Chủ Nhật 8 – Năm A – Thường Niên

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Chủ Nhật 8 – Năm A – Thường Niên 

Bài đọc: Isa 49:14-15; 1 Cor 4:1-5; Mt 6:24-34.

1/ Bài đọc I: 14 Xi-on từng nói: “ĐỨC CHÚA đã bỏ tôi,
Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!”

15 Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,
hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.

2/ Bài đọc II: 1 Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Ki-tô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

2 Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành.

3 Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình.

4 Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa.

5 Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.

3/ Phúc Âm: 24 “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.

25 “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?

26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?

27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?

28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi;

29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.

30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!

31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?

32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.

33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.

34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

Trong cuộc đời, chúng ta nhận thấy có ba hạng người rõ rệt: hạng người chỉ tin tưởng nơi mình, hạng người chỉ tin tưởng nơi người khác, và hạng người vừa tin tưởng nơi mình vừa tin tưởng nơi người khác. Hạng người chỉ tin tưởng nơi sự khôn ngoan của mình nghi ngờ tất cả mọi người, cho dù là Thiên Chúa. Họ nghĩ phải làm sao dùng sự khôn ngoan của họ để lo lắng, sắp xếp, và kiểm soát mọi sự. Hạng người chỉ tin tưởng nơi người khác vì họ chưa có khôn ngoan đủ để phán đoán, nên dễ bị người khác đánh lừa. Hạng người quân bình nhất là những người vừa tin tưởng nơi khả năng của mình, vừa nhận ra có những điều vượt quá khả năng của mình nên phải biết tin tưởng nơi người khác.

Các bài đọc hôm nay dạy con người vừa phải biết tự tin nơi mình vừa phải biết tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah muốn con người phải tin tưởng nơi tình yêu Thiên Chúa, vì Ngài là Người duy nhất không bao giờ phản bội và bỏ rơi con người. Trong bài đọc II, thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu phải biết tin tưởng nơi Thiên Chúa và tự tin nơi mình; đừng để ý đến những lời dèm pha hay phán đoán để rồi xao lãng bổn phận mà Thiên Chúa trao phó. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu vạch ra cho con người thấy sự vô lý của việc chỉ biết tin nơi mình, biểu lộ qua thái độ lo lắng. Ngài dạy con người hãy biết đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Cha trên trời và hãy biết dành thời gian để đi tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Cho dù mẹ có quên ngươi đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.

1.1/ Con người chạy theo những thứ thần ảo tưởng, gian dối: Trước thời Lưu Đày, dân tộc Do-thái chạy theo thờ các ngẫu tượng của Dân Ngoại, thay vì biết quí mến mối tình chân thật của Thiên Chúa. Các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến nhiều lần để cảnh tỉnh và kêu gọi họ trở về; nhưng họ không thèm nghe lời các ngôn sứ. Rốt cuộc, Thiên Chúa đành phải để cho họ rơi vào tay Dân Ngoại và bị lưu đày. Khi phải đương đầu với tủi nhục và đau khổ trên đất khách quê người, họ lại kêu trách Thiên Chúa như lời ngôn sứ Isaia tường thuật: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!”

1.2/ Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Ngài: Thiên Chúa luôn trung thành với tình yêu Ngài dành cho con người, Ngài không bao giờ phản bội con người. Thế tại sao Thiên Chúa lại để cho Israel bị dày xéo bởi tay quân địch? Các ngôn sứ đều cho họ biết rõ lý do của việc sửa phạt là vì yêu thương: Nếu Thiên Chúa không ra tay sửa phạt, Ngài sẽ mất họ vĩnh viễn. Ngài phải sửa phạt với hy vọng khi phải đương đầu với đau khổ, họ sẽ nhận ra tội bất trung của họ và ăn năn quay về với tình yêu đích thực. Khi hồi tâm, họ sẽ nhìn thấy tình yêu Thiên Chúa dành cho họ qua việc gởi các ngôn sứ đến cảnh cáo và khích lệ họ đừng tuyệt vọng. Lời của ngôn sứ Isaiah trong trình thuật hôm nay ví tình yêu của Thiên Chúa như tình mẫu tử: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” Thiên Chúa không vui mừng khi thấy dân Ngài chịu đau khổ, và Ngài luôn tìm mọi cơ hội để đưa họ trở về.

2/ Bài đọc II: Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.

2.1/ Sống trung thành với ơn gọi của mình: Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ của mình: Tôi tớ không trọng hơn chủ, nếu họ đã truy tố Thầy, họ cũng sẽ truy tố anh em. Thánh Phaolô chắc chắn cảm thấy rõ điều này, vì mỗi khi ngài vừa thành công trong việc rao giảng và thiết lập một giáo đoàn; thì có những người theo sau quấy phá và vu khống cho ngài đủ điều, nào là: Phaolô không phải là tông đồ, hay ông không khôn ngoan, hay ông nói năng không theo kiểu hùng biện… Phaolô chẳng những không buồn vì những lời dèm pha, ông còn lợi dụng những lời dèm pha để làm sáng tỏ đức tin. Phaolô viết: “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành.” Đối với Phaolô, ông chỉ là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa, mà bổn phận của người quản lý không gì khác hơn là trung thành rao giảng Tin Mừng mà ngài đã nhận được từ Đức Kitô. Đức tin mà các tín hữu có được là do sự tác động của Thánh Thần, chứ không phải do tài khéo của ông. Phaolô trung thành với sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong suốt cuộc đời, ông không để tâm chú ý vào bất kỳ điều gì khác, đêm ngày chỉ miệt mài suy nghĩ để rao giảng những lời chân lý sao cho con người nhận ra sự thật và trở về với Thiên Chúa.

2.2/ Phaolô tin tưởng nơi sự phán xét công minh của Thiên Chúa:. Dù bị đối phương nói xấu và dèm pha đủ điều, thánh Phaolô rất tự tin nơi mình và nơi Thiên Chúa. Ông viết: “Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình.” Ngài chỉ sợ một Đấng có thẩm quyền xét xử là Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngài không dám nhận là mình vô tội; nhưng chỉ biết cố gắng trung thành làm mọi sự Đức Kitô đã trao, phần còn lại, ngài phó thác cho tình yêu Thiên Chúa.

Phaolô khuyên các tín hữu biết khôn ngoan để đừng xét xử tha nhân trước kỳ hạn, vì 3 lý do: thứ nhất, đó không phải là công việc của con người; thứ hai, con người không có đủ chứng cớ để xét xử; thứ ba, thời hạn để xét xử chưa đến. Vì thế, chúng ta cũng đừng xét xử ai để khỏi bị Thiên Chúa xét xử.

3/ Phúc Âm: Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.

3.1/ Lo lắng sự đời làm con người xao lãng trách nhiệm Thiên Chúa trao: Chúng ta có thể nhận ra sự thật này qua kinh nghiệm của cuộc sống. Một người mục tử lo lắng sự đời, ông sẽ không có thời giờ để tâm dạy dỗ, chăn dắt, và bảo vệ đoàn chiên Thiên Chúa đã trao phó. Cha mẹ ích kỷ chỉ biết lo cho mình sẽ không còn thời giờ để dạy dỗ, chăm sóc, và bảo vệ phần hồn cũng như phần xác của con cái. Người tín hữu chỉ biết quan tâm đến việc thỏa mãn những nhu cầu của xác thịt, sẽ không thể chu toàn bổn phận Đức Kitô trao là làm sao cho Tin Mừng được loan báo đến hết mọi người.

Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu buộc các môn đệ phải lựa chọn: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” Nếu con người yêu thương Thiên Chúa, họ sẽ tìm mọi cách để làm đẹp lòng Ngài; nhưng nếu con người yêu thương chính mình hay những sự trong thế gian, họ sẽ miệt mài chạy theo những lôi cuốn của thế gian để thỏa mãn bản thân. Làm sao họ còn sức lực và thời gian để hoàn thành những gì Thiên Chúa muốn?

3.2/ Lo lắng vô ích: Chúa Giêsu tiếp tục dạy: “Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” Nhiều người sẽ cãi lại: Biết như vậy, nhưng không lo cho có của ăn làm sao sống? Nếu không lo cho có áo mặc thân thể sẽ chết vì lạnh giá?

Chắc chắn Chúa Giêsu không khuyên chúng ta cứ việc lười biếng mà vẫn có ăn, vì sau khi nguyên tổ phạm tội trong Vườn Địa Đàng, Thiên Chúa đã phạt con người phải làm lụng vất vả mới có ăn; nhưng chúng ta cần phân biệt hai điều:

1) Thiên Chúa vẫn là người ban tặng: Con người có thể làm việc vất vả khổ cực mà vẫn không có ăn, nếu Thiên Chúa không quan phòng cho thời tiết thuận hòa. Tác giả của Thánh Vịnh 127 hiểu rõ điều này, nên đã thốt lên: “Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Psa 127:2).

Chúa Giêsu dẫn chứng hai ví dụ về sự quan phòng của Thiên Chúa cho các tạo vật: (1) “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?” (2) “Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Solomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.”

(2) Con người chỉ là người nhận lãnh: Nếu Thiên Chúa không ban, con người có lo lắng cũng chẳng làm thêm ra được gì. Chúa Giêsu thách thức các môn đệ: “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?”

Vì thế, thái độ thích hợp là con người vẫn phải làm và phải tin tưởng nơi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Ngài biết con người cần tất cả những thứ đó để sinh sống và sẽ ban như con người cần.

3.3/ Biết dành giờ cho Thiên Chúa, cho mình, và cho tha nhân: Sau khi đã làm việc để sinh sống, Chúa Giêsu muốn các môn đệ chú tâm vào những điều có lợi ích cho họ hơn, Ngài phán: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” Làm sao gọi là dành thời giờ và sức lực cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người? Chúng ta biết con người không thể tự mình nên công chính, nhưng phải tin và nhờ công nghiệp của Đức Kitô. Một số những điều căn bản con người phải làm trong việc đi tìm Nước Thiên Chúa: (1) Chúng ta phải dành giờ để học biết về Chúa và về sự thật qua Kinh Thánh; (2) chúng ta phải dành giờ cho việc cầu nguyện và đào sâu niềm tin và mối quan hệ với Thiên Chúa; sau cùng, (3) chúng ta phải dành giờ để dạy dỗ con cái và mọi người, sao cho họ biết về Thiên Chúa qua việc rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta cần xác tín mỗi ngày: Không ai yêu thương chúng ta bằng Thiên Chúa trong cuộc đời; vì thế, chúng ta đừng dại dột hy sinh tình yêu Thiên Chúa cho bất cứ tình yêu nào trên thế gian.

– Chúng ta đừng bị phân tâm hay bị chia trí vào những chuyện thế gian, nhưng hãy biết dành trọn vẹn thời giờ để chu toàn ơn gọi Thiên Chúa trao, sao cho hoàn thành mọi sự.

– Sau khi đã cố gắng chu toàn những bổn phận Thiên Chúa trao, chúng ta đừng lo lắng gì nữa, nhưng hãy tin tưởng hoàn toàn nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

Skip to content