Mồng 2 Tết Nguyên Đán

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Mồng 2 Tết Nguyên Đán

Thanh you

Bài đọc: Sir 44:1, 10-15; Eph 6:1-4, 18-23; Mt 15:1-6.

1/ Bài đọc I: 1 Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,
cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ. 10 Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
11 Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu
đó là lũ cháu đàn con.
12 Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước;
nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.
13 Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại,
vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.
14 Các ngài được mồ yên mả đẹp
và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.
15 Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài
và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.

2/ Bài đọc II: 1 Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa:3 để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. 18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh.19 Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng;20 tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.
21 Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì.22 Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em. 23 Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.

3/ Phúc Âm: 1 Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng:2 “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? “3 Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?4 Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.5 Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi,6 thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Kính nhớ tổ tiên, ông bà và cha mẹ

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: Ngày đầu năm hôm qua, chúng ta dành đặc biệt để cám ơn Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta nhiều hồng ân nhất trong cuộc đời. Ngày mồng hai tết hôm nay, chúng ta dành để cám ơn những người đã góp công góp sức xây dựng nên cuộc đời chúng ta nhiều thứ hai: đó là cha mẹ, ông bà và tổ tiên chúng ta. Như là một định luật công bằng nền tảng, đã nhận ơn thì phải biết ơn và trả ơn; hay ít nhất cũng biết nói lên lời cám ơn.

           Các bài đọc hôm nay xoay quanh trục phải biết ơn những người đi trước; nhất là giới răn phải thảo hiếu cha mẹ. Trong bài đọc I, tác giả sách Huấn Ca trải rộng sự biết ơn đến các thế hệ cha ông của chúng ta. Mỗi người đi trước, cách này hay cách khác, đã để lại cho chúng ta những điều quí giá và danh thơm đức hạnh trong cuộc đời. Bổn phận của con cháu sau khi đã được thừa hưởng gia tài là phải tiếp tục khai triển kho tàng quí giá đó để sinh ích cho mình và tiếp tục truyền lại cho thế hệ mai sau. Trong bài đọc II, thánh Phaolô không những chú trọng đặc biệt đến việc sống mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái; Ngài cũng mở rộng sự biết ơn và cầu nguyện đến những người đã loan truyền và nâng đỡ đức tin của mình. Trong Phúc Âm, khi các kinh sư và Pharisees phê bình các môn đệ của Ngài vi phạm truyền thống của tổ tiên là không chịu rửa tay trước khi dùng bữa; Chúa Giêsu vạch ra sự giả hình của họ khi Ngài tố cáo họ dùng truyền thống của tổ tiên để vi phạm giới răn thứ tư của Thiên Chúa là phải thảo kính cha mẹ.

1/ Bài đọc I: Chúng ta hãy tiếp tục làm vinh danh thế hệ cha ông của chúng ta.

           

1.1/ Những gia sản quí báu của cha ông để lại cho con cháu: Nếu chúng ta chịu khó ngồi xuống xét xem tất cả những gì chúng ta đang có hiện nay, chúng ta sẽ nhận ra biết bao công ơn của các thế hệ đi trước để lại. Ví dụ:

            – Trong lãnh vực đức tin, phải nhờ công ơn của các nhà truyền giáo: các hy sinh và ngay cả máu đào của họ đổ ra để làm chứng cho đức tin mà chúng ta mới có những hạt giống đức tin gieo vào trên quê hương chúng ta. Hạt giống đức tin này được nuôi dưỡng và tăng trưởng bởi các tổ tiên, ông bà, cha mẹ và tới chúng ta như hôm nay. Sở dĩ chúng ta có được một đức tin mạnh mẽ như hôm nay là do công sức của biết bao người góp phần vào, chứ không phải chỉ một sáng một chiều mà chúng ta có được.

            – Trong lãnh vực tri thức: biết bao nhiêu người đã vất vả cả đời để lại những công trình nghiên cứu hay dịch thuật mà giờ đây chúng ta đang xử dụng kết quả của họ trong đời sống.

            – Trong lãnh vực giáo dục: Biết bao thầy cô, từ lớp mẫu giáo cho đến giờ; nhất là cha mẹ đã hy sinh rất nhiều thời gian và công sức để chúng ta có được kiến thức và những đức tính tốt như chúng ta đang có…

1.2/ Bổn phận phải truyền lại cho thế hệ tương lai: Đã nhận vào phải rộng lượng cho đi.

            Đã nhận ơn là phải biết ơn và làm ơn. Làm sao chúng ta trả lại ơn đã nhận cho các thế hệ đi trước?

