Chủ Nhật 30 – Năm C – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Chủ Nhật 30 – Năm C – Thường Niên 

 

Bài đọc: Sir 35:12-14, 16-18; 2 Tim 4:6-8, 16-18; Lk 18:9-14.

1/ Bài đọc I: 12 Vì Đức Chúa là Đấng xét xử,
Người chẳng thiên vị ai.

13 Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn,
nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.

14 Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa.

16 Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây.

17 Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.
Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng.

18 Họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý.

2/ Bài đọc II: 6 Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi.

7 Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.

8 Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.

16 Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ.

17 Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng.

18 Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.

3/ Phúc Âm: 9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:

10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.

11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.

12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.

13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.

14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin và những thái độ cần có khi cầu nguyện với Thiên Chúa.

Làm thế nào để lời cầu nguyện của một người được Thiên Chúa đoái nhận là chủ đề của Lời Chúa tuần này. Trước khi cầu nguyện, con người phải có một số những hiểu biết căn bản để rồi có thái độ thích hợp khi cầu nguyện: Thiên Chúa là quan tòa không bao giờ thiên vị; mọi lời cầu xin sẽ được Thiên Chúa cứu xét; những gì Thiên Chúa hứa Ngài sẽ giữ lời; con người không bao giờ có thể tự mình trở nên công chính vì tất cả đều phạm tội; con người chỉ có thể công chính bằng đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và cố gắng tuân giữ các điều Ngài truyền dạy.

Các bài đọc hôm nay dẫn chứng những hiểu biết căn bản này. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca mô tả Thiên Chúa là một quan tòa chí công vô tư. Ngài bênh vực quyền lợi cho kẻ bị áp bức, và nghe tiếng van nài của mẹ góa con côi. Trong bài đọc II, Phaolô biết trước những gì sẽ xảy ra cho ông trong những ngày cuối đời tại Rôma, ông sẽ bị bạn đồng hành bỏ rơi và bị ngược đãi bởi người Do-thái cũng như nhà cầm quyền; nhưng ông vẫn một niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ bảo vệ ông khỏi mọi nguy hiểm và đã sắm sẵn cho ông một triều thiên công chính trên trời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể một câu truyện để nhắc nhở các môn đệ thái độ phải có khi cầu nguyện: đừng cậy dựa sức mình, đừng khinh thường tha nhân; nhưng phải biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và khiêm nhường thú nhận tội lỗi của mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa lắng nghe mọi lời nguyện xin.

1.1/ Thiên Chúa là Đấng xét xử chí công vô tư.

Không giống như các vua chúa hay những nhà lãnh đạo thế gian, họ thường xét xử theo tình cảm và lợi lộc vật chất; Thiên Chúa là quan tòa chỉ xét xử theo sự thật. Ngài không thiên vị ai, và cũng chẳng ai có thể mua chuộc Thiên Chúa.

Hơn nữa, vì tất cả mọi người đều là con cái của Ngài, nên Ngài tỏ lòng quan tâm đặc biệt đến những người cô thân cô thế. Tác giả Sách Huấn Ca liệt kê hai hạng người được Thiên Chúa quan tâm đặc biệt:

(1) Những người nghèo hèn bị đối xử bất công: “Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.”

(2) Mẹ góa, con côi: Vì họ không có chồng hay không có cha, Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi những kẻ lợi dụng: “Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa.”

1.2/ Thiên Chúa cứu xét mọi lời cầu nguyện.

Nhiều người tự hỏi làm sao Thiên Chúa có thể nghe và cứu xét tất cả lời cầu nguyện của con người; nhất là của những người thấp mũi bé miệng; những người không có công trạng gì trước mặt Thiên Chúa? Nhiều lần chúng ta đã nói Thiên Chúa điều khiển vũ trụ bằng cách dùng các thiên thần. Họ là những sứ giả mang lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa và chuyển những ơn lành từ Thiên Chúa xuống cho con người. Sứ thần Raphael đã củng cố điều này khi nói cho Tobia hiểu kế hoạch của Thiên Chúa cho gia đình ông.

Tác giả Sách Huấn Ca cũng xác nhận Thiên Chúa nghe tất cả lời cầu nguyện của con người và sẽ cứu xét từng trường hợp để có thể ban như lời con cái kêu xin. Khi một người luôn làm theo ý Thiên Chúa kêu xin, Ngài sẽ đáp lời họ: “Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.”

Vì thế, thái độ con người cần có khi cầu nguyện là kiên trì tin tưởng lời cầu nguyện của mình sẽ được thiên thần mang lên trước thiên nhan Chúa. Ngài sẽ cứu xét từng trường hợp và sẽ ban như ý họ kêu xin.

2/ Bài đọc II: Giờ đây tôi chỉ còn đợi triều thiên dành cho người công chính.

2.1/ Phaolô hoàn toàn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

Sau khi đã làm chứng cho Đức Kitô tại Jerusalem, Ngài đã hiện ra với ông trong một thị kiến ban đêm để an ủi và cho ông biết ông sẽ làm chứng cho Ngài tại Roma nữa; đồng thời Ngài cũng cho ông biết những gian nan nguy hiểm đang chờ ông tại Roma.

Phaolô viết thư này cho môn đệ Timothy khi ông đang bị giam trong tù tại Roma, với mục đích để khích lệ tinh thần cho Timothy sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”

Phaolô không cho là ông xứng đáng với triều thiên dành cho người công chính bằng những công việc ông làm; nhưng Phaolô muốn nhấn mạnh đến niềm tin trung thành nơi Đức Kitô. Ngài là Thẩm Phán Chí Công, Ngài là Đấng sẽ tuyên bố Phaolô là người công chính, và sẽ trao phần thưởng là triều thiên công chính cho ông.

