Chủ Nhật 2 – Năm A – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật 2 – Năm A – Thường Niên 

 

Bài đọc: Isa 49:3, 5-6; 1 Cor 1:1-3; Jn 1:29-34.

1/ Bài đọc I: 3 Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta.
Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.”

5 Giờ đây ĐỨC CHÚA lại lên tiếng.
Người là Đấng nhào nặn ra tôi
từ khi tôi còn trong lòng mẹ
để tôi trở thành người tôi trung,
đem nhà Gia-cóp về cho Người
và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người.
Thế nên tôi được ĐỨC CHÚA trân trọng,
và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

6 Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta
để tái lập các chi tộc Gia-cóp,
để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít.
Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

2/ Bài đọc II: 1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi,

2 kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Giê-su Ki-tô, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta.

3 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.

3/ Phúc Âm: 29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.

30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi.

31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.”

32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.

33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.”

34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các chứng nhân của Đức Kitô

 Chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc hành trình rao giảng của Đức Kitô, bắt đầu từ biến cố Gioan làm phép rửa cho Ngài tại sông Jordan. Để giúp cho dân chúng nhận ra và tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, Ngài cần nhiều nhân chứng. Nhân chứng quan trọng nhất là Thiên Chúa, và dân chúng đã được nghe tiếng Thiên Chúa làm chứng cho Đức Kitô vọng xuống từ trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Các ngươi hãy nghe lời Người.”

 Các bài đọc hôm nay tiếp tục đưa ra các chứng nhân của Đức Kitô. Trong bài đọc I, lời ngôn sứ Isaiah thuật lại chính Thiên Chúa làm chứng cho Con của Người là người Tôi Trung. Sứ vụ của Ngài không chỉ là đưa những người Do-thái trở về, mà còn trở nên ánh sáng của muôn dân để đưa ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất. Trong bài đọc II, thánh Phaolô, mặc dù sống sau thời đại của Đức Kitô, cũng làm chứng cho Đức Kitô bằng những lời giảng dạy của ngài dành cho các tín hữu thành Corintô. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Kitô bằng cách chỉ thẳng vào Ngài và giới thiệu với mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.” Lý do tại sao Gioan có thể xác tín như thế là nhờ Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy ông nhận ra sự thật về Đức Kitô và sứ vụ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bài ca thứ hai về người Tôi Trung của Thiên Chúa

1.1/ Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Trong Sách Isaiah Thứ, có tất cả 4 bài ca nói về người Tôi Trung (42:1-4; 49:1-6; 50:4-9; 52:13-53:12). Nhưng ai là người Tôi Trung mà ngôn sứ Isaiah nhắm tới trong các bài ca này? Có 3 ý kiến khác nhau:

(1) Có người cho dân tộc Israel như một tập thể là người Tôi Trung: Ý kiến này dựa vào lời Thiên Chúa phán trong câu 3 của trình thuật hôm nay: “Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta.
Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.” Ý kiến này không xác đáng cho lắm, vì những câu sau của trình thuật hôm nay và của 3 bài ca khác về người Tôi Trung đều ám chỉ người Tôi Trung là một cá nhân, chứ không phải là một tập thể như dân tộc Israel.

(2) Có người cho là vua Cyrô của Ba-tư: Lý do vì Vua này đã làm theo thánh ý Thiên Chúa, bằng cách đồng ý phóng thích cho dân tộc Israel được về dựng lại quê hương từ đất nô lệ. Ý kiến này cũng không đúng, vì sứ vụ của người Tôi Trung không phải chỉ dẫn đưa những người Israel sống sót trở về; nhưng còn được đặt làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất.

(3) Có người cho Đấng Thiên Sai là người Tôi Trung: Ý kiến này được chấp nhận nhiều hơn cả, vì người Tôi Trung phải là một cá nhân đến từ Thiên Chúa, có thân xác để chịu đau khổ và gánh tội cho nhân loại. Chính vì những đau khổ này mà người Tôi Trung có thể gánh tội và mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại.

