Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống
Ngày 9 tháng 1 GS
Bài đọc: 1 Jn 4:19-5:4; Lk 4:14-22a.
1/ Bài đọc I: 19 Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương,
vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.
20 Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.
21 Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người:
ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.
1 Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.
2 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa:
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.
3 Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người.
Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu,
4vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.
2/ Phúc Âm: 14 Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận.15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.
16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hai giới răn quan trọng nhất là “mến Chúa yêu người.”
Từ đầu Mùa Giáng Sinh tới giờ, phụng vụ của Giáo Hội chú trọng đặc biệt đến Thư thứ nhất theo thánh Gioan. Hơn thế nữa, Thư này nhấn mạnh nhiều lần tới giới răn yêu thương đến nỗi độc giả có thể có cảm tưởng đến chỗ nhàm chán! Tại sao tác giả lại chú trọng đến giới răn yêu thương quá nhiều như vậy?
Chúng ta cần dừng lại đôi chút để nhìn ra xã hội chúng ta đang sống thì sẽ hiểu tại sao giới răn yêu thương cần được nhấn mạnh nhiều lần như vậy. Nền văn minh chúng ta đang sống được các Đức Giáo Hoàng gần đây gọi là nền văn minh sự chết, vì hầu hết con người chỉ chú trọng đến chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, chỉ lo bảo vệ quyền lợi của mình và coi thường nhân vị và quyền lợi của tha nhân. Con người tranh chấp, ghen ghét đến độ sẵn sàng chém giết nhau để bảo vệ quyền lợi của mình; người giầu ngày càng giầu thêm trong khi người nghèo càng ngày càng mất đi những quyền lợi sinh sống tối thiểu.
Con người quên đi những bài học mà họ đã học từ thuở cắp sách đến trường: “Ở đời muôn sự của chung. Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.” Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ và muôn loài trong đó cho mọi người được hưởng; không ai có quyền nhân danh bất cứ điều gì để vơ vét mọi sự cho mình. Thế mà không biết bao nhiêu con người nhân danh lợi ích chung để tiếm đoạt tài sản của người khác, coi mạng sống con người không giá trị bằng một đôi dép (Amo 8:6). Nếu con người cứ tiếp tục lối sống bất công như thế, họ sẽ đi đến chỗ huỷ diện lẫn nhau. Đó là lý do các Đức Giáo Hoàng gọi lối sống đương đại là văn minh sự chết.
Khi Chúa Giêsu xuống trần, Ngài cổ võ nền văn minh tình thương. Ngài muốn mọi người yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Chính Ngài đã tình nguyện đi qua đau khổ và sự chết để cứu chuộc mọi người. Ngài đã làm tất cả để rao truyền tình yêu này và Ngài đã dạy chúng ta: “Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng tình của người chết vì yêu.” Khi nhìn hình ảnh Chúa Giêsu chết đẫm máu trên đồi cao, từng đoàn người anh dũng tiến lên pháp trường.
Các bài đọc hôm nay tiếp tục nhấn mạnh đến giới răn yêu thương và gợi cho ta những lý do tại sao chúng ta phải sở hữu và tập luyện để đưa giới răn này đến chỗ kiện toàn. Trong bài đọc I, tác giả đối chiếu yêu thương với ghen ghét và gọi những người ghen ghét anh em là những kẻ phản Kitô, vì họ đã không sống những gì họ đã lãnh nhận nơi Ngài. Trong Phúc Âm, khi Chúa Giêsu được quyền năng của Thần Khí thúc đẩy, Ngài đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng và thực thi tất cả những gì tiên tri Isaiah đã nói trước về Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hai giới răn quan trọng nhất của Kitô hữu
1.1/ Mến Chúa và yêu người: Bối cảnh lịch sử của việc liên kết hai giới răn này thành một được thuật lại trong Tân Ước khi một kinh sư đến hỏi Chúa Giêsu, “Thưa Thầy! trong các giới răn, giới răn nào quan trọng nhất?” Chúa Giêsu trả lời ông ta bằng cách nối kết hai giới răn đã có trong Cựu Ước: “Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)” (Đnl 6:5) và giới răn: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lev 19:18). Toàn thể Lề Luật đều có thể tóm lại trong hai giới răn này.
(1) Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta trước: Đây là sự thật mà tác giả đã nhấn mạnh hai ngày trước đây mà chúng ta đã phân tích và gọi là đức bác ái (agapan, charity). Trong đoạn văn hôm nay, tác giả cũng nhắc lại điều này: “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước.”
(2) Dấu chỉ chúng ta yêu thương Thiên Chúa là chúng ta giữ các giới răn của Người, và giới răn quan trọng nhất là giới răn “mến Chúa yêu người.”
1.2/ Ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối.
