Ngày 7 tháng 1 GS (2)

Priest6 

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

Bài đọc: 1 Jn 4:7-10; Mk 6:34-44.

1/ Bài đọc I: 7 Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa.
8 Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.
9 Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.
10 Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.

2/ Phúc Âm: 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn.36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.”37 Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi! ” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? “38 Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem! ” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá.”39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh.40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi.41 Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người.42 Ai nấy đều ăn và được no nê.43 Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư.44 Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu thương là san sẻ cho tha nhân những gì mình có.

          Đức bác ái (charity) là nhân đức quan trọng nhất trong các nhân đức của Kitô giáo; nhưng để hiểu biết và thực thi nhân đức này đòi chúng ta phải có cái nhìn tổng thể về nhân đức này qua những lời dạy của các thánh ký trong Kinh Thánh; nhất là trong tin mừng của thánh Gioan và các Thư của thánh Phaolô cùng với những cắt nghĩa của thánh Thomas Aquinas về các nhân đức đối thần trong bộ Tổng Luận Thần Học của ngài.

          Hai bài đọc hôm nay giúp chúng ta hiểu biết một số nền tảng của nhân đức này. Trong bài đọc I, tác giả cho chúng ta biết đức bác ái bắt nguồn từ Thiên Chúa, chứ không bắt nguồn từ con người. Có nhiều động từ trong tiếng Hy-lạp dùng để biểu lộ tình yêu của con người dành cho nhau như eran, tình yêu xác thịt, hay philein, tình yêu huynh đệ hay tự nhiên giữa các thành viên trong gia đình; nhưng để diễn tả tình bác ái, các tác giả dùng động từ agapein, từ này được dùng để chỉ tình bác ái đến từ Thiên Chúa qua con người và lan tràn qua nhau. Thánh Thomas Aquinas xếp loại đức bác ái là một trong ba nhân đức đối thần vì nó đến từ Thiên Chúa và có đối tượng chính là Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi đức bác ái là nhân đức cao trọng nhất vì tất cả các nhân đức khác sẽ qua đi; nhưng chỉ có đức bác ái tồn tại suốt đời. Trong Phúc Âm theo thánh Marcô, Chúa Giêsu dạy các môn đệ không chỉ yêu thương bằng môi miệng; nhưng phải san sẻ những gì mình có cho người khác cách vô vị lợi, nhất là trong lúc túng cực.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Bác ái là giới răn quan trọng nhất của các Kitô hữu.

 

1.1/ Nguồn gốc của đức bác ái: Tác giả Thư thứ nhất Gioan xác quyết: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.

 

(1) Bắt nguồn từ Thiên Chúa: Theo thánh sư Thomas, các nhân đức khác có thể do con người tập luyện mà có; nhưng con người không thể có ba nhân đức đối thần: tin, cậy và mến, nếu Thiên Chúa không ban tặng. Thánh Gioan cũng cùng một ý nghĩ nhưng diễn tả cách khác hơn tiến trình của đức bác ái như sau:

          – Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy.

          – Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Chúng ta ở lại bằng cách thực thi những điều răn Chúa truyền.

          – Như Thầy yêu anh em thế nào, anh em cũng phải yêu thương nhau như vậy. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Trong tất cả những động từ yêu thương này, thánh Gioan đều dùng động từ agapein.

(2) Lan rộng qua mọi người: Hiểu như thế, đức bác ái bắt nguồn từ Thiên Chúa qua Chúa Giêsu và lan tràn tới các tông đồ. Các tông đồ cần phải ở lại trong tình yêu này để được trở nên hoàn hảo trước khi các ông có thể đối xử với nhau và với tha nhân bằng thứ tình yêu này.

 

1.2/ Biểu lộ đức bác ái: Đức bác ái không thuần hiểu biết nhưng được biểu lộ cách rất cụ thể qua những dẫn chứng sau đây:

(1) Thiên Chúa biểu lộ đức bác ái bằng cách Ngài hy sinh và ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài. Nếu Thiên Chúa đã hy sinh ban cho chúng ta món quà quí giá nhất thì Ngài sẽ không giữ lại tất cả những gì có thể ban mà lại không ban cho chúng ta, như câu nói bất hủ của Jn 3:16: “Vì Ñöùc Chuùa Trôøi yeâu thöông theá gian, ñeán noãi ñaõ ban Con moät cuûa Ngaøi, haàu cho heã ai tin Con aáy khoâng bò hö maát maø ñöôïc söï soáng ñôøi ñôøi.

