Chủ Nhật 18 – Năm A – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Chủ Nhật 18 – Năm A – Thường Niên

 

Bài đọc: Isa 55:1-3; Rom 8:35, 37-39; Mt 14:13-21

1/ Bài đọc I: 1 Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây!
Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng;
đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào.

2 Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống,
tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng?
Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon,
được thưởng thức cao lương mỹ vị.

3 Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.
Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu,
để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít.

2/ Bài đọc II: 35 Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?

37 Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,

39 trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

3/ Phúc Âm: 13 Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người.

14 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.”

16 Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.”

17 Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!”

18 Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy!”

19 Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.

20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy.

21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.

 


 

 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình thương Thiên Chúa.

Một bà mẹ rất đông con, khi sinh được một con trai, Bà cầu xin Thiên Chúa ban cho con Bà được học hết bằng trung học. Đối với Bà, được như thế là đã quá nhiều. Ít lâu, sau khi được sang Hoa-kỳ đoàn tụ và dự lễ ra trường Cao Học của con, Bà nhớ lại ước nguyện xưa và Bà cầu nguyện với Thiên Chúa: Lạy Chúa của con, sao Chúa rộng lượng đến thế! Con chỉ xin cho con của con cái bằng Trung Học, thế mà Chúa đã ban cho nó cái bằng Đại Học, giờ còn ban thêm cho nó cái bằng Cao Học nữa. Sao Chúa rộng lượng thế!

Để biết Chúa rộng lượng thế nào, con người cần biết đếm những hồng ân Thiên Chúa ban cho. Để biết đếm hồng ân, con người cần trí nhớ để đừng quên những gì Thiên Chúa làm. Thỉnh thoảng, rất lợi ích khi chính mỗi người chúng ta, hay gia đình chúng ta, hay cộng đoàn chúng ta cùng ngồi xuống đếm những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Qua các bài đọc hôm nay, Giáo Hội muốn dân Chúa nhớ lại phần nào những gì Thiên Chúa đã làm cho họ. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah sau khi đã nói tiên tri về các cực hình Người Tôi Trung của Thiên Chúa phải chịu trong Bài Ca Thứ Tư (52:13-53:12), ông tuyên bố những kết quả mà Người Tôi Trung sẽ mang đến cho dân trong hai chương 54 và 55. Trình thuật hôm nay là 3 câu đầu tiên của chương 55. Trong bài đọc II, thánh Phaolô xác tín: Nếu các tín hữu hiểu rõ những gì Đức Kitô đã làm cho họ, thì không một quyền lực nào có thể tách rời họ ra khỏi tình yêu của Đức Kitô. Trong Phúc Âm, trình thuật của Matthew làm trọn phần nào những gì ngôn sứ Isaiah đã tiên báo. Chúa Giêsu cảm thương dân chúng vất vưởng như chiên không người chăn, và Ngài đã làm phép lạ Bánh Hóa Nhiều cho 5,000 người được ăn no nê từ 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá nhỏ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa kêu gọi dân chúng đến với Ngài để được nuôi sống.

1.1/ Thiên Chúa cho dân người ăn mà không phải trả tiền: Đây là ý tưởng chính trong câu đầu tiên. Ngôn sứ mời gọi tất cả mọi người: có tiền cũng như không có tiền, vì tất cả những thứ con người cần: không phải chỉ có nước uống, mà còn cả sữa và rượu, được Thiên Chúa cho không? Sữa cần cho sự dinh dưỡng và rượu làm hoan hỷ lòng người. Tại sao ngôn sứ quảng cáo mua mà không phải trả tiền? Điều này chỉ có thể xảy ra do lòng rộng rãi của Thiên Chúa, hay vì đã được trả trước bởi chính công nghiệp của Người Tôi Trung.

1.2/ Con người cần phải biết phân biệt lương thực ích lợi cho con người từ những lương thực có hại: Không phải thức ăn đồ uống nào cũng tốt cho con người, nhưng cần phải ăn uống những gì phù hợp với nhu cầu của cơ thể; nếu không sẽ sinh bệnh tật và có thể bị ngộ độc mà chết. Ngôn sứ biết có nhiều người đã “phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng.” Lương thực của Thiên Chúa ban, mặc dù biếu không, nhưng “các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị… và nhất là được sống.” Ai trong cuộc đời này biết những gì lợi ích cho con người hơn chính Đấng đã tạo dựng nên con người!