(1) Ghen ghét anh em là phản lại đức bác ái: Chúng ta đã đề cập đến những người theo chủ thuyết Gnosticism (Ngộ Đạo). Họ cho họ là thành phần ưu tuyển, biết được những kiến thức đặc biệt để giải thoát linh hồn ra khỏi thân xác. Cũng giống như những người theo Đạo Do Thái, họ coi họ là những thành phần ưu tuyển, được Thiên Chúa chọn lựa cách riêng làm Dân của Ngài. Khi coi họ là những thành phần ưu tuyển, họ cũng coi thường tất cả những người khác: không được cứu độ, sinh ra để làm nô lệ phục vụ họ.
Họ quên đi rằng: mọi người đều có phẩm giá con người và bình đẳng trước Thiên Chúa vì mọi người đều được sinh ra và bình đẳng trước Thiên Chúa. Nếu vì may mắn họ học được một số sự thật từ Thiên Chúa, họ phải biết trao những sự thật này cho những anh chị em kém may mắn hơn, chứ không ích kỷ giữ riêng cho mình và khinh thường những người kém may mắn đó. Thánh Phaolô là người có kinh nghiệm về việc này. Ngài cũng từng có những cảm nghĩ như thế trên đường đi Damascus để lùng bắt các Kitô hữu gỉai về Jerusalem để cầm tù và bị xét xử; nhưng Đức Kitô đã soi sáng cho người để thay đổi thái độ này. Khi đã trở lại, ngài đã nói rất nhiều câu cho chúng ta nghe về sự công bằng và yêu thương của Thiên Chúa dành cho mọi người: “Trong Chúa Kitô, tất cả là anh em, không còn là Do-thái hay Dân-ngoại, nô lệ hay tự do…” Đặc biệt là chương 13, bài ca đức bác ái trong Thư I Corintô: tất cả chúng ta là những chi thể của một thân thể là Đức Kitô; mỗi người chúng ta đều có một đặc sủng riêng để xây dựng nhiệm thể của Đức Kitô; tay không thể nói với chân, “Tao không cần mày”…
(2) Nếu chúng ta nói chúng ta yêu thương Thiên Chúa, mà lại không yêu thương anh chị em, chúng ta là kẻ nói dối và sự thật không có nơi chúng ta. Tác giả cho một lý do để chứng tỏ sự dối trá này: Chúng ta chưa bao giờ diện kiến Thiên Chúa, làm sao chúng ta có thể yêu mến Ngài? Trong khi anh chị em, những người chúng ta nhìn thấy hàng ngày mà không yêu mến họ! Vì thế, yêu mến anh chị em là thước đo tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa. Chúng ta không nói yêu anh chị em tự nó là dễ dàng, nhưng như thánh Gioan nói: nếu chúng ta để cho tình yêu Chúa ăn sâu và thấm nhập linh hồn, chúng ta có thể yêu mến anh chị em như Thiên Chúa đòi hỏi. Một điều tự nhiên khác giúp chúng ta thấu hiểu đòi hỏi này như tác giả gợi ý: Nếu chúng ta yêu thương Thiên Chúa, Cha của mọi người, chúng ta cũng yêu thương các anh chị em của chúng ta; như trong một gia đình, nếu chúng ta yêu thương người cha sinh ra chúng ta cũng yêu thương anh chị em do cha chúng ta sinh ra.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu đến để thực thi tất cả những gì tiên tri Isaiah đã nói trước về Ngài.
2.1/ Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng trong các hội đường.
Như chúng tôi đã nói nhiều lần, nhu cầu cần được giáo dục và soi sáng tâm linh khẩn thiết hơn là những nhu cầu về phần xác. Chúa Giêsu biết rõ điều này nên việc đầu tiên Ngài làm là vào các hội đường để gặp gỡ và rao giảng Tin Mừng cho dân chúng. Một khi đã thông thạo sự thật và đường lối, dân chúng sẽ biết làm những quyết định đúng và tránh được những hậu quả tai hại do những quyết định sai lầm mang lại.
2.2/ Chúa Giêsu chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng.
(1) Chúa Giêsu chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng: Tin Mừng Luca hôm nay cũng tường thuật chung những gì Chúa Giêsu đã làm để vơi đi những đau khổ của dân: “Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”
Sách Levi, 25:8-17, nói về Năm Hồng Ân này như sau: “8 (Các) ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm.9 Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, (các) ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, (các) ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi.10 Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình.11 Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa.12 Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng. 13 Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình.14 Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình.15 Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch.16 Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch.17 Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng (các) ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của (các) ngươi, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của (các) ngươi.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Ghen tị, ghen ghét là lý do gây ra bất công xáo trộn trong cuộc sống con người.
– Chúng ta có bổn phận phải thay thế nó bằng nền văn hoá yêu thương mà Chúa Giêsu đã truyền dạy.
– Cuộc sống nơi trần thế này chỉ tạm thời. Chúng ta đừng tích luỹ cách bất công những tài sản trần thế; nhưng biết khôn ngoan tích luỹ những tài sản thiêng liêng như công bình và bác ái cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau.