Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
{audio}LCHN/audio/Ngay 2 thang 1 BNGS.mp3{/audio}
Ngày 2 tháng 1 BNGS, Năm lẻ
Bài đọc: I Jn 2:22-28; Jn 1:19-28.
1/ Bài đọc I:
22 Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng
Đức Giê-su là Đấng Ki-tô? Kẻ ấy là tên Phản Ki-tô,
là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con.23 Ai chối Chúa Con thì cũng không có Chúa Cha;
kẻ tuyên xưng Chúa Con thì cũng có Chúa Cha.24 Phần anh em, ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu
ở lại trong anh em. Nếu điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu
ở lại trong anh em, thì chính anh em sẽ ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha.25 Và đây là điều mà chính Đức Ki-tô đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời.26 Tôi viết cho anh em những điều ấy để nói về những kẻ tìm cách
làm cho anh em đi lạc đường.27 Phần anh em, dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Ki-tô
ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa.
Nhưng vì dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự
-mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá-,
thì theo như dầu ấy đã dạy anh em, anh em hãy ở lại trong Người.28 Giờ đây, hỡi anh em là những người con bé nhỏ, anh em hãy ở lại trong Người, để khi Người xuất hiện, chúng ta được mạnh dạn, chứ không bị xấu hổ, vì phải xa cách Người trong ngày Người quang lâm.
2/ Phúc Âm:
19 Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai? “20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.”21 Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? ” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? ” Ông đáp: “Không.”22 Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? “23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu.25 Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? “26 Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự thật và sự dối trá quanh co
Trong xã hội, rất khó cho chúng ta để nhận biết bản chất đích thực của một người qua việc đối thọai. Khi phải nói về mình, con người thường có những khuynh hướng như: mạo nhận danh nghĩa người khác; giả vờ như mình có để người khác phải thán phục mình; khuếch đại: có ít nói nhiều; nói quanh co để người khác khỏi nhận ra con người thực của mình. Khi phải tìm hiểu cá nhân đó qua người khác, người khác thường có khuynh hướng: cắt bớt những công trạng và các đức tính tốt để họ đừng nổi bật quá; thêm những nhận xét của mình để dìm bớt những điều tốt; gán cho họ những tật xấu mà họ không có; hay vơ vào những thói xấu của gia đình họ.
Các Bài Đọc hôm nay dạy chúng ta phải biết sống thực với con người của mình. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan đưa ra lý do tại sao chúng ta phải sống thực là vì chúng ta đã lãnh nhận dầu Thánh Thần qua Bí-tích Rửa Tội. Thánh Thần giúp chúng ta sống thực, và giúp nhận ra những sự giả trá trong thế gian. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả cho chúng ta một mẫu gương phải sống thực qua cách trả lời cho những người đến điều tra: ngắn gọn: có hoặc không; trực tiếp: không dài giòng quanh co; đơn giản: không dùng những lời nhiều nghĩa; chính xác: những gì mình là, không phải những gì người khác gọi, hay khen mình. Khi phải so sánh mình với Chúa Giêsu, Gioan Tẩy Giả đã khiêm nhường nhìn nhận: “Tôi tuy đến trước, nhưng tôi không xứng đáng để cởi quai dép cho Ngài.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Kitô Giáo và các tôn giáo khác
1.1/ Phản-Kitô là người không tin Đức Kitô: Nhiều tôn giáo thờ một Thiên Chúa; chẳng hạn, Do-Thái Giáo, Hồi Giáo, nhưng Kitô Giáo thờ Thiên Chúa và Đức Kitô.
(1) Các lạc giáo: Ngay từ thời Thánh Gioan, khi Kitô Giáo bành trướng vào thế giới, có nhiều những lạc giáo từ chối không tin thiên tính (Do-Thái Giáo) hay nhân tính của Đức Kitô (Chủ-nghĩa thuần Tri-thức). Thánh Gioan đề phòng các tín hữu của ngài các lạc giáo này: “Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô? Kẻ ấy là tên Phản-Kitô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con.”
