Thứ Tư, Tuần 22 TN

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

{audio}LCHN/audio/Thu Tu Tuan 22 TN.mp3{/audio}

 

Thứ Tư, Tuần 22 TN, Năm lẻ 

Bài đọc: Col 1:1-8; Lc 4:38-44.

 1/ Bài đọc I: 

1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và anh Ti-mô-thê là người anh em,2 kính gửi dân thánh tại Cô-lô-xê, là những anh em tín hữu trong Đức Ki-tô. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban cho anh em ân sủng và bình an.3 Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, khi cầu nguyện cho anh em.4 Thật vậy, chúng tôi đã được nghe nói về lòng tin của anh em vào Đức Ki-tô Giê-su, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh;5 lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng6 đến với anh em; Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới như thế nào, thì nơi anh em cũng vậy, từ ngày anh em được nghe nói và nhận biết ân sủng của Thiên Chúa thực sự là gì.7 Anh em đã học hỏi điều này với anh Ê-páp-ra là người đồng sự yêu quý của chúng tôi và là người thay thế chúng tôi với tư cách là người phục vụ trung thành của Đức Ki-tô.8 Chính anh đã cho chúng tôi hay về lòng mến mà Thần Khí ban cho anh em. 

2/ Phúc Âm:                         

38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà.39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.43 Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.”44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê. 


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mỗi người cần đóng góp một tay cho việc rao giảng Tin Mừng.

             Có thể nói việc quan trọng nhất trong cuộc đời là làm sao cho mọi người có lòng tin yêu Thiên Chúa để họ có thể đạt được cuộc sống đời đời. Rao giảng Tin Mừng là điều thiết yếu để khơi dậy niềm tin yêu và hy vọng của con người vào Thiên Chúa. Nhưng một “cánh én không thể làm nên một mùa xuân,” một người không thể làm hết mọi sự, Thiên Chúa cần mọi người chung sức trong việc rao giảng Tin Mừng. Vì thế, bổn phận của tất cả tín hữu, sau khi đã lãnh nhận niềm tin yêu, là góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng bằng nhiều cách khác nhau, tùy khả năng như: rao giảng, cộng tác với các người rao giảng, cầu nguyện và giúp đỡ cho công cuộc truyền giáo, giúp các nhà rao giảng có sức khỏe để phục vụ Chúa cách đắc lực.

            Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc cộng tác giữa Thiên Chúa và con người trong việc làm cho Tin Mừng được lan rộng đến mọi nơi. Trong Bài Đọc I, Phaolô dẫn chứng Tin Mừng có hiệu lực vì đến từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng cộng tác với nhau trong việc khơi dậy và ban đức tin, cậy, mến cho con người. Ngoài ra, Thiên Chúa dùng con người để cộng tác vào việc tiếp tục rao truyền Tin Mừng. Phaolô có 2 cộng tác viên đắc lực trong việc rao giảng Tin Mừng là Timothy và Epaphras. Cộng đoàn Colossê có Epaphras, và chính họ cũng giúp đỡ lẫn nhau để củng cố và làm cho Tin Mừng được lan rộng. Trong Phúc Âm, Đức Kitô phải trở nên gương mẫu cho các nhà rao giảng Tin Mừng. Ngài không quản mệt nhọc rao giảng Tin Mừng trong các hội đường, chữa lành mọi vết thương hồn xác cho mọi người. Sau khi được chữa bệnh, bà nhạc của Phêrô đã mau mắn chỗi dậy phục vụ các sứ giả của Tin Mừng bằng cách chuẩn bị bữa ăn cho các ngài. Khi được yêu cầu để ở lại, Chúa Giêsu đã từ chối và tiếp tục lên đường. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Tin Mừng hiệu nghiệm là do sự cộng tác giữa Thiên Chúa và con người.

 

            1.1/ Tin Mừng có sức mạnh lan rộng vì đến từ Thiên Chúa.

            (1) Ân sủng của Chúa Cha: Tin Mừng trước tiên là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người: Ngài ban Đức Kitô cho con người, và tạo mọi cơ hội cho con người gặp gỡ Đức Kitô. Ngài gởi Thánh Thần đến để soi sáng và thúc đẩy con người tin vào Đức Kitô. Thánh Phaolô nhận ra hồng ân cao cả này và tạ ơn Thiên Chúa Cha cho các tín hữu: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban cho anh em ân sủng và bình an. Chúng tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, khi cầu nguyện cho anh em.”

            (2) Dạy dỗ bởi Đức Kitô: Đức Kitô đã thân hành xuống thế giảng dạy, và để lại những gì ngài giảng dạy qua các Tông-đồ, những người rao giảng Tin Mừng, và các Thánh-sử, những người ghi chép lại Tin Mừng.