            (1) Là người Công Giáo, chúng ta tin linh hồn bất tử. Vì thế, chúng ta dành ngày mồng hai tết để cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên và các ân nhân đi trước chúng ta. Nếu các ngài còn đang phải đền tội trong chốn luyện hình, chúng ta xin Thiên Chúa giải thoát cho các ngài sớm được hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa. Nếu các ngài đã được hưởng phúc vinh quang, lời cầu nguyện của chúng ta cũng không vô ích; vì chúng ta tin Hội Thánh cùng thông công: Thiên Chúa sẽ dùng lời cầu nguyện của chúng ta dâng cho các ngài để ban cho linh hồn nào đang cần được hưởng. Khi họ đã được hưởng vinh quang, họ cũng sẽ không quên cầu nguyện cho chúng ta đang phải chiến đấu trong cuộc lữ hành trần thế này.

            (2) Tiếp tục thi ơn cho thế hệ con cháu chúng ta: Mỗi thế hệ là một gạch nối giữa thế hệ đi trước và thế hệ đi sau. Để có sự liên tục giữa các thế hệ, chúng ta cần chu toàn bổn phận của mình, vì chỉ cần một sự cách quãng giữa hai thế hệ thôi là thế hệ sau phải chịu rất nhiều thiệt thòi về nhân bản cũng như về đức tin.

            Một ví dụ để dẫn chứng điều này: Đức tin là món quà quí giá Thiên Chúa ban cho con người và các thế hệ đã cố gắng loan truyền đức tin này cho đến tận cùng trái đất. Khi chúng ta đã có đức tin rồi, chúng ta phải rao truyền đức tin cho con cháu và những vùng chưa có hạt giống đức tin. Nhưng nếu chúng ta quá bận rộn để làm việc kiếm tiền mà quên đi bổn phận rao giảng Tin Mừng đến nỗi con cháu chúng ta mất đức tin và Tin Mừng không lan ra tới những người chưa biết Thiên Chúa, chúng ta làm ô danh những người đã rao giảng Tin Mừng, tổ tiên, ông bà và cha mẹ chúng ta.

2/ Bài đọc II: Bổn phận của mỗi giáo dân trong việc rao giảng Tin Mừng.

2.1/ Phải sống mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái trong việc giáo dục đức tin và nhân bản:

            (1) Bổn phận của con cái: phải vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Tác giả Thư Ephêsô còn nhấn mạnh: “Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.” Đây có lẽ là giới răn khó giữ cho thời đại chúng ta vì xã hội quá đề cao nhân quyền của con cái; nhưng đây là giao ước của Thiên Chúa với con người và chỉ Thiên Chúa khôn ngoan mới biết những gì cần cho con cái. Nếu con cái không vâng lời cha mẹ là những người sống gần gũi và thường xuyên với họ nhất, hỏi ai là người có thể thay cha mẹ để giáo dục cho họ nên người.

            (2) Bổn phận của cha mẹ: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

            Mối liên hệ nào cũng đòi phải có hai chiều. Trong mối liên hệ giữa vợ chồng, thánh Phaolô đã khuyên: “21 Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau.22 Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa,23 vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người.24 Và như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. 25 Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh;26 như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống,27 để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền.28 Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình” (Eph 5:21-28).

            Để biết giáo dục con cái cách hiệu quả, cha mẹ cần phải học biết sự thật và cách thức làm sao để đạt được hiệu quả mong ước cho con cái; vì nếu mù dẫn mù thì cả hai cùng xuống hố. Thánh Phaolô nhấn mạnh: cha mẹ hãy giáo dục con cái thay cho Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. Không phải chỉ khuyên răn để con cái nhận ra sự thật; nhưng còn biết sửa dạy khi chúng lầm lỗi nữa.

2.2/ Phải biết ơn và cầu nguyện cho những người đang rao giảng Tin Mừng.

            Trong lãnh vực đức tin, ngoài sự cộng tác của cha mẹ, còn cần đến sự giáo dục của những nhà rao giảng Tin Mừng. Họ là những người được Thiên Chúa và Giáo Hội chọn lựa để rao giảng Tin Mừng cho cha mẹ và cộng tác với cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái của họ. Nhiều lần thánh Phaolô đã so sánh mối liên hệ giữa ngài với các tín hữu như người cha tinh thần cưu mang các tín hữu trong đức tin. Vì thế, các tín hữu có bổn phận cầu nguyện cho Giáo Hội và những người chuyên chăm rao giảng Tin Mừng để họ có thể chu toàn bổn phận Thiên Chúa đã trao cho các ngài.

3/ Phúc Âm: Không được dùng truyền thống con người để vi phạm giới răn Thiên Chúa.

3.1/ Cần phân biệt ba loại luật: Thánh Thomas Aquinas giúp chúng ta nguyên lý để dễ hiểu lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay. Ngài nói: chúng ta cần phân biệt ba loại luật:

            (1) Luật Thiên Chúa: Vì đây là luật đến từ Thiên Chúa nên sẽ không bao giờ thay đổi cả. Giới răn thứ tư phải thảo kính cha mẹ là một trong Mười Điều Răn do Thiên Chúa thiết lập và đã trao cho con người qua trung gian ca Moses trên núi Sinai. Giới răn này không bao giờ thay đổi; con người phải tuân giữ nó mọi nơi mọi thời.

