng không thể yêu kẻ thù bằng nghĩa “filein,” vì làm như vậy là trái với tự nhiên. Nhưng con người có thể yêu kẻ thù bằng nghĩa “agapan,” bằng tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu này không chỉ tùy thuộc vào con tim mà còn tùy thuộc rất nhiều nơi lòng muốn. Với tình yêu đến từ Thiên Chúa, con người có thể làm những điều không thể như Chúa đòi hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.”

           

3.3/ Tại sao phải yêu kẻ thù? Để biết những lời dạy của các bậc thánh nhân có hiệu quả hay không, chúng ta cần phải xét tới hậu quả mà lối sống đó mang lại. Chúng ta có thể liệt kê một số hậu quả của những lời Đức Kitô dạy chúng ta hôm nay.

            (1) Để được Thiên Chúa xót thương và tha thứ: Nếu chúng ta không tin Thiên Chúa là Người vẫn đang quan phòng và xét xử thế gian này, chúng ta có lý do để xét xử và báo thù những người đối xử cách bất công với chúng ta. Nhưng nếu chúng ta tin Thiên Chúa là Đấng quan phòng và xét xử mọi người, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm chuyện ấy. Phần chúng ta, cứ việc sống đúng như những lời Ngài truyền dạy. Điều Ngài dạy chúng ta: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” Nếu chúng ta không tha thứ cho tha nhân, Thiên Chúa cũng chẳng tha thứ cho các tội lỗi của chúng ta.

            Chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng thông suốt mọi sự và nhìn thấu tâm hồn; hơn nữa, Ngài có uy quyền để làm mọi sự. Khi chúng ta rộng lượng cho đi, Ngài sẽ tiếp tục ban cho chúng ta, “Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” Ngược lại, nếu một người chỉ biết nắm chặt những gì Thiên Chúa ban, họ chỉ có bằng đó, hay có thể mất luôn những gì họ đang có. Tại sao không rộng lượng cho đi để chúng ta tiếp tục có nhiều hơn và mọi người chung quanh đều được hưởng nhờ.

            (2) Để có thể trở nên giống Thiên Chúa: Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Điều làm cho con người trở nên giống Thiên Chúa nhất là tình yêu dành cho mọi người. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người vì tất cả đều do Ngài dựng nên và là những con cái của Ngài. Thiên Chúa cho mặt trời chiếu soi và cho mưa rơi xuống trên cả ác nhân lẫn người công chính. Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Là con Thiên Chúa phải nên giống Cha mình, nhất là nên giống Cha trong nét đẹp của yêu thương và tha thứ.

            Nếu mọi người đều là con cái Thiên Chúa, chúng ta đều là anh chị em với nhau. Chúng ta không thể coi nhau như kẻ thù, vì như thế không đẹp lòng Thiên Chúa. Khi đọc Kinh Lạy Cha hàng ngày, chúng ta tuyên xưng những điều này khi đọc: “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện Danh cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…” Khi coi nhau như kẻ thù, chúng ta không xứng đáng đọc kinh nguyện này.

            (3) Để có tâm hồn bình an: Người nuôi dưỡng hận thù sẽ không bao giờ được bình an trong tâm hồn. Lúc nào họ cũng sợ bị đối phương trả thù hay phải luôn nghĩ cách để trả thù đối phương. Nhưng nếu một người tin tưởng nơi những lời dạy của Thiên Chúa, họ tha thứ, cầu nguyện, và tìm cách làm ơn cho kẻ thù, tâm hồn họ sẽ có sự bình an.

            (4) Để có thể hoán cải kẻ thù thành bạn hữu: Tha thứ và yêu thương là cách hiệu nghiệm nhất để hoán cải kẻ thù và mang lại sự sống cho cả hai bên. Ngược lại thù hận chỉ càng ngày càng chồng chất và mang lại sự chết cho một hay cả hai bên.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Không ai có quyền tước lấy đi sự sống của người khác, trừ trường hợp phải bảo vệ sự sống của mình. Chúng ta đừng lo việc báo thù, hãy để việc xét xử cho Thiên Chúa.

            – Chúng ta hãy noi gương Đức Kitô. Ngài chấp nhận hy sinh để hòa giải con người với nhau và hòa giải mọi người với Thiên Chúa.

            – Chúng ta không được đối xử với ai như kẻ thù; ngược lại, chúng ta phải đối xử với mọi người như anh/chị/em một nhà, con cùng Cha. Người khác sẽ nhận ra tình yêu của chúng ta dành cho mọi người và họ sẽ tin tưởng vào Thiên Chúa.

Skip to content