            – Tin Mừng có sức mạnh tạo nên ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến nơi con người: “Thật vậy, chúng tôi đã được nghe nói về lòng tin của anh em vào Đức Giêsu Kitô, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh; lòng tin và lòng mến đó phát xuất từ niềm trông cậy dành cho anh em trên trời, niềm trông cậy anh em đã được nghe loan báo khi lời chân lý là Tin Mừng đến với anh em.”

            – Tin Mừng có sức mạnh lan rộng đến toàn cõi đất: “Tin Mừng này đang sinh hoa trái và lớn lên trên toàn thế giới như thế nào, thì nơi anh em cũng vậy, từ ngày anh em được nghe nói và nhận biết ân sủng của Thiên Chúa thực sự là gì.”

            (3) Soi sáng và thánh hóa bởi Thánh Thần: Nhiều lần thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Thần trong việc làm cho các tín hữu tin vào Tin Mừng khi ngài nói: Không ai có thể tin vào Đức Kitô và gọi Thiên Chúa là Cha, nếu không được Thánh Thần tác động. Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn ban các đặc sủng cho cả người rao giảng lẫn người nghe. Hơn nữa, nguyên việc có thể hiểu Tin Mừng là tác động của Thánh Thần. Trong trình thuật hôm nay, thánh Phaolô quy lòng mến các tín hữu có được là quà tặng của Chúa Thánh Thần.

 

            1.2/ Cần nhiều sứ giả cộng tác với nhau trong việc phục vụ Tin Mừng: Thiên Chúa, Đấng có thể làm tất cả, chọn con người cộng tác với Ngài trong việc loan truyền Tin Mừng. Con người phải cộng tác với Thiên Chúa và cộng tác với nhau trong việc làm cho Tin Mừng lan rộng đến mọi người và mọi nơi. Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn ngủi, Phaolô cho thấy sự cần thiết của việc cộng tác giữa người và người:

            (1) Phaolô có Timothy, người anh em luôn cộng tác đắc lực với ngài.

            (2) Cộng đoàn Colossê có Epaphras, người đồng sự yêu quý của Phaolô và là người thay thế Phaolô với tư cách là người phục vụ trung thành của Đức Kitô.

            (3) Các người trong cộng đoàn Colossê cộng tác với nhau.

 

2/ Phúc Âm: Đức Kitô nhiệt thành rao truyền Tin Mừng mọi nơi.

 

            2.1/ Đức Kitô chữa lành mọi vết thương hồn xác cho con người.

            (1) Chữa lành bà nhạc Phêrô: là do sự cộng tác của nhiều người: Phêrô, các bạn của Phêrô, Đức Kitô: “Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simon. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà.” Bà nhạc của Phêrô trở thành người phục vụ Tin Mừng sau khi được chữa lành: “Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.”

            (2) Chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền: “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.”

Sứ vụ của Đức Kitô ngoài việc rao giảng Tin Mừng là diệt trừ ảnh hưởng của quỉ thần trên con người. Trong Tin Mừng, nhiều lần Ngài đã khử trừ chúng ra khỏi con người. Trong trình thuật hôm nay, trước khi quỉ xuất khỏi nhiều người, chúng la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Kitô.

 

            2.2/ Tin Mừng cần được rao giảng mọi nơi: Khuynh hướng an toàn của con người là muốn giữ nhà rao giảng và chữa bệnh ở lại với mình, để sinh lợi ích cho cá nhân hay cho cộng đồng của họ. Vì thế, họ đi tìm Người; và khi đã tìm thấy Người, họ muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.” Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người đi rao giảng trong các hội đường miền Judah. Đây phải là bài học quan trọng cho mọi người.

            – Nhà rao giảng phải tiếp tục lên đường, tiếp tục cho đi cho tới khi hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao. Nhà rao giảng không được phép ở lại một chỗ để tìm sự an toàn cho chính mình, đang khi con người đang khao khát được nghe Tin Mừng.

            – Các tín hữu cần nhớ Tin Mừng cần được rao giảng cho mọi người và mọi nơi. Họ không thể ích kỷ chỉ biết giữ cho mình, vì giữ lại là sẽ mất. Họ phải tìm cách khích lệ và làm nhà rao giảng an tâm để tiếp tục lên đường, phần họ sẽ ở lại để củng cố và rao giảng Tin Mừng.

           

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

 

            – Bổn phận quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta là cộng tác với Thiên Chúa trong việc loan truyền Tin Mừng cho mọi người, sao cho tất cả đều được hưởng ơn cứu độ.

            – Chúng ta có thể đóng góp vào công cuộc rao giảng Tin Mừng bằng nhiều cách: trực tiếp như rao giảng Phúc Âm, dạy học, viết bài, dạy giáo lý … gián tiếp như đóng góp thời gian, tiền của, tài năng, công sức để giúp cơ hội cho những nhà rao giảng Tin Mừng.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content