            (2) Luật tự nhiên (natual law): Luật này cũng do Thiên Chúa thiết lập. Một vài ví dụ về luật này như: Mặt trời mọc ở phương Đông và lặn ở phương Tây. Một sự sống mới xuất hiện khi một người nam và một người nữ giao hp với nhau. Con người phải làm lành lánh dữ. Những luật này gọi là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã thiết lập khi tạo dựng nên chúng, và chúng cũng không bao giờ thay đổi cả.

            (3) Luật hay truyền thống con người: Vì luật này do con người làm ra nên chúng có thể thay đổi như con người thay đổi vậy. Ví dụ: luật rửa tay trước khi dùng bữa hay luật Corban như Chúa Giêsu đề cập hôm nay.

            Khi có xung đột giữa các loại luật, con người phải biết vâng theo luật nào trên luật nào. Thờ kính cha mẹ là luật của Thiên Chúa trong khi luật rửa tay trước khi ăn và luật Corban là do con người làm ra. Vì thế, con người phải chọn luật của Thiên Chúa. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ phải bị xử tử.

3.2/ Các ngụy biện của con người để khỏi phải giữ giới răn thứ tư của Thiên Chúa:

            Trước tiên, chúng ta cần hiểu luật Corban để nhận ra ngụy biện của các kinh sư và biệt phái. Cách đơn giản, luật Corban là luật hễ những gì một người đã có ý dâng cho Thiên Chúa, anh không thể lấy lại những gì đã dâng cho Thiên Chúa để giúp cho con người, ngay cả cho cha mẹ của mình. Luật bề ngoài có vẻ tốt như vậy, nhưng một người có thể thay đổi ý kiến sau này để xử dụng cho mình và không dâng cho Thiên Chúa nữa. Chúa quở mắng họ vì sự giả hình của họ. Họ xử dụng luật Corban để không phải thảo hiếu giúp đỡ cha mẹ.

            Trong thực tế tại xã hội Hoa-kỳ hôm nay, con người đã dùng rất nhiều lý do để không phải săn sóc cha mẹ và cho các ngài vào viện dưỡng lão:

            (1) Vì phải đi làm suốt ngày không có thời gian để coi sóc các ngài. Khi cho các ngài vào viện dưỡng lão, các nhân viên y tế sẽ chăm sóc các ngài tốt hơn chúng ta. Chúng ta cần phân tích những nhu cầu của cha mẹ trong tuổi già là gì? Họ cần được sống gần bên con cái. Nằm trong viện dưỡng lão rất cô đơn và buồn tủi khi cả ngày hay cả tháng không thấy bóng dáng đứa con nào đến thăm. Chúng ta cũng không chắc các nhân viên y tế sẽ chăm sóc cẩn thận cha mẹ hơn chúng ta vì họ là người dưng nước lã, làm sao có thể chăm sóc cha mẹ tồt hơn chúng ta là những người có liên hệ máu mủ? Cách tốt nhất là c gng làm sao đ có được một kế hoạch chung: tận dụng tất cả các anh/chị/em và cháu chắt và chia thời gian ra săn sóc cho cha mẹ. Hơn nữa, chúng ta cũng biết giai đoạn khó khăn này chỉ tạm thời mà thôi. Một khi cha mẹ đã mất rồi, chúng ta tha hồ dùng thời gian cho cá nhân và cho gia đình chúng ta.

            (2) Cha mẹ về già thường khó chịu và lẩm cẩm làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình chúng ta: Đành rằng đây là những tính tình của tuổi già; nhưng Thiên Chúa vẫn dạy chúng ta phải gánh lấy tuổi già của cha mẹ chúng ta để đền đáp biết bao hy sinh và công sức các ngài đã làm để nuôi nấng chúng ta nên người. Chúng ta không thể vắt chanh bỏ vỏ; vì nếu chúng ta làm thế, con cháu cũng sẽ đối xử với chúng ta như thế khi chúng ta đến tuổi như họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            – Đã nhận ơn là phải biết trả ơn. Chúng ta có thể cầu nguyện và xin lễ cho tất cả những ai đã làm ơn cho chúng ta đã qua đời. Xin Thiên Chúa tha hình phạt và cho họ sớm được vui hưởng thánh nhan Thiên Chúa.

            – Cha mẹ là những người đã hy sinh cả cuộc đời để giáo dục và sửa dạy chúng ta; vì thế chúng ta cần vâng lời các ngài và săn sóc trả ơn cho các ngài khi các ngài không còn tự lo cho chính mình được nữa.

            – Thói ích kỷ của con người thường đưa ra những lý do để không giữ các giới răn của Thiên Chúa. Chúng ta cần nhớ là giới răn của Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Chúng ta cần khắc phục mọi khó khăn để tuân giữ các luật pháp của Ngài.

Skip to content