Chủ Nhật III – Năm A – Phục Sinh

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật III – Năm A – Phục Sinh

Bài đọc: Acts 2:14, 22-28; 1 Pet 1:17-21; Lk 24:13-35.

1/ Bài đọc I: 14 Bấy giờ, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: “Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây.

22 “Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó.

23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. 24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. 25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. 26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. 27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. 28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.

2/ Bài đọc II: 17 Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này. 18 Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại.

19 Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô. 20 Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. 21 Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.

3/ Phúc Âm: 13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? ” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy? ” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.

21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,

23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.

24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.” 25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.

29 Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.

32 Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” 33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được phác họa ngay từ đầu, khi trái đất và con người chưa được tạo dựng.

Có những sự khác biệt to lớn giữa Thiên Chúa và con người: Ngài không bị lệ thuộc vào thời gian như con người; tư tưởng và ý định của Ngài bao trùm từ khởi sự cho đến hoàn thành, trong khi kiến thức con người quá giới hạn đến độ không thể lãnh nhận những mặc khải của Thiên Chúa một lúc. Thiên Chúa đã có kế hoạch cứu độ con người ngay từ đầu, khi trời đất và con người chưa được tạo thành, và dĩ nhiên, chưa phạm tội trong vườn Địa Đàng. Trọng tâm của kế hoạch cứu độ là Đức Kitô, Ngài là Đấng sẽ mang lại ơn cứu độ cho con người qua cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Kế hoạch cứu độ có hai phần chính: phần đầu Thiên Chúa chọn dân tộc Do-thái để chuẩn bị cho việc nhập thể của Đức Kitô; phần hai khi Đức Kitô đến, Ngài mở rộng ơn cứu độ của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Vì thế, Đức Kitô là giao điểm của Cựu Ước và Tân Ước. Tất cả những gì Đức Kitô sẽ làm đã được tiên báo cách ẩn tàng trong Cựu Ước. Khi Đức Kitô đến, Ngài thực thi tất cả những gì đã được tiên báo trong Cựu Ước. Thánh Augustinô nhận định rất chính xác: Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước và Tân Ước làm trọn những gì Cựu Ước chuẩn bị. Thánh Phaolô diễn tả cách tương tự: nếu chỉ đọc Cựu Ước thôi, một người sẽ chỉ hiểu lờ mờ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như đang bị một bức màn che mắt; nhưng nếu đọc Cựu Ước với ánh sáng của Tân Ước, một người sẽ hiểu rõ tất cả chi tiết của kế hoạch cứu độ (2 Cor 3:13-17).

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy lợi ích của việc giải thích những biến cố xảy ra cho Đức Kitô trong ánh sáng của Cựu Ước. Trong bài đọc I, thánh Phêrô chứng minh cho người Do-thái biết Đức Giêsu thành Nazareth chính là Đấng Thiên Chúa sai đến, để thực thi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và mang lại cuộc sống trường sinh cho con người, như đã được loan báo trong Kinh Thánh. Trong bài đọc II, tác giả Thư Phêrô thứ nhất cũng lặp lại tư tưởng của bài đọc I, Đức Kitô là Đấng mà Thiên Chúa đã biết trước khi vũ trụ được dựng nên. Ngài xuất hiện trong thời cuối cùng để làm trọn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, chính Đức Kitô thân hành hiện đến và cùng đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, để giải thích cho họ về những lời Kinh Thánh được làm trọn qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Hai ông đã nhận ra chính là Ngài khi Ngài cùng bẻ bánh với hai ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đức Giêsu đã bị nộp và giết chết theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước.

Bài giảng của Phêrô sau biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống gồm hai phần chính:

1.1/ Phêrô làm chứng cho những gì Đức Kitô đã thực hiện: Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với họ rằng: “Thưa anh em miền Judah và tất cả những người đang cư ngụ tại Jerusalem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây… Thưa đồng bào Israel, xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Nazareth, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó.” Phêrô không cần phải dẫn chứng nhiều, vì tất cả những gì Đức Kitô đã làm và những gì xảy ra cho Ngài vẫn còn sống động trong tâm hồn khán giả của ông.

1.2/ Phêrô nối kết những biến cố này với những gì đã được đề cập tới trong Kinh Thánh: Vì người Do-thái tin vào Kinh Thánh, Phêrô làm chứng cho Đức Kitô bằng cách liên kết những biến cố mới xảy ra với những gì đã được đề cập trong Kinh Thánh. Mục đích của Phêrô là để khơi niềm tin nơi khán giả vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô. Kinh Thánh đã nói trước về mục đích của cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Ngài phải chết và phục sinh theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Mục đích là để tha thứ tội lỗi và mang lại cuộc sống trường sinh vĩnh cửu cho con người: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.”