Đoạn văn này là bằng chứng cho những người hiểu lầm học thuyết của Phaolô khi ông nói con người được công chính nhờ đặt niềm tin nơi Đức Kitô, mà không cần phải làm gì để chứng tỏ niềm tin. Phaolô chứng minh niềm tin của ông vào Thiên Chúa bằng việc hoàn tất sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại mà Đức Kitô đã trao cho ông, và giờ đây, ông còn sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Tin Mừng ông rao giảng trên đất Rôma của Dân Ngoại.

2.2/ Phaolô có thể vượt qua mọi trở ngại là nhờ ông vững tin nơi Thiên Chúa.

Nhìn lại cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Phaolô, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về sự kiên trì phi thường của ông, khi phải đương đầu với những đau khổ bên trong cũng như bên ngoài, như trong trình thuật hôm nay, ông viết: “Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ.” Tuy phải chịu đau khổ như thế, nhưng ông đã noi gương Đức Kitô, chẳng những không trách cứ họ, mà còn cầu nguyện cho họ nữa.

Phaolô nhận ra sức mạnh để chịu đựng và sự thành công trong việc rao giảng Tin Mừng không đến từ con người yếu đuối của ông; nhưng nhờ ông đặt niềm tin trọn vẹn nơi Đức Kitô. Ông viết: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.”

3/ Phúc Âm: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.

Trước hết, chúng ta cần chú ý: mục đích của Chúa Giêsu khi kể câu truyện này là muốn răn dạy những người tự cho mình là công chính và khinh chê người khác.

3.1/ Thái độ của người Pharisee:

(1) Tác phong của người Pharisee: Tác phong của một người nói lên rất nhiều về tính khí của người đó. Trình thuật kể ông đứng thẳng trước thiên nhan của Thiên Chúa, chứ không xấp mình đấm ngực như người thu thuế.

(2) Hai cách ông làm để đề cao mình: nói xấu người khác và nói tốt về mình. Ông nói xấu hay giảm giá trị của người khác khi ông cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.” Cầu nguyện là lúc con người nói chuyện của mình với Thiên Chúa; chứ không phải là lúc để tố tội người khác. Có lẽ ông cám ơn Thiên Chúa đã cho ông sức mạnh để ông trở thành người quá tốt như thế; nhưng đó không phải là những gì Thiên Chúa muốn nghe. Ngài muốn ông nhận ra những khuyết điểm của mình, chứ không muốn ông luận tội người khác, vì đó không phải là việc của ông. Ông khoe thành tích của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Việc khoe thành tích của ông chứng tỏ ông không biết Thiên Chúa là ai. Ngài biết tất cả việc ông làm và ý hướng bên trong của ông, Ngài không cần ông phải nhắc nhở. Việc ông đóng góp 10% cho Đền Thờ cũng chỉ là dâng lại những gì Thiên Chúa ban cho ông. Nếu để ý lời cầu nguyện của người Pharisee, chúng ta thấy ông không xin Thiên Chúa điều gì cả, ông chỉ tạ ơn Chúa; nói đúng hơn ông chỉ khoe thành tích của ông với Thiên Chúa.

3.2/ Thái độ của người thu thuế:

(1) Tác phong của người thu thuế: Ông đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

(2) Ông biết ông là người tội lỗi. Ông biết ông không có công trạng gì trước mặt Thiên Chúa. Ông hoàn toàn cậy dựa hoàn toàn vào lòng từ bi của Thiên Chúa.

3.3/ Kết quả của việc cầu nguyện: Chỉ có Thiên Chúa là Đấng nhận lời cầu nguyện của con người. Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng kết quả: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.” Lý do được chấp nhận hay từ chối: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Việc tuyên bố ai là công chính hoàn toàn là việc của Thiên Chúa, vì không ai là người không có tội. Con người được trở nên công chính là nhờ niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã gánh tội cho con người và hòa giải con người với Thiên Chúa. Thái độ tự cho mình là công chính gây ra rất nhiều nguy hiểm cho con người:

– Vì thấy mình quá tốt lành nên họ không cần tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Thời nào cũng có những loại người này: các Pharisees thời của Chúa Giêsu, Pelagism hay Semi-Pelagism thời của thánh Augustine. Thánh Gioan khuyên nhủ các môn đệ của Ngài: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta… Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Jn 1:8-10).

– Họ không thấy có tội là vì chưa xét mình cẩn thận hay lương tâm đã quá chai đá đó thôi. Nếu chịu khó xét mình cẩn thận, họ sẽ nhận ra họ cũng là tội nhân như bao người khác.

– Khi thấy mình hoàn hảo, họ dễ khinh thường và xét đoán người khác. Tật xấu này gây cho họ nhiều bất an và phá hủy gia đình cũng như cộng đoàn của họ; vì họ luôn bắt những người chung quanh phải sống theo tiêu chuẩn của họ, những gì mà họ nghĩ là “hoàn hảo.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Lời cầu nguyện với lòng thành tín làm theo ý Thiên Chúa chắc chắn sẽ được Ngài nhậm lời. Không một lời cầu nguyện nào mà không được dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa.

– Chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với mọi gian nan trong cuộc đời để làm chứng cho Thiên Chúa. Ngài sẽ bảo vệ và cung cấp cho chúng ta sức mạnh cần thiết để vượt qua.

– Chúng ta cần phải có thái độ khiêm nhường khi cầu nguyện: nhận mình là người tội lỗi và trông chờ ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Skip to content