1.2/ Nguồn gốc và sứ vụ của người Tôi Trung.

(1) Nguồn gốc: Chính người Tôi Trung chứng thực mình đến từ Thiên Chúa bằng những lời như sau: “Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người Tôi Trung.”

(2) Sứ vụ: của người Tôi Trung không chỉ “đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người;” nhưng còn được Thiên Chúa đặt “làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

 

2/ Bài đọc II: Phaolô chứng thực: ông được trở thành tông đồ của Đức Kitô là do ý định của Thiên Chúa.

2.1/ Phaolô được tuyển chọn để làm tông đồ của Đức Kitô: Để hiểu rõ những lời chứng của Phaolô, chúng ta cần trở lại biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời của ông là biến cố ông bị ngã ngựa và bị mù trên đường đi Damascus để truy nã những người tin vào Đức Kitô. Trước biến cố này, Phaolô đã không biết Đức Kitô. Nhưng Đức Kitô đã thân hành hiện ra với Phaolô để tỏ vinh quang phục sinh của Ngài cho ông, và xác nhận ông chính là Người mà ông đang truy nã. Sau đó, Đức Kitô đã dùng tay thầy Thượng Tế Hannaniah để chữa ông khỏi mù phần xác. Ngài đã dạy dỗ ông suốt 3 năm trong sa mạc hoang dã vùng Arabia để cho ông thấu hiểu các Mầu Nhiệm Nước Trời trước khi chọn ông làm tông đồ và trao sứ vụ đặc biệt cho ông là ra đi rao giảng Tin Mừng đặc biệt cho Dân Ngoại. Ông xác tín với các tín hữu thành Corintô về ơn gọi và sứ vụ của mình: “Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô.”

2.2/ Mục đích của ơn gọi làm Tông Đồ và sứ vụ làm chứng là để mọi người nhận ra và tin vào Đức Kitô. Ngài không chọn Phaolô làm tông đồ như ban một chức tước, để Phaolô được kính trọng và được nở mặt nở mày với các tín hữu. Ngài cũng không dạy dỗ cho Phaolô biết về Ngài để chỉ giúp cho bản thân của Phaolô được hưởng ơn cứu độ. Trái lại, Đức Kitô đã trao cho ông một sứ vụ và sai ông ra đi để rao giảng và làm chứng làm cho các dân được biết và tin tưởng vào Ngài, để tất cả đều được hưởng ơn cứu độ.

Phaolô đã hăng say ra đi để rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô. Ông đã thành lập nhiều cộng đoàn, trong đó có các tín hữu tại Corintô sau khi đã giúp họ tin nhận vào Đức Kitô. Ông đã viết nhiều Thư đến an ủi và giải thích những khó khăn về niềm tin mà họ gặp phải. Ông tôn trọng các tín hữu như các thánh, và dạy họ phải tôn trọng nhau và tôn trọng mọi thành phần của Dân Chúa: “Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Giêsu Kitô, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta.”

3/ Phúc Âm: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.”

Đây là lời tuyên xưng mà chúng ta chỉ gặp thấy trong Tin Mừng Thứ Tư, và danh xưng Con Chiên chúng ta chỉ được nghe ở đây và trong Sách Khải Huyền. Giáo Hội dùng lời tuyên xưng này trong Phụng Vụ Thánh Lễ để chuẩn bị tâm hồn cho các tín hữu trước khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa.

3.1/ Ý nghĩa của lời tuyên xưng: Gioan mặc khải cho dân chúng hai điều quan trọng trong lời tuyên xưng này về Đức Kitô.

(1) Ngài là Con Chiên của Thiên Chúa dùng để cứu chuộc con người: Tại sao Gioan gọi Chúa Giêsu là Con Chiên? Danh từ “Con Chiên” có căn bản lịch sử là con chiên Vượt Qua mà người Do-thái dùng để sát tế và lấy máu bôi trên cửa nhà của họ. Mục đích là để sứ thần của Thiên Chúa khi đi tiêu diệt các con và thú vật đầu lòng của người Ai-cập, nếu họ thấy máu, họ sẽ không vào nhà và sát hại các con đầu lòng của người Do-thái trong biến cố Vượt Qua.

