Chủ Nhật VII – Năm A – Phục Sinh

Chủ Nhật VII – Năm A – Phục Sinh

sheep and wolf

Bài đọc:Acts 1:12-14; 1 Pet 4:13-16; Jn 17:1-11a.

 

1/ Bài đọc I:12 Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát.

13 Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê.

14 Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

 

2/ Bài đọc II:13 Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.

14 Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.

15 Đừng có ai trong anh em phải chịu khổ vì tội giết người, trộm cắp, làm điều gian ác hoặc dây mình vào việc người khác;

16 mà nếu có ai phải chịu khổ vì danh hiệu Ki-tô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì được mang danh hiệu đó.

 

3/ Phúc Âm:1 Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha.

2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người.

3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.

4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm.

5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.

6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha.

7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha,

8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.

9 Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.

10 Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ.

11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.



GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải làm gì để giữ vững đức tin?

            Đức tin là bảo vật quí giá mà Thiên Chúa đã phú bẩm vào trong linh hồn của con người. Nó còn tiềm năng giúp con người đạt tới đích điểm sau cùng là Nước Trời; nhưng đức tin cũng có thể lung lay hay bị tiêu diệt, nếu con người không chịu thực hành những điều Chúa dạy để giữ vững đức tin hay có thể đứng vững trước biết bao sóng gió của cuộc đời.

            Các bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những phương tiện Thiên Chúa dạy để giữ vững đức tin và sẵn sàng làm chứng đức tin của mình cho mọi người. Trong bài đọc I, tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ dạy chúng ta hai điều cần làm: Thứ nhất, phải sống chung để có thể nâng đỡ đức tin của nhau; người sống một mình dễ bị tiêu diệt. Thứ hai, phải cầu nguyện luôn để có thể tìm ra ý Chúa và múc nguồn sức mạnh từ Chúa. Trong bài đọc II, tác giả Thư I của thánh Phêrô khuyên chúng ta phải kiên trì vác thánh giá hàng ngày để theo Chúa. Đau khổ không thể thiếu trên bước đường theo chân Chúa; nhưng chúng ta đừng để ý đến đau khổ, hãy chú trọng vào vinh quang mà chúng ta được hưởng sau này khi chúng ta hoàn tất cuộc đời này. Trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu biết trườc những gì sẽ xảy ra cho Ngài sau khi Ngài bị cất đi khỏi các ông: Họ sẽ như đàn chiên không người chăn: sẽ sợ hãi, sẽ thất vọng, sẽ bị tản mác… Vì thế, Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha thánh hiến các ông trong sự thật, ban mọi ơn lành và gìn giữ ông khỏi mọi nguy hiểm của thế gian khi phải đương đầu với đau khổ mà vẫn giữ vững đức tin.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Hai điều cần làm để khỏi bị sa ngã:

 

1.1/ Các tông đồ ở chung để hiệp nhất và dễ dàng nâng đỡ tinh thần cho nhau: Chúa Giêsu biết rõ tình cảnh của các tông đồ khi thiếu vắng sự hiện diện của Ngài khi Ngài nhắc nhở các ông lời tiên tri Zec 13:7: “Ta sẽ đánh chủ chiên và đàn chiên sẽ tan tác.” Để khỏi bị tan tác, các tông đồ giờ đây cần sống chung để nâng đỡ tinh thần cho nhau. Các ông không thiếu sự hiện diện của Chúa Giêsu vì Ngài đã hứa với các ông: “Ở đâu có hai hay ba người họp lại vì danh Ta, ở đó có ta hiện diện ở giữa họ” (Mt 18:20). Hơn nữa, Chúa cũng biết ngày ngài sẽ không còn hiện diện với các ông cách hữu hình nên đã cắt đặt Phêrô là người lãnh đạo thay thế cho ngài để hướng dẫn các tông đồ và toàn thể Giáo Hội (Mt 16:18-19). Thánh Phêrô có bổn phận nâng đỡ đức tin cho anh em ông sau khi đã chối Chúa ba lần và được Chúa giúp cho trở lại.

 

1.2/ Các tông đồ chuyên cần cầu nguyện cùng với Đức Trinh Nữ Maria và các tín hữu khác: Trước cuộc thương khó, Chúa Giêsu luôn nhắn nhủ các tông đồ: “Anh em hãy cầu nguyện luôn để khỏi bị sa ngã và có thể đứng vững trước mặt Con Người” vì Ngài biết rõ: “Tâm thần thì mau mắn, nhưng xác thịt lại nặng nề.” Chính Ngài đã cầu nguyện luôn, nhất là trước những biến cố quan trọng trong cuộc đời như: trước khi bị quỉ cám dỗ, trước khi bắt đầu sứ vụ công khai giảng dạy, trong vườn Cây Dầu trước khi bắt đầu cuộc Thương Khó. Trong khi Ngài tìm sức mạnh nơi việc kết hợp với Chúa Cha qua việc cầu nguyện thì ba lần Ngài trở lại tìm sự yên ủi nơi các tông đồ thì ba lần các ông đều ngủ cả. Giờ đây, các ông cần tìm sức mạnh nơi Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, vì các ông biết đã đến giờ các ông cần phải ra đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Đức Kitô trước bao nhiêu những khó khăn đang chờ: sự đe dọa và chống đối của những người Do Thái, nhà cầm quyền Rô-ma… Các ông nhớ lời Chúa Giêsu đã báo trước: “Tôi tớ không trọng hơn chủ; nếu họ đã đối xử với Thầy như thế, họ cũng đối xử với các con như vậy.”

