Lập Tông Tòa Thánh Phêrô

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Lập Tông Tòa Thánh Phêrô – Ngày 22 tháng 2

 

Bài đọc: 1 Pet 5:1-4; Mt 16:13-19.

1/ Bài đọc I: 1 Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai.

2 Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.

3 Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.

4 Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.

2/ Phúc Âm: 13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”

14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”

15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”

17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.

18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.

19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”                                              


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Quyền bính của Phêrô và cách lãnh đạo trong Giáo Hội

            Nhiều người chúng ta không hiểu đúng về quyền bính, cách tổ chức và cách điều hành trong Giáo Hội, nên khi phải đương đầu với các vấn nạn xảy ra, chúng ta có khuynh hướng phê bình, chỉ trích, và loại bỏ quyền bính của Giáo Hội. Nhiều người chủ trương chỉ cần yêu thương, hòa đồng và lắng nghe mọi người là giải quyết được mọi vấn đề. Đây là quan niệm không khôn ngoan, vì nếu mọi người đều bình đẳng, ai là người bảo vệ sự thật và thi hành thánh ý của Thiên Chúa?

            Các bài đọc hôm nay cho chúng ta cái nhìn sâu xa về quyền bính và cách điều hành trong Giáo Hội. Trong bài đọc I, Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi khuyên các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội không được lãnh đạo như những nhà lãnh đạo dân sự; nhưng phải lãnh đạo bằng tình yêu và gương sáng. Phần thưởng của những nhà lãnh đạo Công Giáo không nhận được ở đời này; nhưng sẽ được đền bù xứng đáng ở đời sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đặt Phêrô là nhà lãnh đạo tiên khởi và trên hết của Hội Thánh mà Ngài thiết lập. Ngài cũng hứa trước tất cả những gì ông cầm buộc hay tháo cởi, trên trời cũng ban hành như vậy. Quyền lực của hỏa ngục cũng không thắng vượt được quyền bính của Đức Giáo Hoàng. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em.

1.1/ Cách cai trị trong Giáo Hội: Để hiểu được cách cai trị theo đường lối của Thiên Chúa, ngay cả các Tông-đồ cũng cần phải được dạy dỗ bởi chính Chúa Giêsu. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần sửa sai quan niệm của các ông về quyền bính và cách cai trị, vì các ông luôn suy nghĩ theo cách thức của người đời. Các ông muốn có quyền bính lớn nhất để được người khác biết đến, để được hưởng lợi nhuận, và để ra lệnh cho mọi người. Chúa Giêsu không cho quyền bính là không quan trọng, nhưng Ngài dạy các ông cách thức xử dụng quyền bính hoàn toàn đi ngược lại với những gì của thế gian. Phêrô đã thấm nhuần đường lối của Chúa Giêsu, nên ông khuyên những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội như sau: “Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai.” Hai điều quan trọng của cách lãnh đạo theo Đức Kitô:

            (1) Lãnh đạo bằng tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân: “Hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn; không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.” Nhà lãnh đạo Công-giáo làm tất cả vì tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa, và vì yêu Thiên Chúa, họ cũng yêu mọi người, và họ coi tất cả là anh, chị, em. Lãnh đạo vì tình yêu khác xa với lãnh đạo vì lợi lộc.

                  (2) Lãnh đạo bằng gương sáng: “Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” Nhà lãnh đạo thế gian thực hành quyền bằng cách ra lệnh, nhà lãnh đạo Công-giáo thực hành quyền bằng cách chính mình làm những việc thấp hèn nhất để nêu gương sáng cho đoàn chiên noi theo.

1.2/ Quyền lợi được hưởng ở đời sau: Nhà lãnh đạo dân sự chú trọng đến những quyền lợi hư nát và chóng qua họ sẽ được hưởng ở đời này; nhà lãnh đạo Công-giáo chú trọng đến phần thưởng vĩnh cửu Thiên Chúa sẽ ban ở đời sau. Thánh Phêrô xác nhận: “Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.”

2/ Phúc Âm: Quyền điều khiển Giáo Hội được trao cho Phêrô.