Gioan giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, vì Ngài cũng sẽ đổ máu ra để chuộc tội cho tất cả mọi người. Trong Tin Mừng Gioan, con chiên Vượt Qua có một ý nghĩa quan trọng, vì ngày và giờ Chúa Giêsu bị sát tế cũng là ngày và giờ mà người Do-thái sát tế các con chiên Vượt Qua của họ.

(2) Ngài chính là Thiên Chúa: Gioan Tẩy Giả tuyên nhận Đức Kitô là Con Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Giêsu mới có thể là người duy nhất xứng với những lời diễn tả: “người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi.” Nếu xét Đức Kitô theo bản tính Thiên Chúa, Ngài có trước Gioan vì Ngài có từ muôn thuở và cao trọng hơn Gioan gấp bội; nhưng nếu xét theo bản tính nhân loại, Ngài nhập thể và sinh ra sau Gioan.

3.2/ Sự khác biệt giữa hai Phép Rửa: Gioan phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa hai phép rửa của ông và của Chúa Giêsu.

– Phép rửa được làm bởi Gioan là phép rửa bằng nước. Mục đích của phép rửa này là để tỏ lòng ăn năn thống hối và để dọn đường cho mọi người đón nhận Đức Kitô.

– Phép rửa của Chúa Giêsu không những là phép rửa bằng nước để tha thứ các tội đã phạm, mà còn có năng lực thánh hóa con người bằng việc ban các quà tặng của Thánh Thần cho người lãnh nhận.

Trong 7 quà tặng này, có quà tặng khôn ngoan để giúp con người biết phân biệt những gì thuộc về Thiên Chúa từ những gì thuộc về thế gian. Gioan tuyên nhận ông không biết Đức Kitô trước khi Ngài tỏ mình ra. Ông chỉ biết Ngài khi Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy trong ông. Chính sự khôn ngoan của Thánh Thần đã giúp cho Gioan Tẩy Giả nhận ra Chúa Giêsu khi cả hai còn đang ở trong bụng mẹ trong Tin Mừng Luca; và trong trình thuật của Gioan hôm nay, ông nhận ra Chúa Giêsu chính là Con Chiên được tuyển chọn để gánh tội trần gian.

Gioan làm chứng cho Đức Kitô bằng những lời như sau: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta tin Đức Kitô, không phải vì chúng ta đã thấy Ngài tận mắt, nhưng vì lời của các nhân chứng quan trọng như: tiếng Chúa Cha vọng xuống từ trời mà Gioan và các Tông-đồ đã thuật lại, hình ảnh và hiệu quả của Chúa Thánh Thần trong Gioan, lời các ngôn sứ đã báo trước về người Tôi Trung được thể hiện trong Đức Kitô, các phép lạ Đức Kitô đã làm và những lời Ngài rao giảng, lời chứng của các thánh Tông-đồ, máu của các thánh Tử-đạo, và còn bao nhiêu nhân chứng qua các thời đại, và ngay cả thời đại chúng ta đang sống, họ vẫn tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô.

– Sau khi đã có niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta đều được kêu gọi để làm chứng nhân cho Đức Kitô qua bí-tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận.

– Để làm chứng nhân, chúng ta cần hiểu biết về Đức Kitô, vì không ai có thể làm chứng cho người mà mình không biết. Học hỏi về Đức Kitô và với Đức Kitô không thể thiếu trước khi chúng ta có thể làm chứng cho Ngài.

– Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong Đức Kitô, cũng phải hoạt động trong chúng ta để giúp chúng ta thấu hiểu những Mầu Nhiệm Nước Trời, trước khi chúng ta trở thành những chứng nhân cho Đức Kitô.

