Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Thứ Bảy – Tuần 6 – TN2
Bài đọc: Jam 3:1-10; Mk 9:2-13.
1/ Bài đọc I: 1 Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn.
2 Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã. 3 Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng.
4 Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái.
5 Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! 6 Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy.
7 Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. 8 Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người.
9 Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. 10 Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được.
2/ Phúc Âm: 2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.
4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.
5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.
7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. 9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. 11 Các ông hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?” 12 Người đáp: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê?
13 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”
————————————————————————————————————
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin Thiên Chúa đòi chúng ta phải chấp nhận đường lối của Ngài.
Niềm tin đòi hai chiều: Nếu chúng ta tin những gì người khác nói là thật, chúng ta phải làm những điều họ nói; chúng ta không thể “nói một đàng, làm một nẻo.” Ví dụ, vợ nói là tin chồng; nhưng lúc nào cũng đi sát bên chồng để xem chồng có thực sự chung thủy với mình hay không! Niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa cũng thế: Nếu chúng ta đã tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là chúng ta phải giữ những gì Ngài truyền.
Các bài đọc hôm nay tập trung trong việc thể niềm tin vào Thiên Chúa và vào tha nhân. Trong bài đọc I, thánh Giacôbê giúp chúng ta nhận ra những lợi ích và tai hại của cái lưỡi. Nếu con người biết tập luyện để điều khiển được chiếc lưỡi là con người làm chủ được họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mang 3 môn đệ thân tín lên núi Thabor để cho họ nhìn thấy vinh quang đích thực của Ngài với các nhân nhứng lừng danh của Cựu Ước, Moses và Elijah. Mục đích của việc biến hình là để các ông tin Ngài là Thiên Chúa; và để giúp các ông sẵn sàng chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ để cứu chuộc con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác.
1.1/ Lưỡi là một con dao hai lưỡi: Lưỡi là một bộ phận tuy nhỏ bé, nhưng tiềm năng của nó vô cùng lớn lao. Sách Thánh Vịnh và Châm Ngôn là nguồn cung cấp cho chúng ta những lợi ích và tai hại của cái lưỡi. Chúng ta có thể sắp xếp những lợi ích và tai hại của chiếc lưỡi theo Sách Thánh Vịnh, Châm Ngôn, và Thư Giacôbê như sau.
(1) Lợi ích của cái lưỡi:
– để ngợi khen Thiên Chúa: Đây có lẽ là mục đích của chiếc lưỡi khi Thiên Chúa tạo nên chiếc lưỡi.
– để rao giảng Tin Mừng: Nhiều học giả cho ngôn sứ là miệng lưỡi của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa vô hình không có miệng, nên đã dùng ngôn sứ như miệng lưỡi của Ngài.
– để truyền bá kiến thức: Nhân loại sẽ nghèo nàn về đàng tinh thần vô cùng nếu không có những cái lưỡi của thầy cô, cha mẹ; nhất là trong quá khứ, khi nhân loại chưa có những phương tiện truyền thông hiện đại. Truyền miệng là cách thức phổ thông thời đó để truyền bá văn hóa.
– để xây dựng tha nhân: Một lời nói có suy nghĩ chân thành có thể vực dậy một người đang chán nản cuộc đời. Một lời dạy của Thiên Chúa hay của bậc thánh hiền có thể làm thay đổi cả đời người.
(2) Tai hại của cái lưỡi:
– để giết người: Cái lưỡi có thể giết người bằng cách cáo gian, bỏ vạ, hay làm hại thanh danh người khác. Biết bao nhiêu người bị tan tành sự nghiệp và thiệt thân vì những chiếc lưỡi đưa điều đặt chuyện. Biết bao nhiêu gia đình bị tan nát vì vợ hay chồng không kiểm soát được chiếc lưỡi của mình, nên đã thốt ra những lời thô tục có sức giết người, những chiếc lưỡi cằn nhằn, lải nhải suốt ngày làm cho người phối ngẫu không kìm hãm được tính nóng giận nên đã phải vào tù, ly dị hay thiệt mạng.