Điều tối quan trọng là con người phải chú tâm đến những Lời Thiên Chúa dạy bảo: ngôn sứ làm nổi bật bằng những cụm từ: “Hãy chăm chú nghe Ta… Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.” Thiên Chúa biết giao ước cũ, giao ước qua Moses trên núi Sinai, không đủ để đem ơn cứu độ cho con người, nên Ngài hứa: “Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với David.” Tất cả những điều này, Thiên Chúa tự nguyện làm vì quá yêu thương con người.

2/ Bài Đọc II: Con người đáp trả tình thương Thiên Chúa.

2.1/ Phải cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa trước khi có thể đáp trả: Điệp ca của Thánh Vịnh hôm nay nhắc đi nhắc lại sự rộng lượng của Thiên Chúa:

“Chúa thương rộng mở tay ban, đoàn con hết thảy muôn vàn thỏa thuê.”

Khi Chúa mở tay ban, Ngài ban cho tất cả mọi người, kẻ dữ cũng như người lành, kẻ vô ơn cũng như người biết ơn, như Ngài đã từng kêu gọi con người bắt chước Ngài, Đấng đã cho mặt trời chiếu sáng và mưa rơi trên cả kẻ dữ và người lành. Tuy nhiên, nếu người thụ ơn cảm nghiệm được những gì Chúa làm, họ sẽ biết ơn và ca tụng Chúa; đồng thời họ sẽ tìm cách để đáp lại tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho họ. Thánh Phaolô chắc chắn đã cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa, cho nên dẫu ngài phải chịu nhiều lo lắng, buồn phiền, bắt bớ, đói khát, trần truồng, tiêu diệt, người vẫn thốt lên: “Không gì có thể ngăn cản được lòng tôi đừng tin vào Thiên Chúa.” Thánh nhân biết rằng ngay cả trong khi phải chịu những thiếu thốn bất công, tình yêu của Chúa vẫn luôn ở với người, vì những bất công sẽ giúp thanh luyện và hoàn thành công trình cứu chuộc của Thiên Chúa nơi người.

2.2/ Lợi ích khi con người phải đáp trả tình thương Thiên Chúa: Nếu người thụ ơn không cảm nghiệm được những gì Chúa đã làm, họ sẽ vô ơn và kêu trách Chúa mãi. Lời Kinh Tiền Tụng nhắc nhở một sự thật: “những lời ca ngợi của chúng ta chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng sẽ giúp con người đạt được cuộc sống muôn đời.” Thực thế Chúa thi ơn trước khi chúng ta xin vì Ngài biết những gì chúng ta cần; nhưng chúng ta cần biết ơn Chúa, để lòng biết ơn giúp chúng ta có một lòng tin vững chắc vào Ngài mỗi khi chịu thử thách. Cuộc đời con người sẽ phải trải qua những phong ba bão táp như Thánh Phaolô. Nếu không được đào luyện, con người sẽ dễ than thân trách phận: trách mình, trách người, và có thể sẽ trách luôn cả Thiên Chúa. Nếu mất đức tin vào Thiên Chúa thì làm sao đáng được hưởng ơn cứu độ muôn đời?

Một sự cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Đức Kitô dành cho, khi mình vẫn còn là tội nhân đi truy lùng các tín hữu, đã khiến thánh Phaolô có lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.”

3/ Phúc Âm: Người chạnh lòng thương dân chúng vì họ như chiên không người chăn.

Tin Mừng Matthew chú trọng đặc biệt đến sự làm trọn của các Lời Kinh Thánh trong Cựu Ước, một ví dụ điển hình là trình thuật hôm nay: Chúa Giêsu thương dân, Ngài dạy dỗ họ, chữa lành các bệnh nhân của họ, và làm phép lạ cho dân chúng ăn no nê trong hoang địa mà họ không phải trả đồng nào, như lời ngôn sứ Isaiah đã tiên báo trong bài đọc I. Trình thuật bắt đầu: “Nghe tin ấy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người.”

