Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Bài đọc: 1 Jn 4:11-18; Mk 6:45-52.
1/ Bài đọc I: 11 Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế,
chúng ta cũng phải yêu thương nhau. 12 Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo.
13 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta.
14 Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.
15 Hễ ai tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy và người ấy ở lại trong Thiên Chúa.
16 Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa,
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.
17 Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta: đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán xét, vì Đức Giê-su thế nào thì chúng ta cũng như vậy ở thế gian này.
18 Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi,
vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.
2/ Phúc Âm: 45 Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông.46 Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện.47 Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất.48 Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông.49 Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên.50 Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! “51 Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt,52 vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu chân thật loại trừ mọi sợ hãi.
Theo thánh Thomas Aquinas, sợ hãi là một trong 11 cảm xúc của con người và thuộc về quan năng nộ dục (irascible). Chúng ta sợ hãi nhiều thứ: nghèo nàn, thiếu thốn, thất bại, bệnh tật, hình phạt… và trên hết tất cả là sợ chết vì cái chết lấy đi tất cả những gì chúng ta sở hữu. Có nhiều thứ chúng ta cần sợ; nhưng cũng có những thứ chúng ta phải dùng can đảm để vượt qua. Có những lúc chúng ta cần sợ; nhưng cũng có những lúc chúng ta phải dùng can đảm để vượt qua và đạt được mục đích chúng ta mong muốn như trường hợp của các thánh tử đạo sẵn sàng vượt qua cái chết để làm chứng cho Chúa.
Hai bài đọc hôm nay liên quan đến sợ hãi và dạy chúng ta cách thức để vượt qua sợ hãi. Trong Bài đọc I, tác giả dạy chúng ta phải làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên hoàn hảo trong chúng ta bằng cách luyện tập đức bác ái luôn luôn, vì đức bác ái hoàn hảo sẽ xua tan mọi sợ hãi. Trong đoạn Phúc Âm theo thánh Marcô hôm nay, các môn đệ của Chúa Giêsu sợ hãi khi phải đương đầu với sóng gió mạnh và nhất là khi lầm lẫn Chúa Giêsu với bóng ma đi trên biển. Chúa Giêsu đã trấn an các ông bằng câu nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Nhu cầu cần làm cho đức bác ái trở nên hoàn hảo trong chúng ta.
1.1/ Làm thế nào để tình yêu Thiên Chúa đạt tới mức hoàn hảo nơi chúng ta?
(1) Bằng việc gia tăng yêu thương mỗi ngày: Tuy đức bác ái phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng việc gia tăng và làm cho đức bác ái trở nên tuyệt hảo đòi sự cố gắng của chúng ta. Giống như các nhân đức khác, nếu chúng ta có thói quen luyện tập “mến Chúa và yêu người” mỗi ngày, chúng ta có thể gia tăng và đạt tới đức bác ái trọn hảo. Gương của Mẹ Teresa Calculta và thánh Martin de Porres là những chứng nhân của bác ái cho chúng ta học hỏi. Vì tình yêu dành cho tha nhân là thước đo tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa, nên càng yêu tha nhân nhiều bao nhiêu, tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa càng gia tăng bấy nhiêu. Nếu chúng ta yêu tha nhân như yêu chính bản thân thì quả thật đức bác ái đã đạt tới mức trọn lành trong chúng ta.
(2) Bằng việc gia tăng đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa: Đức tin của chúng ta có thể gia tăng bằng những chứng từ đức tin của người khác, như chúng ta đọc của tác giả Thư thứ nhất Gioan hôm nay: “Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.” Đức tin của chúng ta cũng có thể gia tăng bằng cách học biết những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và toàn thể vũ trụ. Nếu chúng ta gia tăng việc học hỏi Kinh Thánh và Thần học, chúng ta sẽ hiểu biết rõ ràng hơn về Thiên Chúa và sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài.
1.2/ Lợi ích của đức bác ái hoàn hảo: Tác giả của Thư thứ nhất Gioan liệt kê hai lợi ích chính nếu chúng ta đạt tới đức bác ái trọn hảo:
(1) Làm cho chúng ta vững mạnh trong Ngày Phán Xét: Chúng ta sợ hãi phải ra trước toà phán xét vì tất cả tội lỗi chúng ta đã làm; nhưng nếu chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta và Chúa yêu chúng ta khi chúng ta vẫn còn là tội nhân, chứ không đợi khi chúng ta tốt lành rồi mới yêu, chúng ta sẽ thay đổi thái độ của chúng ta. Bởi vậy, nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban cho chúng ta Người Con Một của Ngài để xoá tội lỗi cho chúng ta thì Ngài không quan tâm đến việc xét xử chúng ta. Nếu chúng ta yếu đuối xúc phạm đến Chúa, hãy ăn năn xám hối và dùng bí tích hoà giải như phương tiện để làm hoà với Chúa và với tha nhân. Chúng ta có bị hư đi thì không phải do Thiên Chúa, nhưng do sự cứng lòng không chịu ăn năn; và trong Ngày đó, chính chúng ta là người xét xử chúng ta vì chúng ta đã quá cứng lòng trước tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
(2) Loại trừ mọi sợ hãi khỏi chúng ta: Chúng ta sợ hãi vì chúng ta chưa hiểu biết đủ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta bao la như thế nào; nhưng nếu chúng ta hiểu rõ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta qua việc dựng nên, an bài và cứu chuộc cùng với biết bao hồng ân Chúa hằng đổ xuống trên cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra Ngài không phải là một quan toà chờ chúng ta phạm tội là ra hình phạt; nhưng như một Người Cha nhân hậu hằng lo lắng mọi sự tốt lành cho con mình; nhất là cho những đứa con đã xa nhà lâu năm như trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” của thánh sử Luca.
2/ Phúc Âm: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! “
2.1/ Các tông đồ sợ nhiều thứ: Đoạn Phúc Âm của chúng ta chúng ta vừa đọc nối tiếp đoạn chúng ta đã đọc hôm qua. Các ông sợ khi nghĩ đến việc phải tiêu một số tiền lớn và sự mỏi mệt để mua thức ăn cho một đám đông quá lớn; nhưng Chúa Giêsu đã làm một phép lạ cả thể trong hoang mạc để nuôi đám đông từ năm cái bánh và hai con cá. Sau đó, Chúa Giêsu truyền cho các ông sang Bethsaida bờ bên kia, trong khi Người giải tán dân chúng.
(1) Sợ sóng gió: Vào khoảng canh tư đêm ấy, sóng gió nổi lên và các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược. Chúa Giêsu quyết định đi trên mặt biển để đến với các ông. Xưa nay chắc các ông chưa từng gặp một người đi trên mặt biển mà không bị chìm.
(2) Sợ ma: Vì thế, khi thấy một bóng người đi trên mặt biển, các ông tưởng là bóng ma nên càng hoảng sợ hơn nữa. Các ông sợ vì các ông chưa biết rõ Chúa Giêsu là ai và quyền năng của Ngài như thế nào; nhưng một khi đã biết và đã quen với quyền năng của Ngài, các ông sẽ cảm thấy bình tĩnh và yên tâm hơn.
2.2/ Sự hiện diện của Chúa Giêsu xoá tan mọi sợ hãi.
(1) Nhận ra sự kinh hoàng của các ông, Chúa Giêsu phán: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! ” Lập tức, bão táp lặng im. Các ông ngạc nhiên vì chứng kiến những hiện tượng vượt quá sự hiểu biết của các ông: Người có thể đi trên biển mà không chìm. Người có quyền ra lệnh cho bão táp và chúng phải vâng lời Người.
(2) Các ông vẫn bàng hoàng sửng sốt: Tuy nhiên, các ông vẫn chưa hết bàng hoàng vì các ông chưa hiểu biết hoàn toàn về những gì đang xảy ra.
– Có thể vì các ông chưa quen chứng kiến một người có uy quyền như Chúa Giêsu;
– Có thể vì vẫn chưa hiểu phép lạ “Bánh hoá nhiều” vì lòng trí các ông vẫn còn ngu muội như trình thuật kể.
Tuy nhiên, những phản ứng sợ hãi của tông đồ có thể hiểu được vì tất cả những sự kiện này xảy ra trong giai đoạn đầu của bước đường theo Chúa Giêsu. Dần dần các ông làm quen dần với uy quyền của Chúa Giêsu và nhận ra thần tính của Ngài và các ông bớt sợ hãi và tự tin hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Sợ hãi là một trong những cảm xúc trong con người khi con người phải đối diện với những khó khăn bất thường trong cuộc sống.
– Có những lúc con người phải thắng vượt cảm súc sợ hãi bằng can đảm, để vượt qua sợ hãi và để đạt tới đích điểm của cuộc đời.
– Chúng ta sợ hãi vì chúng ta chưa biết đủ về tình yêu Thiên Chúa cũng như sức mạnh mà Ngài đã đầu tư nơi chúng ta. Một khi chúng ta vững tin nơi hai điều này, chúng ta sẽ vượt qua được mọi sợ hãi trong cuộc đời.