– để phô trương, khuyếch lác, khoe mình, kiêu ngạo: Lưỡi có thể vẽ ra những chuyện to lớn hoang đường mà không khi nào có trong thực tế! “Nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn.”
– để làm sai lạc sự thật: nói đúng thành sai và nói sai thành đúng. Nhiều luật sư và chính trị gia sống vì cái lưỡi của họ.
1.2/ Phải học và tập luyện để xử dụng cái lưỡi cho đúng: Khi con người điều khiển được cái lưỡi, họ đã điều khiển được toàn thân thể con người. Thánh Giacôbê dùng hình ảnh chiếc hàm thiếc trong miệng ngựa: “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng.” Con người phải chịu phán xét vì miệng lưỡi của mình.
Rất khó để chinh phục được cái lưỡi. Con người có thể chinh phục mọi sự, nhưng không thể chinh phục cái lưỡi: “Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu biến hình trước mặt 3 môn đệ.
2.1/ Những gì xảy ra khi Chúa biến hình:
(1) Chúa Giêsu đàm đạo với ông Elijah cùng ông Moses: Elijah đại diện cho các tiên tri, và Moses đại diện cho Lề Luật. Họ đàm đạo về điều gì? Dựa vào câu hỏi của các Tông-đồ bên dưới: “Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì,” chúng ta có thể đóan được họ nói về Cuộc Thương Khó sắp tới và sự sống lại từ cõi chết của Người. Trình thuật của Luca nói rõ: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Jerusalem” (Lk 9:31).
(2) Tiếng của Thiên Chúa Cha làm chứng về Chúa Giêsu: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Tiếng này đã được nói lần nhất khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan. Lời của Chúa Cha ở đây xác tín Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu sắp trải qua, và nhắn nhủ các Tông-đồ phải tin vào những gì Chúa Giêsu nói với họ.
2.2/ Mục đích của việc biến hình: không những là để các môn đệ tin Ngài là Đấng Thiên Sai, mà còn tin Ngài phải ngang qua Cuộc Thương Khó để cứu chuộc con người. Các Tông-đồ dễ chấp nhận điều thứ nhất hơn là điều thứ hai, như chúng ta sẽ thấy phản ứng của họ trong 3 lần Chúa nói về Cuộc Thương Khó của Ngài.
(1) Sống lại từ cõi chết: “Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.” Tại sao Chúa Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe Cuộc Biến Hình? Một lần nữa, điều này làm sáng tỏ lý do “bí mật của Đấng Thiên Sai” của Marcô. Truyền thống Do-thái không thể chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ, nhất là phải chịu chết để chuộc tội cho con người. Họ có thể kể lại điều này sau khi Chúa sống lại từ cõi chết, như một bằng chứng: những gì Ngài đã nói đều được ứng nghiệm.
(2) Elijah đã đến: Chúa Giêsu có ý nói về Gioan Tẩy Giả và sự cầm tù cùng cái chết của ông bởi tay Vua Herode. Ngài cũng có ý nói cho các Tông-đồ biết, nếu họ đã đối xử như thế với người dọn đường, họ cũng đối xử với Ngài, Đấng Thiên Sai như vậy. Mặc dù Chúa Giêsu đã cho các Tông-đồ nhìn thấy và cắt nghĩa các ông tường tận, nhưng rất khó cho các môn đệ chấp nhận một Đấng Thiên Sai chịu đau khổ; vì không những các ông tin vào truyền thống, mà còn như hầu hết con người: không ai muốn theo con đường đau khổ cả!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Hãy học cho biết cách xử dụng lưỡi để ca tụng Thiên Chúa, để rao giảng Tin Mừng, để loan truyền kiến thức, và để xây dựng cho nhau.
– Tin nơi Thiên Chúa đòi chúng ta phải thực hành những gì Ngài truyền. Nếu chúng ta nói tin vào Chúa và không thực thi những gì Thiên Chúa dạy, sự thật không có trong chúng ta.
– Rất nhiều lần chúng ta không thực hành những gì Thiên Chúa dạy, vì đó không phải là điều chúng ta mong muốn; nhưng làm theo những gì Thiên Chúa muốn sẽ đem lại kết quả tốt cho chúng ta.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}