Ngày 3 tháng 1 GS

 

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Ngay 3 thang 1 GS.mp3{/audio}

Ngày 3 tháng 1 GS

 

Bài đọc: I Jn 2:29 – 3:6; Jn 1:29-34

1/ Bài đọc I29 Nếu anh em biết Thiên Chúa là Đấng Công Chính, anh em cũng phải biết rằng: phàm ai sống công chính thì đã được Thiên Chúa sinh ra.1 Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi
cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.
Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.

2 Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa;
nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ.
Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người,
vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

3 Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô
thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch.

4 Phàm ai phạm tội thì cũng chống lại luật Thiên Chúa,
vì tội lỗi chống lại luật Thiên Chúa.

5 Thế mà anh em biết: Đức Giê-su đã xuất hiện
để xoá bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi.

6 Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội.
Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người.

 

2/ Phúc Âm:29 Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.

30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.”

32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.

33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.”

34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta nhiệt thành làm chứng cho Ngài.

 

            Dựa vào câu tục ngữ: “Con cái nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh,” người ta có thể biết bố mẹ của một người tốt hay xấu. Người con có thể làm vinh danh cha bằng những việc tốt lành hay làm ố danh cha bằng những việc tội lỗi.

            Các Bài đọc hôm nay tập trung vào bổn phận phải làm vinh danh Thiên Chúa của các Kitô hữu. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan nhắc lại cho các tín hữu họ đã trở thành con Thiên Chúa, và bổn phận của họ phải trở nên giống Thiên Chúa bằng đời sống thánh thiện và tinh tuyền, và bằng cách tránh xa tội lỗi. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả làm gương cho chúng ta về bổn phận làm chứng cho Thiên Chúa bằng lời nói cũng như trong cách sống theo sự thật.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I:

 

1.1/ Người Kitô-hữu trở thành con Thiên Chúa bằng niềm tin vào Đức Kitô: Thánh Gioan đã nói rõ ràng trong Tin Mừng của ngài, chương 1: “Tất cả những ai tin vào Đức Kitô, Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (Jn 1:13). Ở đây, ngài nhắc lại điều này: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” Cũng trong chương đầu tiên đó, Chúa Giêsu đã đến nhà các gia nhân Người, nhưng các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người (Jn 1:11), Vì thế, mặc dù sự thật “chúng ta là con Thiên Chúa,” nhưng thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.

            Nhìn thấy Thiên Chúa như Thiên Chúa là, hay “diện đối diện,” là niềm mong mỏi của các Kitô hữu; nhưng để đạt được ước mong này, người Kitô hữu phải sống thanh sạch, vì chỉ có những ai thanh sạch mới được nhìn thấy Thiên Chúa (Mt 5:8). Con người tội lỗi chỉ có thể trở nên thanh sạch nhờ Đức Kitô, Ngài tẩy trừ con người khỏi tội và ban ơn thánh hóa để con người có thể trở nên công chính và được nhìn thấy Thiên Chúa.

 

1.2/ Làm vinh danh Chúa bằng cách tránh xa tội lỗi: Thánh Gioan cũng suy luận giống như Thánh Phaolô về sự liên hệ giữa Lề Luật với tội lỗi, và vai trò của Đức Kitô trong việc xóa bỏ tội lỗi và làm cho con người trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Ngài nói: “Phàm ai phạm tội thì cũng chống lại luật Thiên Chúa, vì tội lỗi chống lại luật Thiên Chúa. Thế mà anh em biết: Đức Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi, và nơi Người không có tội lỗi. Phàm ai ở lại trong Người thì không phạm tội. Còn ai phạm tội thì đã không thấy Người, và cũng chẳng biết Người.”

 

2/ Phúc Âm: Hai lời chứng của Gioan Tẩy Giả về Đức Kitô:

 

2.1/ Lời chứng thứ nhất của Gioan: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”: Chỉ trong một câu làm chứng ngắn ngủi, Gioan đã mặc khải cho con người biết sứ vụ chính yếu của Chúa Giêsu khi đến trần gian: Ngài phải hy sinh chịu sát tế để đền tội cho con người. Ba hình ảnh “Con Chiên” của Cựu Ước là nền tảng của “Chiên Thiên Chúa” mà Gioan nói tới hôm nay:

            (1) Con Chiên Vượt Qua: Trước biến cố Xuất Hành của Do-Thái ra khỏi Ai-Cập, mỗi gia đình phải sửa sọan giết một con chiên, và lấy máu của nó bôi trên cửa ra vào. Đêm đó, các thiên thần được lệnh đi tàn sát tất cả các con đầu lòng của người Ai-Cập. Gia đình nào có máu bôi trên cửa, các thiên thần sẽ đi ngang qua và không tàn sát con trẻ đầu lòng trong đó (Exo 12:11-13). Biến cố Vượt Qua này luôn được coi là hình ảnh báo trước Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa (Jn 2:13).

            (2) Con dê của Ngày Xá Tội: Trong Ngày này, dân chúng sẽ chuẩn bị 2 con dê để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ xá tội cho con người. Một con sẽ được các tư tế, sau khi cầu nguyện và đặt các tội của dân trên vai nó, phóng thích cho chạy vào sa mạc cho quỉ Azazel. Một con sẽ bị giết và lấy máu của nó rảy trên dân chúng (Lev 16:7-30).

            (3) Con chiên sát tế trong Đền Thờ: Mỗi sáng và chiều trong Đền Thờ Jerusalem, các người phục vụ trong đó phải sát tế một con chiên một tuổi để làm lễ vật hy sinh xóa tội cho con người theo Luật ấn định (Exo 29:38-42).

            “Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi”: Chúa Giêsu trong thân phận con người, tuy ra đời sau Gioan, nhưng Ngài có trước từ đời đời trong bản tính Thiên Chúa. Không phải Chúa Giêsu chỉ có trước, nhưng Ngài quan trọng và uy quyền hơn Gioan gấp bội, vì Ngài mang trong mình uy quyền của Thiên Chúa. Gioan nói rõ nhiệm vụ của mình là chuẩn bị đem mọi người tới Thiên Chúa: Gioan không là gì cả, nhưng Đức Kitô là mọi sự. Vì thế, khi gặp được Đức Kitô, Gioan chỉ và ra lệnh cho 2 môn đệ của ông đi theo Đức Kitô, ông không giữ lại cho mình điều gì cả.

            Đây phải là bài học cho con người: không phải ai sinh sau hay đến sau cũng thua người sinh hay đến trước, không phải cha mẹ là luôn hơn con cái, vì “con hơn cha là nhà có phúc.” Điều quan trọng là con người phải biết tôn trọng sự thật; và người có tài hơn không phải để kiêu căng, hống hách, nhưng phải biết khiêm nhường và phục vụ những người kém tài hơn mình.

 

2.2/ Lời chứng thứ hai của Gioan: “Tôi đã thấy Thánh Thần tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thánh Thần xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.” Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

            Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa cho thấy thị kiến Thánh Thần hiện xuống tựa chim bồ câu khi ông làm Phép Rửa cho Chúa Giêsu trong sông Jordan. Bên Palestine, chim bồ-câu là chim thánh; con người không được săn và không được ăn chim bồ câu. Các Rabbi thường nói Thánh Thần di chuyển và bay lượn như chim bồ câu trên những vùng hoang dã vô trật tự thuở xa xưa để thở sinh khí vào và mang trật tự cùng huy hòang cho nó (Gen 1:2). Thánh Thần hiện xuống và ở lại trên Đức Kitô khi Ngài chịu Phép Rửa để mang quyền năng và chuẩn bị cho Ngài trong sứ vụ rao giảng sắp tới. Với thị kiến này, Gioan không còn nghi ngờ gì nữa, ông chứng thực Đức Kitô chính là Người được Thiên Chúa tuyển chọn để mang Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa tới thành công.

           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Tất cả chúng ta là con cùng một Cha trên trời; nhiệm vụ của chúng ta là lo chung một mối lo âu với Cha là làm sao cho tất cả nhân lọai tin vào Đức Kitô, Người luôn luôn làm theo ý Chúa Cha, để được sống muôn đời.

            – Để đạt được mục đích này, chúng ta phải gạt bỏ mọi ghen tị và ham muốn quyền lực, để cùng nhau lo việc của Cha trên trời. Khi thấy người khác có tài lôi kéo mọi người về với Chúa, chúng ta phải vui mừng và cộng tác với họ để Nước Chúa càng ngày càng mở rộng.

            – Chúng ta càng ngày càng phải nhỏ đi thì Chúa mới càng ngày càng lớn lên được, trước là trong ta, và sau đó đến mọi người.

Skip to content