Phêrô trưng dẫn những lời của Thánh Vịnh 16:8-11, để minh chứng điều này. Câu 27 của trình thuật mang một ý nghĩa quan trọng về cuộc sống trường sinh: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.” Ai là “Vị Thánh của Ngài” mà Thánh Vịnh 16 nói tới? Chắc chắn không phải là vua David, vì David đã chết, và mộ của vua vẫn còn ở Hebron cho tới ngày nay. Truyền thống Do-thái thời đó vẫn tin người nào đã vào trong cõi âm ty (Sheol, Hades), sẽ không bao giờ có ngày trở về trên cõi dương gian. Quan niệm về cuộc sống đời sau, được hưởng hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa, là một quan niệm rất xa lạ với người Do-thái thời đó. Vì thế, câu “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan” phải là một lời tiên tri nói về Đấng Cứu Thế, và được áp dụng cho sự chết và phục sinh của Đức Kitô.

2/ Bài đọc II: Người là Đấng Thiên Chúa đã biết trước khi vũ trụ chưa được dựng nên.

(1) Chúng ta được cứu độ là do bởi máu vô giá của Đức Kitô: Tác giả Thư Phêrô I nhắc nhở cho các tín hữu biết: “không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại; nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô.” Theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa có từ muôn thuở, “Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.” Ai tin vào Ngài, người ấy sẽ nhận được ơn cứu độ là được sống muôn đời.

(2) Hãy biết sống làm sao ở đời này cho xứng với tình yêu Thiên Chúa: Con người không thể nhận lãnh ơn cứu độ bằng sức riêng của mình hay bằng việc giữ cẩn thận Lề Luật; vì mọi người đều phạm tội. Họ chỉ có thể được cứu độ bằng việc tin tưởng vào Đức Kitô và cố gắng giữ những gì Ngài truyền. Để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Kitô đã hy sinh mạng sống cho con người, tác giả răn dạy các tín hữu: “Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, thì anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này.”

3/ Phúc Âm: Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

3.1/ Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ: Khi phải đương đầu với những biến cố đau buồn trong cuộc sống, nhiều người đã không còn nhận ra Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài. Thái độ này dễ đưa con người đến chỗ thất vọng và không nhận ra Thiên Chúa, dù Ngài có hiện ra và đồng hành với họ. Hai môn đệ của Chúa Giêsu rời Jerusalem để về Emmaus là một ví dụ sống động của thái độ này. Họ buồn và rời Jerusalem vì bao nhiêu hy vọng của họ đặt nơi Chúa Giêsu giờ đã tan thành mây khói. Họ tưởng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai uy quyền, Ngài sẽ dùng quyền năng để đánh đuổi đế quốc Rôma và giải phóng dân tộc Do-thái khỏi ngoại bang; nhưng nay Ngài đã chết rồi. Vài tia hy vọng mong manh của việc Chúa sống lại không đủ để trợ giúp niềm tin bị thử thách của họ.

Điều này chứng minh cho chúng ta thấy chúng ta cần có những giây phút cầu nguyện và thinh lặng để suy niệm và để nối kết những biến cố xảy ra trong cuộc đời. Chỉ có sự soi sáng của Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta nhận ra những lý do của sự việc xảy ra, và giúp chúng ta vững tin nơi quyền năng của Ngài.

3.2/ “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Hai môn đệ nhận ra sự tăm tối của tâm hồn và mời Ngài ở lại. Chính lời mời gọi này đã giúp cho hai ông nhận ra Đức Kitô và thêm tin tưởng nơi Ngài. Ba điều quan trọng chúng ta cần học là:

(1) Đức tin được kiên cố qua việc học hỏi Lời Chúa để nhìn ra kế hoạch cứu độ trong các biến cố xảy ra hàng ngày và các biến cố đặc biệt. Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Moses và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”

Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.

(2) Tham dự Lễ Bẻ Bánh giúp tăng tình yêu của con người vào Thiên Chúa: “Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

(3) Đức tin cần được sự nâng đỡ của cộng đoàn: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Jerusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.” Người nào có khuynh hướng xé lẻ để tự giải quyết lấy thường dễ rơi vào cạm bẫy của ma quỉ, Judah Iscariot là một trường hợp điển hình.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải học Cựu Ước để hiểu rõ Tân Ước, và phải học Tân Ước để hiểu rõ Cựu Ước. Cả hai chỉ là hai phần khác nhau của một kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

– Tham dự Thánh Lễ cách trọn vẹn, vừa lắng nghe Lời Chúa vừa lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thắp lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu cho Thiên Chúa, giữ vững niềm hy vọng, và nhiệt thành làm chứng cho Ngài.

Skip to content