Thứ Ba, Tuần II MC2

Xin Nhấn vào đây để nghe Bài Giảng hoặc tải xuống

 

Thứ Ba, Tuần II MC

 

Bài đọc: Isa 1:10, 16-20; Mt 23:1-12.

 

1/ Bài đọc I:

 

10 Hỡi những kẻ làm đầu Xơ-đôm, hãy nghe lời ĐỨC CHÚA phán.
Hỡi dân Gô-mô-ra, hãy lắng tai nghe Thiên Chúa chúng ta dạy bảo.

16 Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết,
và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa.

17 Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình,
sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.

18 ĐỨC CHÚA phán: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận!
Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết;
có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.

19 Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ.

20 Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghịch, các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo.”
Miệng ĐỨC CHÚA đã phán như vậy.

 

2/ Phúc Âm:

 

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:

2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.

3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.

4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.

5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.

6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,

7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.

9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.

10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.

11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.

12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.


 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thực hành đức tin.

 

Chúng ta thường phán xét con người theo những gì chúng ta thấy bên ngòai, vì chúng ta không thấy được những gì trong tâm hồn họ. Vì thế, chúng ta rất dễ sai lầm trong việc phán đóan và chọn lựa. Đến khi chúng ta phát giác ra đó không phải là con người thật của họ, nhiều lần chúng ta đã phải đau đớn thốt lên: “Thật! không thể nào ngờ được!” Hay, “bề ngòai thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm một bồ dao găm.”

Thiên Chúa phán xét rất khác chúng ta, vì Ngài thấu suốt những gì đang xảy ra trong tâm hồn. Điều nguy hiểm cho chúng ta là vì quá quen với sự phán đóan bên ngòai, nên chúng ta cũng “quen thói đóng kịch” khi đến với Thiên Chúa; và vì thế, chúng ta bị lên án nặng nề.

Các Bài Đọc hôm nay đề phòng chúng ta khỏi những thói quen nguy hiểm này. Trong Bài Đọc I, tiên tri Isaiah kêu gọi các nhà lãnh đạo của Israel hãy vứt bỏ các tội ác khi đến cầu xin với Thiên Chúa. Nếu muốn Ngài nhận lời cầu xin và chúc phúc, họ phải ăn năn xám hối và thực thi công bình. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khiển trách thái độ giả hình và kiêu ngạo của các kinh-sư và Biệt-phái. Ngài đề phòng các tông đồ đừng bắt chước những hành động của họ và dạy dỗ các ông chú ý đến thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ bên trong.

 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

 

1/ Bài đọc I: Hãy sống thành thật và thực thi công bình.

1.1/ Phải thay đổi cuộc sống: Như đã nói nhiều lần, giao ước của Thiên Chúa với Israel là giao ước có điều kiện. Ngài sẽ bảo vệ dân nếu họ tuân giữ Lề Luật; nếu họ bất tuân không giữ, Ngài sẽ để họ làm mồi cho quân dữ. Các tiên-tri được Thiên Chúa gởi đến để nhắc nhở dân biết xét mình và ăn năn trở lại. Tiên-tri Isaiah đưa ra 3 điểm chính:

(1) Trút bỏ tội ác: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa.” Hai tội chính được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bởi các tiên-tri: giả hình khi đến với Thiên Chúa và bất công xã hội.

(2) Xưng thú tội lỗi: Đức Chúa phán: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” Thiên Chúa không chấp tội con người, nhưng sẵn sàng tha thứ khi con người nhận ra tội lỗi của mình và xám hối; không có tội gì là không thể tha thứ đối với Ngài.

(3) Tập làm điều thiện: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.” Thiên Chúa bênh vực người cô thân cô thế vì những người này ít khi được bảo vệ bởi xã hội. Những người có quyền thế là những người dễ bị mua chuộc và đối xử bất công với những hạng người này.

 

1.2/ Hậu quả của hành động: Sống thế nào, phải chịu kết quả như vậy. Tiên-tri Isaiah chỉ nhắc lại những gì Thiên Chúa hứa khi làm giao ước với Moses, bằng cụm từ khác: “Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ. Còn nếu các ngươi từ chối mà phản nghịch, các ngươi sẽ phải ăn gươm ăn giáo.” Nói cách khác, nếu họ vâng lời Thiên Chúa và thực thi công bằng, họ sẽ có hòa bình, đất đai sẽ sinh hoa quả để nuôi dưỡng họ; nếu họ bất tuân, chiến tranh sẽ xảy ra: ngọai xâm hay nội chiến, lúc đó họ sẽ chết vì gươm giáo hay phải lưu đày xa quê hương.