           

2.1/ Hai cách nhìn khác nhau: Cách nhìn của người thường và cách nhìn của các môn đệ về “Con Người của Chúa Giêsu.” Cuộc đối thọai giữa Chúa Giêsu và các môn đệ dẫn chứng hai cách nhìn này: Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elijah, có người lại cho là ông Jeremiah hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Phêrô là người đầu tiên nhận ra và tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa vì ông không nhìn theo dáng vẻ bên ngoài như các người đương thời, nhưng ông nhìn tận bên trong theo mặc khải của Thiên Chúa. Cũng vậy, khi người Công-giáo nhìn vào Đức Giáo Hoàng và cấu trúc của Giáo-hội, chúng ta không nhìn ngài như một người lãnh đạo dân sự và cấu trúc đó như bao cấu trúc khác; nhưng ngài là đại diện của Thiên Chúa và cấu trúc của Giáo Hội là cấu trúc được Thiên Chúa soi sáng.

           

2.2/ Trên Đá Tảng này Thầy sẽ xây Giáo Hội: Các nhà chú giải tranh luận “Ai là Đá Tảng trong câu này?” Đối với người Do-Thái: Đá Tảng chỉ áp dụng cho Thiên Chúa mà thôi (Ps 18:2, 31; Dt 32:4, 31; I Sam 2:2, II Sam 22:2). Thánh Augustin đồng ý lập luận này. Người khác cho rằng “Đá Tảng” là “Sự Thật,” Phêrô là người đầu tiên khám phá và tuyên xưng Sự Thật này. Người khác cho “Đá Tảng” là chính niềm tin của Phêrô vào Chúa, và chính niềm tin này mà “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” Mỗi câu trả lời đều cho chúng ta một lối nhìn về Phêrô: Ông là người được chọn bởi Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa là Đá Tảng, người cũng sẽ làm cho ông thành Đá Tảng mà trên đó Giáo Hội được xây dựng. Đá Tảng cũng là Sự Thật và niềm tin của Phêrô vào Chúa mà không một quyền lực nào có thể lấn át được.

           

2.3/ Tranh luận về quyền bính của Thánh Phêrô và các Đức Giáo Hoàng kế vị ngài: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Không biết bao nhiêu giáo hội và con người qua các thời đại đã tranh luận về câu Phúc Âm này và quyền bính tuyệt đối của Đức Giáo Hòang. Nhiều người đã công nhận đây là lý do chính ngăn cản các giáo hội trong sự hiệp nhất chứ không phải khác biệt về đạo lý. Nhiều giáo hội sợ một khi đã đồng ý trở về với Giáo Hội là họ phải phục tùng quyền bính của Đức Giáo Hoàng.

            * Tranh luận về ơn “không thể sai lầm” khi tuyên xưng trọng thể những tín điều thuộc lãnh vực đức tin và luân lý. Công đồng Vatican II, trong Hiến-chế “Ecclesiae Christi,” chương iv, đã xác định như sau: “Chúng tôi truyền dạy và xác định đó là một tín điều do Thiên Chúa mặc khải khi Đức Giáo Hòang tuyên xưng ex cathedra, nghĩa là khi ngài dùng chức năng mục tử và thầy dạy của tất cả các Kitô hữu, bởi quyền tối thượng kế vị các Tông Đồ của ngài, khi ngài định nghĩa là một tín điều liên quan đến đức tin hay luân lý phải được chấp thuận bởi Giáo Hội phổ quát, vì sự trợ giúp từ Thiên Chúa đã được hứa cho ngài qua Thánh Phêrô, vì được sở hữu của ơn không thể sai lầm mà Đấng Cứu Chuộc đã mong muốn Giáo Hội của Ngài được trang bị trong việc định nghĩa là tín điều những gì thuộc đức tin và luân lý, và vì thế, những định nghĩa như thế bởi Đức Giáo Hòang và không bởi sự đồng ý của Gíao Hội không thể sửa đổi.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Nhiều người đã phủ nhận quyền bính và “ơn không thể sai lầm” của Đức Giáo Hoàng trong câu Phúc Âm này, nhưng một bằng chứng mà họ không phủ nhận được là quyền bính của Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội vẫn tồn tại hơn 2000 năm qua. Hai bằng chứng hùng hồn cho thấy đâu là sự phiên dịch đúng của Phúc Âm hôm nay.

Skip to content