 

2/ Bài đọc II:Chúng ta cần phân biệt hai loại đau khổ khác nhau:

 

2.1/ Đau khổ vì được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô: Người môn đệ muốn theo gương Đức Kitô cần phải nhớ những điều kiện mà Ngài đòi hỏi: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình hàng ngày và theo Ta” (Mt 16:24). Từ bỏ chính mình không phải là điều dễ dàng, vì Chúa đòi chúng ta phải từ bỏ ý riêng của chúng ta để làm theo ý Thiên Chúa. Ví dụ: phải bán hết những gì chúng ta có và phân phát cho người nghèo để theo Chúa như Chúa đòi người thanh niên muốn trở nên trọn lành (Mt 19:21); hay khi Chúa đòi phải bỏ cha mẹ, ruộng nương… để đi làm vườn nho cho Ngài.

Đau khổ có thể đến từ việc bị con người từ chối và bắt bớ khi người môn đệ rao giảng Tin Mừng, hay bị hiểu lầm và đấu tố khi làm những việc tốt lành cho tha nhân. Chúa Giêsu và thánh Phêrô hiểu rõ những điều này vì chính bản thân của các Ngài đã từng bị như vậy, nên các ngài khuyên chúng ta: “Nếu chúng ta chung phần đau khổ với Đức Kitô thì cũng được chung phần vinh quang phục sinh với Ngài trên thiên đàng.”

 

2.2/ Đau khổ vì làm những điều xấu xa, gian ác: là chuyện tự nhiên phải đến. Ví dụ: khi một người lái xe trong khi say rượu và gây ra tử thương cho người khác, thì chuyện tù đày và treo bắng lái người ấy phải chịu là hậu quả do việc say xưa. Hay khi một học sinh không được ra trường vì lười biếng không chịu học hành.

Tác giả cũng đề cập đến chuyện đau khổ do việc “liên quan đến chuyện của người khác.” Chuyện của người khác đây có thể hiểu là “không phải chuyện liên quan đến chúng ta, không cần chúng ta phải dây vào.” Một ví dụ có thể làm sáng tỏ điều này: chẳng hạn việc nói hành hay đưa điều đặt chuyện. Nếu vì làm việc này mà chúng ta bị đối chất hay đưa ra tòa thì đau khổ phải chịu là hậu quả của việc lỗi đức công bằng mà chúng ta phải trả lại cho người mà chúng ta đã gây ra.

 

3/ Phúc Âm:Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ trước Cuộc Thương Khó.

 

3.1/ Chúa Giêsu kiểm điểm Kế Hoạch Cứu Độ mà Chúa Cha đã trao cho Ngài để hoàn thành: Như một nhà lãnh đạo khôn ngoan luôn làm chủ tình thế, Chúa Giêsu ngồi kiểm điểm những gì đã, đang và sẽ xảy ra.

            (1) Nhìn về tương lai sắp tới: Cuộc Thương Khó gần kề, nhưng Chúa Giêsu biết lúc Ngài bị treo trên Thập Giá là lúc Kế Họach Cứu Độ được hoàn thành, nên Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha.”

            (2) Mục đích của Kế-hoạch là để mang lại ơn cứu độ cho con người: “Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô.” Biết Cha và biết Con là điều kiện để đạt được cuộc sống đời đời. Động từ “biết” theo Do-thái không chỉ lý thuyết, nhưng phải thực thi những gì Thiên Chúa đòi hỏi.

            (3) Nhìn về quá khứ: Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ biết Thiên Chúa và tin vào Ngài được Chúa Cha sai đến: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.”

            Chúa Giêsu biết Ngài đã hoàn tất bổn phận mặc khải và dạy dỗ các môn đệ. Giờ đây, Ngài phải vượt qua gian khổ cuối cùng để hoàn tất Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, là chấp nhận con đường Tử Nạn và chịu treo trên Thập Giá.

 

3.2/ Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.” Các môn đệ là quà tặng của Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu là quà tặng của Chúa Cha ban cho con người. Con người là sở hữu chung của cả Chúa Cha và Chúa Giêsu.

            Giống như học trò thành công làm thầy dạy được nở mặt nở mày, hay bệnh nhân được chữa khỏi làm vinh danh bác sĩ, con người là lý do Chúa Giêsu được tôn vinh: Vì con người, Chúa Giêsu có cơ hội vâng lời Chúa Cha và chinh phục con người về cho Chúa Cha.

            Khi còn sống trong thế gian, Chúa Giêsu đã bảo vệ những kẻ Chúa Cha ban cho Ngài. Giờ đây, Ngài phải từ giã họ, nên cầu xin với Chúa Cha để Ngài bảo vệ họ khỏi mọi nguy hiểm của thế gian: “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.”

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            Đức tin là điều kiện để chúng ta được thừa hưởng Nước Trời. Thiên Chúa đã ban đức tin cho chúng ta khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Chúng ta cần làm mọi cách để làm cho đức tin ấy được tăng trưởng và giữ vững nó cho đến ngày chúng ta từ giã thế gian này.

            Để có thể giữ vững đức tin, chúng ta cần sống thành gia đình và cộng đoàn để nhắc nhở và nâng đỡ đức tin cho nhau. Chúng ta cũng phải siêng năng cầu nguyện và kết hiệp luôn với Đức Mẹ để có thể lãnh nhận những nguồn sức mạnh để đương đầu với mọi đau khổ đến từ thế gian.

            Chúa Giêsu không bỏ rơi chúng ta khi Ngài về trời. Ngài vẫn hằng cầu nguyện cho chúng ta trước tòa Chúa; nhất là đã cùng với Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần để giúp chúng ta chiến đấu thắng vượt mọi nguy hiểm trong thế gian này.

Skip to content