Mồng 3 Tết Nguyên Đán

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Mồng 3 Tết Nguyên Đán

sower 

Bài đọc: Gen 2:5-9, 15; Act 20:32-35; Mt 25:14-30.

1/ Bài đọc I: 5 Ngày ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai.6 Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất.7 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.8 Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. 9 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. 15 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.

2/ Bài đọc II: Khi ấy, ông Phaolô ngỏ lời cùng các kỳ mục trong cộng đoàn Êphêsô rằng: 32 “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. 33 “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham.34 Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp.35 Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.”

3/ Phúc Âm: Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn này: 14 “Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ.15 Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức,16 người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác.17 Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.18 Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.19 Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.20 Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.”21 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “22 Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.”23 Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! “24 Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.25 Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! “26 Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,27 thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ!28 Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến.29 Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi.30 Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm

            Theo truyền thống, ngày mồng ba tết là ngày chúng ta xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm trong năm mới này vì chúng ta không như những dân ngoại. Công việc của chúng ta không phải chỉ để kiếm sống cho chính mình và gia đình, nhưng còn cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài.

1/ Bài đọc 1: kể cho chúng nghe về câu chuyện sáng tạo của Thiên Chúa. Đây là trình thuật sáng tạo theo truyền thống Yahwist [vì trong trình thuật này, tên của Thiên Chúa là Yahweh]. Tác giả của trình thuật sáng tạo này vẽ lên hình ảnh một Thiên Chúa như một “thợ thủ công”: Ngài làm ra đất và trời (St 2:4b); Ngài cho mưa xuống đất (St 2:5); Ngài lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi để con người trở nên một hữu thể sống động (St 2:7); Ngài trồng một vườn cây ở Êđen và đặt con người để cày cấy và canh giữ đất đai (St 2:8,15). Vì con người được tạo dựng không chỉ bởi bụi đất, mà còn bởi sinh khí của Thiên Chúa, nên con người khác với các tạo vật khác. Chính sự cao trọng này của con người – được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa – con người được mời gọi qua công việc của mình “tiếp tục công trình sáng tạo” của Thiên Chúa.

2/ Bài đc II: Thánh Phaolô, trong bài đọc 2 kể cho chúng ta nghe về việc Ngài đã dùng chính đôi bàn tay của mình để “kiếm những gì cần thiết cho ngài và cho những người sống với ngài” (Cv 20:34). Ngài khuyến dụ chúng ta bằng chính gương sáng của mình là chúng ta phải cẩn thận về lòng ham muốn vàng bạc hay quần áo của người khác khi làm việc (Cv 20:33). Theo ngài, công việc là để kiếm những gì “cần thiết” cho cuộc sống của mình, đồng thời sử dụng những gì mình kiếm được bằng cách làm lụng vất vả, để giúp đỡ những người đau yếu (Cv 20:35). Ở đây Thánh Phaolô thêm vào một khía cạnh khác cho bản chất của công việc mà bài đọc 1 nói đến là cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu chúng ta trở về với ý định của Thiên Chúa từ thuở ban đầu, thì điều Thánh Phaolô trình bày trong bài đọc 2 chủ yếu là để giải thích cách cụ thể ý nghĩa của việc “cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.” Nói cách khác, chúng ta cộng tác vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa khi chúng ta dùng công việc của mình để kiếm những gì cần thiết cho mình và cho những người sống với mình, đồng thời để chia sẽ những gì mình kiếm được qua công việc cho những người nghèo và đau yếu. Điều quan trọng mà Thánh Phaolô đưa ra trong bài đọc 2 hôm nay đó chính là định luật: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35). Có câu nói trong đời rằng: “Bạn cho đời cái gì thì đời sẽ trao lại cho bạn thứ đó. Nếu bạn cho đời sự chua cay, bạn sẽ nhận lại sự cay đắng. Còn nếu bạn cho đời tiếng cười, thì bạn sẽ nhận lại niềm vui.”

3/ Phúc Âm: Thánh Mátthêu dùng dụ ngôn của Chúa Giêsu về các nén bạc để nhắc nhở chúng ta về việc sinh lợi cho Chúa, không phải chỉ cho chính mình thôi nhưng còn cho những người sống với mình na. Theo Thánh Mátthêu, công việc chính là phương tiện qua đó chúng ta làm phát triển những nén bạc Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay được trích từ chương 25 của Tin Mừng Thánh Mátthêu. Chương 25 gồm ba dụ ngôn nói về viễn cảnh của ngày cánh chung: Dụ ngôn mười trinh nữ (Mt 25:1-13), dụ ngôn các nén bạc (Mt 25:14-30); và dụ ngôn về phán xét cuối cùng (Mt 25:31-46). Nhìn trong bối cảnh này, dụ ngôn các nén bạc nằm giữa hai dụ ngôn nói về “sự chờ đợi” và “phán xét cuối cùng.” Điều này có nghĩa là: Chúng ta không chờ đợi trong sự bị động – chờ sung rụng, nhưng trong trạng thái “cầm đèn sáng trong tay cùng với vó dầu dự trữ.” Nói cách khác, trong khi chờ đợi ngày Chúa đến phán xét trong vinh quang, chúng ta phải làm lợi những gì Chúa ban cho chúng ta qua công việc chúng ta làm. Giờ đây, chúng ta cùng nhau phân tích bài Tin Mừng hôm nay một cách chi tiết hơn để rút ra những thái độ cần thiết khi làm việc trong năm mới này.

            Thứ nhất, chúng ta phải có thái độ biết ơn trong công việc, vì mọi sự chúng ta có được là ân ban của Thiên Chúa. Những gì chúng ta có là Chúa trao phó cho chúng ta: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông đưa cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người” (Mt 25:14-15). Chúng ta hãy luôn tạ ơn Chúa về công việc mình làm. Đối với Chúa, chúng ta làm việc gì không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta ý thức được công việc chúng ta đang làm là ân ban của Thiên Chúa để tỏ lòng biết ơn. Một vị thánh nói rằng: “Hãy đưa cho tôi một đứa trẻ có lòng biết ơn, tôi sẽ giáo dục nó nên một vị thánh.” Biết ơn chính là lối diễn tả cụ thể của sự khiêm nhường. Những người kiêu ngạo không bao giờ có lòng biết ơn.

            Thứ hai, chúng ta phải có thái độ siêng năng, không lười biếng mà đem dấu nén bạc Thiên Chúa đã trao cho mình. Chúng ta thấy có hai đầy tớ “lập tức” lấy những gì nhận được đi làm ăn và sinh lợi thêm (x/c Mt 25:15-16). Đây là thái độ cần thiết của chúng ta khi làm việc. Hai người đầy tớ đầu tiên chỉ nghĩ đến một việc là sinh lợi cho ông chủ. Họ không mất thời gian cho những việc không mang lại hoa trái cho chủ mình. Nhiều khi chúng ta mất quá nhiều giờ cho việc than phiền, nói xấu và làm mất danh dự của người khác. Khi làm như thế, chúng ta đang trở thành người đầy tớ thứ ba là người bị ông chủ khiển trách: “Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25:26-30). Sự biếng nhác giết chết khả năng “sáng tạo” trong công việc mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Điều này được phản chiếu trong lời khiển trách của ông chủ: “Ngay cả sáng kiến căn bản nhất là gởi số bạc của tôi vào ngân hàng để có lời mà anh [chị] cũng không nghĩ ra.” Khi chúng ta lười biếng, mất thời gian cho những chuyện không sinh lợi cho Chúa, thì chúng ta càng ngày càng đánh mất khả năng “sáng tạo” mà Chúa ban cho chúng ta để chúng ta cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo.

            Thứ ba, chúng ta phải tránh thái độ “đoán mò thánh ý của Chúa” hay đúng hơn lẫn lộn ý Chúa với ý mình. Chúng ta thấy người đầy tớ thứ ba đến và nói với chủ: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây!” (Mt 25:24-25). Chúng ta thấy người đầy tớ hiểu sai về ông chủ của mình vì anh ta lẫn lộn ý của anh ta với ý của chủ. Ý của chủ là anh ta phải sinh lợi với những gì anh ta được trao dù nó nhỏ bé so với những gì được trao cho hai đầy tớ khác. Còn anh ta vì sợ mà chỉ nghĩ về việc bảo quản không để mất nén bạc của ông chủ là tốt rồi. Khi không có một hình ảnh đúng về Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng lẫn lộn giữa điều chúng ta muốn và điều Ngài muốn. Hãy đến gần Chúa hơn để cảm nghiệm được tình yêu vô điều kiện của Ngài. Chỉ như thế chúng ta mới biết và hiểu được điều Ngài muốn.

            Thứ tư, chúng ta phải có thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì mình làm. Nói cách khác, chúng ta phải ý thức rằng chúng ta sẽ phải thanh toán sổ sách về những gì chúng ta đã nhận từ Thiên Chúa. Thái độ này rất cần thiết trong khi làm việc, vì chúng ta thường có khuynh hướng “đổ lỗi” cho hoàn cảnh và cho người khác về những thất bại của mình trong công việc. Những người có thái độ sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì mình làm, nhất là những thất bại, là những người khiêm nhường. Thật vậy, chỉ khi chúng ta ý thức rằng chúng ta phải thanh toán sổ sách với Thiên Chúa về những gì chúng ta đã nhận từ Ngài thì chúng ta mới có thể không thất vọng khi thất bại và không kiêu ngạo khi chiến thắng.

            Cuối cùng, chúng ta phải có thái độ trung thành với Thiên Chúa trong công việc mình làm Với hai người đầy tớ sinh lợi những gì được trao, ông chủ nói với họ: ‘Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ (Mt 25:2123). Trung thành trong việc lớn thì dễ. Trung thành trong việc nhỏ mới khó. Chúng ta có kinh nghiệm này trong đời sống thường ngày của chúng ta. Những công việc nhỏ bé, tầm thường dễ dàng làm chúng ta nhàm chán và bỏ cuộc. Còn những gì mang lại “danh tiếng” dễ hấp dẫn chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu qua dụ ngôn hôm nay dạy chúng ta chân lý này: Những người trung tín trong việc nhỏ, sẽ trung tín trong việc lớn. Ngược lại, người không trung tín trong việc nhỏ sẽ không thể trung tín trong việc lớn.

Skip to content