Thứ Ba, Tuần 22 TN

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Thu Ba Tuan 22 TN.mp3{/audio}

 

Thứ Ba, Tuần 22 TN, Năm lẻ  

Bài đọc: I Thes 5:1-6, 9-11; Lc 4:31-37.

 1/ Bài đọc I: 

1 Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em.2 Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm.3 Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.

4 Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em.

5 Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.

6 Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.

9 Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta,

10 Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người.

11 Vì thế, anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm.

 

2/ Phúc Âm:

                         

31 Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng.

32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.

33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng:

34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”

35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh.

36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!”

37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đoạn tuyệt với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

 

            Tội lỗi là một thực tại giam hãm và hủy diệt con người. Nhiều người ngày nay tuy sống trong tội lỗi, nhưng không còn nhận ra nguy hiểm nữa vì đã quá quen trong tội. Đức Kitô đến để nhắc nhở con người biết ý thức về tội lỗi và những nguy hiểm của tội lỗi gây ra. Ngài đến để hủy diệt tội lỗi và sự chết bằng cách chấp nhận cái chết trên Thập Giá, để thanh tẩy tội lỗi và mang lại cuộc sống trường sinh cho con người.

            Các Bài Đọc hôm nay nhắc nhở cho con người luôn biết ý thức về tội lỗi và phải biết luôn chuẩn bị cho ngày tận thế của mình. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu luôn biết chuẩn bị cho Ngày Chúa Đến, bằng cách chuẩn bị sẵn sàng và tỉnh thức. Cách chuẩn bị hay nhất là sống như hôm nay là ngày cuối đời của mình. Trong Phúc Âm, khi Chúa vào hội đường để giảng dạy, ma quỉ tuyên xưng Chúa là Đấng Thánh của Thiên Chúa, và ngăn ngừa Ngài đừng tiêu diệt chúng bằng việc dạy dỗ con người. Chúa thẳng thắn trục xuất chúng và dạy dỗ con người phải biết cẩn thận đề phòng để đừng làm nô lệ cho ma quỉ và tội lỗi.           

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Ngày của Chúa chắc chắn sẽ đến.

 

            1.1/ Phải chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến: Con người chỉ sống một thời gian trên trái đất này, và sau đó sẽ từ giã cuộc đời để về với Chúa. Ngày Tận Thế có thể là Ngày Phán Xét, nhưng đúng hơn, nó là ngày cuối cùng của chính đương sự.

            (1) Chúa đến vào thời gian con người không ngờ: Không ai biết được ngày cuối cùng của đời mình. Nhiều người nghĩ phải già, hay có bệnh nguy hiểm rồi mới chết; nhưng thực tế nhiều khi chứng minh ngược lại, nhiều người đã phải đau đớn thốt lên: “lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống, trời ơi hỡi trời!” Thánh Phaolô cũng viết thư khuyên các tín hữu Thessalonica: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tai hoạ sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.”

            (2) Phải luôn sẵn sàng chuẩn bị: Vì không ai biết trước ngày giờ tận thế, nên các tốt nhất là luôn chuẩn bị sẵn sàng. Hãy sống như hôm nay là ngày cuối đời của mình. Thánh Phaolô khuyên: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em.

Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối.”

 

            1.2/ Hãy luôn tỉnh thức và sống tiết độ: Làm thế nào để luôn chuẩn bị sẵn sàng? Các tín hữu Thessalonica chuẩn bị bằng cách không lo lắng làm việc chi hết, chỉ ngồi chờ ngày Chúa đến mà thôi. Thánh Phaolô đả kích cách chờ đợi này, ngài khuyên họ: “Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người.”

            Trước hết, phải năng nhắc cho nhau biết chuẩn bị cho ngày đó. Thứ hai, phải biết sống tiết độ: biết dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban cách khôn ngoan và chừng mực, tránh làm nô lệ cho bất kỳ một thói quen nào làm chúng ta lạc xa con đường cứu độ. Sau cùng, hãy luôn biết sống trong Đức Kitô: nghe lời Ngài dạy dỗ và bắt chước gương mẫu Ngài làm, sống kết hiệp với Ngài bằng cuộc sống cầu nguyện, và bằng ơn thánh Ngài ban qua các bí-tích, nhất là phép Thánh Thể.