2/ Phúc Âm: Tri hành đồng nhất

2.1/ Người đóng kịch: Tài tử nổi tiếng là người nói hay và diễn xuất giỏi, làm sao để sống như nhân vật trong vở kịch; mặc dù biết đó không phải là con người thật của mình. Ví dụ: người nghệ sĩ có gia đình phải đóng vai linh mục hay thầy tu. Người diễn xuất:

(1) Phải giả vờ, không được sống thật: Họ không được nói những gì họ muốn nói; nhưng phải nói những gì đạo diễn muốn họ nói: nhiều khi muốn nói có nhưng phải nói không, hay ngược lại. Ngòai ra, còn phải diễn xuất sao cho đúng tâm tình của vai họ thủ: đang buồn cũng phải giả vui, hay đang vui cũng phải giả khóc. Họ chỉ có thể sống thật với con người của mình sau khi cánh màn nhung khép lại.

Đức Giêsu nhận ra tính kịch sĩ nơi những người Biệt-phái và Kinh-sư khi họ ăn chay, cầu nguyện, và làm phúc bố thí; nên Ngài đã dạy các môn đệ cách làm những việc lành này cho đúng, mà chúng ta đã nghe trong ngày Thứ Tư Lễ Tro. Hôm nay, Chúa Giêsu đề phòng các môn đệ về tài giảng dạy của họ: “Các Kinh-sư và các người Pharisees ngồi trên toà ông Moses mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.”

(2) Phải hóa trang, không được mang những gì mình thích: Những người đóng kịch sợ người ta biết bộ mặt thật của mình, nên phải đeo mặt nạ; hay phải hóa trang kỹ lưỡng để người xem khỏi nhận ra. Điều nguy hiểm cho những người này là nguy cơ bị tha hóa: đeo mặt nạ riết rồi tưởng là mặt thật của mình, hóa trang đóng kịch mãi rồi thành thói quen. Khi phải trở về sống ở đời thực, họ cũng vẫn đóng kịch như đang trên sân khấu vậy. Chúng ta có thể nhận ra tính thay vợ đổi chồng như thay áo của một số các nghệ sĩ.

Các Biệt-phái và Kinh-sư cũng hành động như các nghệ sĩ. Lề Luật khuyến khích họ phải ăn mặc theo lễ nghi mỗi khi lên Đền Thờ cầu nguyện. Mặc lễ phục mãi rồi trở thành thói quen. Họ nghĩ rằng cứ phải đeo những hộp kinh thật lớn trước trán và mang những tua áo thật dài mới có thể cầu nguyện, hay là thành người đạo đức thánh thiện. Họ quên rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu;” và Thiên Chúa muốn họ có tâm hồn ngay thẳng khi cầu nguyện.

1.2/ Sống thật với con người của mình:

(1) Sống khiêm nhường: Con người thích quyền bính, danh vọng, và được phục vụ như các Kinh-sư và Biệt-phái: “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “Rabbi”.” Người môn đệ Chúa Giêsu được kêu gọi để làm ngược lại: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

(2) Biết Thiên Chúa, biết mình, và biết người: Nói một cách tuyệt đối, chỉ có Thiên Chúa mới xứng đáng được gọi là Thầy, Cha, hay Vị Lãnh Đạo. Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng chọn và trao trách nhiệm cho mỗi người: cha mẹ, thầy dạy, người lãnh đạo, tiên tri, tư tế … như chúng ta thấy trong Kinh Thánh. Chính Chúa Giêsu, tuy là Thiên Chúa, cũng chọn để gọi Thánh Giuse và Đức Mẹ là cha mẹ mình. Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là thái độ khiêm nhường và tinh thần phục vụ khi thi hành bổn phận, chứ không được kiêu ngạo, chú trọng đến danh xưng, và lợi dụng quyền hành.

 

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Chúng ta phải sống thành thật với Thiên Chúa, vì chúng ta không thể giấu Ngài bất cứ điều gì. Chúng ta cũng phải sống công bằng và thành thật với nhau, vì không ai muốn bị người khác đánh lừa, và đó cũng là tiêu chuẩn để Thiên Chúa ban ơn và chúc phúc.

– Giáo dục rất cần thiết để trẻ em biết sống thật. Đừng bao giờ dạy dỗ con cái đóng kịch để đánh lừa người khác, vì rất dễ thành thói quen.

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
{loadposition user11}

Skip to content