Như Isaiah, Matthew chú trọng đến động từ “nghe.” Khi dân chúng nghe biết Chúa Giêsu, cho dù Ngài đã lánh mặt vào nơi hoang địa, họ cũng cố đi tìm cho được Người. Trong nơi hoang địa mà số người đàn ông không đã tới 5,000. Đây là một con số đặc biệt trong nơi hoang địa. Họ đi tìm Chúa, vì họ biết chỉ có Ngài mới đáp ứng được những khát khao của họ. Chúng ta hãy lướt qua các khát khao của con người.

3.1/ Chúa dạy dỗ dân: Câu Xướng của Alleluia nhắc nhở con người: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Rất ít khi cả 4 Phúc Âm đều tường trình về một phép lạ Chúa làm như phép lạ Chúa hóa bánh cho 5000 người ăn hôm nay. Tuy nhiên, Phúc Âm Nhất Lãm chú trọng nhiều đến phép lạ hơn là việc dạy dỗ. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu không dạy dỗ dân chúng, vì theo trình thuật, dân chúng phải theo Ngài ít là từ sáng tới chiều và họ đã không chuẩn bị để mang theo thức ăn. Điều này chứng minh Chúa Giêsu đã dạy dỗ dân chúng. Phúc Âm Gioan chú trọng nhiều đến việc dạy dỗ sau khi Chúa làm phép lạ. Nguyên cả chương 6 được dùng để dạy dỗ dân về việc tìm kiếm những của ăn không hư nát là Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể.

3.2/ Chúa chữa lành các bệnh nhân của họ: Con người bị bao vây bởi đủ thứ các chứng bệnh, tật nguyền, và quyền lực của ma quỉ; vì thế, nỗi khao khát của các bệnh nhân là cần được chữa lành. Rất nhiều lần trong Tin Mừng tường thuật: Chúa chạnh lòng thương khi nhìn thấy những nỗi khổ đau của họ, và Ngài đã chữa lành hết mọi bệnh hoạn tật nguyền.

3.3/ Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho dân ăn: Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Đức Giêsu bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!” Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy!”

3.4/ Chúa lập Bí Tích Thánh Thể để nuôi dưỡng dân trong suốt cuộc đời: Phúc Âm Nhất Lãm không nói về Bí-tích Thánh Thể lúc này, nhưng những động tác Chúa làm khi Ngài: cầm lấy Bánh, ngước mắt lên trời, tạ ơn, bẻ ra, rồi trao cho các môn đệ, nhắc nhở những gì Chúa sẽ làm trong Bữa Tiệc Ly khi Ngài thiết lập Bí-tích Thánh Thể. Phúc Âm Gioan không tường thuật về việc Chúa lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, nhưng trong chương 6 có cả một diễn từ dài về sự quan trọng của Bí-tích Thánh Thể; rất rõ ràng khi Chúa nói: “vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, kẻ ấy sẽ ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.”

Như thân xác cần của ăn uống thế nào, linh hồn con người cũng cần được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa như vậy. Nếu không ăn uống con người sẽ đói khát và sẽ chết; linh hồn con người nếu không được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa cũng sẽ khô héo và sẽ chết. Tuy nhiên, khô héo và chết phần linh hồn không dễ nhận ra, nhưng những bực dọc, chia rẽ, bất hòa, ghen tương, chúng là những dấu chỉ của linh hồn đang khô héo; và nếu không được chữa trị kịp thời sẽ đi dần đến cõi chết.

Thiên Chúa không những lo cho con người có của ăn phần xác qua công việc tạo dựng, mà còn cả của ăn về phần hồn qua công cuộc cứu chuộc. Chúa hứa tất cả những ai đến lắng nghe và vâng lời Người, họ sẽ có sự sống cả về phần xác cũng như phần hồn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Không dễ cho chúng ta nhận ra ơn lành, nhưng rất dễ cho chúng ta quên ơn lành Thiên Chúa và tha nhân đã làm cho chúng ta.

– Chúng ta dễ chạy theo của ăn uống phần xác nhưng rất ít khi chịu kiếm lương thực cho phần linh hồn qua Lời Chúa và Bí-tích Thánh Thể.

– Việc nhận ra hồng ân Thiên Chúa giúp chúng ta đến chỗ xác tín như Thánh Phaolô: Không có ai trên đời này thương ta bằng Thiên Chúa; và chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại trong cuộc đời để trung thành tin yêu Ngài mãi mãi. 


Skip to content