– Trong khi rao giảng và làm chứng về Đức Kitô cho tha nhân, niềm tin của chúng ta cũng được vững mạnh và kiện toàn.

– Nếu chúng ta không thi hành nghĩa vụ làm chứng nhân, ai sẽ là người mang Đức Kitô đến cho các thế hệ mai sau, và cho đến tận cùng trái đất?

– Nếu không chu toàn bổn phận chứng nhân, chúng ta cũng không xứng đáng để được hưởng các quyền lợi mà Đức Kitô đã phải đổ máu đào để mang lại.


Tìm hiểu TM Ga 1,6-8.19-28: Làm chứng và giới thiệu Đức Giê-su

Thượng nguồn sông Gio-đan [ngày 10/11/2007] 

Làm chứng về Ánh Sáng
và giới thiệu Đức Giê-su cho mọi người

Ga 1,6-8.19-28

Bản văn (Lê Minh Thông dịch sát theo theo bản văn Hy Lạp)

6 Có một người được sai đến từ Thiên Chúa, tên ông là Gio-an.
7 Ông ấy đến làm chứng. Ông làm chứng về ánh sáng, để mọi người tin nhờ ông ấy.
8 Ông ấy không phải là ánh sáng, nhưng làm chứng về ánh sáng.
[1,9-18]
19 Và đây là lời chứng của Gio-an, khi những người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem cử các tư tế và các Lê-vi đến với ông ấy để họ hỏi ông ấy: “Ông là ai?”
20 Ông ấy tuyên xưng chứ không chối, Ông ấy tuyên xưng rằng: “Chính tôi không phải là Đấng Ki-tô.”
21 Họ hỏi ông ấy: “Vậy thì sao? Ông là Ê-li-a phải không?” Ông ấy nói: “Không phải tôi.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông ấy đáp: “Không.”
22 Vậy họ nói với ông ấy: “Ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người đã cử chúng tôi? Ông nói gì về chính mình?”
23 Ông ấy khẳng định: “Tôi là tiếng kêu trong hoang mạc, hãy làm cho thẳng con đường của Chúa, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.”
24 Những người được sai đến thì thuộc nhóm Pha-ri-sêu.
25 Họ hỏi ông ấy và nói với ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu chính ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là Ê-li-a hay vị ngôn sứ?”
26 Gio-an trả lời họ rằng: “Chính tôi làm phép rửa trong nước. Người đang đứng giữa các ông mà các ông không biết,
27 Người đến sau tôi và chính tôi không xứng đáng cởi quai dép của Người.”
28 Những điều đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia Gio-đan, nơi Gio-an làm phép rửa. 

Tìm hiểu

Nhân vật chính của đoạn Tin Mừng (Ga 1,6-8.19-28) là Gio-an Tẩy Giả, đoạn văn nói về vai trò và sứ vụ của ông trước khi Đức Giê-su xuất hiện rao giảng công khai. Nội dung đoạn văn trích một phần (1,6-8) của “lời tựa thần học” (1,1-18) và một phần (1,19-28) của “lời tựa lịch sử” (1,19-51). Hai lời tựa này mở đầu sách Tin Mừng thứ tư. Lời tựa thần học nói về nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su; lời tựa lịch sử nói về việc Đức Giê-su xuất hiện khai mạc sứ vụ công khai qua lời chứng và lời giới thiệu của Gio-an Tẩy Giả.

Đoạn Tin Mừng thoáng cho thấy nội dung và cách hành văn trong sách Tin Mừng thứ tư, cũng như cho biết vài ám chỉ lịch sử về sự xuất hiện của Đức Giê-su. Sách Tin Mừng thứ tư mở đầu bằng lời chứng của Gio-an và kết thúc bằng lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến (21,24). Xin chia sẻ vài gợi ý về vai trò và vị trí của Đức Giê-su, về việc làm chứng và giới thiệu Đức Giê-su cho mọi người qua nhân vật Gio-an Tẩy Giả.