 

2/ Phúc Âm: Hãy đoạn tuyệt với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

 

            2.1/ Chúa đến để khai trừ quyền lực ô uế ra khỏi con người: Trình thuật kể khi Chúa vào trong hội đường để giảng dạy, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: “Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Không lạ gì khi ma quỉ nhận ra Chúa Giêsu và tuyên xưng Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa,” vì ánh sáng và bóng tối luôn khai trừ nhau: chỗ nào có ánh sáng là không có bóng tối và ngược lại. Khi con người có Thiên Chúa, họ sẽ không có ma quỉ, quyền lực của bóng tối bị quyền lực của Thiên Chúa khai trừ. Ngược lại, khi một người để ma quỉ bố trí bao vây hết linh hồn, Lời Chúa khó mà thâm nhập vào linh hồn con người.

            Ngày nay, ma quỉ vẫn làm chủ con người và vẫn tìm cách để nuốt chửng ánh sáng. Khi nghe Lời Chúa và những lời giảng dạy của linh mục trong thánh đường, ma quỉ vẫn tìm mọi cách để những lời ấy đừng vào tâm hồn các người nghe. Dụ ngôn “Người gieo giống” là một điển hình cho điều này. Chúng cám dỗ con người bằng mọi cách: ngủ gật, chia trí nhìn người khác, để hồn chu du các nơi, ngay cả những vùng cấm địa. Ngoài ra, chúng còn dùng thủ đoạn để vạch lá tìm sâu nơi người rao giảng và ngay cả việc phê bình, chỉ trích, bôi lọ, để nhà rao giảng không còn can đảm để nói sự thật.

 

            2.2/ Chúa đến để dạy dỗ điều hay lẽ phải và thánh hóa con người: Con người có thể trở nên tốt lành bằng cách thực hiện hai điều sau:

            (1) Lắng nghe lời dạy dỗ của Đức Kitô: Một trong những điều quan trọng giam hãm con người trong tội lỗi là sự u mê, không nghĩ mình có bệnh. Khi con người có thái độ này, họ không nghĩ mình đang mang bệnh và không cần sự chỉ dạy của ai cả. Một người nghiện rượu không nghĩ mình say, anh chẳng cần phải sửa tính nghiện rượu.

            Để có thể chữa trị tội lỗi, con người cần nhận ra mình có tội. Để nhận ra tội, con người cần có thời gian học hỏi và suy niệm để Lời của Đức Kitô soi sáng, để con người có thể nhận ra tình trạng bệnh tật của mình. Ví dụ, khi Ngài nói: “Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa:” Con người cần tìm hiểu lý do tại sao Chúa nói như thế; nhất là nhìn vào cuộc đời của mình để xét xem, mình có bệnh tật đó hay không. Mình có đặt sự giầu có lên trên Thiên Chúa không? Mình có dùng thời giờ của Chúa ban để học hỏi Lời Chúa hay làm việc kiếm tiền để đếm cho sướng tay? Mình có dùng của dư giả để giúp người nghèo hay những nơi cần giúp, hay phung phí tiền của vào những nơi ăn chơi vô bổ? 

            (2) Lấy sức mạnh và ơn thánh của Đức Kitô để diệt trừ tội lỗi: Tội lỗi thấm nhập lâu ngày rất khó sửa trị, con người cần lấy sức mạnh của Lời Chúa và chính ơn thánh của Ngài ban qua các bí-tích. Ví dụ, khi Chúa nói với người thanh niên “hãy bán gia tài anh có và phân phát cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời.” Hãy tìm hiểu Lời Chúa xem “kho tàng trên trời” bao gồm những điều gì. Niềm hy vọng vào kho tàng trên trời sẽ giúp con người có sức mạnh để dám hy sinh kho tàng dưới đất. Ngoài ra, con người cần ơn thánh Chúa ban qua các bí-tích, vì sức con người không đủ để chống trả lại sức mạnh của ba thù là ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Vì thế, con người cần thường xuyên lãnh nhận bí-tích Thánh Thể và Giao Hòa, để những ơn thánh từ hai Bí-tích này giúp con người có sức mạnh vượt qua những cám dỗ của ba thù.

           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Tội lỗi làm con người trở thành nô lệ cho ma quỉ, và ngăn cản con người đạt tới ơn cứu độ. Chúng ta hãy tìm mọi cách để khử trừ tội lỗi.

            – Hãy học Kinh Thánh để Lời Chúa soi sáng chúng ta nhận ra tội lỗi, hãy áp dụng Lời Chúa trong cuộc sống và năng lãnh nhận bí-tich để có sức mạnh khử trừ tội lỗi.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content