(2) Khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Kitô theo kỳ hạn đã đến thế gian và hy sinh thân mình để làm của lễ đền tội cho chúng ta. Chúa Giêsu không chờ chúng ta trở nên tốt lành rồi mới yêu thương chúng ta; nhưng Ngài yêu thương khi chúng ta còn là tội nhân. Vì Ngài yêu thương nên chúng ta mới được hưởng ơn cứu độ qua cái chết của Ngài.

(3) Sau khi đã được thấm nhuần tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi để yêu thương Thiên Chúa và tha nhân như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cách cụ thể là chúng ta phải sẵn sàng làm chứng cho Thiên Chúa và hy sinh cho tha nhân dẫu có phải hy sinh đến mạng sống mình.

2/ Phúc Âm: Bác ái phải được biểu tỏ bằng hành động.

 

2.1/ Chúa Giêsu biểu tỏ bác ái bằng việc dành nhiều thời gian để dạy dỗ dân chúng, vì Ngài biết rõ:

          (1) Đau khổ nhất của dân chúng là không biết sự thật: Con người thường chú trọng đến những thiệt hại phần xác mà quên đi những thiệt hại do việc thiếu hiểu biết mang lại. Thiên Chúa và những bậc khôn ngoan chú trọng đến việc không biết sự thật, vì sự không biết này gây đau khổ thiệt hại cho dân nhiều hơn là việc thiếu cơm bánh.

          (2) Vì thế, khi xuống trần, sứ vụ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện là rao giảng Tin Mừng, huấn luyện và chọn các môn đệ để tiếp tục sứ vụ của Ngài nơi trần gian sau khi Ngài về trời. Trình thuật của Marcô hôm nay nhấn mạnh sứ vụ quan trọng này như sau: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

 

2.2/ Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ Ngài thi hành bác ái bằng việc cho dân chúng ăn.

          Phép lạ Bánh hoá nhiều để nuôi năm ngàn người ăn là phép lạ được tường thuật bởi cả bốn thánh sử. Ngoài ra, một phép lạ khác Chúa Giêsu cũng làm để nuôi bốn ngàn người ăn cũng được tường thuật bởi Mk 8:1-10. Điều này dẫn chứng mặc dù sứ vụ dạy dỗ dân là sứ vụ quan trọng nhất; nhưng Chúa Giêsu không bỏ qua những gì cần làm để giúp dân chúng có của ăn nuôi dưỡng thân xác.

 

(1) Phản ứng của các môn đệ: Các ông có lẽ nghĩ dân chúng cần của ăn nuôi dưỡng thân xác, chứ không thể cứ nghe giảng mãi. Các ông đến gần thưa với Chúa Giêsu cách thực tế: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.” Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi! “

“Đồng tiền liền khúc ruột.” Phản ứng đầu tiên của các ông khi nghe lời Chúa Giêsu truyền tiếc tiền: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? “ Một quan tiền thời Chúa Giêsu là lương công nhật của một người. Hai trăm quan tiền tương xứng với 200 ngày lao động, một số tiền lớn cho dân nghèo. Các ông có thể nghĩ bổn phận của các ông là cộng tác với Chúa Giêsu trong việc giáo dục dân chúng, còn bổn phận tìm của ăn hàng ngày thì chính dân chúng phải lo liệu.

(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài tiếp tục hỏi họ: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem! ” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá.”Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh.Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người. Ai nấy đều ăn và được no nê.Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.

 

2.3/ Chúa Giêsu là tác nhân chính, còn các môn đệ là người cộng tác với Ngài trong việc nuôi dưỡng dân chúng.

          Mặc dù Chúa có quyền năng và biết những gì Ngài sắp làm để cho dân ăn, nhưng Ngài vẫn muốn các môn đệ hợp tác với Ngài trong việc nuôi dưỡng dân chúng; nhất là Ngài muốn dạy các ông phải thực thi bài học bác ái: không chỉ bằng môi bằng miệng; nhưng biết san sẻ những gì mình có cho tha nhân. Nếu việc san sẻ của ăn uống mà các ông không làm được còn nghĩ gì đến chuyện hy sinh bản thân mình để chết cho tha nhân?

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

Đức bác ái là nhân đức quan trọng và cần thiết nhất trong đời sống của các Kitô hữu.

Tuy nhân đức này bắt nguồn từ Thiên Chúa; nhưng bổn phận làm cho nhân đức này trở nên hoàn thiện cần sự luyện tập tích cực từ con người.

Chúng ta cần bác ái trong cả việc giáo dục lẫn san sẻ những của cải vật chất cho tha nhân khi họ cần và chúng ta có thể san sẻ. Thiên Chúa sẽ không bao giờ thua lòng quảng đại của chúng ta dành cho tha nhân.

Skip to content