Nội dung bài tìm hiểu ngắn gồm năm mục:

1. Làm chứng về ánh sáng

2. Lịch sử và thần học về Đức Giê-su

3. Ánh sáng và bóng tối

4. Lời chứng về Đức Giê-su, lời chứng của Đức Giê-su

5. Kết luận

1. Làm chứng về ánh sáng

Phần đầu đoạn Tin Mừng (1,6-8) nói đến vai trò của Gio-an, ông không đến tự mình nhưng ông được Thiên Chúa sai đến và nhiệm vụ của ông là làm chứng về ánh sáng. Bản văn vừa lặp lại vừa khẳng định bằng câu phủ định: “Ông ấy không phải là ánh sáng, nhưng để làm chứng về ánh sáng” (1,8). Có thể người ta đã lầm tưởng Gio-an là ánh sáng nên cần làm rõ bằng sự phủ định. Gio-an có thể là gì đó, nhưng điều chắc chắn là ông không phải là ánh sáng. Trong phần lời tựa sách Tin Mừng (1,1-18), những câu trước (1,1-5) và sau (1,9-11) phần nói về Gio-an (1,6-8) cho biết ánh sáng mà Gio-an làm chứng là ai.

Trước khi nói đến vai trò của Gio-an, lời tựa viết: “Ở nơi Người [Lời, Logos] là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người, và ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không lấn át được ánh sáng” (1,4-5). Những câu 1,9-11 nói tiếp về Lời (Logos) như sau: “Người là ánh sáng thật, ánh sáng chiếu soi mọi người, đến trong thế gian. Người ở trong thế gian, thế gian được tạo thành nhờ Người và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, và những kẻ thuộc về Người đã không đón nhận Người” (1,9-11).

Như thế, lời chứng của Gio-an đặt trong bối cảnh xung đột giữa “ánh sáng” và “bóng tối”, giữa “đón nhận” và “không đón nhận”, giữa “nhận biết” và “không nhận biết” ánh sáng. Ánh sáng đó chính là Lời Nhập Thể (1,14) mà những câu đầu tiên của sách Tin Mừng (1,1-4) đã khẳng định mạnh mẽ nguồn gốc thần linh của Lời: “Lời có lúc khởi đầu, và Lời ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Người ở với Thiên Chúa lúc khởi đầu. Nhờ Người, mọi sự được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng của loài người” (1,1-4).

Sự hiện hữu, vị trí và vai trò của Lời Nhập Thể được giới thiệu như thế thì làm sao có thể lầm lẫn với Gio-an Tẩy Giả được? Thực ra, trên bình diện lịch sử, người ta có thể lầm tưởng Gio-an là Đấng Mê-si-a vì Gio-an xuất hiện trước Đức Giê-su và đã gây được tiếng vang đáng kể. Còn những gì nói về Lời Nhập Thể là khẳng định niềm tin của cộng đoàn. Vì thế, cần phải làm rõ vai trò của Gio-an Tẩy Giả và vai trò của Đức Giê-su là “người đến sau”.

2. Lịch sử và thần học về Đức Giê-su

Phần thứ hai của đoạn Tin Mừng (1,19-28) cũng nói về những ý tưởng trong phần thứ nhất (1,6-8) nhưng cụ thể hơn qua cuộc đối thoại giữa Gio-an và giới lãnh đạo Do Thái, gồm các tư tế và các Lê-vi (1,19), họ là những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu (1,24).

Đây là lúc Gio-an thi hành sứ vụ làm chứng của ông. Chúng ta gặp lại kiểu hành văn phủ định trước đó ở 1,8. Trước khi giới thiệu Đức Giê-su, Gio-an làm chứng bằng cách nói “không” về mình. Ông khẳng định mình “không phải là Đấng Ki-tô” (1,20), “không phải là Ê-li-a” (1,21a), “không phải là vị ngôn sứ” (1,21b). Trả lời bằng phủ định vừa cho phép loại trừ sự lầm lẫn, vừa chuẩn bị để giới thiệu ai đó theo nguyên tắc mà Gio-an đã nói với môn đệ của mình: “Đấng ấy phải lớn lên, còn thầy phải suy giảm” (3,30). Qua bản văn Tin Mừng thứ tư, có thể phác họa sự xuất hiện của Đức Giê-su trong lịch sử như sau:

Lúc đầu, Gio-an xuất hiện trước Đức Giê-su và được nhiều người biết đến, đã có người nghĩ rằng Gio-an là Đấng Ki-tô mà dân chúng mong đợi. Vì thế, cần làm rõ qua cách nói phủ định để tránh hiểu lầm trước khi giới thiệu Đức Giê-su. Gio-an khẳng định: “Chính tôi làm phép rửa trong nước. Người đang đứng giữa các ông mà các ông không biết, Người đến sau tôi và chính tôi không xứng đáng cởi quai dép của Người” (1,26-27).

Lời nói và việc làm của Gio-an trong Tin Mừng thứ tư có ba gợi ý lịch sử:

1) “Người đang đứng giữa các ông mà các ông không biết” ám chỉ rằng vào thời điểm ấy, người ta biết Gio-an Tẩy Giả hơn là biết Đức Giê-su, vì Đức Giê-su chưa xuất hiện công khai.

2) Trước khi bước vào sứ vụ công khai, Đức Giê-su có liên hệ với nhóm Gio-an Tẩy Giả, vì Gio-an giới thiệu Đức Giê-su cho dân chúng, và Gio-an giới thiệu môn đệ của mình cho Đức Giê-su (1,35-37).

3) Kiểu nói: “người đến sau tôi” hay “người đi sau tôi” (1,15.30) muốn nói người ấy là môn đệ, bởi vì đi sau người nào là môn đệ của người ấy. Có giả thuyết cho rằng trước khi bước vào hoạt động công khai, Đức Giê-su là môn đệ của Gio-an Tẩy Giả. Giả thuyết này dựa vào lời Gio-an nói về Đức Giê-su như là “người đến sau Gio-an” hay “người đi sau Gio-an”. Ý tưởng này được Gio-an Tẩy Giả lặp lại hai lần ở 1,15 và 1,30.

Tuy nhiên khi Đức Giê-su khởi đầu sứ vụ công khai, Gio-an khẳng định sự đảo lộn nền tảng về vị trí giữa ông và Đức Giê-su. Gio-an nói về Đức Giê-su như sau: “Người đến sau tôi, nhưng vượt trước tôi, vì Người có trước tôi” (1,15.30). Câu này có ý nghĩa thần học quan trọng về vị trí và nguồn gốc của Đức Giê-su so với Gio-an Tẩy Giả. Về lịch sử, Đức Giê-su là “Người đi sau”, nhưng đã “vượt lên đi trước” nghĩa là trở thành vị Thầy. Đối với Gio-an Tẩy Giả, Đức Giê-su trở thành Thầy của ông vì Đức Giê-su đã “vượt trước ông”.

Điểm thần học quan trọng hơn được Gio-an nói đến hai lần: “Người có trước tôi (prôtos mou en)” (1,15.30). “Có trước” trong câu này dùng động từ eimi (là, có, hiện hữu). Vì thế, Gio-an khẳng định Đức Giê-su hiện hữu trước ông. Trên bình diện lịch sử, Gio-an Tẩy Giả sinh ra trước Đức Giê-su, còn trên bình diện thần học, Đức Giê-su hiện hữu trước Gio-an Tẩy Giả vì “Lời có lúc khởi đầu” (1,1a). Để cụ thể hoá sự trổi vượt ấy, Gio-an cho rằng mình “không xứng đáng để cởi quai dép” của Đức Giê-su (1,27).