(2) Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Đức Kitô: Đối phương của Gioan có thể thuyết phục ngài: “Tuy khác biệt, nhưng chúng ta cùng tin Một Thiên Chúa.” Thánh Gioan thẳng thắn nói lên niềm tin của ngài: “Ai chối Chúa Con thì cũng không có Chúa Cha; kẻ tuyên xưng Chúa Con thì cũng có Chúa Cha.” Theo ngài, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa Chúa Cha và Chúa Con:
– Chúa Giêsu mặc khải cho con người biết về Chúa Cha, và nếu Ngài không mặc khải, con người không thể biết Chúa Cha: “Không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra Con và những người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:27, Lk 10:22).
– Tin Con là tin Cha (Jn 12:44-45); từ chối Con sẽ bị Cha từ chối (Mt 10, 32-33).
– Nhìn thấy Con là nhìn thấy Cha (Jn 14 :6-9).
1.2/ Hai tiêu chuẩn để nhận ra sự thật: Để chống lại những lạc giáo, Thánh Gioan đưa ra 2 tiêu chuẩn để giúp các tín hữu nhận ra sự thật phải theo và sự dối trá phải tránh: tiêu chuẩn bên ngòai là những Giáo Huấn của Giáo Hội; và tiêu chuẩn bên trong là sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.
(1) Điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu: Ngài nói: “Phần anh em, ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em. Nếu điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em, thì chính anh em sẽ ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha. Và đây là điều mà chính Đức Kitô đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời.” Điều nghe từ đầu đây có lẽ là những dạy dỗ về đạo, trước khi một người được lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội.
(2) Sự soi sáng của Chúa Thánh Thần: Khi một người được chịu Phép Rửa nhân danh Đức Kitô, người ấy được xức dầu của Thánh Thần; và được phong chức làm tư tế, tiên tri, và vương đế. Thánh Gioan quả quyết: “Phần anh em, dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Kitô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa; nhưng dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự – mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá – thì theo như dầu ấy đã dạy anh em, anh em hãy ở lại trong Người.” Trong khi chủ thuyết “Thuần Tri-thức” cho rằng chỉ có họ mới biết cách giải thóat con người ra khỏi vật chất để kết hợp với Thiên Chúa; Thánh Gioan dạy các tín hữu: một khi đã có Thánh Thần của Thiên Chúa, Thần Sự Thật, trong người, các tín hữu chẳng cần phải được dạy dỗ bởi ai khác nữa.
2/ Phúc Âm: Lời chứng của Gioan
2.1/ Những gì Gioan không là: Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do-Thái từ Jerusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlijah không? ” Ông nói: “Không phải.” “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? ” Ông đáp: “Không.” Sở dĩ Gioan Tẩy Giả trả lời như thế là vì ông không quan tâm đến những điều người khác nói về ông, mà ông chỉ quan tâm đến những gì ông thực sự là. Nhiều người đã coi Gioan Tẩy Giả như một Tiên-tri, và chính Chúa Giêsu đã gọi ông là một Tiên-tri quan trọng hơn hết các tiên-tri.
2.2/ Điều Gioan Tẩy Giả là: Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?” Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaiah đã nói.” Một khi Gioan nhận ra sứ vụ Thiên Chúa trao cho trong cuộc đời, ông dành mọi thời gian, và nỗ lực để chu tòan sứ vụ của mình.
Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisees. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlijah hay vị ngôn sứ?” Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Chỗ khác, Gioan phân biệt hai Phép Rửa: ông làm Phép Rửa để tha tội, nhưng Đức Kitô làm Phép Rửa để ban Chúa Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần biết mình, biết Thiên Chúa, và biết tha nhân.
– Chúng ta đừng bao giờ mạo nhận những gì chúng ta không có, cũng đừng bao giờ đánh cắp công ơn của người khác; nhưng phải biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật.
– Chúng ta phải đề phòng những kẻ Phản-Kitô và những người không sống xứng đáng với danh hiệu “Kitô hữu” của mình.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}