Ý tưởng về mối liên hệ giữa Đức Giê-su và nhóm của Gio-an Tẩy Giả phù hợp với lịch sử. Thực vậy, theo Tin Mừng thứ tư, hai môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su thuộc nhóm môn đệ của Gio-an Tẩy Giả. Người thuật chuyện kể về hai môn đệ đầu tiên của Đức Giê-su: “Hôm sau, Gio-an lại đứng với hai người trong các môn đệ của ông ấy. Và chăm chú nhìn Đức Giê-su đang đi qua, ông ấy nói: ‘Đây là Chiên của Thiên Chúa.’ Hai môn đệ của ông ấy nghe nói thế, họ đi theo Đức Giê-su” (1,35-37).

Đồng thời Gio-an Tẩy Giả khẳng định mạnh mẽ căn tính và nguồn gốc thần linh của Đức Giê-su phù hợp với thần học về Lời Nhập Thể trong lời tựa sách Tin Mừng. Như thế, qua nhân vật Gio-an Tẩy giả, Tin Mừng thứ tư vừa đề cao tính lịch sử của biến cố Đức Giê-su xuất hiện, vừa khẳng định mạnh mẽ thần học về Lời Nhập Thể.

3. Ánh sáng và bóng tối

Phần làm chứng và giới thiệu Đức Giê-su trong đoạn Tin Mừng 1,6-8.19-28 còn đặt trong bầu khí xung đột với giới lãnh đạo Do-thái – qua những lời chất vấn – để biết Gio-an là ai. Chính họ cũng sẽ chất vấn Đức Giê-su trong suốt Tin Mừng để biết: Người là ai, từ đâu đến, đã làm gì và lấy quyền ở đâu để rao giảng.

Chất vấn và tranh luận là kiểu hành văn của Tin Mừng thứ tư, vì Tin Mừng được trình bày như một vụ kiện lớn giữa Thiên Chúa và con người. Thực vậy, nếu như Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi ban Con Một (3,16) thì người ta lại yêu mến bóng tối hơn ánh sáng và ghét ánh sáng (3,19-20). Đó là vụ kiện giữa “những người không đón nhận ánh sáng” và “những người đón nhận ánh sáng” (1,10-13). Vụ kiện giữa “ánh sáng” và “bóng tối” này vẫn còn tiếp diễn trong cộng đoàn đón nhận Tin Mừng thứ tư và vẫn còn hiện thực qua mọi thời đại.

4. Lời chứng về Đức Giê-su, lời chứng của Đức Giê-su

Trong bối cảnh trên, việc làm chứng có tầm quan trọng đặc biệt. Có thể nói toàn bộ Tin Mừng thứ tư là một chuỗi các li chng v Đc Giê-suli chng ca Đc Giê-su.

1) “Lời chứng về Đức Giê-su” vì tất cả các lời chứng của Chúa Cha, của Gio-an Tẩy Giả, của Kinh Thánh.v.v… (5,31-47) đều làm chứng cho Đức Giê-su.

2) Nội dung sách Tin Mừng là “lời chứng của Đức Giê-su” vì Người đến để làm chứng cho sự thật. Cái chết của Người trên thập giá là lời chứng hùng hồn về tình yêu của Người dành cho các môn đệ (13,1; 15,13) và là lời chứng về tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian (3,16).

5. Kết luận

Tóm lại, đoạn Tin Mừng trên có một phần (1,6-8) thuộc lời tựa thần học (1,1-18) và một phần (1,19-28) thuộc lời tựa lịch sử (1,19-51) giới thiệu về toàn bộ Tin Mừng thứ tư. Đoạn Tin Mừng Ga 1,6-8.19-28 vừa cho biết Đức Giê-su là ai so với Gio-an Tẩy Giả; vừa khai mở sứ vụ công khai của Đức Giê-su; vừa báo trước sự xung đột giữa Đức Giê-su và những kẻ chống đối Người trong Tin Mừng.

Ước mong chúng ta cũng biết can đảm làm chứng như Gio-an Tẩy Giả, dám nói không về mình để ánh sáng đích thực là Đức Giê-su được tỏ lộ; dám làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Đức Giê-su; dám làm chứng cho tình yêu cao cả ấy giữa cộng đoàn và cho thế giới hôm nay.

Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

Skip to content